Trước khi quá muộn

02:04, 27/04/2011

Ông Hùng mở cửa sổ ngôi biệt thự vì cảm thấy không khí trong nhà quá ngột ngạt. Một làn gió sớm ùa tới làm ông khẽ rùng mình. Chớm heo may rồi. Thảo nào đêm qua vết thương cũ lại nhức nhối làm mình không tài nào ngủ được...

Ông Hùng mở cửa sổ ngôi biệt thự vì cảm thấy không khí trong nhà quá ngột ngạt. Một làn gió sớm ùa tới làm ông khẽ rùng mình. Chớm heo may rồi. Thảo nào đêm qua vết thương cũ lại nhức nhối làm mình không tài nào ngủ được! Ông lẩm bẩm ngồi xuống sa lông xoa xoa bàn tay vào phía dưới gầm gối chân phải. Mảnh mìn vẫn nằm yên ở đó. Hồi ở trạm phẫu thuật của bệnh viện tiền phương, vị bác sĩ nói: “May mà đồng chí được sơ cứu rất tốt và đưa về kịp thời. Nếu không, chỉ riêng  việc mất quá nhiều máu cũng đủ cướp đi mạng sống’’. Lại nữa ,mảnh đạn thật oái oăm,chui vào nằm giữa phần sụn khớp gối dưới. Nếu lấy được nó ra thì bắt buộc phải cắt bỏ chân phải từ gối trở xuống. Hiện tại mảnh đạn cũng chưa gây nguy hiểm nhiều đến tính mạng, vả lại thấy Hùng điển trai quá, bác sỹ không nỡ lấy đi một chân của anh.Vậy là ông Hùng đã “chung sống hoà bình” với nó được hơn hai mươi năm. Tất nhiên chừng đó thời gian, nó cũng không ít lần gây phiền toái, thậm chí đau đớn cho ông. Nhưng ông vẫn quyết định sống chung với nó tới chừng nào không thể. Bởi nhờ  nó mà giữa guồng quay tới chóng mặt của cuộc sống đua chen, nhiều lúc ông lãng quên quá khứ. Nó đã kịp đánh thức những kỷ niệm chiến trường xưa, nhắc ông không được phép quên đi mối tình giúp ông có  những giây phút hạnh phúc nơi chiến trường ác liệt,không được phép  quên người đồng đội đã cứu ông thoát khỏi cái chết. Ông Hùng nhắm mắt lại tựa lưng ngả người ra ghế, những hình ảnh ngày xưa hiện về rõ mồn một.

...Chiều miền Đông Nam bộ, rừng le xào xạc tấu lên bản nhạc dịu êm của núi rừng, phút yên ả hiếm hoi giữa những trận đánh. ánh nắng yếu ớt cố xuyên qua tán lá dầy đung đưa trên mặt đất. Con suối mùa nước cạn rì rầm rủ những chiếc lá vàng trôi về phía xa xa... Hùng và Liên ngồi sát vào nhau bên gốc săng lẻ. Giọng Liên nghe xa xăm:

-Ngày mai anh nhận nhiệm vụ rồi. Em thấy lo quá hà!

- Em yên tâm đi - Hùng quàng tay qua eo Liên, ghé miệng phả hơi thở nóng hổi vào gáy Liên, thì thầm- Lính trinh sát bọn anh có mắt ở chân mà, mìn nào cũng tránh được!

- Cái anh này! - Liên nhéo yêu vào lưng Hùng - Lúc này mà anh vẫn còn giỡn được.

Hùng khẽ xoay người Liên lại, từ từ nâng khuôn mặt trái xoan có cặp lông mày thanh, cong vút. Đôi môi đầy đặn phớt hồng của Liên mấp máy như mời gọi, mắt cô nhìn anh như thể bao nhiêu ánh nắng tươi tắn của buổi chiều dồn hết cả vào trong đó. Hùng định đặt lên làn môi ngọt ngào kia bao khao khát, nhưng anh kịp dừng lại. Liên là mối tình đầu của anh. Hùng không chỉ mê vẻ nền nã, dịu dàng của cô, mà hơn thế anh yêu sự trong sáng, trong sáng đến vô tư, đến thánh thiện ở Liên. Đã bao lần tự tình bên nhau,khi cảm xúc trào dâng mãnh liệt, khi cái bản năng của người đàn ông đang ở độ tuổi hừng hực trỗi dậy, anh đã phải vất vả kìm nén. Cuộc chiến đang hết sức khốc liệt, sự sống và cái chết còn chưa biết ra sao. Lại nữa, anh và Liên người Nam kẻ Bắc, nếu có điều gì xảy ra, người thiệt thòi, đau khổ nhất lại là Liên. Thực tình anh rất muốn nhưng không thể! Liên ơi, anh không được phép làm khổ em!...

