Thầy Nguyễn Cự làm hiệu trưởng trường trung học quê tôi từ những năm 39-40 của thế kỷ trước. Thầy trạc tuổi 40, người tầm thước. Thầy thường mặc áo the dài, quần trắng, đi giày hạ, đầu đội khăn xếp. Thầy có khuôn mặt xương xương, cặp mắt sáng cương nghị, thầy rất nghiêm.
Ảnh minh họa. |
- Sao trò không tắm rửa, kì cọ lưng cho sạch sẽ? Trò về bảo mẹ hay chị đun nước cho tắm nhé!
Thầy cũng không quên tặng cho bạn ba cái vụt roi mây. Đến giờ, tôi vẫn nhớ mãi cái cảm giác ớn lạnh bởi tiếng xé gió vút…v..ú.t… của chiếc roi mây trên tay thầy. “Thương cho roi cho vọt mà”.
Thầy Tôn Long Luận dạy lớp tôi không đồng tình với cách dạy học trò bằng roi vọt ấy, nói với thầy Cự:
- Thầy nên thông cảm đám học sinh con nhà nghèo thiếu quần áo, củi đun nấu. Việc đánh đập học sinh không phải là cách dạy tốt. Nếu thầy lại cứ đánh đập học sinh thì thầy sẽ phải trả lời với quan huấn học.
Thầy Cự không nói gì. Tháng sau, thầy hiệu trưởng ra lệnh cho học sinh đào hố ở sân trường để trồng cây. Mỗi lớp đào một hố tròn có đường kính 50cm, sâu 50cm, thầy cho trồng hai dãy cây bàng. Cây đã có gốc to bằng bắp chân người lớn để có bóng mát cho học sinh có chỗ trốn nắng trong những ngày học tập tại trường. Giờ tập thể dục thể thao buổi sáng vẫn được duy trì nhưng ở sân sau, sân nhỏ hơn. Thầy Cự làm hiệu trưởng trường học quê tôi được ba bốn năm gì đó thì thầy chuyển đi nơi khác.
Thay thầy Cự là thầy Nguyễn Cửu Cầm. Thầy Cầm rất trẻ, chỉ khoảng trên dưới 30. thầy thường mặc com-lê màu trắng, cổ thắt cà-vạt, chân đi giày da bóng lộn, đầu chải mượt. Trông thầy rất “hào hoa phong nhã”. Chúng tôi thầm thì: Thầy hiệu trưởng mới của chúng mình trông “rất Âu”, “rất Tây”.
Thầy cũng giống như thầy Cự đã để lại cho học sinh chúng tôi những ấn tượng không dễ gì quên. Chúng tôi chờ đón sự mới mẻ, canh tân ở thầy hiệu trưởng.
Quyết định đầu tiên của thầy khiến cả trường ngơ ngác, khó hiểu, nghịch đảo 180o so với quyết định của thầy Cự, là cho đốn hạ hai dãy câu bàng, mặc dù cây đã lớn, đã tỏa bóng râm mát xuống sân trường, biến sân trường thành sân chơi bóng chuyền. Từ đấy cứ chiều chiều sau giờ tan học, các thầy cô lại chơi bóng chuyền ở sân, sau đó cả thanh niên trong làng cũng tham gia. Môn thể thao ấy có sức cuốn hút thành một phong trào sôi nổi ở địa phương, một canh tân mới mẻ ở vùng quê.
Quyết định thứ hai của thầy cũng rất bất ngờ. Theo thời khóa biểu, sáng ấy lớp có tiết dịch ngược (thème) từ tiếng Việt sang tiếng Pháp. Tôi thấy ánh mắt thầy dựng lại khá lâu trên khuôn mặt Kim Hằng và đột ngột thầy gọi:
- Trò Nguyễn đứng lên!
Tôi đứng lên, vòng tay trước ngực và lo lắng:
- Trò sang thưa với thầy Định cho thầy mượn sách tập đọc giáo khoa thư, mang về đây cho thầy.
- Dạ, vâng ạ!
