Lão vừa là thương binh thời chống Pháp lại vừa là thương binh thời chống Mỹ, vậy mà hàng xóm tuyệt nhiên không ai hỏi lão bị thương bao giờ, ở đâu. Mặc, cuộc chiến đã đi vào lịch sử, đồng đội lão lần lượt qua đời hoặc cũng đang ở tận đẩu tận đâu trong cái cảnh gần đất xa trời. Về già lão lại mắc quá nhiều bệnh, toàn những bệnh hiểm nghèo, mỗi bệnh đều có thể chết, vậy thì vết thương lão mang trên mình bao nhiêu năm nay phỏng có nghĩa lý gì.
"Người phụ nữ Chu Ru" - Ký họa của Lê Dân. |
Một mảnh bom xé rách lá phổi bên phải, bị cắt bỏ, chỉ còn phổi trái vẫn duy trì nhịp thở. Viên đạn súng trường xuyên vào bụng làm thủng mấy lỗ ruột non ruột già, cắt đứt luôn quả thận. Một tiếng nổ gần lấy đi ánh sáng của mắt phải, sau tia chớp xanh lóe lên trong óc chừng một phần tư giây. Tóm lại, kẻ thù đã cướp mất những gì mà thượng đế “xơ cua” cho lão. Chưa hết, mắt còn lại bị lòa, xòe bàn tay chỉ nhận ra năm ngón dùi trống, dấu hiệu suy tim độ ba. Buồng gan thì bom đạn chừa ra lại bị sốt rét tấn công. Lách to, cổ trướng, vân vân và vân vân. Lão hội tụ những bệnh nan y nhất, đó là lý do không ai hỏi lão bị thương ở đâu, bệnh tình ra sao, chỉ hỏi thăm còn sống hay đã chết.
Cuối năm ngoái, lão bị phù nặng, da xám chì, tái bủng như người chết trôi. Mắt húp lên, phải dùng hai ngón tay cái cậy mãi mới lộ ra tròng trắng đờ đẫn vàng khè. Bà con lối xóm ái ngại nhìn vợ lão có ý nhắc: Lo việc hậu sự đi thì vừa. Vợ lão ngoài năm mươi, kém chồng đến một giáp. Họ có một đứa con gái đang học lớp năm, tội nghiệp, cha già con cọc, nó còn dại lắm, chưa biết lo. Đại diện tổ dân phố, tổ phụ lão, tổ hưu trí, câu lạc bộ người già, hội cựu chiến binh, phòng thương binh xã hội lần lượt kéo đến, đường sữa chất đầy đầu giường. Bảo hiểm y tế, bảo hiểm tính mạng nói nhỏ với bà tiêu chuẩn được những gì, đơn từ ra làm sao, tờ khai này nọ. Ra về họ không quên lùa tay vào chiếc chăn bông cũ nắm bàn chân lạnh ngắt của lão: “Thôi, ông ấy thích ăn gì thì cứ cho ông ấy ăn, đừng có đưa đi Sài Gòn nữa”. Mấy tay bác sĩ bệnh viện tỉnh, bệnh viện đông y, viện điều dưỡng nghe tin cũng đến. Họ còn lạ gì lão, nên cứ khôi hài. Chưa, chưa đi đâu. Lão sống ngoài quy luật của sự sống. Lần nào cũng vậy, ai cũng bảo phen này thì lão đi thật, u-rê huyết 500 kéo dài mấy ngày liền mà có sao. Con người ta chết là do một bộ phận nào đó bị chết, rồi mới kéo những bộ phận khác chết theo. Đằng này thì lục phủ ngũ tạng đều có vấn đề, nhưng chưa bộ phận nào đáng chết. Cơ thể lão đã được làm quen với tình trạng thập tử nhất sinh, nên cứ đùa dai mãi với tử thần.
