Huyền rời nhà hàng ra bãi lấy xe thì xe bị hỏng không đề được, đạp cũng không nổ, cô gửi xe cho hiệu sửa không chờ được vì đã khuya. Đoạn đường này không thể tìm đâu ra xe ôm, cô đi bộ lững thững đoạn phố dài dưới hàng cây ven đường. Đèn chiếu sáng vỉa hè toả nhẹ. Đôi giày bít lộp cộp khua vang trên nền đường khiến Huyền thấy đỡ vắng vẻ...
- Em về đâu, tôi cho em đi nhờ?
Huyền rất mừng song có chút e ngại, nói:
- Cảm ơn ông, tôi bị hư xe mà nhà còn xa, có phiền ông quá không! Hay là em chỉ nhờ ông quãng vắng này thôi!
Người đàn ông nhìn Huyền trong loáng thoáng đèn đêm:
- Không sao! Tôi biết đoạn này không thể đón xe ôm!
Huyền thấy an tâm hơn vì người đàn ông rất lịch sự:
- Thật may mắn, cảm ơn ông! Em đang ngại phải đi bộ trên đoạn đường này!
Huyền ngồi một bên sau xe vì cái đầm xoè. Băng ghế Vespa rất dốc, làm người cô đổ chúi về phía trước áp sát tấm lưng đầy đặn, mùi nước hoa nhẹ thoảng. Đoạn đường thu ngắn dần, người đàn ông chợt hỏi:
- Em tên gì?
- Dạ, em tên... Lan!
Huyền đã nói dối vì ngại nói tên thật cho người không thân quen. Đã đến đoạn cần xuống, Huyền đưa tay xin tấp vô lề. Người đàn ông dừng lại và hỏi:
- Em có cần mai tôi đưa đi giúp đến chỗ làm không?
Huyền ngạc nhiên:
- Sao ông biết em đi làm?
-Tôi thấy em trong nhà hàng chiều nay. Nhưng.... hình như em làm việc khu vực bên trong?
Huyền lúng túng chợt ngượng vì đã nói dối:
-Dạ! Em làm việc trong phòng trà đăng cing! Ông chắc là hay dùng ẩm thực ở Phong Lan?
-Vâng, cơ quan tôi hay có tiệc tại đây!
Mỗi người đi về một hướng...
*
“Trời chưa đi...màn đêm buông xuống. Đâu đây buông lững lờ tiếng chuông. Đôi cánh chim bâng khuâng rã rời, làn mây xám về ngang lưng trời...”
Ca sĩ Thu Huyền trong chiếc áo dài đen tuyền, đính kim sa lấp lánh, chiếc khăn voan buông hờ hững thả từ vai. Gian phòng se lạnh. Trông cô như người đang đi trong đêm mùa Đông. Từng đôi đang ôm ghì nhau trong điệu Slow chậm, buồn tê tái. Bài hát vừa xong, những người yêu nhau bàng hoàng buông rời trở về ghế ngồi. Người ca sĩ khác lại bắt đâu với bản nhạc “Buồn vương màu áo”. Thu Huyền đang ngồi góc khuất của quầy bar uống nước thì một người đàn ông đến gần chìa tay mời khiêu vũ. Huyền nhẹ nhàng đứng lên, trong ánh sáng khiêm tốn, Huyền không thấy mặt khách dìu. Song Huyền chợt kêu lên:
-Hình như là ông, hôm qua cho em đi nhờ xe?
-Tối thế này, sao em nhận ra tôi?
Huyền đưa đôi mắt long lanh như hai giọt nước:
-Mùi nước hoa ông dùng khiến em nhận ra! Ông đi phòng trà một mình thôi ư?
Người đàn ông trả lời, giọng buồn:
-Tôi đi tìm cô gái tên Lan, không ngờ là ca sĩ Thu Huyền!
Huyền ngại ngùng hỏi người đàn ông:
-Chắc ông có tâm sự?
Ông ấy nhìn lâu trên khuôn mặt Huyền:
- Ồ không! Tự nhiên tôi muốn biết em đang làm gì!
Huyền cười buồn, một thoáng im lặng, cô nghe rõ nhịp tim người đàn ông đập mạnh. Nhạc chuyển sang điệu slowpop, đèn nhả chút ánh sáng. Huyền chạm vào ánh mắt người đàn ông trong tay. Gương mặt sao quen quen, ánh mắt và vết xẹo nơi má quen lắm. Người đàn ông sợ vết xẹo làm bạn nhảy mất vui nên lách gương mặt qua bên. Huyền nói nhỏ:
- Em cảm thấy như đã gặp ông ở đâu rồi!
Người đàn ông cười nhẹ trong bóng tối:
- Sao có thể gặp ở đâu được? Chắc là ở nhà hàng ẩm thực, đã vài lần tôi cùng cơ quan ăn ở đây!
Huyền đăm chiêu nghĩ ngợi:
- Không! Em đã gặp ông không phải gần đây!
Người đàn ông có vẻ không màng đến điều cô ca sĩ vừa nói lắm. Và họ đã cùng song song một đoạn đường vắng rồi chia tay.
*
Cô ca sĩ hát mà mắt dõi tìm người đàn ông hôm qua và nhiều tối nữa vẫn không gặp. Bài hát “Đêm Đông” bỗng nức nở như không có người nghe “Đêm Đông, xa trông cố hương buồn lòng chinh phu, Đêm Đông, ta mơ giấc mơ gia đình yêu thương...” Và không lâu hơn ông đã lại đến. Ông ấy xuất hiện khi Huyền vừa hát xong, trên tay là một bó hoa tươi tặng ca sĩ. Huyền rưng rưng nước mắt nhận hoa. Trong vòng tay, người đàn ông hỏi:
- Hình như em mong tôi lắm?
