Dư chấn

06:08, 14/08/2012

“Ừ, anh cũng nhớ các em lắm. Tuần sau thế nào anh cũng về Sài Gòn. Chúng mình lại hát, đọc thơ nữa nhé… Hả… Sao? Lão ấy dám vỗ mông bà Châu?... Láo thật. Này, lão còn chê thơ anh em mình là thơ vườn nữa đấy… Hả... Khen à? Thấy chưa? Thơ anh mà dở sao nhiều chị em nằng nặc xin chép, đúng không nào?

Minh họa: Ngọc Minh
Minh họa: Ngọc Minh

“Ừ, anh cũng nhớ các em lắm. Tuần sau thế nào anh cũng về Sài Gòn. Chúng mình lại hát, đọc thơ nữa nhé… Hả… Sao? Lão ấy dám vỗ mông bà Châu?... Láo thật. Này, lão còn chê thơ anh em mình là thơ vườn nữa đấy… Hả... Khen à? Thấy chưa? Thơ anh mà dở sao nhiều chị em nằng nặc xin chép, đúng không nào? Hôm đọc thơ ở Quảng Bình cảm động quá nhỉ…”. Ngồi chồm hổm bên gốc dừa ngoài vườn, giọng ông Hằng sang sảng, không hạ tông, ông quen ăn sóng nói gió cả khi đang tâm sự với các chị em. Bà Hằng vợ ông sốt ruột, ngấm nguýt “Nói gì lắm thế? Từ sáng đến giờ vẫn chưa dứt. Điện thoại tháng này phải tốn cả triệu”. Từ hôm đi cùng đoàn cựu chiến binh kỷ niệm 50 năm Trường Sơn, về đến nhà, ông Hằng gọi điện suốt. Hết thăm hỏi những người cùng đi, lại hỏi thăm cả những người không được đi. Mấy chục năm rồi cái thời họ đã đi qua nhiều khoảnh khắc cận kề cái chết, tình người càng đậm. Cảm xúc chiến trường khơi lên là hừng như than đượm, nhiều đêm dư chấn dội lòng ông những cơn nhớ quắt quay. Bao năm sống bên chồng, bà Hằng hiểu điều đó, bụng dạ xót tiền điện thoại, bà cũng không dám ồn ã ngắt lời chồng “Thôi để lão xả bớt, vài hôm nữa nguội cơn, cả nhà sẽ tính sổ với lão”.

Ông Hằng sắp chạm đến ngưỡng thất thập, nhưng tính ông nhiều khi còn sôi nổi, hồn nhiên hơn trẻ thơ. Tình cờ ai đó dò đúng sóng văn nghệ là ông hào hứng hát liền, đến mức, khán giả thường phải nghe quá tải. Ông vô tư tua đi, tua lại cả những bài ông vừa diễn, vừa ngâm, đến nỗi bà Hằng ái ngại với khách: “Anh bị thương ở đầu, thôi chịu khó nghe, đừng chấp anh”. Nhưng có lúc bà cũng phải bịt tai, nổi cáu: “Thôi, đừng hát nữa để cho người ta nghỉ, tra tấn thế đủ rồi”. Ông tự khen giọng mình như ca sĩ Quốc Hương, rồi đánh giá thơ mình có tiếng vang trong câu lạc bộ thơ Quê Hương. Có người góp ý thơ ông quá thật thà, hay liệt kê địa danh, ngày tháng và kể lể dài dòng, ông vẫn khăng khăng rằng: “Đã mô tả trận đánh thì phải ghi theo thứ tự bắt đầu từ nơi nào đến nơi nào, không viết đúng người ta kiện cho chết”. Người nhà hiểu ý nên vỗ tay thông qua tuốt. Cỏ dại mọc tùm lum trong vườn thơ, thì mảnh vườn hoang ấy là chốn vui thú của ông. Bà Hằng khuyên con: “Cứ để bố đi sinh hoạt vui vẻ với các cụ. Thơ thẩn như vậy mà lại hay. Tính bố dạo này dịu nhiều rồi”. Tháng trước ông bị đánh rớt giải thi đơn ca văn nghệ quần chúng của tỉnh T “Lão nhạc sĩ trong ban giám khảo chê bố hát sai lời. Đây nhá”. Ông liền lấy hơi rồi hát: “Rung rinh lá ngụy trang lưng đèo gió lộng, vì quê hương càng hăng say nhịp sống”. Ông nói: “Lão bắt bố phải hát là: tuổi thanh niên đời hăng say nhịp sống”. Con dâu của ông khẳng định: “Họ hát như thế mới đúng bố ạ”. “Nhưng bố vẫn cãi tôi không hát sai, lời này là do tôi sửa lại cho phù hợp”. Rồi ông chép miệng: “Mất toi cái giải nhì triệu rưỡi, tiếc thật”. Cả nhà nhìn nhau tủm tỉm. Con trai cả của ông hiện là sĩ quan quân đội khuyên: “Thôi bố ơi, già rồi đi hát cho vui. Mơ được giải này, giải nọ dễ bị tăng xông lắm”. Bà Hằng nói thầm “Hay cãi ngang, sai lè lè ra còn cãi”.

