Bây giờ khi nhớ lại những ngày còn nhỏ, tôi hay cười mỉm một mình. Ngày ấy, tôi là một con bé nhí nhảnh, tóc cột đuôi ngựa, mặc chiếc áo đầm màu xanh nước biển hay chạy chơi quanh xóm. Xóm là một dãy nhà liền sân nhau không có hàng rào, hàng cây hay đại loại những gì có thể phân định địa giới của mỗi nhà. Nhà bà cô tôi nằm ở cuối xóm có cái sân rộng nhất.
Ảnh minh họa. |
Sáng hôm sau tôi quên hết chuyện hôm qua, lại nhong nhong chạy chơi trong sân đầy đất cát. Việt hay bắt tôi làm “vợ” khi chúng tôi chơi trò chơi vợ chồng. Khi không có ai chơi cùng, tôi chơi một mình. Tôi nhặt những chiếc lá vàng làm tiền và tự buôn bán với chính mình. Lúc thì tôi làm bà bán cá, lúc thì tôi làm mẹ. Tôi trả giá y như mẹ, còn cá là những hòn đất nằm im không cục cựa trong đôi tay lấm lem của tôi. Khi đã chán chê với trò chơi buôn bán, tôi quay ra hái hoa. Hoa dại mọc đầy dưới đất, tôi biết nơi chúng mọc và những cái hoa bé xíu được tôi cài lên mái tóc, mái tóc có lẽ hoe vàng vì phơi nắng. Nhưng tôi nào để ý đến nắng với gió, tôi mải mê chơi với vô vàn những trò trẻ con tôi nghĩ trong đầu.
Lớn lên một chút, tôi đã biết chia sẻ cùng mẹ những việc trong nhà. Tôi thường kiểm tra thùng gạo, lọ bột ngọt hay chai nước mắm và thông báo với mẹ bằng một gương mặt nghiêm trọng rằng những thứ ấy đã hết. Những lúc ấy mặt mẹ tôi nhăn lại trông thật tội nghiệp, tôi biết mẹ tôi khổ đến chừng nào trong việc lo cuộc sống cho cả ba người. Nhà tôi không còn ở nhờ nhà bà Ba nữa, thỉnh thoảng bà Ba ghé thăm tôi và cho nhà tôi một gói bột ngọt hay vài thứ rau trồng ở vườn nhà. Tôi nói bà Ba thăm tôi vì bố mẹ tôi luôn đi vắng, tôi ở nhà một mình, căn nhà thuê của bác Lợi bạn bố tôi. Đó là một căn phòng nhỏ, tường quét vôi màu vàng nhàn nhạt, chỗ đen chỗ nổi mốc vì lâu ngày không được quét vôi mới. Nhưng với tôi căn phòng nhỏ ấy quả là tuyệt vời. Chung quanh nhà tôi bạt ngàn là hoa quỳ, mỗi khi mùa mưa chấm dứt, hoa quỳ nở vàng óng cả không gian. Tôi thường hái quỳ chơi, mải miết và bị cuốn hút bởi màu vàng không lẫn với bất cứ màu nào.
Xóm mới của tôi nằm trên một triền đồi, cạnh nhà tôi có con bé Ý, bằng tuổi tôi. Nó là con của chú Tánh và cô Quyến. Hai người một là nhạc sĩ, một là diễn viên đàn tranh. Những âm thanh thánh thót của chiếc đàn mười sáu dây mỗi đêm cô Quyến khảy bằng mười ngón tay thon thả làm tôi mê tít. Còn con Ý, con bé luôn coi chú Tánh là thần tượng, nó luôn hát nhạc của bố nó và bảo rằng nhạc bố nó là hay nhất trên đời. Quả thật với đứa con gái nào, bố cũng là nhất trên đời. Tôi ghen tị với con Ý vì nó có bố làm nhạc sĩ, còn bố tôi không có một chữ “sĩ” ở phía sau như chú Tánh. Nhưng bố tôi đẹp trai, vậy thì bố tôi đẹp trai nhất trên đời chứ còn gì nữa?
Cạnh nhà tôi là phòng của bác Lợi, tôi không thể nào hiểu nỗi vì sao rượu lại làm bác Lợi đắm say đến vậy? Bác Lợi có thể uống rượu cả ngày, buổi sáng, mặt trời vừa mọc bác Lợi đã ngà ngà. Bác uống rượu với vài trái ớt cay lè hoặc giả với chỉ một trái ổi xanh hái được từ một cây ổi còi mọc vạ vật ở góc sân nhỏ trồng một giàn su su. Một hôm tôi đánh liều hỏi bác Lợi rằng vì sao bác lại uống nhiều rượu như vậy, bác nhìn tôi một lúc rồi trả lời bằng một giọng điệu là lạ:
- Con bé hỏi lạ, bác có uống rượu đâu, nước đó chính là tinh tuý của hạt ngọc trời cho….mà bác có uống nó, bác mới viết được chuyện của bố mẹ mày chứ?
