Tôi là một con vẹt. Nói chính xác hơn là một ả vẹt. Biết điều ấy là bởi từ ngày về sống trong cái lồng sơn son thiếp vàng này tôi được tất cả trẻ con trong xóm đến ngắm nghía suốt ngày, nhiều đứa đã thốt lên...
- Chà! ả vẹt này xinh đẹp tuyệt!
Minh họa. Ngọc Minh |
Là kẻ mới nhập cư, tôi chưa hiểu loài người được bao nhiêu. Người đầu tiên tôi quen là cô bé Hạnh. Đấy là theo cách gọi của mọi người trong nhà chứ còn tôi tất nhiên phải xưng hô là chị Hạnh rồi. Vì chị chính là chủ nhân của tôi. Hằng ngày chị Hạnh đem ngô, thóc và nước uống cho tôi. Giọng chị thật ấm áp:
- Cố ăn chóng lớn em Vẹt nhé!
Tôi bỗng thấy mến yêu và gần gũi chị, không phải vì những hạt ngô mẩy tròn mà chính bởi giọng nói vô cùng dịu dàng ấy.
Có một lần, tôi vô tình nghe ông nội hỏi chị Hạnh:
- Con Vẹt này có làm cháu vui hơn không?
- Thưa ông cháu rất vui ạ. Trông nó thật dễ thương.
- Thế thì tốt. Bây giờ làm được điều gì để cháu vui là ông sung sướng lắm.
Thì ra, tôi còn là niềm vui của hai ông cháu chị Hạnh nữa. Tôi có cảm giác niềm vui đối với họ hình như là một điều hệ trọng lắm. Mà phải rồi, tôi luôn thấy đôi mắt của chị Hạnh ẩn một nỗi buồn vô cớ. Những người buồn thường rất quý niềm vui. Đem được niềm vui đến cho cả hai ông cháu chị Hạnh như vậy, tôi đâu phải là một kẻ vô ích, chỉ ăn không ngồi rồi và kêu lên những tiếng “quéc quéc” vô nghĩa.
Ồ! Mà không! Loài Vẹt của tôi đâu phải chỉ biết kêu lên một mớ âm thanh “quéc quéc” như vậy. Trời còn phú cho nòi giống chúng tôi những âm thanh khác nữa. Tôi được cha mẹ kể lại rằng đã có rất nhiều anh chị của tôi biết kêu lên những tiếng giống như tiếng người. Ở trong mỗi ngôi nhà khác nhau các anh chị tôi lại tập nói những câu khác nhau. Khi thì: “Nhà có khách! Nhà có khách!” Khi thì: “Dậy đi học! Dậy đi học! “hoặc” Chúng mày ơi đi chơi đi”. Loài vẹt chúng tôi học rất nhanh và khá sõi. Loài người có câu: “Nói cứ như vẹt” là để nửa khen, nửa chê chúng tôi đấy. Có điều, loài người cứ luôn ác cảm cho rằng loài vẹt chúng tôi nói nhưng không hiểu những gì mình nói. Điều này đã làm tôi hết sức bất bình. Loài người có phải loài vẹt đâu mà hiểu được tường tận bụng dạ nòi giống chúng tôi.
Đấy là tôi bàn về các anh, các chị của mình thôi. Chứ tôi cho đến tận lúc này vẫn chưa nói được một nửa câu tiếng của con người, mặc dù lũ trẻ hàng xóm ngày nào cũng vây quanh để dạy tôi nói. Chúng cứ thi nhau hét váng lên:
- Nhà có khách! Nhà có khách!
- Đi học thôi! Đi học thôi!
Tai tôi nghe rõ mồn một tiếng lũ trẻ mà không hiểu sao tôi vẫn không cất được thành lời. Dù đã nhiều lần cố uốn lưỡi, há mỏ thật to nhưng họng tôi vẫn chỉ thoát ra những tiếng “quéc quéc, quéc quéc”. Tôi buồn lắm, học nói tiếng người luôn là niềm mơ ước của loài vẹt chúng tôi.