Tính nóng nảy của ông thì vợ con thường nín nhịn “không dại chọc vào tổ ong”. Nhưng còn chuyện ông đi cãi đòi công bằng theo chính sách đãi ngộ thương binh liệt sĩ giúp cho đồng đội thì người ta đâu phải lúc nào cũng nghe ông. Hễ giúp xong cho ai được suôn sẻ thì mừng lắm, chưa về đến nhà đã nghe ông huýt sáo từ ngoài ngõ. Còn phải đi năm lần, bảy lượt, phải cãi từ xã lên huyện mà “hồ sơ vẫn chưa hợp lệ” thì từ xa đã thấy dáng ông chênh vênh như cây vừa qua bão. Có lần “cái tổ ong” dám chọc vào “cái tổ kiến” nên bà Hằng phải đi bảo lãnh chồng về. Hôm ấy, ý ông rất chân thành: “Tôi sẵn sàng lấy quân hàm trung tá của tôi ra thề đồng chí ấy bị thương khi đang chiến đấu cùng đơn vị chúng tôi”. Cán bộ phòng thương binh xã hội huyện là người trẻ hơn ông nhiều tuổi “Đồng chí ơi, không phải thề. Trung tá hay trung tướng làm việc phải đúng nguyên tắc. Chúng tôi chỉ giải quyết những bộ hồ sơ hợp lệ thôi”. Ông Hằng cố thuyết phục: “Đồng chí hẹn tới, hẹn lui nhiều lần rồi nên tôi mới thề. Đất nước đã giải phóng, làm việc cũng phải có cái tình, đừng để người có công với cách mạng thiệt thòi”. Chạm tự ái, cán bộ vỗ ngực: “Không để ai có công thiệt thòi cả. Tôi cũng là cách mạng, cũng là quân giải phóng đây. Đồng chí đi nhờ người ta giúp mà nói thế nghe không được”. Ông Hằng nổi đóa: “Tôi chỉ đòi giải quyết công bằng chứ không phải đi xin xỏ gì chú. Cách mạng à? Chú là cách mạng 30/4 phải không? Chú thì giải phóng được ai? Chẳng đến phần chú nhá”. Thế là đấm bàn ầm ĩ, thế là “tổ ong” chọc vào “tổ kiến” túa ra những là “xúc phạm, quấy rối”, những là “vô ơn, cậy quyền”,… Bà Hằng ở nhà ruột gan như lửa đốt, gần qua chiều chưa thấy chồng về, vội vàng sấp ngửa chạy lên huyện. Đến phòng thương binh xã hội thì nghe “Ủy ban đã mời bác ấy sang làm việc rồi”. Đến văn phòng ủy ban bà Hằng rạp người năn nỉ: “Xin các bác thông cảm, chồng em bị thương nặng ở đầu, nói thế mà không phải thế đâu ạ. Cho em đưa ông ấy về để lo thuốc thang, nhỡ có chuyện gì lại làm khổ thêm các bác”. Ra khỏi cổng ông còn hậm hực trút lên bà: “Ai khiến bà phải xin. Nó cứ đưa nguyên tắc này, nguyên tắc nọ ra làm khó, lại còn láo toét”. Nóng lên là ầm ào như núi lở, bà chẳng lạ gì tính khí của ông “Không dưng người ta dám láo với ông chắc? Cứ bốp chát thế thì hỏng hết việc”.