Liên âu yếm vén lọn tóc loăn xoăn ngắm khuôn mặt cương nghị của Hùng không biết chán. Bàn tay cô vuốt ve, xoa xoa hết mặt rồi xuống cổ anh. Hùng cảm giác như có đàn kiến bò khắp người, làm anh nhột tới không chịu nổi. Bất ngờ, Liên kéo Hùng xuống, ghì đầu anh vào bộ ngực căng tròn, đang rộn lên từng nhịp yêu đương... Hùng tê đi, rồi như một kẻ mộng du, anh lần tìm môi Liên vội vã. Cả hai cuống quýt riết lấy nhau. Trời đất  như nghiêng ngả quay cuồng, những cơn gió lúc nãy còn đùa giỡn trên kia, giờ đã trốn đâu mất, làm đám le hết lao xao, đứng im phăng phắc. Dòng suối hình như cũng ngừng chảy, cả không gian như vón lại, để rồi  oà vỡ. Thảm lá le dầy êm, phút chốc như một tấm đệm nhầu nát, xô dạt...

Liên chậm rãi cài lại cúc áo, chiếc cặp hình cánh bướm bằng i-nốc bóng loáng ngậm ở miệng. Cô dướn người vấn lại mái tóc dài óng ả thành một búi cao, để lộ ra chiếc gáy đầy đặn như trắng ngần lên trong ráng chiều tim tím. Hùng nằm ngửa duỗi thẳng chân tay trên thảm lá, cảm giác đôi mắt Liên như có nét buồn thăm thẳm, anh ngồi dậy, ôm lấy cô, giọng ân hận:

- Liên! Hãy tha lỗi cho anh!... Thực tình anh...

Không để anh nói hết câu, Liên đưa tay bịt  miệng Hùng lại:

- Anh không có lỗi gì cả. Hùng ơi! Em tự nguyện trao anh cũng là thoả nỗi khát khao mà bấy lâu nay em mong đợi. Mai anh đi rồi. Số phận con người ta rồi sẽ ra sao? Em chỉ biết cầu trời khấn phật cho anh bình yên trở về. Anh hãy hứa với em là anh không được chết. Anh phải trở về để còn đưa em ra quê anh nữa chứ. Anh hứa với em đi!

Hùng rưng rưng trước tình cảm của cô. Liên ơi! Em đã cho anh đời con gái không chút mảy may tính toán. Cuộc chiến khốc liệt này rồi sẽ xô đẩy chúng ta đến đâu, em cũng không cần biết. Em chỉ một lòng lo lắng cho anh- Hùng muốn nói những gì tự đáy lòng song anh không cất nên lời, chỉ biết ghì chặt Liên hơn trong vòng tay rắn chắc. Rồi hai người dìu nhau quay trở về đơn vị. Hoàng hôn đã lừng lững buông từ phía sau như một bức tường xây loang lổ. Tiếng lá rì rào, tiếng những đôi chim ríu rít gọi nhau về tổ làm cho rừng chiều biên giới có cảm giác yên bình, thư thái...