Dường như ân hận vì nhận ra mình lỡ lời hay sao, bác Lợi cười khoả lấp và bỏ tôi ngồi một mình trong căn phòng nhỏ, bác đi ra ngoài, tôi đồ chừng rằng bác đi mua rượu. Nhưng câu trả lời ỡm ờ của bác khiến tôi tò mò kinh khủng. Bác là nhà văn, tôi biết từ lâu rồi. Với tôi, văn chương là một cái gì không thực, không lẽ lại liên quan đến bố mẹ tôi sao? Tôi không cưỡng nỗi sự tò mò, tôi lục tung đống sách trên bàn bác Lợi. Bác là nhà văn mà, bác có nhiều sách lắm. Tôi cầm trên tay một cuốn sách, bìa đã cũ, tên cuốn sách đập vào mắt tôi: “Đi về phía mặt trời mọc”. Đó là một tập truyện ngắn của bác Lợi, tôi giở từng trang và mơ hồ linh cảm rằng mình sẽ tìm thấy một chút gì trong đó. Sau truyện “đi về phía mặt trời mọc” là truyện “người vợ của chồng tôi”. Sao lạ lùng như vậy? Vợ của chồng tôi là sao? Tôi ngạc nhiên hết sức và say sưa đọc một lèo cho đến hết truyện. Hoá ra là như vậy, vợ của chồng tôi là như vậy. Trong tôi cảm xúc dâng trào, tôi cố nén một tiếng thở dài và lặng lẽ chùi giọt nước mắt vừa ứa ra từ đôi mắt. Tôi vốn dĩ là một con bé mau nước mắt, không hiểu tại sao tôi lại có thể khóc dễ dàng như vậy? Có phải đó là chuyện của bố mẹ tôi không?
Tôi giật mình quay đầu nhìn bác Lợi, bác vào nhà từ lúc nào tôi không biết, trên tay bác không phải là chai rượu như tôi hằng nghĩ, mà là một gói bánh. Bác nhẹ nhàng nói:
- Cháu ăn đi, tiền nhuận bút bác vừa nhận hồi sáng ở trên ty.
Giọng bác Lợi nghe thật ấm, hình như bác “chuộc lỗi” với tôi hay sao mà bác lại mua nhiều bánh cho tôi đến vậy.Thuở ấy, quà vặt của tôi chỉ là mấy cục kẹo cau mà mẹ làm cho tôi. Với tôi, kẹo cau đã là ngon lắm rồi, vậy mà bác Lợi lại cho tôi cả một gói bánh su to tướng. Lúc ấy, tôi đâu biết bánh đó kêu bằng bánh su, chỉ thấy nó ngon quá là ngon mà còn thơm nữa. Hương vị của bữa bánh su theo tôi nhiều năm sau đó, đến nỗi có lúc nó trở thành biểu tượng của sự thơm ngon!
Tôi ngừng ăn khi nghe bác Lợi nói tiếp:
- Cháu đang đọc truyện của bác à, mà cháu đừng có tưởng những gì trong đó đều là sự thật. Bác hư cấu thêm đó, chuyện của bố mẹ cháu không phải vậy đâu!
Hình như bác Lợi cố thuyết phục tôi rằng bác chỉ “mượn” bố mẹ tôi để viết về người khác, rằng tôi không nên tin vào những điều tưởng tượng thêm vào của bác. Tôi tin những gì bác nói. Lúc ấy tôi là một con bé mười ba tuổi, có cặp mắt mở to và nhìn đời toàn một màu hồng. Bác Lợi đưa tôi một ít tiền và nhờ tôi xuống quán ông Tấu mua giùm bác đĩa dồi chó để bác nhắm rượu với bố tôi. Tôi rủ con Ý đi cùng, hai đứa vô tư ăn vụng một miếng dồi chó còn nóng hổi. Phải công nhận rằng dồi chó ngon thật, sau này tôi được thưởng thức nhiều món ăn nhưng hương vị của miếng dồi chó hôm ấy vẫn là hấp dẫn nhất.
Lớn hơn một chút nữa, khi nhà tôi không còn ở cùng nhà bác Lợi, tôi vẫn nhớ đến cái truyện ngắn xem vụng, bữa bánh bất ngờ và vẫn ghé thăm bác Lợi mỗi khi có dịp ghé qua nhà con Ý. Bây giờ Ý đã là một thiếu nữ mười tám tuổi, vẫn ốm nhom như ngày xưa vậy. Điều khác duy nhất nơi Ý là Ý đã có người yêu. Và Ý lấy chồng. Đời thiếu nữ chấm dứt tuy không vội vàng nhưng nó đã trôi qua thật rồi. Còn đâu nữa những ngày mộng mị thơ ngây trong sáng? Là tôi nói về con bé Ý, một đứa con gái lãng du trong những ca từ đẹp của một ông bố tuyệt vời. Tôi thì không được như vậy, tôi biết giá trị của cuộc sống, nói một cách văn chương, chính là những giọt mồ hôi chảy trên mặt mẹ tôi với bao nỗi nhọc nhằn. Không chỉ với mẹ tôi, dù sao sau đó gia đình tôi vượt qua được những khó khăn chồng chất, điều mà tôi muốn nói chính là bác Lợi, bác vẫn sống nghèo khổ như thuở nào! Bây giờ có lẽ tôi đã hiểu những trang văn của bác Lợi xuất phát từ những mảnh đời cơ cực như của mẹ, của bố, của bà Ba…và cả tôi nữa chăng?
