Đó là xóm nhỏ ngày xưa của tôi và cả của chị, bởi tôi đã rời xa nơi chôn nhau cắt rốn, còn chị từ giã cái xóm nhỏ đầy kỷ niệm trước tôi có lẽ hơn mười lăm năm trời!
Bây giờ chị Hạnh đang sống ở Quy Nhơn, một thành phố ven biển ầm ào những sóng và gió. Không biết chị có nhớ đến cái xóm nhỏ nằm lọt thỏm trong một thung lũng dài men theo một triền đồi lác đác những ngọn thông xanh? Đó là xóm nhỏ ngày xưa của tôi và cả của chị, bởi tôi đã rời xa nơi chôn nhau cắt rốn, còn chị từ giã cái xóm nhỏ đầy kỷ niệm trước tôi có lẽ hơn mười lăm năm trời!
Minh họa: Ngọc Minh |
Nhà chị Hạnh và nhà tôi là hàng xóm, hai nhà dùng chung một con đường đất nhỏ dẫn từ trên đường cái xuống. Cổng nhà tôi trên đường cái có một cột là cây vông khá to, là ranh giới tự nhiên giữa nhà tôi và nhà chị, cột kia là cột hàng rào. Nói cổng cho oai chứ thực ra chỉ là một sợi dây thép gai giăng ngang vào ban đêm, tôi cũng không biết người lớn giăng dây thép để làm gì, vì chỉ cần giở ra là có thể tự do đi xuống con đường dẫn vô nhà. Xóm nhà quê thuở nhỏ của tôi đầy ắp những kỷ niệm khó quên. Những trò chơi trẻ thơ của tôi, thằng Hoàng và đứa em trai thường lấm lem những đất, đất như một phần không thể thiếu trong những trò chơi, chúng tôi không nghĩ những trò chơi ấy là dơ bẩn. Những hòn bi xanh đỏ tím vàng, trong veo như mắt mèo hay bị sứt mẻ bao giờ cũng hấp dẫn chúng tôi. Hay trò chơi vụ quay tít mù, đánh đáo bằng những đồng tiền in hình bụi tre… đều diễn ra trên mặt đất. Những trò chơi ấy tôi rất thích nhưng không bằng trò ban đêm đi rình những anh chị thanh niên hẹn hò tình tự. Nói cho cùng, thuở ấu thơ của tôi, tôi không biết đó là trò chơi yêu đương của họ, sau này khi đã trải nghiệm tôi mới biết chuyện tình bao giờ cũng bắt đầu bằng chuyện hẹn hò!
Chị Minh và anh Hương thường hẹn hò nhau ở đầu chuồng bò nhà ông Chín, ở đó có một đống rơm ông Chín mua tận cánh đồng Tùng Nghĩa mang về. Hai anh chị ngồi lặng ngắt mà không nói với nhau một câu nào. Trên trời cao, vầng trăng lẻ bóng soi xuống thế gian một màu vàng nhạt . Ánh trăng không đủ sáng để soi thấu tôi và thằng Hoàng ngồi rình trong một bụi ngũ sắc rậm ri! Chờ lâu không thấy anh chị nói gì, tôi ngứa quá. Không ngứa sao được khi trong bụi rậm có vô số những thứ làm cho cơ thể tôi khó chịu, nào là kiến, là những chiếc lá khô, những chiếc gai ngũ sắc và vô khối những thứ khác nữa. Chúng tôi rình coi anh Hương làm gì chị Minh? Anh Hương không làm gì cả, tôi chán quá, tôi nắm tay thằng Hoàng viết một chữ “hù” vào lòng bàn tay nó. Hai thằng tôi vạch một lối nhỏ, ló cái đầu đầy những lá khô và cùng cất tiếng hù thật to. Chị Minh hét thất thanh rồi ôm chầm lấy anh Hương, chắc chị không kịp nhận ra hai thằng trời đánh đang khanh khách cười và chạy vụt qua trước mặt chị.
Thằng Hoàng nói:
- Quay lại coi họ làm gì?
Chúng tôi vạch một khoảng hàng rào nhìn xuống đống rơm, tôi và thằng Hoàng thấy một đống thù lù nên hơi ớn. Trong đầu tôi hiện lên những hình ảnh hãi hùng của những chuyện ma chúng tôi hóng hớt được từ những anh chị lớn. Thằng Hoàng bạo hơn tôi, nó thì thầm:
- Lúc nãy rõ ràng là hai người, sao bây giờ chỉ là một đống đen thui?
