Ông MC

03:03, 09/03/2011

MC là tên bà con lối xóm và đám thanh niên trong làng mới gán ghép cho ông ở cái thời buổi bùng phát MC sau này, chứ tên cúng cơm của ông là Ma Văn Bự. Chẳng là lúc lọt lòng mẹ, ông cân nặng 3,7-3,9kg, một trẻ sơ sinh cỡ bự. Có thể, vì thế nên cha ông đặt luôn cho ông cái tên Bự. Trước kia ở vùng quê chẳng cần đặt tên văn vẻ chữ nghĩa gì, miễn là ăn khoai, ăn sắn mà vẫn cứ hay ăn chóng lớn như phỗng là được. Bự lớn dần lên và được cha cho đi học năm ba cái chữ. Chữ nghĩa của Bự cũng chỉ đủ bỏ bụng, nhưng ông là đứa trẻ sáng dạ, việc gì chỉ cần ông nghe thấy nhìn thấy là có thể làm theo được ngay.

MC là tên bà con lối xóm và đám thanh niên trong làng mới gán ghép cho ông ở cái thời buổi bùng phát MC sau này, chứ tên cúng cơm của ông là Ma Văn Bự. Chẳng là lúc lọt lòng mẹ, ông cân nặng 3,7-3,9kg, một trẻ sơ sinh cỡ bự. Có thể, vì thế nên cha ông đặt luôn cho ông cái tên Bự. Trước kia ở vùng quê chẳng cần đặt tên văn vẻ chữ nghĩa gì, miễn là ăn khoai, ăn sắn mà vẫn cứ hay ăn chóng lớn như phỗng là được. Bự lớn dần lên và được cha cho đi học năm ba cái chữ. Chữ nghĩa của Bự cũng chỉ đủ bỏ bụng, nhưng ông là đứa trẻ sáng dạ, việc gì chỉ cần ông nghe thấy nhìn thấy là có thể làm theo được ngay.

Lớn lên Bự theo cha lăn lộn làm thuê cuốc mướn cho các nhà phú hộ, điền chủ trong làng: cày bừa, cuốc đất lật cỏ, bón phân, tưới nước khắp cánh đồng "Chó ngáp" nên Bự thuộc lòng cánh đồng làng Rộc như thuộc lòng bàn tay mình. Vì sự hiểu biết đó nên dân làng "phong" cho ông tước hiệu "lão nông tri điền" tuy ông mới ở tuổi trung niên. Ông là người chí thú làm ăn, tích cóp vốn liếng và kinh nghiệm làm nông, mua một mảnh ruộng để tự cày cấy và nhận làm tá điền cho các phú hào.

Làm tá điền thì phải tậu trâu, sắm cày bừa và nông cụ...

Có thể nói ông vừa tự làm hoặc mua sắm, hầu như nhà ông không thiếu một loại nông cụ nào, khi cần là có ngay. Tính ông lại không thích làm phiền người khác và, ngược lại ông cũng không muốn ai làm phiền mình. Phải chăng đó là tính tự trọng hay là tính keo kiệt, ích kỷ quá đáng. Đó là thời xưa. Thời sau này thì...
Một hôm có bác hàng xóm đang cuốc ruộng, chẳng may bị gãy cán cuốc, chạy tìm cán cuốc khác thì mất thời gian, ông xắn quần chạy vội về làng, van nài ông Bự cho mượn cái cuốc. Ông Bự đón tiếp bác hàng xóm tử tế lắm.

- Bác chờ chút xíu.

Ông chạy ra sau nhà mang ra cái cuốc và, ông bắt đầu làm MC.

- Cái cuốc gồm có hai phần: Phần lưỡi và phần cán. Cán cuốc thường làm bằng tre đực đặc ruột, tốt nhất đẳng tre về để gác bếp một thời gian cho ngấm bồ hóng, tránh mọt ăn sau này. Cán cuốc phải chuốt thật bóng để khỏi vướng tay, lưỡi cuốc phải dày và chắc. Nếu đai cuốc không chắc chỉ cần cuốc lật một lát đất thịt là đai cuốc sứt ngay. Tra cán cuốc cần phải thong tay, tra lưỡi cuốc ngang quá dễ gãy và, lúc cuốc có cảm giác đất "bập bập" không mát tay...