Tiếng xe máy phanh “kít” cắt ngang dòng suy nghĩ của ông Hùng. Thằng Cường đi chơi suốt đêm qua, giờ mới thò mặt về. Chẳng chào ông lấy một tiếng, nó chạy tót lên tầng hai, ông Hùng chỉ thoáng thấy mái tóc bù xù của nó qua ô cửa kính. Lát sau, từ tầng trên, những âm thanh chát chúa của dàn Karaôkê oang oang dội xuống, làm ông Hùng nhăn mặt. Lấy tay bịt  hai lỗ tai, ông nặng nhọc bước ra vườn. Những gốc sanh, sung, những cây lộc vừng được ông kỳ công chăm chút, cứ mơn mởn từng con mắt lá như đang cười với ông trong nắng sớm. Có những cây thế, ông phải tốn bao công sức, sửa đi, cắt lại mới tạo được một cái dáng độc đáo, nhìn không chán mắt. Ông ngước nhìn về phía tầng hai toà biệt thự, nơi đang phát ra tiếng hát như gào thét của thằng Cường, bất giác chua chát: Thằng Cường cũng là một thứ cây cảnh mà mình đã bỏ quên! Ông mệt mỏi ngồi xuống ghế đá cạnh hòn non bộ. Vòi nước từ đài phun tràn qua khối đá kì quái róc rách chảy, lại như đưa ông trở về với không gian chiến trường xưa..

...Tổ trinh sát của Hùng được chia làm hai mũi. Hùng và Phong lầm lũi xuyên rừng. Từng chiếc lá tơ như những bàn tay nhỏ nhắn, mềm mại cọ vào má, làm Hùng nhớ tới cái cảm giác mơn man khi những sợi tóc của Liên vương vào mặt những lúc hai người ngồi bên nhau. Nhưng cảm giác dịu dàng đó nhanh chóng qua đi khi hai người tiến sâu vào khu vực cần trinh sát. Đây là một căn cứ kiên cố của địch. Lợi dụng địa hình hiểm trở chúng cố thủ và thường xuyên tung biệt kích đánh lén các đơn vị của ta, gây không ít tổn thất. Đơn vị của Hùng được cấp trên giao nhiệm vụ bằng mọi giá phải nhổ bỏ cái gai khó chịu này. Hùng và Phong là hai trong số các trinh sát dạn dày kinh nghiệm. Qua mấy đêm ém mình nơi rừng hoang lạnh giá, mặc cho lũ muỗi đói ngấu nghiến, mặc cho những cơn buồn ngủ lúc nào cũng chỉ chực kéo mi mắt sụp xuống. Tổ trinh sát đã nắm chắc toàn bộ đường đi nước bước, quy luật hoạt động cũng như những khu vực gài mìn, những điểm xung yếu của bọn địch. Họ quyết định trở về báo cáo đơn vị. Hai người bước đi như chưa hề phải trải qua những ngày nằm gai nếm mật, chịu đói, chịu rét.

-  Cánh rừng này thế mà nên thơ ra phết Phong nhỉ - Hùng chỉ tay về phía xa. Những dãy núi mờ mờ đứng im làm nền cho rừng le mặc những chiếc áo xanh đều phăm phắp như một hàng quân. Những cây điều đang trổ những búp lá non phơn phớt hồng, gặp  tia nắng xuyên qua, chợt trở nên lung linh, tươi tắn .

- Phong lan kìa - Nhìn theo tay Phong chỉ, Hùng như ngất ngây khi thấy treo một cách kín đáo trên cành săng lẻ khô, một giò phong lan đang e ấp những cánh hoa trắng muốt, mịn như làn môi con gái. Vậy là có quà cho Liên của mình rồi. Hùng thầm reo thích thú. Chắc là em sẽ bất ngờ lắm đây. Anh xăm xăm bước đi. Phong còn đang đứng lưỡng lự, chợt một tiếng nổ nhỏ nhưng rất đanh phát ra kèm theo là tiếng Hùng kêu “ối”. Phong nhào tới, thấy Hùng nằm sóng xoài, nhành phong lan đã văng đi đâu mất. Mặt Hùng tái mét, môi run run mấp máy, rồi cứ thế lịm dần. Từ ống quần phía gối phải rách toang, máu tuôn sối xả. Phong vội xé áo lót ga rô thật chặt bắp đùi Hùng rồi nhanh chóng cắt rừng, cõng bạn về đơn vị.