Hôm ấy, tôi qua thăm Ý, em bé của nó trông kháu khỉnh và giống mẹ như tạc. Nó khoe với tôi về con bé con bằng một giọng tự mãn. Quả thật, người mẹ vĩ đại trong nó đã sáng tác được một tác phẩm diệu kỳ. Nó bảo với tôi rằng “đó là kết quả của tình yêu”, cứ như là trong tiểu thuyết! Câu nói của Ý đánh thức trong tôi một chút nôn nao khó tả, nó thôi thúc tôi đi tìm một thứ tình cảm mà tôi chưa trải nghiệm. Đúng lúc đó, bác Lợi gọi tôi vào nhà. Bác đã say lắm rồi, khuôn mặt bác hơi tai tái, trông bác mới ốm làm sao. Bác nói:
- Cháu lại thăm bác à, tội nghiệp cháu quá, bác cảm ơn. Mai mốt bác đi xa rồi, cháu khỏi tốn công thăm bác nữa đâu, thật đấy mà!
Bác mời tôi uống nước mà lại rót lộn bằng chai rượu đã vơi một nữa, tôi vụng dại ngăn bác và khiến chiếc ly bị đổ, bác có vẻ không vui:
- Cắt cổ không bằng đổ rượu, rượu đổ không hốt lại được đâu cháu ơi!
Tự nhiên bác Lợi chuyển đề tài:
- Tình cảm cũng vậy thôi, đã đánh mất rồi không bao giờ tìm lại được, cháu hiểu không? Quỳnh này, cháu là một người nhạy cảm, nhìn mắt cháu bác biết rồi cháu sẽ khổ vì tình cho xem! Bác nói tiếp, dường như không phải cho tôi:
- Tình yêu là gì mà ai cũng lao vào thế nhỉ?
Tôi về lòng bâng khuâng ghê lắm, nhưng lời nói của bác tôi không bao giờ quên cả.
Bây giờ bác Lợi chết rồi, bà Ba chết rồi, sao những người tốt lại chết sớm như vậy?
Hình như lời dự đoán của bác Lợi đã trở thành hiện thực khi tôi vừa học xong đại học. Tôi gặp Tuấn và yêu say đắm, nhưng mỗi lần anh cầm tay tôi, tôi lại linh cảm rằng mình sẽ khổ vì anh?
Và tôi khổ thật với những hẹn hò hờn giận, với những cơn say ngày càng dày, Tuấn vốn là một tay máy của nhà đài, nơi ấy người ta uống rượu như cơm bữa, và tôi còn khổ vì những cơn ghen vô cớ. Vậy thì tôi phải chia tay thôi, đầu óc tính toán của tôi bảo vậy, còn con tim tôi bảo rằng tội nghiệp Tuấn, Tuấn sẽ buồn lại vùi đầu vào rượu, Tuấn sẽ… Tôi yêu Tuấn biết chừng nào? Tôi trăn trở trong những ý định rối mù.
Chính lúc ấy Việt xuất hiện, cái anh Việt từng đòi làm “chồng” tôi thuở nhỏ. Việt rủ tôi đi chơi, buồn quá tôi theo anh vào quán cà phê Chiều tím. Nhạc ở đây buồn, hay tâm trạng của tôi rã rời? Trong không gian dường như không thực, Việt kể với tôi nhiều thứ, nhất là những chuyện ngày xưa hai đứa chơi chung….Và bất ngờ Việt cầm tay tôi rồi nói:
- Biết đâu trò chơi trẻ con rồi trở thành hiện thực, Quỳnh có tin không?
Tôi ư? Tôi có tin không ư? Sao lạ vậy, trò chơi ấy ám ảnh tôi và cũng ám ảnh cả Việt sao? Tôi chỉ biết cười buồn! Việt tiếp:
- Còn Việt thì tin lắm, Quỳnh, Việt yêu Quỳnh từ lâu lắm rồi!
Việt nhìn vào mắt tôi khi nói lên câu đó, trời ơi, đó chính là đôi mắt của Tuấn khi ngỏ lời yêu tôi!
Đêm, tôi nằm mơ thấy bác Lợi, bác dịu dàng cầm tay tôi và nói “bé con đã thấy khổ chưa?”.
Tôi thức giấc và phát hiện đêm qua mình khóc!