Trăng đang chui vào đám mây, dưới chân đống rơm cái đống đen thui càng trở nên kỳ quái, nó lại nhúc nhích càng khiến cho tôi tin chắc là ma. Tôi vụt đứng dậy và định chạy, nhưng đôi chân cứ nhủn ra không thể nào đứng cho vững chứ đừng nói là chạy! Bỗng nhiên tiếng chị Minh vang lên:
- Anh làm em ngộp thở quá!
Thằng Hoàng hét to:
- Anh Hương “hun” chị Minh, bà con ơi!
Lần này tôi chạy thật nhanh, thằng Hoàng chạy theo sau miệng không ngớt hô vang “anh Hương hun chị Minh” “anh Hương hun chị Minh”….
Đám cưới anh Hương và chị Minh, ông Chín làm một con heo to, cả xóm qua phụ một tay. Tôi lon xon chạy quanh con heo đang chảy mỡ xèo xèo xuống đống than đỏ, chờ chút nữa thôi khi sả thịt thế nào tôi cũng được bà Chín nhón cho một miếng.
Chuyện tình chị Hạnh và anh Năm không được như chuyện anh Hương và chị Minh. Sau này khi lớn lên, đọc bao nhiêu là tiểu thuyết tôi mới nhận ra rằng chuyện tình anh Hương và chị Minh thật là lãng mạn. Còn chuyện tình của anh Năm và chị Hạnh không biết có lãng mạn không, tôi không thể nào khẳng định được. Tôi và thằng Hoàng không bắt gặp anh Năm và chị Hạnh hẹn hò nhau tại những chỗ tỷ như đống rơm nhà ông Chín, gốc thông già đầu dốc nhà ông Năm Tần hay những nơi bí mật mà anh Hương, anh Năm, chị Minh, chị Hạnh…tưởng rằng chỉ hai người biết, đâu ngờ những thằng nhóc như tôi cũng rành không kém. Tôi bắt gặp chị Hạnh và anh Năm tại gian dưới nhà chị, ở gian trên ông Bảy đang ôm cái ra đi ô, bà Bảy têm trầu thỉnh thoảng bàn với ông Bảy chuyện nhà chuyện cửa, chuyện vườn chuyện tược. Nhà dưới chỉ mình chị Hạnh, chị ra sân rửa chén và đổ chậu nước xuống mương, dòng nước róc rách chảy như một tín hiệu gọi anh Năm, anh xuất hiện và nhanh chóng vào nhà trước khi chị Hạnh bưng rổ chén dĩa vào úp trong cái chạn. Thật lạ lùng, anh Năm và chị Hạnh cũng không nói với nhau lời nào cả, y như chị Minh và anh Hương vậy. Nhưng điểm khác nhau mà tôi nhận ra khi dòm vào khe vách ván là anh Năm khóc. Tôi lấy làm lạ, anh Năm lớn bộn mà còn khóc, lại khóc trước mặt chị Hạnh nữa mới thật lạ lùng! Anh Năm khóc không thành tiếng, chỉ một dòng nước mắt chảy qua khuôn mặt rám đen, khuôn mặt ấy may sao lại quay về phía tôi và cạnh ngọn đèn Hoa kỳ đang tỏa khói. Tôi quay lại, thằng em tôi đứng cạnh tôi không biết tự bao giờ, nó hỏi:
- Anh Chín, sao anh Năm khóc dzậy?
Tôi kí vào đầu nó, nhăn mặt và thì thầm:
- Mày có im đi không?
Anh em tôi lời qua tiếng lại mà tuyệt nhiên anh Năm và chị Hạnh trong nhà không hề hay biết. Bây giờ họ đã nói với nhau, đầu tiên là chị Hạnh:
- Thôi thì mình không có duyên số, không được sống với nhau, anh đừng khóc nữa!
A ha, vậy là chị Hạnh biết anh Năm khóc nãy giờ, chắc anh Năm mắc cỡ lắm đây. Tôi nghĩ. Nhưng không phải vậy, anh Năm lấy tay chùi mắt:
- Năm có khóc đâu, nãy giờ con bồ hóng chui vào mắt Năm mà, Năm biết Năm không xứng với Hạnh, Năm chúc Hạnh, chúc Hạnh… Chúc Hạnh…
Anh Năm không biết chúc chị Hạnh điều gì, tôi thấy mặt anh thuỗn ra, một dòng nước mắt lặng lẽ chảy. Thấy anh Năm ấp úng tôi chán anh quá, chúc chị Hạnh điều gì mà cũng không biết. Tôi gào thật to:
- Chúc chị Hạnh năm mới phát tài phát lộc! (Tết rồi tôi chúc chị Hạnh như vậy!).