Hùng tỉnh lại ở Bệnh xá trạm phẫu thuật tiền phương sau nhiều ngày mê man. Được chăm sóc chu đáo, vết thương của anh  phục hồi nhanh song không phẫu thuật được, nên Hùng không thể quay lại đơn vị tiếp tục chiến đấu. Anh được đưa ra Bắc điều trị, rồi chuyển ngành đi học một lớp quản lý bên dân sự. Số phận đưa đẩy anh kết hôn với con gái của thầy giáo mình. Con đường công danh của Hùng cứ thêng thang rộng mở. Anh hiểu cái giá anh phải đánh đổi bên người vợ và đứa con trai mà anh biết nó chẳng phải huyết thống của mình. Lúc đó Hùng thực sự chẳng có sự lựa chọn nào khác. Càng thăng tiến, anh càng xa rời cái tổ ấm của mình. Những buổi tiệc chiêu đãi, những bữa nhậu liên miên không chỉ lấy đi sức khoẻ mà còn làm Hùng thêm lạc lõng mỗi khi trở về căn nhà bề thế đầy đủ tiện nghi mà lạnh lẽo, thiếu hơi ấm gia đình. Vợ Hùng cũng mê mải với công việc kinh doanh nên đi sớm về muộn. Thằng Cường không có người quản, học hành được chăng hay chớ, càng lớn càng ăn chơi đua đòi. Nó được mẹ quá nuông chiều nên cũng chẳng coi ông ra gì cả. Những lúc buồn bã nhất, không hiểu sao những kỷ niệm thời trai trẻ cứ hiện về làm ông thêm đau đáu. Từ lâu, ông vẫn có ý tìm kiếm người cùng đơn vị trinh sát năm xưa, nhất là Phong và Liên nhưng chẳng có tin tức gì. Một lần nhân chuyến công tác, ông về tận quê cũ của Phong. Người dân ở đó cho hay bố mẹ Phong đã mất, anh em làm ăn xa, còn Phong cuối năm 79 có ghé qua nhà rồi cũng đi làm ăn đâu tận miền Tây Nam bộ. Sức khoẻ giảm sút, ông Hùng xin về hưu trước tuổi, suốt ngày quẩn quanh với vườn cây cảnh. Vợ ông dạo này lại sinh thêm thói quen đi chùa chiền, cúng lễ, thỉnh thoảng về nhà, quẳng cho thằng Cường cục tiền coi như hoàn thành nghĩa vụ. Nghe hàng xóm xì xào hình như thằng Cường nhà ông vướng vào hút hít, ông cũng chẳng muốn tìm hiểu, cả ngày chúi mũi vào đám cây cảnh như muốn quên đi tất cả sự đời...

Lâu lắm, tối nay mới thấy thằng Cường về nhà sớm. Nó chỉ hỏi ông ăn cơm chưa rồi lại tót lên phòng. Ti vi hình như đang phát chương trình “ Cựu chiến binh Việt Nam’’. Khi nhân vật của chương trình xuất hiện, ông Hùng như bật nẩy người trên ghế. Đúng là Phong rồi. Không thể khác. Khuôn mặt có đôi mắt một mí ẩn dưới đôi lông mày hơi xếch, mới nhìn tưởng dữ, nhưng chỉ một lát, lại toát ra vẻ hiền từ, đôn hậu. Dù mấy chục năm qua vẫn không thể lẫn vào đâu được. Người ta giới thiệu ông là một tấm gương Cựu chiến binh mẫu mực, bao nhiêu năm qua vừa chăm sóc người vợ ốm đau bệnh tật mà vẫn nuôi dậy hai người con trưởng thành, đứa lớn học đại học năm cuối, đứa bé vừa thi đậu thủ khoa một trường đại học trên thành phố. Ông Hùng như người vừa tìm thấy một vật quý giá đã từ lâu đánh mất, cứ bồn chồn, bứt rứt, ra ra vào vào như một người ngớ ngẩn. Ông quyết định gọi điện cho bà vợ đang đi lễ ở đền Trần về. Và ngay tuần sau, ông đáp máy bay, bay vào Nam.