Đấy, bác cứ thế về làm lấy mà dùng.

MC xong, ông cầm cuốc ra cất sau nhà, bác hàng xóm cảm thấy chưng hửng và như bị xúc phạm.
- Vì gấp gáp quá, ruộng sắp đổ ải, tôi mới phải chạy đến van nài ông, chứ tôi cần đếch gì "cái quảng cáo" của ông, đã làm nông ai chả biết. Bác hàng xóm đứng lên phủi đít quần không thèm chào, đi thẳng ra khỏi nhà ông Bự.

Lần khác, ông Bộ ở mãi xóm dưới chưa từng nghe "giai thoại" ông MC, nên chạy đến ông ta mượn cái cày vì, theo lời ông Bộ, ông đang cày bỗng lưỡi cày bị vướng rễ cây nên gãy tay cày, nước đổ ải và vụ cấy đang đuổi sau lưng, ông Bự lại vác cày ra làm MC.

- Cái cày gồm có mấy phần, nên chọn bắp cày bằng gỗ gì, có độ cong ra sao, tay cày nên chọn nhánh cây có độ cong tự nhiên, tháp cày phải là... Quảng cáo xong ông lại mang cày ra cất sau nhà trước sự kinh ngạc của ông Bộ. Ông Bộ đứng lên ném tàn thuốc lá, phủi phủi hai bàn tay, bước nhanh ra cửa phun đánh toẹc một bãi nước bọt, đi thẳng.

Cái sự tích làm MC của ông Bự thì còn nhiều và dài lắm, nhưng đó là ở cái thời làng quê chưa có cuộc vận động "dồn điền đổi thửa" và tiếng vang ông Bự làm MC cũng lan truyền nhanh ra khắp huyện, khắp tỉnh.

Khi cánh đồng Chó ngáp làng Rộc thực hiện xong việc "dồn điền đổi thửa" thì việc canh tác hầu như được làm bằng máy: cày máy, bừa máy, cắt lúa bằng máy gặt đập liên hợp. Mấy sào ruộng của ông Bự nằm lọt thỏm ở giữa nên việc tát nước, bón phân, phun thuốc trừ sâu... đều gặp khó khăn. Đang mùa vụ, cái cày của ông lại hỏng. Thực là một tai họa. Chẳng lẽ lại đi mượn cái máy cày mà ông có biết lái máy cày đâu, với lại dân làng chắc hẳn còn nhớ cái chuyện ông làm MC. Thật khó quá cho ông. Năm ấy ruộng nhà ông bị trễ vụ, thời tiết lại không thuận, mấy mùa liên tiếp ông làm ăn thất bát.

Thế rồi, sau nhiều ngày đêm trăn trở, ông giao mấy sào ruộng cho vợ ông, bà Bự xoay xở, ông chạy tìm việc khác, mưu kế sinh nhai để có tiền lo cho đứa con độc nhất đang ăn học tại thành phố. Ông xuống biển. Rừng vàng biển bạc. Ở đó, ông có ông anh họ làm nghề biển đã mấy chục năm, có cuộc sống phong lưu dư dật cũng nhờ biển.

Ông bàn với ông anh họ, hùn vốn mua thuyền đánh bắt xa bờ. Có thuyền, có ngư cụ cộng với kinh nghiệm mấy mươi năm làm nghề biển của ông anh, nên năm đầu làm ăn trúng đậm, ông Bự vui mừng không sao kể xiết. Nhưng... chuyến đi biển khu vực đảo Trường Sa của ta hôm ấy trời quang mây tạnh, biển lặng sóng yên, chỉ có những con sóng lăn tăn đùa giỡn trên mặt biển bao la. Thả lưới xong, anh em ông và bạn chài đang chuẩn bị ăn cơm chờ kéo lưới thì ông anh họ bỗng đứng lên như đang lắng nghe hơi thở của biển, mắt nhìn chân trời xa rồi ông quả quyết ra lệnh kéo lưới ngay. Mọi người thắc mắc, mọi con mắt đổ dồn về phía ông.