Huyền ngạc nhiên:
- Sao ông biết?
- Em hát mắt như mong chờ, “Đêm đông, thi nhân lắng nghe tâm hồn tương tư”...
Cô ca sĩ vẫn còn ngấn nước trong đôi mắt huyền:
-Sao em thấy ông quen quen?
Người đàn ông giật mình:
-Thật à? Tôi cũng vậy! - Ông ta khôi hài -Hình như chúng ta đã gặp nhau từ kiếp trước!
*
Bản nhạc Đêm Đông đầy day dứt, người nghe cũng rưng rưng, người hát dường như đang nghẹn ngào “Đêm Đông, xa trông cố hương buồn lòng chinh phu. Đêm Đông, ta mơ giấc mơ gia đình yêu thương. Đêm đông, thi nhân lắng nghe tâm hồn tương tư...Có ai...”? Bài hát vừa kết thúc thì người khách xuất hiện với một bó hoa trên tay. Thu Huyền bàng hoàng và tay trong tay cùng người đàn ông mà cô khắc khoải mong đợi nhiều tối qua cùng giòng nhạc không lời.
- Chắc là ông bận lắm?
Người đàn đôi mắt như tìm kiếm trên khuôn mặt:
- Tôi vừa đi xa về! Tôi mong gặp em như con mong gặp mẹ!
Huyền cười nhẹ vì sự khôi hài, song cô cũng xác nhận tâm trạng mình:
-Em cũng mong ông như hạn mong mưa vậy!
Chợt Huyền không thể kìm ch? việc đưa tay lên má người đàn ông, sờ vào vết sẹo, rồi thì thầm bâng quơ:
- Có lẽ em đã nhầm, sao giống quá..!
Tiếng nhạc nhè nhẹ làm không gian trở thành cõi riêng của hai người. Huyền nghe tim ông ta đập mạnh. Ông ghé sát tai cô:
- Em nhận ra một người... giống tôi?
Đôi mắt cô ca sĩ vời vợi buồn, cô ngả đầu lên vai tâm sự:
- Dạ! Vết sẹo trên má ông khiến em nhớ... căn hầm với những đợt B52 khủng khiếp. Bom đã vùi kín em và anh ấy, phút cuối bên nhau!
Người đàn ông như đang kìm nén xúc động:
- Em ở nơi đâu mà có B52?
- Giữa Trường Sơn!
-Và em là cô Thanh niên xung phong cáng thương ?
Thu Huyền ngạc nhiên đến sững sờ:
-Kìa! Sao ông biết? Có thể nào ông còn ...sống?
Họ dìu nhau vào hàng ghế khuất xa sàn nhảy rồi chùi nước mắt cho nhau. Họ không còn là cô ca sĩ và người khách yêu nhạc phòng trà, mà hiện nguyên hình là hai đồng đội Trường Sơn. Người đàn ông ngậm ngùi nhớ lại...
*
Anh cán bộ đang chuyến công tác trên Trường Sơn thì bị sốt cao. Hai cô thanh niên xung phong được phân công cáng chuyển đi trạm xá. Giữa đường B52 trút xuống như mưa. Một mảnh bom sượt ngang gò má anh, rồi mảnh nữa bay vèo vào ngực, anh lính rú lên ôm ngực. Hai cô thanh niên xung phong vội vã tìm hầm trú ẩn và loay hoay đưa anh xuống công sự. Bỗng nhiên loạt B52 trút thật dài và người nữ đầu cáng phía ngoài không thấy đâu nữa. Đất đá phang tới tấp vào cửa hầm, miệng công sự bịt kín. Cô gái bên trong cuống quít bới đất để tìm lỗ thở thì đất lại càng ập vào nhiều hơn. Anh cán bộ và cô gái bị chôn dần trong công sự nhỏ. Hầm giao động và càng lúc càng sạt thấp hơn. Vết thương trong người anh cán bộ ra thật nhiều máu. Cô gái vừa khóc vừa kéo tấm dù choàng vai mình chùi những tia máu đang rịn ra trên mặt cho anh. Càng lúc không khí càng ít, bom vẫn đánh không thôi. Hai người đã bị vùi thật sát nhau. Cô gái hổn hển vì không khí trong hầm cạn dần, cô hỏi như mê:
- Chúng ta sắp.. chết thật sao?
Anh lính cũng mê man:
- Em... tên.. gì?
- Thu... Huyền!
- Bao.. nhiêu… tuổi?
- Mười... tám!
- Em có chồng chưa?
- Chưa!
-Anh cũng vậy! Chúng ta là người một nhà nhé! Anh lạnh quá!
- Em cũng lạnh quá!...Anh đưa em về thăm bu, em nhớ bu...
Cô gái tháo tấm dù quàng trên vai đắp cho cả hai và ôm chặt anh cán bộ. Bàn tay cô chạm phải mảnh đạn găm trên ngực anh lính. Trong hoang mê, cô day dứt và rút mảnh đạn ra khỏi ngực anh lính. Anh ấy đã im lìm từ lâu...Cô gái cũng nhắm mắt lại cùng những giọt nước mắt trên khoé...
Câu chuyện sẽ dừng tại đó, căn hầm kia đã chôn vùi hai người lính như bao người chiến sĩ khác đã nằm xuống nơi Trường Sơn nếu như số phận không đẩy đưa… Anh cán bộ cũng không hiểu vì sao khi tỉnh lại, người ta đưa cho anh tấm dù bông, tấm dù ấy giặt mãi vẫn còn mùi con gái...
Họ đã trở về trong cuộc đời thường bằng xương bằng thịt. Trong anh, trong tôi mà quá khứ đi qua là cuộc chiến tranh cứ như huyền thoại.