Hạnh phúc thì thầm

02:10, 13/10/2010

Cao nguyên đêm trở gió. Không một bóng người, những ngọn đèn đường từ thị trấn Di Linh dẫn vào Khu Điều Trị Phong vẫn an nhiên tỏa sáng.

Cao nguyên đêm trở gió. Không một bóng người, những ngọn đèn đường từ thị trấn Di Linh dẫn vào Khu Điều Trị Phong vẫn an nhiên tỏa sáng. Trong bệnh xá mới xây và những căn nhà gỗ kiểu Pháp lai Thượng, bệnh nhân đang yên giấc. Xơ Mậu thu mình trong chiếc áo khoác, lủi thủi thả bộ một vòng theo thói quen.

Chớp mắt một đời người. Bốn mươi năm đã trôi qua, bốn mươi năm gắn bó với gia đình “Làng Cùi” này, và những số phận kém may mắn đã gọi bà là mẹ. Mười hai tuổi đầu từ biệt làng quê Hải Hậu, Nam Định theo gia đình vào Sài Gòn, hai mươi bảy tuổi lên đây, và bây giờ, cái tuổi cổ lai hy ập đến… Ai có thể lập trình cho cuộc đời? Bước ngoặt hình như là ngẫu nhiên, còn gắn bó với mỗi chặng đường lại do ở nơi mình.

Bà sẽ như thế nào, nếu như ngày ấy không ngẫu hứng theo bạn vào Bệnh Viện Nhi Đồng thăm đứa bé nằm viện? Bệnh nhân la liệt, mở to cặp mắt ngây thơ đau đớn nhìn, chúng kêu như ri, có đứa khóc thét, rẫy đành đạch trên tay mẹ. Trên đời này sao lắm bệnh, lắm người bệnh thế? Tốt nghiệp phổ thông trung học, cô vào dòng Nữ Tu Vinh Sơn, học y tá, năm 1968 tốt nghiệp thì được phân công lên Làng Cùi Di Linh (Lâm Đồng), để rồi gắn bó với mảnh đất này suốt đời.

Đêm đầu tiên đặt chân lên đây, Chúa đã thử thách bà.

Một bệnh nhân trở dạ. Sao? Đã cùi còn đẻ ư? Họ cũng đã từng là vợ là chồng, có gia đình yên ấm, hạnh phúc, chẳng may mắc phải căn bệnh quái ác này. Mí mắt sụp xuống, hốc mũi trơ ra, nhớt rãi ròng ròng, bàn tay cụt ngón, chân mất nửa bàn… Trước cái nhìn ghê hãi, ghẻ lạnh, xua đuổi của xóm giềng, gia đình đứt ruột đem đi, dấu biệt vào đây, để khỏi bị bè chuối trôi sông, lấp hố đổ vôi, hay bỏ vào rừng sâu mặc cho chết đói, hổ vồ… Có người được chữa trị khỏi, quay về cố hương vẫn bị hất hủi, “biết đâu đấy!”, ngay cả người thân còn nhìn bằng ánh mắt nghi ngờ, thì chỉ còn cách trở lại làng cùi. Những người vợ mất chồng, những người chồng ly vợ đến đây đồng cảm, nương tựa nhau thành mái ấm. Họ vẫn khao khát sống, khao khát hạnh phúc trong vô vọng.

Gần đây có bệnh viện, nhà hộ sinh nào không? Lấy đâu ra. Làng Cùi là một ốc đảo giữa chốn rừng sâu núi thẳm, ma thiêng nước độc, chỉ có chim kêu vượn hú, voi rống hổ gầm, người đời sợ hãi “tránh xa như tránh hủi”. Về phía người bệnh, không thắng nổi mặc cảm, lại tự giam mình tách khỏi cộng đồng để được yên thân. Nếu đưa đến bệnh viện, nhà hộ sinh thì nhân viên y tế cũng lắc đầu quầy quậy, đuổi như đuổi tà.

Xơ Mậu xách vội cái đèn cóc, hấp tấp chạy đến nhà sản phụ. Trời mưa như trút, đường trơn nhầy nhụa, ngã sấp ngã ngửa, đèn cóc văng khỏi tay, lăn lông lốc tắt ngấm,  phải châm đi châm lại nhiều lần. Vừa chui được vào túp lều lụp xụp, tối tăm, thì… ối, một cảnh tượng kinh hoàng.