- Sao vội thế? Lưới mới thả mà.

- Phải kéo lưới ngay, may còn kịp. Chú có thấy con sóng dập dzềnh giữa biển và đám mây xám, nhỏ ở phía chân trời kia không? Đó là dấu hiệu của cuồng phong bão tố sắp xảy ra. Phải nhanh tay kéo lưới, dẹp cơm  nước lại đã, chạy tránh nhanh may ra còn kịp. Thuyền ông Bự hướng vào một hòn đảo gần nhất, máy chạy hết công suất mà cũng chỉ chạy được vài chục hải lý, trời bỗng tối sầm, đen kịt gió hú từng hồi, biển như chảo nước lớn đang sôi. Một con sóng cao lừng lững đổ ập xuống thuyền, bẻ gãy bánh lái, quét ông Bự và một vài bạn chài rơi xuống biển. Ông Bự chỉ kịp kêu thất thanh: Anh ơi và chụp vội cái can nhựa rỗng. Sóng đánh mỗi lúc một to, ông trôi xa dần con thuyền, lặn hụp trong sóng nước đen đặc...

Đêm xuống. Trời tối đen như mực. Ông không còn sức để bơi nữa, ông thả mình mặc cho sóng xô, gió đẩy. Lúc này trong đầu ông luôn nghĩ đến cái chết, đến bị cá mập ăn thịt. Ông van vái thần linh, tổ tiên, che chở cho ông được sống, ông nghĩ đến vợ con...

Sáng hôm sau khi ông đã kiệt sức vì đói, khát và rét, ông không còn hy vọng được sống thì, trong đầu ông vang lên âm u tiếng còi tàu như từ cõi hư vô vọng lại. Một chiếc tàu hải quân ta hiện ra, ông được đưa lên tàu, chiếc thuyền cũng được hải quân lai dắt vào đảo gần đấy.

May mà chuyến đi hôm ấy không mất mát một ai, chỉ có con thuyền bị gãy lái. Thật là phúc lớn cho ông. Về đến đất liền, một tuần sau lần bị biển dập ấy, ông xin nhường lại phần hùn cho ông anh, thu lại vốn liếng quay về làng với mấy sào ruộng. Sau này có ai vô tình nhắc đến biển là ông như bị dị ứng, gai gai nơi cột sống. Cái cảm giác mặn mặn, tanh tanh của nước biển khiến ông như muốn nôn mửa.

Ông nghĩ: Xoay xở với mấy sào ruộng làm sao đủ sống. Ông đi tham quan làng trên xã dưới rồi quyết định mở lò gạch vì, theo ông, gạch xây dựng là mặt hàng đang hút. Người ta đang đua nhau xây cất nhà cửa. Gạch quốc doanh cung cấp không đủ. Ông xin giấy phép sản xuất gạch. Gạch ông làm ra đến đâu bán chạy đến đó.

Việc làm ăn mỗi ngày một khấm khá, đời sống được nâng lên, dân làng cũng quên dần chuyện mà MC của ông và ông cũng thấy việc làm MC của mình là không hợp tình, thằng con ông cũng học hành được tấn tới. Ông vừa nhận được tin, nó đã đỗ cử nhân ngành địa lý hành chính, thật là "lưỡng phúc lâm môn" khi nó "vinh quy bái tổ".

- Con nên "tư cái giấy" về nguyên quán cho cụ Trưởng tộc và bà con ngành trên ngành dưới, làng xóm quê hương để mọi người cùng biết, cùng chia vui mà nhà ta cũng mát cái mặt.

- Vâng ạ! Con sẽ in và gửi cả các-vidzich nữa ạ!

Chuyện ông MC làm kinh tế là như thế đấy.

Truyện ngắn: NGUYỄN TÙNG CHÂU