Mấy cụ già gọi lão là Bảy Thũng, nghĩa là Bảy phù thũng. “Này, này”, họ lay lay lão, “tết nhất đến nơi rồi, có hai mẹ con nó mà để lại mấy chục ký kham sao nổi (!)”. Bảy Thũng sắp chết phải phì cười, môi chìa ra tím ngắt như hai con đỉa trâu no máu. Ngoài tết các cụ kéo nhau đi sạch, Bảy Thũng vẫn nằm đó, tim vẫn đập, phổi vẫn phập phồng lên xuống. Phải người khác, phù nặng hôn mê mấy ngày liền như thế là đi đứt, đằng này Bảy lại tỉnh, lại bình thường như sau một giấc ngủ li bì. Có điều lão mơ thấy mình nằm trong một khoang thuyền chất đầy hoa, mọi người xúm lại, đẩy sang bờ sông bên kia, cũng đầy hoa, toàn những hoa cúc màu vàng như xôi đậu xanh. Bảy không theo đạo Phật, cũng không theo đạo Thiên chúa, nhưng nhà thì một bên là chùa, bên là nhà thờ, nên sư cầu siêu vừa ra thì cha xứ vào rửa tội, gọi là làm phúc, vì thấy gia cảnh lạnh lẽo quá. Cứ thế, Bảy Thũng chết đi sống lại không biết bao nhiêu lần, đến nỗi nghe tin lão lâm chung có người còn gặng lại: “Đã chết thật chưa?”.
*
Lần này chắc là thật. Điệu kèn tò tí te cất lên khiến bà con hàng xóm đang làm việc ngừng tay vểnh tai nghe. Đúng! Từ nhà Bảy Thũng. Có người mỉm cười: Cuối cùng thì cũng phải đi thôi, sống thế đủ rồi, khổ vợ khổ con. Họ bổ về phía nhà lão. Trẻ con người lớn chen nhau vòng trong vòng ngoài. Xưa nay nhà lão có bao giờ trẻ con dám bén mảng. Chúng vẫn gọi lão là “ông kẹ”, đồng nghĩa với phù thủy, ngáo ộp gì đó. Ngày nào cũng có đứa cõng em ngang qua cổng gọi réo vào: “Ông kẹ ơi, nó lại không chịu ăn đây này!”. Thế là đứa bé nhai vội miếng cơm ngậm trong miệng, nhắm mắt nuốt, đầu quay ngoắt về phía sau, hai gót chân thúc lia lịa vào mạng sườn người ẵm, tay chỉ rõ thật xa.
Một cụ già người choắt như trẻ con chống gậy chậm rãi:
- Nào, xem Bảy Thũng nằm đâu nào.
Cùng lúc, mấy cánh tay chỉ người đang gò lưng kéo nhị, mặt ngửa lên cười.
Bảy Thũng đây á? Có mà phép tiên. Tay giữ cần nhị, tay nâng vĩ, cấm run tị nào, lúc ngửa cổ tay kéo như buông lơi, khi đẩy miết sát vào sợi cước phát ra âm thanh sắc gọn, đĩnh đạc. Bàn tay trái càng điêu luyện, lão mà có những ngón tay mềm mại thế kia ư? Trời, khi luyến láy không còn thấy mấy đầu ngón tay đâu nữa. Lão vuốt xuống, âm thanh bay vút lên, ngọt hơn tiếng vĩ cầm. Cây vĩ dừng hẳn, lão hất mái tóc, nở nụ cười trong tiếng vỗ tay rầm rầm. Bảy Thũng thật. Bảy Thũng trăm phần trăm chứ còn ai vào đấy. Nhưng nay sao trông lão trẻ thế, trẻ đến hai mươi tuổi, đẹp trai nữa. Thường ngày thì đầu tóc bù xù như tổ quạ. Cả năm lão không tắm, suốt đời lão không chải đầu. Lão không biết đến cái lược, mà có khi trong nhà không có cả lược nữa cũng nên. Thi thoảng người ta có chứng kiến lão xòe mấy ngón tay dùi trống lên cào đầu, nhưng đó là để gãi chứ không có ý định vuốt tóc. Tóc lão bạc khô như vôi, động đến rơi lả tả từng túm nên lão sợ không dám “can thiệp” vào nó. Giờ đây tóc xanh đen, óng ả, môi đỏ ra, má hồng lên như người vừa uống rượu. Hay là lão chết rồi, em ruột ở đâu mới về lo tang? Lại còn biết kéo nhị nữa, có mà hồn ma của lão.
Người đến sau hỏi người đến trước, cuối cùng mới vỡ lẽ. Chả là thế này, một bọn âm công lên chùa lấy kèn trống về phục vụ đám tang ghé xin nước và trêu chọc lão là chính. Chúng ca cẩm có ông thổi kèn lại vừa mới chết. Bảy Thũng bảo “để tôi thổi cho”. Chúng nó không tin, cá cược, thách đố, dúi kèn vào tay lão. Nào ngờ lão thổi được thật. Rồi chúng đố lão kéo nhị. Thì nhị, lão xắn ống áo lên. Bây giờ có đứa lại khích, kèn nhị có khi không biết nhạc cũng chơi được, ghi-ta chắc lão chịu. Chúng lại dúi chiếc ghi-ta vào tay lão như đã dúi cây nhị trước đó.