Vậy mà bạn bè, chiến hữu gặp nhau nếu có mặt ông là vui như tết. Ông như cục nam châm hút họ, là tâm điểm những trận cười nghiêng ngả. Sợ bệnh tật hành hạ làm khổ vợ con, ông tự giác không dùng đến rượu bia, nhưng ông sẵn lòng dốc cạn đến giọt vui cuối cùng cho bè bạn, để rồi nhiều khi ngồi một mình ông tự ngấm nỗi cô đơn đến quắt queo lòng. “Những người hay cười thì có trái tim đau khổ”. Đôi lúc ông khoe câu ấy nghiệm vào mình.

Khi Mỹ ném bom miền Bắc, ông Hằng là bộ đội cao xạ pháo. Vào chiến trường miền Nam, do yêu cầu chiến sự, ông đã kịp đi qua nhiều lớp cấp tốc, lái xe cấp tốc, y sĩ cấp tốc. Có tài ăn nói, lí luận rõ ràng, ông được bổ sung làm tuyên huấn và được đề bạt lên chính trị viên tiểu đoàn. Ông bị thương mấy lần cho đến lần bị một miểng bom chém gần đỉnh đầu, thoát chết, trở thành thương binh bậc 1/4. Xuất ngũ với quân hàm trung tá. Bà Hằng là vợ ông cũng được nhà nước cấp lương theo chế độ chăm sóc thương bệnh binh. Sau giải phóng, gia đình ông Hằng chuyển từ miền Bắc vào tỉnh T lập nghiệp. Nhà ông ở gần một kênh đào lớn, làm kinh tế theo vườn, ao, chuồng. Lúc mới nhập cư, cả xóm chỉ có gia đình ông là thành phần cách mạng xã hội chủ nghĩa. Tập quán, sinh hoạt hai vùng miền lúc mới giải phóng còn khác biệt nhau. Ông Hằng quen nói to từ đầu xóm đến cuối xóm cũng nghe tiếng. Lại quen sinh hoạt cộng đồng, vẫn hăng hái tinh thần phê và tự phê thẳng ruột ngựa mà khi người ta thương thì bảo như vậy là thật lòng, là sốt sắng chia sẻ và quan tâm. Còn khi ghét, người ta bảo dân Bắc Kì hợm hĩnh, hay tọc mạch xía vô chuyện riêng tư người khác, hoặc lịch sự mà giả dối, v.v… Gia đình ông Hằng như sống giữa một ốc đảo. Rồi xảy ra chuyện lấn đất, lấn vườn. Hàng xóm lấn đất nhà ông Hằng có người là sĩ quan phục vụ trong chế độ cũ. Nhân khẩu gia đình họ áp đảo ba lần nhân khẩu nhà ông Hằng. Nhiều đêm bực tức gác tay lên trán “Chẳng nhẽ mình chịu thua?”. Thế là ông đã có một quyết định… ngay tại ranh giới giữa hai nhà, ông chôn một cây tre già thẳng tắp, trên ngọn treo lá cờ đỏ sao vàng. Khi lá cờ đã phần phật bay trước gió, ông hướng mặt sang nhà hàng xóm dõng dạc: “Tôi đi chiến đấu để bảo vệ tổ quốc, không làm tay sai cho giặc. Máu tôi đã thấm ở mảnh đất này. Bom đạn Mỹ còn không sợ thì tôi sợ đếch thằng nào muốn gây mất tình làng nghĩa xóm”. Sau sự kiện đó thì đất của nhà ai lại lặng lẽ trả về chủ nấy. Lúc đầu chính quyền địa phương thấy ông tự phát treo cờ tổ quốc, họ ái ngại, định góp ý với ông, nhưng màu cờ đỏ được ông gìn giữ tươi mới quanh năm nên dần dần thành địa chỉ quen thuộc là “Nhà ông có cột cờ đỏ trước sân”.

