Đọc lại bài thơ "Xuân đã về" của Sóng Hồng (*)

03:03, 26/03/2014

Lãnh tụ của Đảng, của dân tộc Nguyễn Ái Quốc đổi tên thành Hồ Chí Minh, sang Trung Quốc để vận động Đảng Cộng sản Trung Quốc ủng hộ và giúp đỡ cho thế và lực của cách mạng Việt Nam; trên đường đi Người bị bọn quân phiệt Quốc dân Đảng Trung Quốc bắt giam từ ngày 29/8/1942 đến ngày 10/9/1943. 

Lãnh tụ của Đảng, của dân tộc Nguyễn Ái Quốc đổi tên thành Hồ Chí Minh, sang Trung Quốc để vận động Đảng Cộng sản Trung Quốc ủng hộ và giúp đỡ cho thế và lực của cách mạng Việt Nam; trên đường đi Người bị bọn quân phiệt Quốc dân Đảng Trung Quốc bắt giam từ ngày 29/8/1942 đến ngày 10/9/1943. Năm 1943 quỹ của Đảng ta do đồng chí Sao Đỏ (Nguyễn Lương Bằng) giữ, chỉ còn vỏn vẹn ba chục đồng bạc Đông Dương.
 
Họa sỹ tương lai - Ảnh: PVE
Họa sỹ tương lai - Ảnh: PVE
 
Trong hoàn cảnh như vậy, năm 1943, vẫn vang lên tiếng ca xuân trong trẻo, dịu dàng, thú vị của nhà thơ Sóng Hồng:
 
Xuân đã về
Sáng nay xuân đã về
Gieo mầm non, hoa thắm khắp sơn khê
Và thổi gió ấm vào tâm hồn chiến sĩ
Vì nhân quần nên chiến đấu say mê!
Hỡi chiến sĩ!
Hãy tạm dừng gót giang hồ
Cho nàng xuân phủi tuyết sương trên áo
Và dâng cả một bầu trời tạnh ráo
Rất đậm hương và tràn ngập ý thơ!
A! Tiếng cười trong như phê lê!
 
Cơ sở hiện thực nào, động lực nào đã khiến: bay lên từ ngọn bút của thi sĩ cách mạng Sóng Hồng một chủ nghĩa lạc quan lịch sử như thế?
 
Ấy chính là thời cơ cách mạng đã đến trong nửa đầu những năm 40 của thế kỷ XX, khi mà dân tộc Việt Nam sẵn sàng vùng lên lật đổ chế độ thuộc địa; kẻ thù của dân tộc Việt Nam không thể cai trị theo cách cũ được nữa; Đảng ta đã tích lũy đầy đủ sức mạnh và quyết tâm lãnh đạo dân tộc Việt Nam làm cách mạng.
 
Nắm bắt chắc chắn thời cơ cách mạng đó, ngày 8/2/1941 lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ Trung Quốc về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tháng 5/1941 Người chủ trì Hội nghị Trung ương 8 của Đảng tại Pác Bó (Cao Bằng) quyết định đường lối, chính sách cứu nước mới, nêu cao khẩu hiệu giải phóng dân tộc, thành lập Việt Nam độc lập đồng minh hội (Mặt trận Việt Minh). Ngày 6/6/1941 lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ra hiệu triệu "Kính cáo đồng bào":
 
"Hỡi các bậc phụ huynh!
Hỡi các hiền nhân, chí sĩ!
Hỡi các bạn sĩ, nông, công, thương, binh”
 
Pháp đã mất nước cho Đức. Thế lực của chúng ở ta đã điêu tàn, song đối với chúng ta, chúng tăng sưu tăng thuế để vơ vét tài sản, chúng khủng bố trắng để giết hại nhân dân. Đối với ngoài, chúng quỳ gối chắp tay đầu hàng Nhật Bản. Dân ta một cổ hai tròng: đã làm trâu ngựa cho Tây, lại làm nô lệ cho Nhật.
 
Trước tình cảnh đau đớn, xót xa ấy, ta có chịu khoanh tay chờ chết không?
 
Không, quyết không! Hơn 20 triệu con Lạc cháu Hồng quyết không chịu làm vong quốc nô mãi!".
 
"Trong lúc quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy, chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sâu lửa nóng!
 
Hỡi đồng bào yêu quý! Việc cứu quốc là việc chung, ai là người Việt Nam đều phải gánh vác một phần trách nhiệm; người có tiền góp tiền, người có của góp của, người có sức góp sức, người có tài năng góp tài năng. Riêng phần tôi, xin đem hết tâm lực đi cùng các bạn, vì đồng bào mưu giành tự do, độc lập, dầu phải hy sinh tính mệnh cũng không nề.
 