Chuyến xe đò dừng bánh nơi ngã ba đường. Chiều muộn, ánh nắng vàng vọt xiên nghiêng qua những tán lá cây thành từng vệt mờ mờ trên mặt đường nhựa. Theo tay chỉ của chú bé chăn bê, ông Hùng bước thấp, bước cao về phía ngôi nhà lợp ngói prô, nằm nép mình dưới những tán cau in một màu xanh đậm trên ráng chiều vàng rộm. Trước cửa nhà, một người đàn ông gầy gò, vận quần cụt, ở trần, mái tóc muối tiêu cắt cao đang lúi húi xới đất trên mảnh vườn nhỏ. Thấy tiếng chân người, ông dừng cuốc quay nhìn ra cổng. Bước chân ông Hùng như khựng lại. Phong đấy ư! Nom cậu ấy già và khắc khổ hơn nhiều so với hôm xuất hiện trên truyền hình. Ông Phong cũng đang ngờ ngợ. Ông buông rơi cái cuốc từ lúc nào nhưng vẫn đứng nguyên tại chỗ. Ông nghĩ hay là mình hoa mắt. Cái người đàn ông tầm thước, có dáng đi hơi lệch kia sao quen quá. Ông còn đang phân vân thì ông Hùng lên tiếng:

- Phong ơi! Hùng đây. Cậu có nhận ra mình không?

Ông Phong nhào đến:

- Hùng. Đúng là Hùng thật rồi. Trời đất ơi! Làm sao mà cậu lại tìm được đến tận đây?

Hai người bạn ghì chặt lấy nhau như chẳng muốn rời. Hàng cau nãy giờ im phăng phắc, chợt làn gió từ đâu bay tới cũng đung đưa mấy tầu lá, xạc xào như thể muốn chia vui với hai người bạn. Không kịp rửa tay chân, ông Phong líu ríu dẫn bạn vào nhà. Ông Hùng đưa mắt một lượt căn nhà nhỏ nhưng ấm cúng. Đồ đạc trong nhà đơn sơ nếu không muốn nói là chẳng có gì. Cái ti vi cũ nằm khiêm tốn trên chiếc bàn con nơi góc nhà. Hai chiếc giường đôi màu gỗ đã bạc phếch cùng năm tháng. Chỉ có chiếc xe đạp mi- ni màu đỏ dựng sát cửa sổ như làm cho căn nhà chợt sáng lên một chút. Mắt ông Hùng dừng lại ở tấm khung ảnh lớn chụp cả gia đình ông Phong. Cậu thanh niên trong ảnh có nét gì đó vừa gần gũi, thân thuộc, vừa xa cách, mông lung. Ông Hùng như chợt nhớ ra, quay sang ông Phong, hỏi dồn dập:
   
- Thế còn Liên? Liên sao rồi? Cậu có tin tức gì về cô ấy không?
Ông Phong ôn tồn:
   
- Cậu cứ nghỉ ngơi một lát, rồi đi tắm đã. Tí nữa vừa lai rai, bọn mình vừa tâm sự. Còn nhiều điều làm cậu bất ngờ đấy.

Những gầu nước giếng mát lạnh làm cho ông Hùng thêm sảng khoái, đầu óc minh mẫn trở lại. Bước vào nhà trời đã nhá nhem, ánh sáng từ bóng điện tròn hắt ra một quầng đỏ làm cho căn nhà ấm cúng như hẹp lại. Ông Phong giục bạn ngồi xuống mâm cơm, gãi gãi đầu:

- Bà xã nhà mình với cháu Phương về bên ngoại đã mấy hôm. Mình thì cái khoản bếp núc lại rất vụng. Cậu thông cảm!

Nhìn mâm cơm hết sức đạm bạc: Vài con khô nướng vàng ươm đặt bên những lát xoài trắng ngà. Đĩa rau lang luộc xanh mướt, một ít đậu phộng rang bên chai rượu trong như nước mưa được nút lá chuối cẩn thận. Nghĩ đến những bữa nhậu toàn sơn hào hải vị mình đã bao lần thưởng thức đến phát chán, lòng ông Hùng như thắt lại. Ông Phong giục mấy lần ông mới như sực tỉnh, cầm ly rượu lập cập chạm với bạn theo quán tính.

Bỏ một hột đậu phộng vào miệng, ông Phong chậm rãi:

-    Cậu có thấy thằng nhỏ trong bức hình kia giống cậu không? Nó tên Nhã. Nó là con trai của cậu đó.

Ông Hùng giật nảy người, chút xíu đánh rơi cả cái chén. Ông lắp bắp:

-    Cậu...Cậu nói gì? Đó... Đó... Là con trai tớ?