- Khoan! Cụ già nắm cần đàn vít xuống. - Nói tao coi, mày dùng thuốc gì mà cải lão hoàn đồng?
Tôn trọng cụ, cuộc thách đố chậm lại.
Bài thuốc Bảy Thũng kể quá ư là đơn giản, đơn giản đến không ai có thể ngờ, có lẽ lão nói xạo. Lão bảo nhiều năm liệt giường liệt chiếu, lê la ăn vạ khắp bệnh viện này đến bệnh viện khác, làm khổ vợ khổ con. Đã thế bà vợ đôi khi lại phàn nàn, bao nhiêu tiền trợ cấp đổ vào thuốc thang hết. “Được, nếu tôi sống làm cái gia đình này lụi bại thì cứ chết đi là kinh tế nhất(!)”. Lão nốc luôn một liều thuốc trừ sâu. Đến bệnh viện cấp cứu sặc mùi vô-pha-tốc. Bác sĩ hỏi uống bao nhiêu, lão trả lời lưng tô. Hỏi uống lâu chưa, lão bảo mới hôm qua. Họ nhìn nhau lắc đầu cười. Rửa ruột cũng vô ích, chất độc đã ngấm vào tận tế bào rồi còn gì. Ấy thế mà mấy ngày sau lão không chết mới lạ. Bệnh tật bay biến, kiểm tra đờm, tịch không thấy một con vi trùng lao, phổi chụp phim sáng bong, ký sinh trùng sốt rét chết sạch. Cứ thế ăn được, ngủ được. Lão muốn vận động, cất nhắc chân tay, bắt đầu sợ nằm, sáng nào cũng dậy thật sớm cuốc đất, nhổ cỏ. Lão chia mảnh vườn sau nhà thành sáu miếng, mỗi miếng bằng cái chiếu, trồng một loại rau. Rau là thuốc, các bác sĩ bảo vậy. Lần lượt đổi bữa, ăn đủ sáu thứ rau thì vừa đúng đến chủ nhật. Chủ nhật ăn thịt, thịt nạc, ăn ít thôi, mà lấy đâu ra nhiều. Lão hì hục xới đất lật cỏ, cả những trưa nắng cháy lưng, mồ hôi vã ra, tróc lớp da cũ. Rồi lão tắm, mới đầu còn đun nước nóng, sau lười, cứ nước lạnh xối luôn. Lão hết ngại gió ngại rét, người nhẹ hẳn đi, thoáng từng lỗ chân lông, tóc xanh lại, thay da đổi thịt lúc nào không hay. Lão cứ kể tưng tửng tưng tửng, mà thế thật, hóa ra phép lạ ấy ai chẳng biết, có điều xưa nay lão không chịu làm.
Cụ già buông cần đàn. Tiếng ghi-ta dậm dạp nhát gừng. Bảy lấy lại dây, bấm từng cặp hai ngón, vang lên những hòa âm vui tai. Phím đàn đánh thức những ngón tay dùi trống của lão lần nhớ từng nốt nhạc quen thuộc. Tiếng đàn thức tỉnh lời ca năm nào, bất thần lão vung tay gẩy liến thoắng. Lão hát: Cùng nhau đi Hồng binh, Diệt phát xít, Vì nhân dân quên mình… Bốc quá lão vừa gẩy vừa đập tay lên mặt đàn, tưởng vỡ. Lão ngửa mặt hát, mắt khích lệ những người xung quanh hát theo. Tiếng hát hào hùng biến lão thành người khác. Xong mỗi bài, lão lại đố bài hát ra đời năm nào, nhạc của ai, lời của ai. Tất cả tịt. Lão tự trả lời, còn nói thêm ca sĩ nào hát bài đó đầu tiên, thậm chí hát trong trường hợp nào… Ai cũng há miệng, cứ như lão vừa được cố nhạc sĩ tài ba nào đó nhập hồn.
Một thằng nhỏ đánh bạo:
- Thế ông có biết Hải Sơn không?
- Nó là bạn tao! Thằng ấy có cái tai tuyệt. Mình gặp nó lần đầu mà lần sau bước vào sân nó đã lên tiếng trước: “Anh Bảy đến phải không?”. Nó nhớ tiếng bước chân.