Hỡi các chiến sĩ cách mệnh! Giờ giải phóng đã đến! Hãy phất cao cờ độc lập, lãnh đạo toàn dân đánh tan thù chung! Tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đương vang dội bên tai các đồng chí! Máu nóng của các bậc anh hùng đương sục sôi trong lòng các đồng chí! Chí phấn đấu của quốc dân đương chờ đợi sự lãnh đạo của các đồng chí!
 
Chúng ta hãy tiến lên! Toàn thể đồng bào hãy tiến lên!
Đoàn kết thống nhất đánh đuổi Pháp, Nhật
Việt Nam cách mệnh thành công muôn năm!
Thế giới cách mệnh thành công muôn năm!".
 
"Kính cáo đồng bào" của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc với lời văn trong sáng, vừa thiết tha tình cảm, vừa mạnh mẽ, thúc giục, "đã gây một tác động lớn trong đồng bào và các đồng chí ta từ Bắc chí Nam" (1).
 
Những sự kiện lịch sử lớn nói trên là bệ phóng cho bài thơ "Xuân đã về" cho ý tưởng thơ bay lên khỏi sự ngột ngạt, xấu xa, tàn bạo của cái xã hội thuộc địa dưới sự cai trị của phát xít Nhật và thực dân Pháp.
 
Xuân đã về như cây đũa thần "gieo mầm non, hoa thắm khắp sơn khê"; tâm hồn các chiến sĩ cách mạng rộng mở đón gió xuân ấm áp; họ "tạm dừng gót giang hồ" để "nàng xuân" trìu mến "phủi tuyết sương trên áo" và hào phóng "dâng cả một bầu trời tạnh ráo, rất đậm hương và tràn ngập ý thơ". Ba liên từ "và" trong bài thơ ngắn này giúp thi sĩ dồn dập mô tả sự thay đổi của thiên nhiên cũng như những ban tặng của mùa xuân dành cho những chiến sĩ cách mạng "vì nhân quần nên chiến đấu say mê". Hai tiếng "giang hồ" mà các nhà thơ mới hay dùng, như "gái giang hồ" (phụ nữ "bán hoa"), giang hồ trong tâm hồn không tìm ra lối thoát, giang hồ từ căn gác trọ này sang căn gác trọ khác của khách giang hồ "tóc lộng tơi bời gió bốn phương", thì thi sĩ cách mạng Sóng Hồng cũng không né tránh: tác giả "Xuân đã về" thay máu, thay ta đổi thịt cho hai tiếng "giang hồ", rằng giang hồ là hoạt động cách mạng trên đất nước Việt Nam trong sự đùm bọc, che chở của dân, "vì nhân quần nên chiến đấu say mê". Hai tiếng "giang hồ" trở thành điểm nhấn của bài thơ:
 
Hỡi chiến sĩ!
Hãy tạm dừng gót giang hồ
Cho nàng xuân phủi tuyết sương trên áo
Và dâng cả một bầu trời tạnh ráo
Rất đậm hương và tràn ngập ý thơ!
A! Những tiếng cười trong như pha lê!
 
Còn nhớ, năm 1939 Tố Hữu đã viết bài thơ "Ý xuân":
 
Xuân bước nhẹ trên nhành non lá mới
Bạn đời ơi, vui chút với trời hồng!
 
Hết lạnh rồi, gió bấc với mưa đông
Đây nắng tới với chim ca lanh lảnh
Thì vui chút cho hồn thêm nhựa mạnh
Gân thêm săn và máu hận thêm nồng!
Đời lạt mùi và đau đớn bất công
Là để việc cho thời xuân sức khỏe,
Kiêu hãnh chút, bạn đời ơi, tuổi trẻ
Say tương lai là tuổi trẻ anh hùng!
Đứng lên đi, xây dựng cuộc đời chung
Nắm tay sắt quyết đồng tâm lật đổ
Cả chế độ hung tàn gây thống khổ
Và tị hiềm, và gian dối, điêu vong!
Đứng lên đi, hỡi tuổi trẻ xung phong
Sóng cách mạng đang gầm vang thế giới!
 
Xuân bước nhẹ trên nhành non lá mới
Bạn đời ơi, vui lắm, cả trời hồng!
Xuân 1939
 
Nhà thơ Sóng Hồng và nhà thơ Tố Hữu thuộc loại những nghệ sĩ - dấn thân (artisterengagés) trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
 
Bạn đọc hãy còn nhớ, năm 1937 tập thơ "Điêu tàn" đã đột ngột xuất hiện ra giữa làng thơ Việt Nam như một niềm kinh dị" (2). Trong tập thơ này có bài thơ "Xuân"
 
Tôi có chờ đâu, có đợi đâu;
Đem chi xuân lại gợi thêm sầu?
- Với tôi tất cả như vô nghĩa,
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau!
 