Khi hồn nhiên thì dẫu thất thập rồi người ta vẫn trẻ. Ông Hằng vẫn say sưa bên chiếc điện thoại, người lắc lư theo nhịp điệu chuyện trò. Hoa nắng từ vườn cây nhảy múa trên lưng áo ông. Bà Hằng hậm hực đi qua, đi lại ngoài sân: “Còn chưa nhổ rễ cho heo ăn nữa à. Tiền điện thoại bằng mấy tháng thương binh của ông rồi, không xót à?”. Đàn heo trong chuồng chờ ăn nhận ra tiếng chủ đồng thanh kêu eng éc inh ỏi. “Thôi, đến giờ làm kinh tế rồi… Ừ, nhờ gia súc gia cầm đấy… Tạm biệt nhá”.

Hôm chuẩn bị đi thăm Nghĩa trang Trường Sơn cùng đoàn cựu chiến binh, ông Hằng lấy bộ quân phục ra ngâm xà phòng. Bà Hằng thấy vậy thắc mắc: “Bộ ấy cất kĩ có mặc đâu, sao phải giặt?”. Ông giải thích: “Lỡ có mùi chuồng heo nó ám vào, người ta mà biết họ cười cho”. Con dâu thì bảo cháu nội: “Mắt con tinh cắt kĩ móng tay, móng chân cho ông nội”. Bà Hằng yêu cầu: “Ông ra tiệm họ tút lại cái đầu, khiếp, tóc tai cứ dựng ngược như cái chổi rễ”. Con trai cả nhường bố kính râm hàng xịn: “Quảng Trị mùa này nắng lắm, bố đeo kính vào vừa mát, vừa phong độ thêm”. Trước ngày lên đường, cả nhà tíu tít bắt ông mặc lại bộ quân phục, đi giày rồi đeo kính. Cô con dâu reo: “A bố đẹp như chú rể. Nếu không đeo quân hàm trông bố giống thám tử quá”. Con trai thứ hai của ông là giáo viên trung học  biết tính bố dễ xúc động nên dặn dò: “Bố tranh thủ chụp nhiều ảnh đem về cho chúng con xem. Đến Nghĩa trang Trường Sơn bố đừng khóc nhiều nhỡ tăng xông thì lần sau bố không được đi nữa đâu”. Ông cười: “Được đi chuyến này là vinh dự lắm rồi, dễ gì có chuyến khác. Dặn bố mà như dặn học trò của anh thế hử”. Bà Hằng từ nãy giờ hoan hỉ ngắm chồng, ở nhà ông ấy trông như lão nông, vậy mà khoác quân phục, đeo quân hàm rồi đi giày đánh xi bóng loáng trông lão cũng oách và thanh niên ra phết. Giọng bà vờ hờn mát: “Chuyến này được ra thăm người yêu sướng nhỉ”. Ông lườm vợ: “Già rồi còn nói xằng bậy, không sợ con cái cười cho?”. Sáng hôm sau con trai chở ông lên huyện tập trung. Bà Hằng đứng bên rặng tre trước ngõ, hun hút nhìn theo bóng hai bố con xa dần theo bờ kênh. Gió lùa từ cánh đồng thốc vào lưng bời bời, bà se lạnh… thương chồng… thương cả cô ấy…

Năm 1966, ông Hằng nhận lệnh đi B gấp. Mẹ ông thương con luýnh quýnh giục: “Không kịp làm đám cưới thì cũng có lời dạm hỏi với người ta con ạ”. Biết mẹ nén khóc, nén cả thở dài ông càng ngổn ngang: “Chẳng biết khi nào con về mà bắt cô ấy phải đợi”. Giọng bà dịu dàng: “Mẹ có một chỉ vàng đã đánh sẵn hai cái nhẫn cho con rồi, hay là cứ để mẹ sang trước”. Hiểu lòng mẹ nên ông thưa: “Hay là… mẹ cho con xin một cái để tặng Nhã làm kỉ niệm được không mẹ?”. Ngày ra đi, Nhã tiễn ông đến cuối làng. Bối rối mãi ông mới ấp úng: “Mẹ đưa cho anh hai cái nhẫn… anh không kịp sắm lễ ăn hỏi em… mà bộ đội chẳng cần đeo nhẫn đâu… em giữ luôn cho nó có đôi. Nếu chờ được anh về chúng mình làm đám cưới được không em?”. Nhã thì khóc, còn ông run run đeo nhẫn vào ngón tay áp út của người yêu…