Tôi mang sách tập đọc về và, đến lúc này cả lớp vẫn chưa biết thầy sẽ làm gì với quyển sách ấy. Thầy lật vội đến trang có bài văn: “Trang sức”, thầy bảo tôi đưa cho Kim Hằng dịch bài văn ấy ra tiếng Pháp. Kim Hằng cầm sách và thơ ngây dịch ra tiếng Pháp cho đến đoạn cuối: “… Cô Năm chẳng học hành, chẳng may vá gì. Cả ngày chỉ lo gương lược, chải chuốt, vuốt ve sắm sửa trong mình cho đẹp”. Dịch đến đoạn văn này. Kim Hằng hiểu ra… nên bỏ sách xuống và khóc òa. Thì ra, sáng ấy Kim Hằng có thoa chút son môi, một chút phấn hồng nơi hai gò má. Trước đó, Kim Hằng chưa bao giờ dùng son phấn cả. Tôi chơi thân với Kim Hằng từ lâu nên tôi biết. Cả lớp ngồi im phăng phắc. Thầy bắt đầu thuyết giảng về “cái nết đánh chết cái đẹp”… Học sinh là phải lo học cho thật giỏi để khỏi phụ “cơm cha, áo mẹ, chữ thầy”, chứ không nên đua đòi vào việc chưa phải lúc. Bài học “trực quan” ấy tôi nhớ mãi đến giờ và cứ vẫn thắc mắc, thầy Cầm “rất Tây” thế, sao lại quá khắt khe với một nữ sinh ở tuổi trăng tròn, một đóa trà mi đang thời hàm tiếu?
Giờ giải lao Kim Hằng vẫn gục đầu xuống bàn, tôi đến bên:
- Kim Hằng đừng khóc nữa. Hãy lau nước mắt, đi rửa mặt cho tỉnh táo. Hết giờ giải lao mà thầy thấy Kim Hằng còn khóc thì không hay đâu. Hãy nghe lời Nguyễn!
Tên đầy đủ của Kim Hằng là Công Tằng Tôn Nữ Thị Kim Hằng. Kim Hằng là con cháu hoàng tộc, được cưng chiều từ tấm bé. Năm ấy Kim Hằng ở tuổi trăng tròn, có khuôn mặt đẹp, đôi mắt bồ câu ươn ướt, lúc nào cũng như mơ màng. Kim Hằng thường mặc quần trắng, áo dài màu tím Huế, màu thiên thanh hay màu hoàng yến càng tôn thêm nét kiều diễm. Kim Hằng thường đi guốc sơn (lúc ấy chưa có giầy cao gót) màu cánh gián. Hôm nào trời mưa đôi gót chân Kim Hằng ửng hồng như son, trông thật đẹp. “… Kim Hằng bộ bộ liên hoa phóng”. Đúng chăng? Tôi rất thích ngắm đôi gót chân ấy của Kim Hằng.
Tôi và Kim Hằng chơi thân với nhau từ lúc hai đứa mới học lớp 2. Tôi không hiểu sao hai cảnh đời trái ngược nhau lại có thể chơi thân với nhau đến thế: Kim Hằng con nhà danh gia vọng tộc, sống trên nhung lụa, tôi phận nghèo bèo bọt, chỉ được cái chăm chỉ học hành với đôi chút thông minh.
Năm ấy các trường trong toàn xứ Trung kỳ nổi lên phong trào hướng đạo sinh. Muốn trở thành hướng đạo sinh bắt buộc phải có: Một quần sóc xanh, một sơ mi trắng cộc tay, một khăn quàng xanh như khăn quàng đỏ học sinh tiểu học bây giờ, một mũ cói (lát) trắng rộng vành, một cây gậy dài cỡ mét hai (1,2m) và một đoạn dây gai quấn ở cây gậy ấy.
Sắm đủ những thứ ấy phải mất một khoản tiền lớn so với đời sống dân nghèo lúc bấy giờ. Tôi về thủ thỉ với mẹ, mẹ ôm tôi vào lòng, xoa đầu, an ủi:
- Mẹ biết con rất thích vào hướng đạo, con biết đấy. Một mình cha con làm quần quật quanh năm mới nuôi nổi anh em con, mẹ lấy đâu ra tiền mua sắm các thứ ấy cho con. Nếu là lệnh của thầy thì con phải lạy van xin thầy tha cho gia đình mình, nếu là bạn bè rủ rê thì con nên từ chối. Mẹ không nói thì tôi cũng biết hoàn cảnh gia đình. Nói với mẹ là để nhận được lời an ủi, đỡ tủi thân; nhưng Kim Hằng lại cứ thúc, tôi đành phải nói thật. Nghe tôi nói, Kim Hằng chớp chớp mắt đượm buồn, cúi đầu không nói gì, chỉ nắm chặt lấy bàn tay tôi.
Tuần sau, sau giờ tan học buổi chiều, Kim Hằng cố rủ tôi về nhà và đưa tôi đến gặp mẹ.
- Cháu chào bác ạ!