Sản phụ người K’ho nằm tênh hênh trên nền đất ẩm, la hét, giẫy giụa, hai tay giang ra bám lấy chân giường. Bà mở to mắt nhìn cầu cứu, hổn hển kiệt sức sau một đợt rên la. Cái gì thế này? Một đống đen sì dưới háng, lùng nhùng, nhớp nhúa. Trời! Đứa bé đã thò ra nửa đầu, mỗi cái rặn của sản phụ dạ con lại sa xuống, thòi cả ra ngoài. Không kịp suy nghĩ, tay trái xơ ấn cổ dạ con vào, tay phải kéo đầu đứa bé ra. Hì hục mãi, cuối cùng sản phụ nhìn bà đỡ, dồn hết sức rặn một lần nữa như có ý hợp tác. Phựt! Có cái gì từ tay sản phụ đang bám lấy chân giường bật vào môi xơ Mậu. Cô nhặt lên: Một đốt ngón tay cùi! Tiếng khóc chào đời của bé gái, trận cười của đám đông bu quanh, cùng niềm vui bất ngờ đã dập tắt nỗi sợ hãi.

Chắc xơ Mậu sẽ bớt lúng túng, trầy trật nếu được đi thực tập y tá ở Bệnh Viện Từ Dũ như một số đồng nghiệp khác. Đằng này nhóm cô thực tập ở nhà thương Tây, nó không cho mó tay vào sản phụ, chỉ đứng nhìn. Sau ca đẻ ấy, xơ xin quay về Từ Dũ học thêm.

Tính đến nay, hàng trăm đứa trẻ ra đời trên tay bà. Chúng không bị di truyền, lây bệnh bố mẹ. Đến tuổi đi học, bà đưa chúng vào trường. Nói sao cho hết niềm vui của bà khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt ra chỉ thị từ nay các bệnh viện không được từ chối bệnh nhân cùi, và trường học phải tiếp nhận con em họ, những cháu không có bệnh, hoặc mắc bệnh nhưng đã được chữa trị. Tránh định kiến đâu phải ngày một ngày hai, bà dẫn con em Làng Cùi đến trường gửi gắm thầy cô, lặng lẽ đứng ngoài hàng rào nhìn chúng lủi thủi một mình, hoặc tách riêng thành một nhóm chơi với nhau. Cảnh ấy đỡ đi phần nào khi học sinh hiểu biết nhiều hơn về căn bệnh xã hội này. Như xơ đây, bốn mươi năm làm mẹ, chung sống một nhà, chăm sóc bệnh nhân, trực tiếp rửa ráy vết thương, bông băng cho họ, có sao đâu. Nhiều con em Làng Cùi này thành kỹ sư bác sĩ, có đứa lại trở về công tác như K’Điểu, K’Quang chẳng hạn…

Bé gái ra đời đêm hôm ấy nhận xơ Mậu làm mẹ đỡ đầu, “mè Mậu” (mè, tiếng K’ho là mẹ) đặt tên nó là Ka Thi, tên dòng suối trong xanh chảy qua làng. Bệnh cùi khó lây và không di truyền. Ka Thi càng lớn càng xinh, lại hơi hơi giống xơ Mậu, nếu không có nước da ngăm ngăm thì chẳng khác nào mẹ con ruột. Dáng cao mảnh mai, đôi mắt to đen hiền hòa, mũi thanh tú, duy vành môi là hơi rộng, không chúm chím e dè, có người lại bảo thế mới đẹp. Chân bước đi như múa, như có nhạc, thấy chim ca hoa nở... Một lần tan trường, bạn trai ngoài thị trấn theo về, hôm sau Ka Thi buồn buồn nói với xơ Mậu:

-    Mè! Sao không bỏ cái biển ở đầu làng đi?

Xơ Mậu ôm lấy con, mắt ngấn nước. Dân quanh vùng đã mấy lần nhổ cái biển “Trại Phong” chỉ vì nó làm hạ giá nông phẩm của họ. Các cô gái mới lớn đưa bạn trai về nhà thường phải đi vòng, tắt qua rừng, hoặc đi thật sớm, về thật muộn để không ai biết mình là dân Làng Cùi. Tội nghiệp.

-    Mè sẽ làm cái biển nhỏ hơn một chút.

Xơ Mậu an ủi. Hai mẹ con ôm nhau lâu lắm, đến nỗi Ka Thi ngủ thiếp. Tái hòa nhập cộng đồng của những người lành bệnh cũng như con em họ quả là khó. Khó hơn điều trị nhiều. Chỉ hai năm uống thuốc đều đặn theo phác đồ OMS là tiệt nọc, vi trùng Hansen sạch bong, bệnh nhân khỏi hẳn, sống thọ là khác. Xơ Mậu lo tang cho bao nhiêu ông già bà cả trong làng.

