Biệt thự Tithonia

02:09, 14/09/2011

Một giọng Pháp quý phái vang lên sau lưng. Họa sĩ ngoái lại. Bà già ngoại quốc tóc bạc, trán nhăn, má vẫn căng hồng, khuôn mặt dài, vẻ nghiêm nghị nhiều hơn là phúc hậu, mắt nhìn thẳng qua mục kỉnh lấp lóa.

- Ông sẽ bán bức tranh này chứ? Một giọng Pháp quý phái vang lên sau lưng. Họa sĩ ngoái lại. Bà già ngoại quốc tóc bạc, trán nhăn, má vẫn căng hồng, khuôn mặt dài, vẻ nghiêm nghị nhiều hơn là phúc hậu, mắt nhìn thẳng qua mục kỉnh lấp lóa. Tay cầm cọ, họa sĩ ngắm lại bức tranh vừa hoàn thành sau ba buổi sáng.

Mái nhà nhọn dốc đứng, trong lúc vẽ ông cứ thắc mắc không hiểu khi lợp ngói những người thợ sẽ phải đứng trên đó như thế nào. Ngói xi măng phủ một lớp rêu dày, giữ độ ẩm cho những cây trường sinh lá tím mọc trên đó qua được mùa khô. Cửa sổ có vòm, lộ gạch đỏ au với mạch xi măng chít kỹ như vẽ. Gạch không rêu, bám chặt lên nó là mạng cây vẩy ốc chi chít lá tròn và nhỏ thành một phần không thể thiếu của bức tường đầu hồi. Vẩy ốc thêu lên khung cửa sổ những nét độc đáo, hài hòa. Ông vẽ cốt để ghi chép các mảng đặc sắc ấy, chứ không như một tác phẩm hoàn chỉnh.

Biệt thự, theo đúng nghĩa, phải là một ngôi nhà khang trang, tọa lạc trên khu đất biệt lập nhiều cây xanh bao quanh. Đằng này thì chuồng heo, giàn su chằng chịt, vướng cả mắt. Những căn nhà cấp bốn, mái tôn, mái giấy dầu lóc nhóc, vây nghẹt lấy ngôi biệt thự, chỉ chừa một hẻm nhỏ vòng vèo, khấp khổm, nước từ buồng tắm, nhà bếp hai bên chảy tràn từng đoạn lầy lội. Lều quán lúp xúp, nhà nào cũng có một ô cửa sổ kê tủ thuốc lá và treo lủng lẳng mì ăn liền, bánh kẹo đủ màu sắc. Khi ông đang vẽ có người quở: “Ai lại đi xây cái nhà đẹp thế này ở giữa chợ!”. Ông đã có làm mờ nhòa đi không gian quanh biệt thự cho bố cục đỡ nhức mắt. Tóm lại, có một mái nhà đẹp giữa một bức tranh toàn cảnh bê bối.

- Ông sẽ bán bức tranh này chứ? - Bà già nhắc lại một lần nữa bằng tiếng Việt khá sõi, mắt vẫn nhìn ông không chớp.

Sinh ra và lớn lên ở thành phố này, thành phố của trên ba nghìn năm trăm biệt thự nổi tiếng, ông thích vẽ nhà từ nhỏ và trở thành họa sĩ độc nhất trong nước chỉ vẽ nhà. Mỗi mái nhà là chân dung một gia đình. Nó cũng mang cái thần riêng, có số phận, có khai sinh, khai tử. Có họa sĩ chuyên vẽ biển, lại có họa sĩ chuyên vẽ rừng. Với ông, nhà là cái gì thiêng liêng lắm. Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ông sang Pháp, sang Anh, sang Ý, cũng chỉ vẽ nhà. Ở Việt Nam, ông đi khắp ba miền, Bắc - Trung - Nam. Nào nhà cổ dài ngoẵng năm gian hai chái với mái cong cột tròn lợp ngói ta; nào nhà một gian hai chái miền Trung, đến những nhà mái lá đơn sơ giữa đồng bằng sông Cửu long. Nhưng thích nhất vẫn là thành phố quê hương ông, rừng núi điệp trùng, góc độ nào nhìn cũng đẹp. Tranh ông vẽ không bán, cũng không trưng, chỉ có ý định cuối đời sẽ làm một gallery các kiểu nhà, đông, tây, kim, cổ.

Chưa bao giờ bán tranh, song cũng có thể bán chứ. Ý nghĩ ấy chợt đến ngay sau câu hỏi.

     - Vâng, thưa bà.
     - Ông định bán bao nhiêu?