- Chào cháu! Cháu ngồi xuống đây! Bác có chuyện này muốn nói với cháu. Kim Hằng bảo cháu cũng rất thích vào hướng đạo sinh, nhưng…, bác hiểu. Kim Hằng đã kể cho bác nghe gia cảnh của cháu. Hôm nay bác giúp cháu được toại nguyện! Mẹ Kim Hằng đưa cho tôi những ba đồng bạc giấy Đông Dương có in hình người gánh dưa. Đó là một số tiền lớn ở thời buổi ấy. Tôi từ chối không nhận.
- Cháu có giúp bác được gì đâu mà bác lại cho cháu nhiều thế.
- Bác không cho, bác thưởng cho cháu đấy. Cháu có công giúp đỡ Kim Hằng trong học tập. Kim Hằng luôn miệng khen cháu đủ điều.
Kim Hằng đứng sau cứ kéo áo, ngầm bảo tôi nên nhận. Mẹ Kim Hằng cố ép. Tôi cảm ơn và thưa rằng: Cháu về sẽ thưa lại với mẹ cháu để mẹ cháu đến thưa chuyện với bác.
Tôi về thưa với mẹ. Mẹ lắc đầu nguầy nguậy:
- Không! Con không thể nhận. Đây là số tiền lớn, cha con lại không có nhà, mẹ không dám quyết. Con nên mang trả lại bác ấy và thưa rằng, mẹ có lời cảm ơn và sẽ đến thưa chuyện với bác sau.
Việc tôi không nhận tiền khiến Kim Hằng giận ra mặt, nhưng chỉ giận được khoảng hai tuần thôi. Cả lớp sắp bước vào kỳ thi cuối cấp. Tôi và Kim Hằng không thể không học chung với nhau cả chính khóa lẫn ngoại khóa. Năm ấy, tôi và Kim Hằng đều thi đỗ và Kim Hằng đang tích cực chuẩn bị cho kỳ thi công-cua (concours). Riêng tôi, tôi biết chắc chuyện học hành, đèn sách của tôi đã kết thúc. Nhà tôi nghèo thế, lấy đâu ra tiền để theo học ở tỉnh, ở thành. Kim Hằng bảo:
- Nguyễn cứ đăng ký, dự thi. Nguyễn có mất gì đâu. Thi xong sẽ tính tiếp. Biết đâu Nguyễn sẽ gặp may. Kim Hằng nói ra vẻ một người lớn.
Hôm công bố danh sách thí sinh trúng tuyển, tôi còn là một trong hai học sinh sẽ nhận được học bổng, Kim Hằng cũng thi đỗ.
Kim Hằng chạy ùa đến ôm choàng lấy tôi, reo lên sung sướng quên mất là hai đứa đang đứng giữa đám đông: “Được học bổng! Được học bổng! Tôi lại hy vọng, lại ước mơ… !
Kim Hằng vẽ ngay ra một viễn cảnh tươi đẹp như trên thiên đường.
Nhưng… “Ngày vui ngắn chẳng tày gang…”.
Chỉ sau đó một thời gian, mọi chuyện đều đảo lộn. Một biến cố lịch sử đã xảy ra: Cách mạng tháng 8/1945 bùng nổ. Sáng ấy không biết cơ man nào là người, một biển người mang theo cờ đỏ sao vàng vừa đi vừa hô vang: “Ủng hộ Việt Minh! Việt Minh muôn năm! Đả đảo thực dân phong kiến”!
Tôi ngơ ngác, không hiểu gì cả và bỗng nhớ đến Kim Hằng. Tôi chạy đến nhà, đến nơi: “… Mấy lần cửa đóng then cài
Đầy thềm hoa rụng, biết người đi đâu…”
Tôi nhìn qua cổng nhà, thấy có một dòng chữ to viết bằng phấn trắng nơi cánh cửa chính: “Hằng mong gặp Nguyễn”. Đó là lời nhắn gửi cuối cùng của Kim Hằng cho tôi. Có thể Kim Hằng đã nghĩ: Nhất định tôi sẽ đến tìm Kim Hằng.
Sau đó, tôi gia nhập thiếu sinh quân rồi tham gia vệ quốc đoàn. Qua chín năm kháng chiến chống Pháp, tập kết ra Bắc. Kim Hằng và tôi: “Hai đứa ở hai đầu đất nước. Hai đầu nỗi nhớ…”.
Dù năm tháng qua nhanh, thời gian có phai mờ, nhưng kỷ niệm về mái trường xưa vẫn còn hằn sâu trong ký ức. Thầy cô mỗi người một tính cách nhưng thầy cô đã ươm mầm hạnh phúc, dìu dắt chúng tôi từ những bước đi chập chững vào đời cho đến ngày nay.
Thầy cô, trường xưa – phấn trắng tường vôi và “tiếng trống trường vang động phía sau đê” mãi mãi là những kỷ niệm đẹp của một thời thơ dại.