Hơn nửa thế kỷ, từ khi Giăng-cát-xanh thành lập Làng Cùi, nghĩa địa của làng cứ lớn dần. Hàng ngàn người được điều trị lành bệnh, sinh con đẻ cái, ba bốn thế hệ. Nghĩ mà thương cho cả những vong linh nằm kia. Bia đá, mộ chí lấp lóa trong nắng quái chiều tà. Thỉnh thoảng sang thăm nghĩa địa cùi, xơ gặp lại những gương mặt, ánh mắt thân quen in trên đĩa sứ gắn vào bia mộ. Những hồn ma ngày xưa thường là người K’ho, Sré, Chăm, Mạ… không có ngày sinh, chỉ ghi “Mất ngày…”. Ai cấm được thói khinh miệt, kỳ thị của người đời. Dân Làng Cùi bây giờ không còn bị xua đuổi, nhưng vào hàng quán vẫn bị nhìn nhìn, và biết ý kết thúc cho nhanh việc mua bán rồi lẳng lặng quay ra.

Xơ Mậu không chỉ điều trị cùi mà nhiều bệnh khác, cho tất cả những ai cần đến bà. Đầu thập niên bảy mươi của thế kỷ trước, xơ chữa khỏi bệnh cho một chủ đồn điền người Đức quốc tịch Pháp, cách Làng Cùi mười cây số. Ông bệnh nhân giầu có này hàm ơn:

-    Giờ thì tôi biết lấy gì đền đáp xơ đây?

-    Tôi là người tu hành, đến Di Linh thế nào thì cũng nằm xuống đất Di Linh thế ấy, không nghĩ đến tài sản, nhưng muốn có mảnh đất cho dân Làng Cùi ra ở riêng, những người không có bệnh, hoặc đã lành bệnh.

Ông này lập tức cắt cho xơ một khoảnh năm mươi héc ta. Sau giải phóng 1975, xơ ngỏ ý nhờ đội khai thác lâm nghiệp của Nhà nước giúp vỡ hoang, san ủi. Ai chứ xơ Mậu mà đã nhờ thì họ làm ngay, vô tư. Rồi địa phương hỗ trợ, các nhà doanh nghiệp hảo tâm, các tổ chức từ thiện quốc tế, nhất là Pháp đổ vào.

Những ngôi nhà dáng dấp Tây Nguyên mọc lên, mái ấm của hàng trăm hộ gia đình. Bàn tay thương tật cầm chiếc chìa khóa run run mở cửa ngôi nhà mới như mở cửa vào Thiên đường, ai ngờ, những tưởng bỏ xác nơi rừng sâu từ lâu rồi. Nhà trẻ, trường học khang trang, các cháu ca múa đánh vần, không phân biệt Kinh – Thượng. Một cuộc sống mới bắt đầu…

Tình thương đồng loại ai cũng có, âm ỉ trong mỗi người. Xơ  Mậu đã nhen nhóm, thổi bùng lên. Tình thương đẻ ra ý tưởng, ý tưởng trong sáng, vô tư kéo theo người khác chung tay. Xơ thương người, người thương xơ, ai cũng muốn giúp xơ vì xơ sẵn lòng giúp mọi người. Xơ mở toang cánh cửa lòng mình, vì thế mọi cánh cửa từ thiện đều rộng mở đón xơ, sứ giả của tình thương. Xơ Mậu đã biến tình thương thành sức mạnh.

Lại nhớ cái Làng Cùi đầu tiên của Giăng-cát-xanh, linh mục người Pháp thành lập năm 1927, chỉ mấy căn nhà gỗ lợp lá đơn sơ che mưa tránh nắng, côi cút và buồn tẻ. Còn sống đến hôm nay, hẳn ông hài lòng vì sự nghiệp mình gây dựng được học trò cưng thành tựu. Khi xơ Mậu về, Làng Cùi tròn bốn mươi tuổi. Thầy trò thường vào rừng sâu giúp đỡ dân nghèo và chữa trị bệnh thông thường. Dân cư ngày ấy thưa thớt, hầu như chỉ có người thiểu số bản địa mới ở giai đoạn bán khai.

Một lần ngang đường gặp lũ, thấy mái lán nhỏ mừng quá ghé vào trú mưa. Trên nền đất đỏ nhão nhoét, một bệnh nhân cùi trần như nhộng, tay cụt đến khuỷu, chân mất hẳn bàn, máu mủ đỏ loét, ruồi bọ bâu đầy. Chết mất, chết vì đau đớn, chết do nhiễm trùng, chết vì sốt rét, vì đói, hoặc làm mồi cho hổ. Nghe nói hổ thèm thịt người cùi. Số phận bệnh nhân cùi là thế. Buôn làng bảo họ thành con ma lai rồi, xua đuổi, bỏ vào rừng sâu với ít lương thực vật dụng đem theo, đoạn tuyệt, không cần biết sống chết ra sao.