- Phải cắt lưỡi con vẹt này ngắn đi nó mới nói được chị Hạnh ạ!
Tiếng nói của một đứa trẻ nào đó làm tôi choáng váng. Đầu lưỡi tôi tê dại đi.
- Không được! Làm thế dã man lắm. Tớ không cho phép ai làm như vậy. Tớ cấm đấy! Chị Hạnh vừa nói vừa xua bọn trẻ ra ngoài cửa.
Tôi thở phào nhẹ nhõm. Ôi! chị Hạnh của tôi tốt quá. Từ đấy tôi càng có tình cảm với chị hơn. Mỗi lần chị mang ngô, mang thóc đến bên chiếc lồng, tôi luôn âu yếm nhìn chị bằng ánh mắt đầy biết ơn nhưng chị đâu có biết.
- Vẹt ơi, em đẹp thật đấy, cứ như công chúa rừng xanh ấy. Em có nhớ bạn trên rừng không?
Lúc ấy, tôi cũng muốn nói to lên rằng:
- Em nhớ bạn lắm. Mà em cũng thích ở đây với chị.
Nhưng buồn thay, chị Hạnh hiểu làm sao được những điều tôi nghĩ. Chị chớp chớp cặp mắt quầng thâm nhìn tôi không nói. Lạ thật! Vì sao mắt chị lại buồn thế nhỉ? Cuộc sống của chị rất đầy đủ, lại được ông nội chiều chuộng, không để chị thiếu thốn bất cứ một thứ gì. Nhiều đêm tôi cố nghĩ nhưng không sao hiểu nổi.
Rồi bỗng tới một ngày có một bà mẹ dẫn một cô bé con đến nhà chị Hạnh. Ông nội gọi bà kia là "cô bác sĩ". Ông nội và "cô bác sĩ" ngồi nói chuyện gì đó rất lâu trong phòng khách. Chị Hạnh rủ cô bé con đến bên chiếc lồng của tôi. Chị nhẹ nhàng hỏi cô bé:
- Em có thích con vẹt này không? Quê nó ở tít trên rừng xanh ấy. Nó chưa biết nói đâu nhưng đáng yêu lắm đấy.
Cô bé chừng như không để ý đến những điều chị Hạnh nói về tôi. Cô níu tay chị Hạnh với vẻ hết sức bí ẩn:
- Chị Hạnh ơi, em thương chị lắm! Mẹ em bảo chị sắp vào bệnh viện. Hình như… hình như… Chị Hạnh ơi, em thương chị lắm!
Cô bé vừa khóc rấm rứt vừa nói đi nói lại mãi câu ấy:
- Chị Hạnh ơi, em thương chị lắm!
Trái tim bé nhỏ của tôi bất chợt nhói lên một cảm giác kì lạ. “Chị Hạnh ơi, em thương chị lắm!”. - Tôi bỗng khao khát muốn cất lên thành lời cùng cô bé nọ. Rồi đúng lúc ấy, như có phép biến hóa giục giã lòng tôi thốt lên:
- Chị Hạnh ơi em thương chị lắm!
Toàn thân tôi như lịm đi vì mệt mỏi và hạnh phúc. Ôi! Thế là tôi đã nói được tiếng người. Lời đầu tiên lại giành cho một người mà tôi yêu quý nhất.
- Chị Hạnh ơi em thương chị lắm! Tôi cố dồn hết tâm can hét lên thêm một lần nữa.
Chị Hạnh và cô bé cùng reo to:
- A! Con vẹt nói được rồi!
- Nó bảo nó thương chị Hạnh. Nó nhắc lại lời em vừa nói đấy.
Từ đôi mắt hơi nhợt nhạt của chị Hạnh lăn xuống hai giọt nước mắt.