     Tự nhiên ông thấy tiếc, mặc dù nó vẫn là của mình, vẫn còn đây trong tay ông. Kinh nghiệm cho hay, vẽ lại là một việc buồn tẻ nhất và thường không được hài lòng như lần đầu. Đã bán không thể không nói giá. Ông nói đại cốt để khách lắc đầu bỏ đi:

     - Một ngàn đô.

     Nhướng hai hàng lông mày, bà tròn mắt nhìn ông có ý hỏi lại. Đúng rồi, một ngàn đô. Bà không thể mua được đâu. Cũng có thể, với bà ngàn đô ăn nhằm gì, song với số tiền đó có thể mua được một bức tranh giá trị hơn. Ông đâu phải là Trí, là Cẩn, là Phái?

     - Tôi mua!

     Bà lão tuyên bố, đếm tiền dúi ngay vào tay ông, rồi mời ông lại nhà. Bà dẫn ông vào đúng ngôi biệt thự vừa vẽ, và giải thích mới từ Pháp sang du lịch, thuê ở đây một tuần, mai về. Hai người ngồi dùng cà phê cạnh lò sưởi sạch đến lạnh lẽo, tưởng như chỉ để trang trí cho phòng khách chứ chưa hề được sử dụng. Giữa trưa hè oi bức này, cái lò sưởi càng trở nên vô duyên, thừa thãi. Phòng khách rộng thênh thang, chỉ có một lọ hoa đặt trên cửa sổ và chân dung một người đứng tuổi treo tường.

     - Cụ thân sinh ra tôi. - Bà lão giải thích khi mắt họa sĩ dừng lại nơi bức ảnh.

     Ông nhìn bà như cố tìm ra những nét tương đồng. Bà lão cười:

     - Bức tranh của ông đã tìm được người mua đấy. Ông bán không rẻ đâu, nhưng ông phát giá cao hơn nữa tôi vẫn cứ mua.

     Đến lượt bà ngắm ông. Ngắm rất lâu, rồi nở nụ cười thân thiện, khó hiểu:

     - Xin lỗi, ông là Nguyễn Văn An?
     - Vâng! - Họa sĩ buột miệng, ngơ ngác.
     - Ông sinh năm 1920?
     - Đúng! - Họa sĩ gật đầu xác nhận.
     - Ông vào Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương 1942?
     Họa sĩ gật đầu.

     - Nhưng mà bà là ai?

     Bà nhìn ông, cười mỉm:

     - Là chủ cũ của ngôi nhà này. Ngôi nhà trong tác phẩm của ông.

     Bà đã không nhầm ông với ai khác, song ông chưa hề gặp bà lần nào. Tại sao bà ta lại biết mình rõ đến thế? Ông lục lọi trí nhớ. Hình như đoán được ý nghĩ của ông, bà tiếp, vẫn dưới dạng một câu hỏi:

     - Ông có quen ai là Nhật không?
     - Nhật? - Ông gọi thử, mắt ngước nhìn trần nhà, chơm chớp. - Không.
     - Ông quên rồi. Bạn thời xa xưa kia.
     - Aaa…! - Họa sĩ rạng rỡ nét mặt. - Nhớ rồi, nhớ rồi.
     - Rất mừng là ông đã nhớ ra.
     - Vậy bây giờ ông Nhật ở đâu? - Họa sĩ hỏi.
     - Ông ấy mất rồi.
     - Bà quen ông ấy?
     - Tôi là vợ.

     Im lặng trùm lên hai người. Nhật là hàng xóm cũ của ông năm mươi năm về trước. Hơn ông đến năm tuổi nên cũng không thân lắm, và từ khi ông ra Hà Nội học cao đẳng thì hai người không còn liên hệ.

     Người đàn bà kéo ông lại góc phòng, cử chỉ bỗng trở nên thân tình. “Soạch”. Tấm ri đô cùng màu với bức tường thu về một phía, bức tranh sơn dầu khổ tám mươi, mét hai hiện ra như một trò ảo thuật. Họa sĩ há hốc miệng, kêu lên:

     - Tranh của tôi!

     Một ngôi biệt thự xinh xắn. Tán thông thẫm lại, loang lổ nắng, trên cành có vẩy khô màu nâu nhạt, lác đác đung đưa là những chuỗi phong lan, cánh hoa rực rỡ như bướm bay. Tiền sảnh lại bị che lấp bởi bờ hoa dã quỳ. Hoa dã quỳ tràn ngập một màu vàng tươi rói. Một cánh hoa rất gần, đặc tả bằng nhát màu cộm lên, tưởng chỉ với tay là hái được. Dã quỳ miên man mãi sau biệt thự, nhỏ dần như những đồng tiền vàng ai rắc. Hoa qùy bắt nắng soi kính cửa sổ đen bóng, sâu thẳm, bật lên sắc lửa. Cành mimosa nhặt lá màu xanh mốc xen lẫn màu ngọc bích tuyệt vời.