Giăng hướng dẫn xơ Mậu, ông nâng cái chân cụt gần hết bàn, gót chai lại thành cườm. Giữa cườm hủi có cái lỗ sâu hoắm. Xơ Mậu ấn thử ngón tay cái vào cườm thì mủ phọt toét lên mặt. Xơ Mậu rùng mình ngoảnh đi, ngậm thở, ngửa mặt cho nước mưa xối rửa. Tanh ơi là tanh, thối ơi là thối. Mở mắt ra thấy một đám người lố nhố. Đúng là người! Dường như chưa tin vào mắt mình, kẻ đóng khố, người trần truồng, giơ chân què tay cụt vẫy vẫy. Người nhắm mắt, kẻ trợn ngược, cụt mũi, giữa mặt là cái lỗ đỏ loét, nhớt rãi ròng ròng hòa lẫn nước mưa và bùn đất. Vì ít tiếp xúc, vốn tự kỷ lại thấy tốp người vận  đồ đen thì họ sợ hãi bỏ chạy, nấp vào bụi rậm quan sát, thấy băng bó cho người cùi mới dám đùn đẩy nhau chui ra.

-    Các người là ai? – Giăng hỏi.

-    Chúng tôi là ma lai.

Cả đoàn Giăng cười ồ. Một người trong nhóm “mọi Thượng” sửa lại:

-    Chúng tôi bị làm ma lai.

Giăng hiểu ngay, họ định nói “bị ma lai làm”. Bập bẹ tiếng Kinh, họ hay nói ngược. Thấy bị đau, hỏi có ăn được không, thế nào họ cũng trả lời “không được ăn”, thay vì “không ăn được”.

-    Bị con ma lai nó làm? – Xơ Mậu hỏi lại.

Cả bọn gật lia lịa nhe răng cười. Xơ Mậu dẫn họ về Làng Cùi. Lo điều trị, lo áo cơm giữa thời buổi loạn lạc thiếu thốn đủ đường. Giờ làng trở thành Trung Tâm Điều Trị Phong, có bác sĩ, y tá, điều dưỡng viên, có bệnh xá, nhà trẻ, nhà ăn… có kinh phí quốc gia và nhiều nguồn tài trợ.

“Sự nghiệp nào cũng phải có người kế thừa!”. Giăng nói với xơ Mậu trước khi nhắm mắt. Và hôm nay, sau bốn mươi năm tận tụy, xơ lại thành người tiền nhiệm, nhắc nhở lớp người kế cận của mình. Trên hội trường mới xây giữa trung tâm Làng Cùi xưa, nơi tổ chức tang lễ cho người già ra đi, thôi nôi cho trẻ vào đời, đám cưới cho những đôi uyên ương trưởng thành, nơi hội họp, giao ban và học tiếng Anh của cán bộ, nhân viên mỗi buổi chiều, xơ Mậu nhìn gương mặt đội ngũ trí thức kế thừa và nói:

Khi Làng Cùi mới khai sinh, có quan chức khiển trách Giăng-cát-xanh, rằng linh mục xuất thân từ trường y nào mà dám cả gan mở nhà thương cùi? Ai chứng nhận cho linh mục? Lấy quyền gì mà làm những việc ấy? “Quyền làm người! Tôi phải lo cho họ, vì không thể cầm lòng nhìn thấy họ khốn khổ chui rúc trong rừng sâu!”. Giăng phẫn nộ đốp luôn. Nhà chức trách ấy chính là Tổng Thanh Tra Giáo Dục Đông Dương, một người Pháp vô thần. Về sau ông ta nghĩ lại, hàng tháng trích tiền lương mua thuốc gửi tặng Làng Cùi, và phút lâm chung đã mời Giăng đến rửa tội. Còn Giăng, người y tá bất đắc dĩ, không một chứng chỉ y khoa ấy được Viện Hàn Lâm Y Học Paris trao tặng Huy chương bạc. Trước khi phong Giăng-cát-xanh làm Giám Mục Sài Gòn, Đức Khâm Sứ, một nhà giáo luật thuộc dòng Đa Minh rất trọng qui tắc, với vẻ e thẹn, ngập ngừng hỏi ông: “Ta nghe cha còn giúp một người mẹ… sinh con nữa, đúng thế không? Cha có nhớ rằng phạm giáo luật là tự ngăn trở con đường lên chức thánh?”. “Ô hô!” Giăng cười lớn. “Tôi làm việc đó là vì lòng bác ái, vì những bệnh nhân cùi khác sợ hãi bỏ chạy hết, mà nếu họ có ở đó thì cả cái làng cùi này cũng chỉ mình tôi đủ mười ngón tay!”. Rõ ràng Giăng-cát-xanh phạm điều cấm kị, dễ sa ngã nhưng vẫn được tấn phong tân Giám Mục…

Chẳng có lý lẽ nào bằng tình thương, thuận nhân tâm thì đẹp đời, tốt đạo.