Sau cái ngày đáng nhớ đó ít lâu, ông nội chị Hạnh gói gém chăn màn, quần áo rồi nói với chị Hạnh bằng một giọng trầm và đục:
- Hạnh ơi, sáng nay ông đưa cháu vào bệnh viện.
Chị Hạnh cúi mặt, lặng lẽ đến bên tôi:
- Vẹt ơi chị đi nhé. Chị đã nhờ mấy đứa hàng xóm cho Vẹt ăn uống rồi. Phải ngoan đấy, không chúng nó đánh cho thì khổ.
Tôi dang hai cánh ra như muốn ôm lấy chị:
- Chị Hạnh ơi em thương chị lắm.
- Cảm ơn em. Chị cũng yêu em lắm Vẹt ạ. Thôi chị đi, có khi chị không bao giờ trở lại với em nữa đâu.
Những câu nói xót xa của chị làm lòng tôi rưng rưng muốn khóc.
Loài người thường nghĩ loài vẹt chúng tôi nói mà chẳng hiểu điều mình nói, thật có oan uổng không?
* * *
Lâu lắm, tôi thấy ông nội chị Hạnh trở về một mình. Gương mặt võ vàng của ông làm tôi sững sờ. Đặt gói đồ xuống ghế, ông đến bên tôi ngậm ngùi:
- Vẹt ơi! Chị Hạnh không còn nữa. Chị mất rồi! Vì chất độc màu da cam đấy, mày không thể hiểu được đâu. Trước khi ra đi chị Hạnh bảo ông thả mày trở lại rừng xanh, kẻo không có chị chúng nó nghịch ngợm cắt lưỡi mày thì khổ.
Tôi lặng đi, không muốn tin vào lời ông nội nói. Không! Không thể như thế được! Chất độc màu da cam là cái gì mà sao ác nghiệt vậy! Có lẽ nào từ nay tôi vĩnh viễn không được nhìn thấy chị nữa. "Chị Hạnh ơi, em thương chị lắm!"- tôi kêu lên trong nỗi đau đớn đến tột cùng.
Ông nội run run tháo cửa lồng. Thấy tôi vẫn đứng lì trên thanh tre, ông thò tay kéo tôi ra. Tôi loạng choạng cố gượng đôi chân rã rời đậu lên bức tường trước cửa nhà, tôi không thể nào cất cánh nổi.
- Chị Hạnh ơi em thương chị lắm!
Giọng nói khản đặc của tôi đập vào khung kính giá lạnh, tả tơi bay trong không gian u tịch.
Ông nội lau nước mắt:
- Biết rồi Vẹt ơi. Nhưng Vẹt bay về rừng đi cho linh hồn chị Hạnh được thanh thản.
Nhìn lại ngôi nhà nhỏ một lần nữa, tôi ngậm ngùi cất cánh bay đi. Tôi cố bay vọt lên thật cao nhìn xuống để mong thấy bóng hình chị Hạnh. Nhưng mặt đất chỉ rờn rờn một màu xanh mờ ảo. Chao ôi! Tôi đâu biết loài người lại có những nỗi buồn tê tái thế. Nỗi buồn mà loài vẹt chúng tôi không bao giờ có.
Tôi chấp chới nhằm phía rừng xa, xoải cánh. Cứ một lúc tôi lại thoảng thốt kêu lên: "Chị Hạnh ơi em thương chị lắm!".
Tới một ngày kia tôi sẽ nhập đàn. Rồi giữa đàn vẹt hoang chỉ biết kêu lên những tiếng "quéc quéc" vô tâm sẽ có một tiếng nói đầy thương cảm của tôi: "Chị Hạnh ơi, em thương chị lắm". Tiếng nói của tôi sẽ vang vọng mãi không nguôi trên bầu trời rộng lớn. Mong sao, giọng nói nhẹ nhàng bé nhỏ của tôi giữa mênh mông này có thể làm vơi đi chút ít nỗi đau của những kiếp người.