Cành đào phiên chợ cuối năm

09:01, 27/01/2011

Tôi không về quê ăn Tết. Khi quyết định như vậy, tôi buồn lắm, nhưng không thể nào khác hơn khi trong túi tôi không còn đủ một trăm thì  lấy đâu ra tiền để đi tàu xe, mà tàu xe ngày tết không phải ít tiền, vậy chỉ còn cách nằm trong phòng trọ mấy ngày xuân, nhìn thiên hạ vui chơi mà lòng ủ rũ buồn?

Tôi không về quê ăn Tết. Khi quyết định như vậy, tôi buồn lắm, nhưng không thể nào khác hơn khi trong túi tôi không còn đủ một trăm thì lấy đâu ra tiền để đi tàu xe, mà tàu xe ngày tết không phải ít tiền, vậy chỉ còn cách nằm trong phòng trọ mấy ngày xuân, nhìn thiên hạ vui chơi mà lòng ủ rũ buồn?
 
 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Thằng Tiến tìm tôi vào ngày 23, ngày ông Táo về trời. Nó nói “mày đi làm không, kiếm tí tiền lẻ chứ nằm khèo ở nhà buồn chết?”, ra vẻ uể oải tôi đáp “được thôi, chờ tao tí”, nói thế chứ lòng tôi vui lắm. Khoác chiếc áo ấm vào tôi nghĩ “không biết thằng này giở trò gì, mặc nó, trò gì mình cũng chơi”. Hai đứa chạy xe ra trung tâm thành phố. Phố vắng, ngày này những kẽ xa quê đã bắt đầu hành trình về quê ăn Tết rồi, bạn tôi cũng vậy chúng đã về hết, phố xá bỗng nhiên như rộng hơn mọi ngày. Ôi ước gì tôi cũng có mặt ở nhà trong những ngày này, mẹ vui lắm, tất nhiên, em gái vui lắm, tất nhiên và ….
 
Thằng Tiến cười với một cô diêm dúa “cháu chào cô, đây là bạn cháu, nó muốn kiếm một chân phụ việc, được không cô?”. Bà cô nhìn tôi lom lom, mày nhíu lại “bữa nay chưa có việc chi, ngày 29 mới khai mạc hội chợ Tết, cháu ra đây cô sẽ “bố trí” việc cho!”.
 
  Tôi và Tiến cám ơn rối rít, tôi thận trọng cất cái danh thiếp của cô Vy vào cái ví bèo nhèo mỏng lét của mình. Thằng Tiến rủ “về nhà tao chơi đi”. Tôi chả biết làm gì thì đi theo nó thôi. Trời se lạnh, nhà nó ở hơi xa, một xóm vắng làm vườn. Những luống rau đang run rẫy trong cơn gió lạnh, xe chạy qua mấy dãy nhà lợp ny lông rách chúng tôi bỏ qua rồi rẽ vào một con đường đất. Nhà Tiến cũng không lớn lắm, ba mẹ nó làm vườn và có được mấy sào đất cũng đủ để nuôi nấng bốn người. Tôi gật đầu nói “cháu chào chú”, “vào nhà chơi đi cháu, cháu không về quê ăn Tết sao?”. Ông bố Tiến nói tiếp “cháu không về, qua nhà chú ăn Tết cho đỡ nhớ nhà?”. Tôi nghĩ chắc là thằng bạn dễ thương này đã kể chuyện tôi quyết định không về quê ăn Tết cho cả nhà nó biết rồi, cái thằng… “Đừng ngại gì cả, tao lúc trước cũng như “bay” thôi, vào xứ này làm ăn đến khi tết nhứt, trong túi lại không có một đồng…, mà thôi, Tiến ơi con lấy mấy củ khoai mẹ mới luộc mời bạn ăn đi”. Quà quê bao giờ cũng mang đến trong tôi những hoài niệm. “Quê mình trồng khoai ngon lắm, khoai trồng đất cát mà…mà nơi nào khoai ngon chính là vùng đất nghèo kiết xác, người ta trưởng thành rồi bỏ quê ra đi tìm cái ăn….đến khi khá giả, trở về quê thì ngoài kỷ niệm chẳng còn gì cả…”. Ai đã nói với tôi những cảm nghĩ đứt đoạn như vậy? Ai chứ? Tiến nói “ăn đi mày, mày biết ông già tao trồng chỉ có mấy vồng thôi, để đỡ nhớ quê đó mậy”. Tôi ngơ ngác, ăn khoai để nhớ quê? Ai nhỉ? Thôi đúng rồi, ông già Chín! Những trang viết đầy chất tự sự của một ông già buồn ngồi một mình ngoài hàng hiên chỉ để nghe một tiếng chim hót trong lùm mận vườn nhà, sao tôi lại nhớ đến ông ấy trong buổi sáng ngày cuối năm như vậy chứ?
  