Đằng sau xơ Mậu, cả một đội ngũ quản lý và chuyên môn có bằng cấp, trong vai trò Phó giám đốc Trung Tâm Phòng Chống Bệnh Xã Hội của tỉnh Lâm Đồng, bà quán xuyến địa bàn rộng lớn hơn và không riêng bệnh cùi. Mới nghe phong thanh, cả làng cùi bùi ngùi: “Mè Mậu đi thì buồn lắm!”. Làng Cùi bây giờ khang trang rồi, bao nhiêu người nghèo, bệnh tật ở vùng sâu vùng xa đang đợi bà.

Dưới chân tượng Giăng-cát-xanh, bà nói với xơ Tiến, người kế nhiệm trẻ của mình: “Tôi đã làm được nhiều điều theo lời khuyên của Giăng, nhưng có điều tôi trái với di chúc, là đã không mai táng cha ở nghĩa địa Làng Cùi, bên những đứa con Thượng khốn khổ của ngài, mà lập mộ dưới gác chuông này, cạnh phòng làm việc của ông”.

Cũng nhiều người lên Tây Nguyên nghiên cứu về cây cối, về âm nhạc cồng chiêng, hay nghệ thuật điêu khắc tượng nhà mồ. Có nhà nhân chủng học người Mỹ lấy vợ Thượng để tìm hiểu chế độ mẫu hệ, để hoàn thành công trình khoa học nổi danh, thành nhà này nhà nọ. Giăng lên đây vì thương người cùi, yêu mến và muốn sống gần họ. Linh mục Phùng Thanh Quang, trong cuốn sách “Lạc Quan Trên Miền Thượng” đã viết về Giăng-cát-xanh như thế.

Xơ Mậu đặt hai tay lên bờ vai mỏng mảnh của xơ Tiến, nhìn sâu vào mắt người kế nhiệm như trao một sứ mạng nặng nề. “Sự nghiệp nào cũng phải có người kế thừa!”. Bà nhắc lại lời Giăng.

-    Con sẽ mời tất cả bà con “Làng Cùi” tập trung chia tay vào đầu giờ làm việc. – Xơ Tiến nói gần như hỏi ý.

-    Đừng! – Mắt xơ Mậu bỗng đỏ hoe, bà nuốt nước, cục yết hầu lên xuống.
Xơ Mậu muốn mình vẫn đi đi về về, để không có chia tay, không phải nhìn thấy cảnh chia ly, sợ những ánh mắt thân thương.

Ánh mắt cháu nhỏ ở Bệnh Viện Nhi Đồng ngẫu nhiên bắt gặp đầu đời, ánh mắt người cùi xấu số, ánh mắt của những người nghèo bệnh tật nơi vùng sâu tận cùng , tất cả, tất cả đều chất chứa cái gì đó giống nhau. Đòi hỏi ư? – Không! Chờ đợi ư? – Không! Trách cứ ư? – Không! Nó là sự chịu đựng. Chịu đựng như một sức mạnh gắng gượng của sinh linh đã vô tình đánh dấu hỏi vào lương tâm bà vốn giàu lòng trắc ẩn, từ bi, lại được Phật, được Chúa gợi mở, thổi bùng lên ngọn lửa bác ái. Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ghi nhận công lao và phong tặng bà danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Báo chí ca ngợi đó là “sự hy sinh thầm lặng”. Đây không còn là sự hy sinh, dù thầm lặng đi nữa. Bà thấy mình may mắn gặp được ánh mắt của bao người thiệt thòi, bao số phận hẩm hiu. Chính những ánh mắt ấy đã nhen lên ngọn lửa tình thương sưởi ấm tâm hồn bà.

Dòng máu nóng đang rần rật chảy trong cơ thể già nua. Trái tim vẫn đập, thình thịch, thình thịch, trung thành, bền bỉ, suốt bảy mươi năm trời. Hai tay ôm lấy ngực, bà cám ơn trái tim mình, và lần đầu tiên, nghe ra lời hạnh phúc thầm thì của sự hy sinh ngọt ngào.

Di Linh, tháng 8/2010

(Kính tặng xơ Mai Thị Mậu)