Đợi ông Hùng dịu cơn xúc động, ông Phong tiếp tục:

-    Ngày đó, sau khi tiêu diệt gọn cứ điểm của địch, đơn vị còn chốt lại ở đó một thời gian dài. Cậu chuyển viện rồi bặt vô âm tín. Liên biết là có thai với cậu thì hết sức hoang mang, tìm đến mình khóc lóc và có những suy nghĩ tiêu cực. Chắc cậu cũng hiểu kỷ luật chiến trường là thế nào rồi, lại còn địa phương, gia đình nữa. Bụng Liên cứ ngày một to. Mình quyết định đứng ra nhận là cha đứa trẻ. Cũng phải thuyết phục mọi nhẽ Liên mới chấp thuận đấy. Mà thực sự lúc đó mình chẳng còn cách nào khác. Bọn mình được đơn vị tổ chức cho một đám cưới giản dị. Sang năm sau, Liên sinh cu Nhã, cũng vừa lúc đất nước thống nhất. Cả hai phục viên, về quê Liên tạo dựng cuộc sống mới. Sau khi sinh thằng Nhã, Liên cứ ngày một hao mòn. Chẳng có kiến thức gì cả. Mãi sau này mình mới biết cô ấy bị hậu sản. Thằng Nhã được hơn một tuổi thì Liên ra đi.

Ông Phong dừng lời, ngước đôi mắt hoe đỏ nhìn vào khoảng không vô định. Cái cục ở cổ chạy lên, chạy xuống. Mãi một lúc sau, ông mới nghẹn ngào- Mình còn nhớ như in cái đêm hôm đó. Trời oi bức đến ngột ngạt, trong căn nhà lá leo lắt ánh đèn, Lan nằm đó thở một cách khó nhọc. Ngoài trời những ánh chớp nhì nhằng, thỉnh thoảng một tiếng sấm từ xa nghe rền rĩ như một lời than vãn. Mình ngồi cạnh giường nhìn Liên, cố nén những giọt nước mắt chỉ chực rớt xuống. Liên như gắng hết sức nắm tay mình thều thào:

-    Em rất muốn cùng anh đi đến hết cuộc đời này, mong đền đáp bao ân tình sâu nặng mà anh đã giành cho mẹ con em... Nhưng ông trời chẳng thấu lòng em,... lại khổ thêm cho anh một lần nữa... Em chỉ xin anh  một điều, nếu có thể, sau này anh tìm bố cho cháu. Như vậy là em mãn nguyện lắm rồi!

Nói xong, bàn tay Liên cứ lỏng dần, lỏng dần...Từ ngoài cửa một luồng gió lạnh ào tới ngọn đèn dầu vụt tắt. Sấm nổ uỳnh uỳnh rồi mưa như trút nước... 

Trời ơi! Ông Hùng ôm lấy ngực, cảm giác như có một vật gì đè nặng... Ông không ngờ số phận của Liên lại xót xa đến vậy. Thế mà suốt bao  năm qua, ông cứ vô tình sống một cuộc đời vô nghĩa! Nhiều lúc tự oán trách số phận đã đẩy vào cuộc đời mình một người vợ thờ ơ, một đứa con hư hỏng. Điều ông cho là bất hạnh đó thật quá nhỏ bé, tầm thường trước bao nỗi cay đắng mà bạn mình, người yêu  mình phải hứng chịu.
   
Ông Hùng như hoá đá. Mắt khô khốc. Nước mắt của ông hình như đang chảy ngược vào trong làm con tim nhức nhối. Vết thương ở đầu gối giật giật, ký ức lại hiện về như một thước phim quay chậm: Rừng chiều le lói... Thảm lá khô xô dạt... Nhành lan trắng muốt... Tiếng mìn nổ chát chúa... Tất cả cứ đan xen quay cuồng, phút chốc khuôn mặt ông Hùng sắt lại, già đến cả chục tuổi.
   
Phải một lúc lâu sau, ông mới cất giọng nghèn nghẹn:

- Phong ơi mình thật có lỗi với cậu, có tội với Liên. Cậu đã cứu mình thoát chết, lại cưu mang mẹ con cô ấy trong khó khăn, cơ cực. Ơn này biết bao giờ mình mới trả được đây!

