Thư cho Ni cô

04:05, 11/05/2011

“Anh đã có vợ ở ngoài ấy phải không?”. Câu hỏi khiến người lính trường chinh đầu hai thứ tóc lúng búng như một đứa trẻ. Anh cười gượng, choàng tay qua vai cô. Cô nguẩy đi: “Không, anh phải trả lời!”. Anh thú nhận, mặt cúi gầm. Hỏi để hết ngờ vực, để giải thoát cho anh khỏi dối quanh. Cô không oán trách, chỉ buồn. Hỏi vậy thôi, chứ người con gái ấy đã vào trong này, tận Mộ Đức quê anh để hỏi xem có thật vợ anh đã hy sinh rồi không. Nhưng… vợ anh còn đây, vẫn đợi anh ngày thống nhất trở về.

“Anh đã có vợ ở ngoài ấy phải không?”. Câu hỏi khiến người lính trường chinh đầu hai thứ tóc lúng búng như một đứa trẻ. Anh cười gượng, choàng tay qua vai cô. Cô nguẩy đi: “Không, anh phải trả lời!”. Anh thú nhận, mặt cúi gầm. Hỏi để hết ngờ vực, để giải thoát cho anh khỏi dối quanh. Cô không oán trách, chỉ buồn. Hỏi vậy thôi, chứ người con gái ấy đã vào trong này, tận Mộ Đức quê anh để hỏi xem có thật vợ anh đã hy sinh rồi không. Nhưng… vợ anh còn đây, vẫn đợi anh ngày thống nhất trở về.
    
Anh có thể trở lại miền Bắc ngay bây giờ, sống với người con gái ấy. Cô hàng xén có cặp mắt đa sầu, gạt bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu của trai làng, cõng anh thương binh miền Nam từ trại điều dưỡng về làm chồng. Có phải trên bờ đê sông Hồng, sau hàng rào của Quân Y viện 108 Hà Nội, cô ấy đã gạt nước mắt mếu máo: “Chiến tranh qua rồi, hòa bình đã lập lại, giờ thì anh phải về quê anh, em lại về quê em…”. Cô ấy đã trao cho anh chiếc khăn tay đẫm nước mắt. Còn anh cởi ba lô tặng lại cái ca tráng men có dòng chữ “Quyết chiến, quyết thắng” làm kỷ niệm?
   
 Thế rồi cô lên chùa. Anh không trở ra miền Bắc, cũng chẳng ở lại quê nhà, lên Đà Lạt sống một mình trong căn nhà gỗ đơn sơ dưới chân núi chùa này. Những trưa nắng ấm vẫn thấy anh ôm nạng gỗ ngồi phơi ngoài sân. Hôm qua còn nghe tiếng ho của anh vọng lên tận đỉnh núi, vậy mà sáng nay đã qua đời.

Ni cô theo gót sư thầy xuống đến bậc đá cuối cùng của ngôi chùa sư nữ. Nắng sớm làm khô nhanh lớp sương đêm trên những mảng rêu dày bám đá loang lổ. Họ đi làm lễ cầu siêu.
    
Những người đến viếng đứng ngồi cả ở ngoài sân, hầu hết là đàn ông đã đứng tuổi, những cựu chiến binh. Họ lặng lẽ hút thuốc. Một sĩ quan đã có tuổi cầm bình thủy rót nước vào ấm trà bằng nhôm đặt trên bàn gỗ dài kiểu bàn học trò. Ni cô cùng sư thầy tiến thẳng vào trong. Người quá cố vẫn nằm như đang ngủ trong bộ quân phục bạc màu. Ni cô mở tờ giấy bản phủ mặt người quá cố, áp nhẹ bàn tay lên hai hố mắt sâu, mặt úp hẳn vào cánh tay áo. Chiếc khăn màu đà trùm kín vai. Ni cô rùng mình, lẩy bẩy hồi lâu trước mặt mọi người. Sư thầy chắp tay đứng im như một pho tượng. Hình như có ai chạm nhẹ, ni cô từ từ ngẩng lên, đờ đẫn.
   
 - Cho phép tôi được gặp riêng ni cô một chút.
    
Ni cô theo chân người cựu chiến binh già và gầy như que củi, râu tóc bạc phơ. Hai người đứng khuất sau xe ô tô của Sở Thương binh Xã hội vừa tới.
   
 - Tôi là bạn chiến đấu của anh ấy. - Người cựu chiến binh mở đầu. - Nhà tôi ở Bãi Giữa Quy Nhơn, mà trước khi ra Bắc tập kết anh chị đã ở nhờ qua một tuần trăng mật.
   