Thằng Tiến kéo tôi vào phòng nó, đó là một căn gác xép thấp lè tè, những dẫu sao cũng là một chốn riêng tư, chẳng bù cho tôi, ba thằng lớn bộn sống chung trong một căn phòng thuê mười hai mét vuông, mùi người nồng đậm suốt cả ngày! Thằng Tiến nói chiều nay nó chở tôi về xóm trọ lấy đồ. Tôi ầm ừ, cái thằng cũng lạ, tôi đã trả lời nó đâu cơ chứ? Nhớ lại lời ông già nó, giọng miền trung nhiệt thành khiến tôi không dám nói ra cái ý nghĩ của mình. Một mình cô đơn trong ngày Tết, chưa biết ý vị thế nào chứ buồn là điều không thể tránh. Và cả đói nữa, một ngày ba cữ mỳ tôm đủ để chống đói chờ qua Tết và không biết những gì chờ đợi mình phía tương lai?
 
 “Anh Bá nói, mày nghĩ lại đi, bỏ đi, đừng học nữa, học làm cái đách chi không biết, mày cứ theo tao, sức dài vai rộng thì cái ăn cái mặc mày đủ sức giành giật với đời. Tôi cười im lặng. Anh Bá lại giảng một thôi một hồi về cái sự kiếm tiền trong thời buổi này, cái sự học của tôi không có trong những cuộc kiếm tiền…dễ ợt của anh. Anh nói đến nỗi tôi phải gào lên “em hiểu rồi” dù tôi chưa hiểu gì cả. Bởi vì trong lúc tràng đạn ngôn ngữ của anh nả về phía tôi, tôi lại nhớ đến lời mẹ tôi “trước khi cha con chết, cha dặn mẹ phải cho anh em con học đến nơi đến chốn, vậy mà mẹ lại để cho con đi kiếm sống thế này….”. Anh Bá bỗng im lặng, chiếu rượu cũng im lặng theo, bên ngoài trời lạnh, tiếng côn trùng hình như cũng vì vậy mà im luôn? Anh Bá cầm ly rượu lên nói làm chút đi rồi tao tính. Tôi nín hơi nhấp một chút, “rượu không dung nạp mày đâu, Châu ạ”, tôi lại không muốn anh Bá buồn nên cố nuốt đánh ực hớp rượu nhỏ xuống dạ dày. Nhìn cái ly chỉ vơi một chút, một thằng trong chiếu rượu giật lấy và đổ vào miệng tôi cùng lúc với một thằng khác bóp miệng tôi ra. Chỉ còn biết nuốt, nuốt cái đắng cay vào bao tử đang lép xẹp của mình. Máu tôi chạy rần rần, mấy thằng trong chiếu rượu cười như điên, nhìn chúng cười tôi bỗng nổi khùng, tôi giật lấy chiếc ca màu vàng và cứ thế dốc chỗ rượu vào họng mình. Mấy thằng im bặt nhìn tôi. Một thằng nói “thôi đừng bắt nó uống nữa, nhìn nó tao thấy nó giống thằng em tao!”. “Thằng em mày mà giống thằng Châu à?”. Một thằng hỏi và cười chế diễu. “Nó giống chỗ khác kìa, thằng em tao thấy gì cũng đọc, trong lúc tao đi đánh lộn, nó đọc, tao đánh bài tú lơ khơ, nó đọc, tao hái trộm ổi nhà bên cạnh, nó cũng đọc. Nó đọc bất cứ thứ gì mà nó vớ được, đọc quên cả trời đất”. “Bây giờ nó trở thành ông tiến sĩ kĩ sư gì rồi?”. Thằng châm chọc tiếp tục truy. Thằng kể chuyện thằng em ham đọc không cười hưởng ứng, nó im lặng, lát sau nó nói “em tao chết rồi!”. Cả năm người chúng tôi nín lặng, không ai hỏi vì sao thằng nhỏ chết. Thằng kể chuyện đứa em không đợi ai hỏi, nó nói một thôi một hồi. Trong hương nồng nàn của rượu, tôi lỏm bỏm hiểu, cái thằng ấy bỏ vào rừng làm lâm tặc, nghèo mà, mùa mưa năm ngoái, nó suýt chết trong một trận lũ rừng, khi trở về nhà, căn nhà tranh của nó, nơi mà nó cứ tưởng rằng mạ và các em của nó chờ đón nó, nó sẽ chạy a lại ôm mạ và nói con sẽ không đi mô nữa, con ở nhà với mạ có cháo ăn cháo có rau ăn rau….Vậy mà khi nó về, căn nhà nó giờ trở thành một bãi sỏi đá ngổn ngang. “Chắc cơn lũ rừng quét tau không chết, nó quét mạ và ba đứa em tau…chúng nó còn nhỏ quá, chưa có ngày mô sung sướng!”. Tôi say, trong cơn say đầu đời, tôi nghe chúng nó bàn chuyện làm ăn với anh Bá, tôi cười khinh, mặc kệ anh Bá với mấy thằng đàn em, mặc kệ ngày mai. Tôi chỉ nhớ lờ mờ rằng anh Bá và chúng nó chỉ cho phép tôi một tuần đi làm một lần vào ngày thứ bảy. Tôi muốn hét vào mặt chúng rằng làm một thằng khuân vác có cái chi là hãnh diện mà chúng mày chỉ cho tao làm mỗi một ngày? Nhưng tôi kịp nghĩ lại, một ngày hơn trăm bạc cũng giúp tôi sống sót cả tuần. Anh Bá nói như giảng hoà “tụi mày thương thằng Châu là tốt rồi”. Tôi say”.
 