- Cậu không nên có ý nghĩ ấy - Ông Phong nắm chặt tay ông Hùng - Chúng mình là bạn mà. Mình cũng có lỗi với cậu, với Lan. Song thú thực “Lực bất tòng tâm”. Sau khi Liên mất hai năm, mình đi bước nữa với cô hàng xóm vẫn hay qua lại giúp đỡ hai bố con. Cô ấy được cái đảm đang, hay lam hay làm. Nhưng hình như số mình đã được an bài, khoảng hơn chục năm gần đây, cô ấy mắc chứng đa khớp cứ đau ốm luôn. Thành thử mình  lúng túng như gà mắc tóc, chẳng còn thời gian, tâm trí đâu để đi tìm cậu nữa.
   
Ông Hùng vẫn ngồi bất động, mắt trân trân nhìn vào khoảng xa xăm. Bên ngoài, gió cũng thôi đùa giỡn với mấy tàu cau. Cả không gian như nén lại, im lìm, chỉ có tiếng ông Phong cứ đều đều, đều đều như vọng về từ một nơi xa lắm... Phong ơi! Ân tình của cậu lớn quá. Suốt đời, suốt kiếp này mình biết trả sao đây! Ông Hùng muốn cất lời nhưng cổ họng cứ nghẹn lại.

- Thôi mình uống tiếp rồi đi nghỉ sớm. Chắc hôm nay cậu cũng mệt lắm rồi - Ông Phong lên tiếng như muốn xua đi bầu không khí nặng nề- Đợt này vào chơi, cậu ở lâu lâu, cuối tuần sau thằng Nhã về, hai bố con  gặp nhau. Mà tình hình gia đình cậu thế nào mình cũng còn chưa kịp hỏi nữa.

Đêm miền quê se lạnh và quá đỗi yên bình. Gió ở ngoài rì rầm nghe như tiếng thở của trời đất. Ông Hùng trằn trọc không tài nào ngủ được. Quá khứ, hiện tại cứ lởn vởn trong đầu. Càng nghĩ ông càng cảm thấy chua xót. Cuộc sống của mình quá ư đầy đủ. Mình cũng có một gia đình, nhưng mình đã làm gì để nó thực sự là một gia đình đúng nghĩa? Mình cũng có một thằng con trai, tuy không phải con đẻ, song không phải là mình không yêu nó. Lúc nhỏ thằng Cường cũng rất dễ thương. Vậy mà mình lại để nó trượt dài vào con đường hư hỏng. Còn Phong, mình không thể tưởng tượng nổi cậu ấy đã vất vả, cực nhọc thế nào để cho hai đứa trẻ được như ngày hôm nay. Liệu mình có đủ tư cách, can đảm đứng ra nhận con lúc này không?... Với một đứa có học như thằng Nhã, lại được dưỡng dục bởi một người cha như Phong, mình tin, thằng Nhã sẽ đối xử với mình không đến nỗi nào... Nhưng mình không thể để thằng Nhã đối diện với cuộc sống vô vị của gia đình mình. Không được phép làm vẩn đục tâm hồn cũng như tình cảm thiêng liêng mà bao năm qua Phong phải vô cùng cực nhọc bồi đắp lên. Không! Mình chưa xứng đáng được hưởng cái cái quyền đó. Hãy cứ để hình ảnh bố Phong lung linh trong trái tim thằng Nhã. Mình phải quay về. Mình phải bằng mọi giá cứu thằng Cường trước khi quá muộn. Nó cũng là một con người. Càng nghĩ mình cảm thấy xấu hổ. Cường ơi! Bố thật có lỗi với con. Bố nhất định sẽ không để mất con một lần nữa! Phải rồi, có như vậy lòng mình mới thanh thản. Lúc đó mình mới dám ngẩng đầu, dang tay ôm thằng Nhã vào lòng. Điều này thật không dễ chút nào. Nhưng nhất định mình sẽ làm được. Phải làm được! Sáng mai mình sẽ thuyết phục Phong, chắc cậu ấy sẽ hiểu lòng mình thôi...

Nghĩ được như vậy, ông Hùng cảm thấy nhẹ nhõm đôi chút, giấc ngủ chập chờn, chập chờn đến với ông...
Truyện ngắn: ĐẶNG TOÁN