 Ni cô bừng tỉnh. Bên mang tai, trên nước da trắng xanh của người ăn chay trường hiện rõ những đốm đỏ, từ từ lan dần lên hai gò má. Vẻ sượng sùng trần tục thường thấy ở các cô gái trẻ bỗng làm thay đổi hẳn dáng dấp của người tu hành già nua. Ni cô chắp tay kính cẩn:
   
 - Nam mô a di đà phật!
   
 Ngày ấy hai vợ chồng được người bạn bộ đội, con ông chủ nhà thu xếp cho ngủ lại trên gác xép của gia đình ở Bãi Giữa. Nửa đêm đổ cả lọ lục bình cắm những cây tài lộc đặt cạnh bàn thờ ông Địa. Dưới nhà choang một tiếng như hũ sành bị giáng xuống đất. Ai nấy giật thót, nín thít trong giường. “Gác nhà tôi là để thờ tổ tiên ông bà, các người định phá nhà tôi đấy à?!”. Ông chủ hầm hầm bước tới chân cầu thang, thì thằng bộ đội con trai ông chặn lại, tay gẩy đàn măng-đô-lin, miệng hát vang bài ca Tiểu đoàn 307! Đêm cuối tuần trăng mật của cô là thế. Sớm hôm sau, gió mùa đông bắc tràn về, sóng biển kinh hoàng, mây nước mịt mù, ba lô trên lưng, anh ngoái lại bờ nhìn cô, giơ cao hai ngón tay trước khi leo lên chiếc thang dây của con tàu Na Uy sừng sững.
    
Sau phút giây im lặng, người cựu chiến binh mở nắp túi áo ngực, rút lá thư đưa cho ni cô.
    
“Mộ Đức ngày 20/9/1955…”. Ni cô run bắn. Không phải những dòng trăn trối anh để lại, mà là thư cô viết cho anh hơn năm mươi năm trước, giấy đã ố vàng, có đóng dấu giáp lai của Ủy ban Thống nhất Trung ương. Ni cô đọc tiếp: “Anh yêu quý, tính từ ngày anh ra đi đến nay là vừa tròn một năm. Anh có hình dung được nỗi lòng em lúc này không?”. Ni cô bật khóc. Phải, lúc này đây, chính lúc này còn ghê gớm hơn cả khi cô đang viết. Thư tình của cô gái Mộ Đức năm xưa gửi cho ni cô hôm nay. “… Em vẫn bán rau ở chợ Chồm Hỗm anh ạ. Em tham gia đội quân tóc dài, vận động chị em đấu tranh buộc chúng phải thực hiện hiệp định đình chiến. Em mong anh sang năm trở về. Cho em gửi lời thăm tất cả bà con cô bác ra tập kết ngoài ấy!”.
  
 Lá thư thứ hai, của một người khác viết cho anh, nét chữ đàn ông nhiều chỗ bị nhòe, bạc đi vì thời gian, giấy ca-rô chỉ bằng lòng bàn tay, bục ở giữa, hẳn là xé ra từ một cuốn sổ nhỏ: “… Chợ Chồm Hỗm bị bom. Hơn năm mươi người thiệt mạng, thịt nát xương tan. Tôi không tìm được cô ấy. Bà con đắp năm mươi cái mộ. Mộ thì cái đầu, mộ chôn cái tay, có mộ chỉ một khúc ruột thôi, không phân biệt được danh tính. Bàn tay nào, khúc ruột nào mà chả là của mình, phải thế không anh?”.
   
 Ni cô úp mặt vào trang giấy, nấc lên.
    
Trong mê man, cô chập chờn nghe thấy tiếng trống cà rùng, thấy mình đội mũ ca lô vải xi-ta màu cỏ úa đều bước qua cầu Bồ Đề nơi quê nhà. Dưới lá cờ đỏ sao vàng bay phần phật, anh, người thanh niên cứu quốc mười tám tuổi giơ cao chiếc loa sắt tây hô vang khẩu hiệu: “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muôn năm!”.
    
Vì nền cộng hòa dân chủ ấy, anh đã hy sinh một thời trai trẻ. Trên mình còn mang viên đạn ở Mộc Hóa, ký sinh trùng sốt rét Trường Sơn cùng nỗi đau chôn chặt. Nỗi sân hận ướp lạnh trong trái tim ni cô bấy lâu giờ tan thành dòng nước mát.
Truyện ngắn Chu Bá Nam