Tôi bỏ chạy về nhà ngủ, không nán lại coi hai người nói với nhau điều gì nữa, mà còn gì để coi, chỉ một câu chúc mà anh Năm cũng không biết thì tôi coi làm gì chứ?
Trước ngày chị Hạnh đi lấy chồng, chị kêu tôi qua nhà, chị vừa khóc vừa nói:
- Em có thương chị không?
Tôi gật đầu. Chị Hạnh tiếp:
- Vậy thì em đem cái này qua cho anh Năm, đừng cho ai biết nghe, em thề đi, mà thôi chị tin em mà.
Tôi cầm cái hộp bánh quy chị đưa, tôi giơ tay lên trịnh trọng thề. Anh Năm nhận từ tay tôi chiếc hộp rồi bỏ vào nhà ngang ông Hai Phong nằm vật mình ra bộ phản. Tôi chờ miết không thấy anh nói gì nên quay về nhà chơi với thằng em.
Chị Hạnh đi lấy chồng, chồng chị bị cà thọt nhưng coi bộ vui tánh. Sau đám cưới, chị theo anh Khôi về tận Quy Nhơn và từ đó tôi không bao giờ gặp lại chị nữa! Anh Năm cũng thôi không ở nhờ nhà ông Hai Phong, anh làm một cái trại ở Đất mới để làm vườn và để trốn lính cho tiện đôi bề. Tôi vẫn vô tư không nghĩ gì trừ ý nghĩ chê anh Năm không biết chúc…tết như tôi, còn thằng Hoàng thì không phải vậy. Một hôm thằng Hoàng nói với tôi:
- Mày biết tại sao anh Năm không ở xóm mình nữa không?
Tôi trả lời vì ảnh bận làm vườn ngoài Đất mới, thằng Hoàng cười:
- Mày ngu lắm, ảnh thất tình chị Hạnh nên không ở xóm này nữa đó, ở đây ảnh nhớ chị Hạnh không làm ăn gì được cả!
Thằng Hoàng kể, bà Bảy Bông chê anh Năm nghèo không gả chị Hạnh cho anh Năm, tuy rằng hai anh chị thương nhau như… chó với mèo! Tôi cãi chó hay cắn mèo sao mà thương nhau được? Thằng Hoàng đuối lý, nó nói nhưng chó mèo nhà tao thương nhau lắm y như anh Năm và chị Hạnh vậy. A ha, chó mèo nhà mày chắc giống anh Năm chị Hạnh lắm há? Chớ sao, mà mày muốn nghe chuyện anh Năm nữa không? Tôi gật đầu. Anh Năm mê chị Hạnh, cứ làng chàng hoài chỗ chị Hạnh lặt nụ bông ô dê, tao bắt gặp mấy lần. Anh Năm muốn lấy chị Hạnh, ra Đất mới trồng rau, trồng bông như gia đình bà Bảy Bông vậy. Ông Bảy nghe chuyện không nói gì, còn bà Bảy không đồng ý chuyện chị Hạnh ưng anh Năm. Bà Bảy chê ảnh nghèo đủ thứ, chị Hạnh nói với bà Bảy Bông là anh Năm “muốn trồng bông ô dê như mạ vậy, ảnh nhờ con xin mạ ít cây con”. Chẳng ngờ bà Bảy nổi giận:
- Không đời nào, có cây con dư tao cũng chôn chớ không cho nó, không đời nào!
Bà Bảy Bông chuyên trồng bông ô dê cắt bán, cứ 5 ngày bà cắt một lần, bó thành từng bó 50 bông và bỏ mối cho chợ. Chợ bán cho ai, đem đi những đẩu những đâu bà không biết, bà chỉ biết rằng cái nghề này mang lại cho nhà bà cơm ăn, áo mặc, con bà được học hành, vậy bà không đời nào chỉ cho ai cái cách làm ra tiền như vậy?