     Cả hai đứng ngây ra giây lát.

     - Tôi muốn ông dẫn đến biệt thự này.
     - Thưa bà, có thể bà chưa tin, nhưng chính tay tôi vẽ.
     - Tôi không nghi ngờ nó là của ông. Tôi chỉ muốn được ông đưa đến đó.
     - Ngay bây giờ ư? Cho tôi nhớ lại đã…

     Bà lão tháo kính, phá lên cười ngất.

     - Đây, nó đây! - Bà vừa nói vừa chỉ xuống chân hai người.
     - Villa Tithonia! - Họa sĩ thốt lên.
     - Chính nó, chính nó.
     - Trời ơi! - Họa sĩ ngửa hẳn người ra sau.
     - Không thể ngờ được… Không thể ngờ được… - Bà xen vào bằng tiếng Pháp.

     Sang Việt Nam bà tìm ngay đến thành phố này, nơi bà đã trải qua những ngày thơ ấu. Việc đầu tiên là tìm đến những nơi có rừng thông và dã quỳ, song bà đã thất vọng, vì chỉ có ở ngoại ô xa hút. Nhà bà ở ngay trong thành phố, bà đã từng đi bộ đến nhà thờ trung tâm. Hẳn là nó đã bị chiến tranh tàn phá. Tên phố đã thay đổi, người trẻ không thể trả lời những câu hỏi của bà. Ngày bà lần mò tìm kiếm, tối về khách sạn ngả lưng, hôm sau đi tiếp. Tức thật, tòa biệt thự nào phải chiếc kim! Cuối cùng thì bà cũng đã “khai quật” được nó, ngay trên mặt đất, giữa trung tâm thành phố.

     - Tôi còn nhớ… - Họa sĩ chậm rãi - cổng biệt thự khá xa nhà, xây bằng đá với tấm biển vuông: “Villa Tithonia!”. Tôi sợ con béc-giê nên đã đặt giá vẽ hơi xa.
     - Ông biết không, con béc-giê nhà tôi to như con bò đực. Nó dám đương đầu với hổ đấy.

     Bà dẫn ông xuống dưới, vòng sang đầu hồi. “Xưa kia ở đây có cái vòi nước”. Bà chỉ tấm bê tông đúc dày đến tám phân xây bám vào tường. Góc tấm bê tông có dấu bàn chân chó, và chữ ký của bà dưới chữ Tithonia. Vuốt ve tấm bê tông như thứ đồ cổ quý giá, mắt bà chớp chớp, rân rấn nước:

     - Phát hiện ra tấm bê tông này, tôi mới tin mình đã không lầm.

     Họa sĩ vừa nghe vừa cười thầm. Chính nhà của bà mà còn như thế thì sao tôi nhận ra.

     - Trong tranh tôi có vẽ cái bệ xi măng này không nhỉ?
     - Có, có. Cả cái vòi nước nữa.

     Bà lại kéo ông lên lầu. Đúng là ông có vẽ, nhưng lúc ấy ông nghĩ nó là cái bàn giặt. Giờ bà cho biết xưa quanh nhà là rừng, mỗi khi đi săn về,  họ xả thịt con thú ở chỗ này. Bà thích ăn thịt thú rừng nướng, nhưng sợ xem làm thịt,  có lần khóc thét, ngất đi. Người lớn thường “xua” bà đi chơi, ra khỏi bờ dã quỳ, xong mới gọi về. Cả một triền đồi phía trước là hoa quỳ, và biệt thự vì thế có tên Tithonia.

     Lạ thật, bức tranh đã không cánh mà bay từ mấy mươi năm rồi giờ lại xuất hiện. Đoán được ý ông, bà giải thích:

     - Ông Nhật đã đánh cắp bức tranh này ở nhà ông, đem tặng tôi, tán tỉnh là mình vẽ.
    
Dù ông Nhật không thú nhận đi chăng nữa thì bà cũng biết. Ăn ở với nhau từng ấy năm có bao giờ ông Nhật trổ tài vẽ. Suốt đời tuyệt nhiên không một lời bàn về hội họa. Ông ta đã xóa chữ ký ở góc phải, phía dưới bức tranh.

     - Đây là chữ ký của ông! - Bà soi bức tranh cho ánh sáng cửa sổ xuyên qua. - Ba hôm nay tôi ngồi nhìn ông vẽ, có thể nói là theo dõi ông. Canh chừng đến lúc hoàn thành, chờ ông đặt chữ ký vào bức tranh vừa rồi, xác định đúng là ông, tôi mới lên tiếng. Tôi đem bức tranh này về tìm ông để trả lại, theo lời di chúc của ông Nhật, chồng tôi.
Truyện ngắn: CHU BÁ NAM