Ai đâu trở lại mùa thu trước,
Nhặt lấy cho tôi những lá vàng?
Với của hoa tươi muôn cánh rã,
Về đây, đem chắn nẻo xuân sang!
 
Ai biết hồn tôi say mộng ảo
Ý thu góp lại cản tình xuân?
Có một người nghèo không biết tết
Mang lì chiếc áo độ thu tàn!
 
Có đứa trẻ thơ không biết khóc
Vô tình bỗng nổi tiếng cườn ran!
Chao ôi! mong nhớ! ôi mong nhớ.
Một cánh chim thu lạc cuối ngàn.
 
Dẫn ra bài thơ "Xuân" ở đây, tôi không có ý định phê bình tác giả bài thơ ấy là "không đau mà rên" (vô bệnh thân ngâm). Tôi đồng cảm với Hoài Thanh và Hoài Chân, rằng tác giả của tập thơ "Điêu tàn" "đã để trong tiếng kêu của mình, một lòng tin đau đớn" (3). Nói giản dị và dễ hiểu hơn là, tác giả này không thể "tồn tại trong hòa bình" với chế độ thuộc địa của Pháp ở nước ta lúc bấy giờ. Bởi vậy, tác giả này đã viết:
 
Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh,
Một vì sao trơ trọi cuối trời xa!
Để nơi ấy tháng ngày tôi lẩn tránh
Những ưu phiền, đau khổ với buồn lo
(Những sợi tơ lòng).
 
Chính nhà thơ đó sau này đã trả lời một người bạn ở Nước Cộng hòa Dân chủ Đức:
 
"Trước giải phóng [Cách mạng tháng Tám] 1945, quan trọng nhất với tôi là các vấn đề siêu hình (métaphysique). Lần lượt yêu Bible (Kinh thánh) (Catholique, protestante, adventiste) (4) - rồi Phật (Bouddisme). Nhưng pas d'issue (5), không tìm ra lối thoát".
 
Trong những năm 60 của thế kỷ trước, ông viết các dòng thơ:
 
"Tôi đến Nha Trang ngắm trời biển đẹp
Có hay đâu hang Pác Bó gió lùa,
Giường lãnh tụ là hai hàng đá ghép,
Manh áo chàm Bác mặc quá đơn sơ".
[...]
"Chớ bao giờ quên nỗi chua cay của một thời thơ ấy,
Tổ quốc trong lòng ta mà có cũng như không,
Nhân dân ở quanh ta mà chẳng thấy,
Thơ xuôi tay như nước chảy xuôi dòng"
(Người (6) thay đổi đời tôi, Người thay đổi đời tôi).
 
Đó là các dòng thơ có tính chất sám hối của nhà thơ này.
 
Ông đã tự nguyện đứng vào hàng ngũ những nghệ sĩ - dấn thân trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc và vì chủ nghĩa xã hội.
 
Đến đây, thật đúng lúc ghi lại lời tâm sự của nhà thơ Sóng Hồng trong "Cùng bạn đọc" in ở tập 1 Sóng Hồng, "Thơ", tại đó hiện hữu bài thơ "Xuân đã về":
 
"Thơ và cách mạng không thể tách rời". "Thơ không chỉ nói lên tình cảm riêng của nhà thơ, mà nhiều khi thông qua tình cảm riêng đó nói lên niềm hy vọng của cả một dân tộc, những mơ ước của nhân dân, vẽ nên những nhịp đập của trái tim quần chúng và xu thế chung của lịch sử loài người".
 
Đà Lạt, 3/2014
 
LÊ CHÍ DŨNG
 
(*) Sóng Hồng là bút hiệu của Trường Chinh - Tổng Bí thư của Đảng từ 5/1941 đến 1956 và từ 7/1986 đến 12/1986.
 
(1) Võ Nguyên Giáp, "Từ nhân dân mà ra", Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1969, tr.40.
 
(2) Hoài Thanh và Hoài Chân, "Thi nhân Việt Nam", Nguyễn Đức Phiên xuất bản, Hà Nội 1942, Nhà xuất Bản Văn học và Hội Nghiên cứu và Giảng dạy TP HCM tái bản 1988, tr.201.
 
(3) Hoài Thanh và Hoài Chân, sách đã dẫn, tr.199
 
(4) Catholique: Cơ đốc giáo; protestante: Tin lành; adventiste: giáo phái tái giáng sinh.
 
(5) Không lối thoát.
 
(6) Người: Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong bài trả lời người bạn ở Nước Cộng hòa Dân chủ Đức, tác giả dịch "Người thay đổi đời tôi, Người thay đổi thơ tôi" sang tiếng Pháp là "H a changé ma vie, changé ma poésie".