Buổi chiều chạng vạng năm 1970. Trong rừng Trường Sơn, ông cùng hai cán bộ tiểu đoàn trên đường đi thị sát đang về sở chỉ huy, chiếc xe luồn dưới vòm cây Săng lẻ. Đêm xuống nhanh, bóng tối bắt đầu phủ đen cung đường. Trên đầu, địch thả những dải pháo sáng ngoằn ngoèo lơ lửng như ánh sáng ma trơi. Chiếc xe vẫn tiếp tục đi. Bỗng, một quầng lửa đột ngột chói lòa kèm theo tiếng nổ long óc, đất rung chuyển, ông Hằng thấy mình bị hất lên… Thế rồi chập chờn, tiếng âm u văng vẳng, rồi tiếng người rõ dần. Ông cảm nhận vật gì mềm mại vừa di nhẹ trên trán, tiếng người lao xao lúc xa, lúc gần… “Đâu, đâu nào?”, “Đây, nhanh lên, tao vừa lội xuống thì chạm ngay vào đầu anh ấy. Vẫn còn thở chúng mày ạ”. “Mau, khiêng về trạm xá. Đồng chí này chắc đi cùng chuyến xe với họ đấy. Tội quá hy sinh hết”. Thế là ông lại lịm đi trên tay họ. Vết thương nặng ở đầu buộc phải chuyển ông hết trạm xá này đến trạm xá khác và cuối cùng người ta gửi được ông ra miền Bắc chữa trị. Sau khi bình phục, ông xuất ngũ về nhà sống cùng với mẹ. Trái tim ông cứ buốt nhói, cứ khắc khoải khi nhớ về những gương mặt đồng đội thân yêu đã cùng ông đi trên chuyến xe định mệnh. Thỉnh thoảng, ông để con, cháu, bạn bè sờ lên vết thương trên đầu, vùng xương sọ gần bằng mấy ngón tay bị lõm xuống “Cứ ấn tự nhiên đi… mềm nhỉ… giống mỏ ác em bé mới sinh chưa, nên tôi chẳng chịu già cứ trẻ mãi là thế”. Rồi giọng ông lại hài hước: “Khi vừa mở mắt, đã thấy màu trắng của da thịt di trên trán, mãi mới nhận ra là cái mông của cô gái thanh niên xung phong. Chính cô ấy đã cứu mình. Chắc nhờ vậy mà tôi mau tỉnh và thoát chết”. Rồi ông cười. Chẳng biết chuyện ấy hư thực thế nào nhưng mọi người vẫn thích nghe ông kể. Di chứng vết thương để lại trên người ông những cơn đau đầu dữ dội khi nắng mưa bất thường, và tính ông nhiều khi cũng nóng giận bất thường. Nhưng hết cơn rồi thì hiền như mưa phùn mùa xuân, mát rượi như mưa rào mùa hạ, ông tự khen mình như thế trong thơ.