- Nói cứ như thật. - Cụ già phán.
- Bà, bà ơi… - Lão trở nên hấp tấp. - Bà đem cái ảnh ấy ra đây cho tôi.
Đó là ảnh một nhạc sĩ mù đang chơi ghi-ta, bên cạnh là Bảy Thũng ngày xưa, mặc quần áo bộ đội, cũng đứng ôm đàn, chân gác lên chiếc ghế đẩu. Bảy còn nhớ lúc chụp ảnh chơi bài “Quê em”, và lão bắt đầu: “Quê em khoai hai mùa xanh tốt cánh đồng…”. Từ nhà trong một giọng nữ trong trẻo cất lên. Đó là giọng của bà.
Đám đông hóa đá.
Giờ người ta mới biết Bảy Thũng là ai. Nào ngờ lão đã từng là trưởng đoàn văn công thời chống Pháp. Gọi là nhạc sĩ thì không đúng, vì lão có qua trường nào. Nhưng lúc ấy ai có bằng cấp. Trước khi khoác áo trấn thủ, lão đã chơi được hầu hết các nhạc cụ thông thường: sáo, kèn, nhị, măng-đô-lin, ghi-ta… và cả ac-coóc nữa. Phải thừa nhận cậu Bảy Thũng ngày ấy đẹp trai, thông minh. Bị Pháp bắt tù phải đi đày ở một vùng heo hút. Giữa đêm đông, tiếng sáo vút lên, véo von buồn thảm. Cai tù là một thằng Tây đen ác khét tiếng gọi cậu lại. Tưởng gì, hóa hắn nhớ nhà, bảo thổi tiếp, thổi riêng cho hắn. Hắn nhìn ống sáo đơn sơ trong tay cậu tự làm bằng nứa mà ngạc nhiên. Rồi hắn hỏi cậu học trường nào ra, cậu khai học người hàng xóm từ nhỏ. Hắn bắt cậu dạy và cùng song tấu. Anh em tù nhờ vậy mà được nhẹ tay roi vọt. Hầu hết các vết thương của Bảy đều bị sau những lần biểu diễn. Tập kết ra Bắc, Bảy dẫn đoàn đi phục vụ lưu động, có khi còn tuyển thêm diễn viên mới ở những địa phương dừng chân. Anh chị gặp nhau trong hoàn cảnh ấy. Về già người ta thấy bà cũng có sắc, thì ra đã có một thời lên sân khấu.
Đám đông đã giải tán từ lâu mà Bảy Thũng vẫn ôm đàn tư lự. Cơn mưa ập xuống lại tạnh ngay khiến lão không nhận ra. Nước óc ách chảy quanh nhà. Lão nhớ con kênh trung du Bắc bộ. Giữa buổi trưa hè nóng nực, dưới lùm tre xào xạc, gió đồng lồng lộng thổi. Bảy vừa tắm lên, mặc áo cổ vuông, đầu chưa khô đã ôm lấy cây đàn. Dòng nước mát lặng lẽ chảy dưới chân. Anh cất tiếng hát: “Ta nhớ quê ta có núi Ấn có sông Trà/ Ta nhớ quê ta…”. Dứt tiếng hát, anh cũng ngồi thừ ra như lúc này.
Bỗng, Bảy Thũng lên tiếng:
- Lâu nay tôi làm phiền bà nhiều lắm phải không?
- Ơ, sao ông lại nghĩ vậy?
Tiếng bà thật gần, ngay sau lưng lão. Ngày ấy, khi anh hát, có tiếng con gái thẻ thọt: “Anh bộ đội ơi, hát cho em nghe đi!”. Anh ngoảnh lại. Cô gái đỏ mặt, kì chân bằng búi cỏ dập nát trong tay. Hừ, vừa mới ngày nào, vừa mới ngày nào dọc đường hành quân vẫn nghe nhao nhao những tiếng gọi ríu rít: “Chú bộ đội ơi! Dạy hát chúng cháu đi”.
- Hình như bà vừa nói gì có phải không? - Lão lại buông thêm một câu.
- Đâu có…
Tiếng bà nghe thảng thốt. Nước vẫn óc ách chảy, và một lần nữa lại vang lên giọng nói quen thuộc, trẻ trung, trong vắt: “Anh bộ đội ơi, hát cho em nghe đi!”.
Bất giác, lão ngoái lại. Đà Lạt mới sau cơn mưa, nắng như ánh đèn, vẳng một tiếng gà gáy trưa xa thẳm.