Vậy là bà Bảy Bông chê anh Năm nghèo, lại không muốn truyền nghề cho anh Năm. Anh Năm ra Đất mới sống với nghề nông, anh trồng đủ thứ nhưng không thấy anh trồng bông ô dê bao giờ, tuy rằng anh có thể xin cây giống nơi người khác. Tôi nghe thằng Hoàng kể anh cũng trồng bông, nhưng tuyệt nhiên không thấy anh trồng bông ô dê, thay vào đó anh trồng bông Cúc Nhật hay Lay-ơn hoặc những loại hoa khác. Bông ô dê cũng không khó trồng, trồng một lần ăn gần hai năm trời, mà tháng nào cũng cắt được 5 đến 6 lứa, có tiền chợ đều đều! Bông ô dê làm gì mà anh Năm giận vậy ta, tôi nghĩ thầm trong bụng khi nghe thằng Hoàng kể. Đó là câu chuyện cuối cùng tôi nghe về anh Năm, với bao nhiêu sự đời xảy ra trong mấy chục năm, với tôi chuyện anh Năm chị Hạnh phai mờ dần trong lớp bụi thời gian.
Tôi viết chuyện anh Năm thất tình mà giận lây hoa ô dê ra đây bởi vừa rồi tôi nghe lóm câu chuyện của đôi bạn trẻ trong quán cà phê Mei, một nơi tuyệt đẹp ở công viên Xuân Hương nếu ai muốn ngắm cảnh hồ. Gần tới Festival Hoa rồi, trời se lạnh, tôi nhâm nhi ly cà phê chờ anh bạn họa sĩ tới sau. Tôi đọc bài thơ “Đà Lạt lạ mà thật quen” của nhà thơ Đinh Ly mới tặng tôi “Mưa Đà Lạt trời se se lạnh/ Hạt mưa rơi sương trắng bay bay/ Định lên thăm bạn ít ngày/ Nào đâu ở mãi tới nay không về”. Bên cạnh bàn tôi là một cặp trai gái đang tỉ tê tâm sự. Ban đầu tôi cũng không chú ý đến chuyện người trẻ yêu nhau cho lắm, nhưng khi cô gái nói với chàng trai chuyện hoa Đà Lạt, vui miệng cô kể chuyện ba cô không bao giờ trồng hoa ô dê tuy nhà cô có mấy chục năm kinh nghiệm trồng hoa, bất cứ loại hoa nào ba cô cũng trồng, duy ô dê thì không bao giờ! Câu chuyện tình cờ nghe lóm khiến tôi chú ý. Chàng trai chăm chú nghe chuyện, tôi cũng lắng nghe chuyện cô gái và sực nhớ đến anh Năm, phải chăng cô gái là con ảnh? Tôi không biết, tôi nhìn lén cô, cô ấy như bao người con gái Đà Lạt khác, hồng hào và mạnh khỏe. Còn chàng trai, nghe giọng nói có lẽ người miền Trung… Cô gái tiếp:
- Ba không lấy được bà Hạnh, giận lây hoa, còn anh nếu không lấy được Út, anh có giận Dâu Tây không? Nghe câu hỏi này tôi tin chắc rằng cô gái ấy là con gái út anh Năm.
Tôi nghe chàng trai trả lời:
- Anh ấy à, anh còn hơn ông ba em nữa kia, anh sẽ không giận lây hoa như ông ba em mà anh sẽ nuốt trọng em vào bụng mới hả hê!
Dâu Tây chắc thỏa lòng với lời tỏ tình ngọt ngào của anh bạn trẻ, cô im lặng, anh bạn hỏi:
- Vậy bây giờ nhà em có trồng hoa ô dê không hả?
- Ba chết rồi nhà em mới trồng, mà bây giờ người ta không gọi là hoa ô dê nữa đâu, người ta gọi là hoa Cẩm chướng.
Tôi như bị sét đánh, anh Năm chết rồi à, anh chết hồi nào mà tôi không biết, có ai ở Đất mới xa xôi ấy báo cho tôi biết một khi tôi không làm vườn như họ? Tôi dằn vặt mình vô tình với anh Năm, với cái xóm nhỏ chôn nhau cắt rốn của tôi. Bỗng đâu tôi nhớ đến ngày đầu tiên tôi gặp anh Năm từ Quảng vô, anh nói với tôi “Chín à, anh vô ở chơi với bạn mấy ngày thôi, rồi anh về lại Quảng”.
Vậy mà anh chết ở Đà Lạt, không bao giờ anh về lại Quảng nữa rồi!
VAC
12/2011
Truyện ngắn của VÕ ANH CƯƠNG