Về quê ông mới biết tin nửa năm sau khi ông đi B, Nhã tình nguyện đi thanh niên xung phong và xin vào hỏa tuyến. Trước khi lên đường Nhã đến thưa với mẹ ông: “Mẹ ơi vào miền Nam con hy vọng sẽ gặp được anh Hằng, có tin vui con sẽ báo về cho mẹ ngay, mẹ nhé”. “Nghe nó quyết tâm như thế, mẹ chẳng ngăn được con ạ”. Nhớ người yêu, nhớ đồng đội nên đêm nào ông cũng dò sóng ra đi ô để nghe tin tức thời sự, tin chiến trường. Vào một đêm, cô phát thanh viên Đài Tiếng nói Việt Nam đọc bản tin về đơn vị thanh niên xung phong đa số quê ở tỉnh H: “… Đã bị bom Mỹ rải tọa độ. Đó là cung đường độc đạo rất ác liệt. Họ anh dũng hi sinh khi đang thông đường cho xe qua. Tiểu đội trưởng là Phan Thị Thanh Nhã…”. Ông Hằng ù tai, ngực thắt lại, cảm giác như trôi về phía không trọng lượng. Mẹ ông hoảng hốt nghe con trai lắp bắp: “Hình như… Nhã hy sinh rồi mẹ ơi…”. Hai mẹ con chơi vơi giữa một khoảng lặng mịt mùng “Vậy là đúng rồi… nó hy sinh rồi”. Ông tuyệt vọng “Sao mẹ biết, ai báo tin?”. Giọng bà thảng thốt: “Cách đây ba hôm, mẹ nằm mơ con Nhã báo mộng về, người đầy máu, nó tức tưởi: Mẹ ơi con bị trúng bom, ngón tay con vẫn mang theo hai cái nhẫn của mẹ. Sợ con buồn nên mẹ không dám kể lại giấc mơ, mấy hôm nay lòng dạ mẹ chẳng yên”. Ông lịm đi, giàn giụa… Từ đó, ông lặn lội tìm hỏi tin tức của Nhã. Tình cờ khi đến trại an dưỡng của tỉnh để khám bệnh theo định kỳ, ông Hằng gặp một thương binh, người đã cùng đơn vị công binh tham gia chôn cất các nữ thanh niên xung phong trong tiểu đội của Nhã “Riêng cô ấy, mấy ngày sau chúng tôi vẫn không tìm thấy. Đến ngày thứ năm, nghe tiếng quạ kêu nhiều ở góc rừng cách mấy hố bom khoảng vài chục mét, đến nơi thì xác cô ấy nằm bên gốc cây Duối già, trên ngón tay áp út đeo hai cái nhẫn”. Thế là dập tắt những hy vọng cuối cùng, thế là giấc mộng của mẹ đã linh ứng, thế là trong khoảnh khắc ấy ập về cảm giác đau thương và bất lực, ngực ông đột ngột nhói lên từng cơn quặn thắt.

Mấy tuần sau làng xã râm ran hình như cô Nhã được Tổng đội Thanh niên xung phong đề nghị truy tặng danh hiệu anh hùng. Mẹ ông nói: “Ta làm bàn thờ cho Nhã, con ạ”. Ông buồn bã thưa: “Yêu thương cô ấy, con giữ trong lòng. Mấy ai kịp biết Nhã là người yêu của con. Nếu cô ấy được phong anh hùng, sợ người ta lại bảo mình thấy sang bắt quàng làm họ”.
Bà Hằng ở gần nhà, thường lui tới trò chuyện và chăm sóc hai mẹ con ông. Bà Hằng xúc động trước chuyện tình yêu của ông và cô Nhã. Càng nghe kể bà lại càng thấy gắn bó, yêu quý ông hơn rồi sau đó họ nên vợ nên chồng.

Cách đây mấy năm, hài cốt của Nhã được đưa về Nghĩa trang Trường Sơn.

Chuyến đi lần này ông Hằng cùng đoàn cựu chiến binh đã đến viếng mộ nữ liệt sĩ ấy và được nghe ông kể mối tình đầu của ông với “em là trinh nữ” mà ông đã trải lòng mình trong bài thơ trang trọng đọc trước mộ nàng.

Bước từ miền nhớ nhung xa thẳm, ông lại trở về khoác áo lão nông. Vợ con thấu hiểu cùng chia sẻ và hóa giải giúp ông bằng những cuộc điện thoại thăm hỏi đồng đội, bằng những buổi đàn hát, thơ ca, bằng những tiếng cười rộn rã tỏa ấm khu vườn mà tâm hồn ông chưa bị mòn cùn dầu đã  hứng bao nhiêu dư chấn từ Trường Sơn…
 

Truyện ngắn: Huỳnh Ngọc Lan