 “Anh Bá và ba thằng đệ cũng đã về quê! Cái thằng không còn ai chờ đón cũng đã về quê, tao thì mẹ và em gái đang chờ ngày đêm lại đón Tết một mình, mày thấy có buồn không?”. Thằng Tiến thành thực “tao không biết, tao chưa lâm vào cảnh đó bao giờ, mà nè, mai mày đi bán hoa đào với tao không?”. Sao lại không cơ chứ, một ý kiến tuyệt vời của một thằng bạn tuyệt vời.
 
  “Mua đào chưng tết chú ơi!”, “mua đào đón xuân đi cô”….Tôi không ngờ mình cũng dẽo miệng đến thế. Vườn đào nhà Tiến chỉ con độ dăm cành, cứ đà này đến chiều 30 chắc là bán hết. Một cô gái cứ đi đi lại lại nãy giờ, trên tay cầm xấp vé số, một con nhỏ bán vé số như hằng hà sa số những đứa con gái bỏ quê vào đây bán vé số, đi làm thuê đủ thứ. Nhưng con nhỏ này trông là lạ, nó hơi buồn. Khi nghĩ đến chữ buồn, tôi chú ý hơn đến con bé. Nó thấy tôi nhìn nhìn, có lẽ nó sợ nên lãng ra xa. Tôi vờ như không chú ý đến nó, nhưng nó không qua khỏi mắt tôi, dù chỉ một giây! Nó muốn gì vậy nhỉ? Thôi kệ, tôi làm sao biết hết chuyện đời, chỉ chuyện của mình thôi cũng không kham nỗi huống hồ lại là một đứa con gái?

   “Anh ơi cành đào này bao nhiêu vậy?”. Tôi ngước lên, con bé vé số, tôi đáp “một trăm”, con bé nói “bớt cho em đi anh?”. Tôi nhìn nó, nó không nhìn tôi mà nhìn vào cành hoa đào. Đó là cành đào cuối cùng của tôi chiều nay, nụ hoa đang lớt phớt lẫn trong đám lộc xanh, là cành đào phai nhỏ nhất trong chợ đào cuối năm. Tôi hỏi dù đã biết câu trả lời “em bán vé số hả”, nó gật đầu, hình như lấy hết can đảm nó trả giá. “Em con năm chục anh bán cho em đi?”. Tôi nhíu mày “mà em mua làm gì chứ?”. Hỏi xong tôi biết mình hớ bèn cười trừ “vì anh thấy chưa ai bán vé số mà mua đào chưng Tết cả”. Con bé không để ý đến câu nói của tôi, em chăm chăm nhìn cành đào đang hé nụ. “Nghen anh, năm chục, em chỉ có nhiêu thôi!”. “Em nói đi, mua tặng ai à?”. “Em tặng mẹ em”. Tôi nhướng mắt, nhìn nó chờ nói tiếp. Quả nhiên nó nói thật, lần này là một câu dài.
 
 “Mẹ em thích hoa đào lắm, mỗi lần Tết đến, mẹ nói với em ước gì nhà mình có một cành đào chưng ba ngày Tết, mà bao nhiêu năm rồi nhà em không có cành đào nào cả, nhà trọ mà anh, nhỏ xíu chỗ đâu chưng, mà tiền thì…”. Tôi hỏi “mẹ em ở đâu?”. Nó ngước nhìn tôi, tôi thấy trong mắt nó ngấn nước mắt. “Mẹ em chết rồi, chiều 28 Tết năm ngoái, mẹ bị xe tông, em mua cành đào lên mộ mẹ!”. Tôi không nghĩ câu hỏi của mình lại động chạm đến nơi sâu thẳm  của con bé, tôi mím môi và lẳng lặng lấy cành hoa đào ra khỏi chậu nước và dúi vào tay con bé. “Em cầm lấy lên viếng mộ mẹ”. Nó ngớ người khi tôi không lấy tiền. Nó đâu biết rằng tôi chùi nước mắt khi nó vừa quay đi. Ôi con bé….
 
 “Tao sẽ đưa tiền cho mẹ mi đúng chiều 30, đừng lo, mà sao chỉ có vậy?”. Tôi không biết phải trả lời chú Tính ra sao bèn cười cười và chào chú tôi về. Thằng Tiến nói “đi uống cà phê, kệ ổng, với ổng đó là số tiền quá nhỏ, với mày trong đó còn có mùa xuân cho mẹ”.
 
 Ngày mai đã là tiết lập xuân.

Truyện ngắn của Võ Anh Cương