Sáng chủ nhật, lúc 7 giờ, tôi đang sắp đặt đồ dùng để chuẩn bị bán hàng thì một tốp thanh niên nam nữ khoảng mười người bước vào quán. Họ lịch sự chào cô ạ. Tôi biết đây là tốp sinh viên tình nguyện mới về làng tôi. Họ đi chiến dịch mùa hè xanh.
Sáng chủ nhật, lúc 7 giờ, tôi đang sắp đặt đồ dùng để chuẩn bị bán hàng thì một tốp thanh niên nam nữ khoảng mười người bước vào quán. Họ lịch sự chào cô ạ. Tôi biết đây là tốp sinh viên tình nguyện mới về làng tôi. Họ đi chiến dịch mùa hè xanh. Họ về vùng cao nguyên này giúp nông dân thu hoạch lúa, ngô trên nương rẫy. Buôn làng này có ba trăm gia đình thì chỉ có sáu gia đình là người Kinh, sáu gia đình mở hàng bán cho số còn lại là bà con người Mạ. Tôi bán nước ngọt, bánh kẹo, cà phê, thuốc lá. Những gia đình khác thì bán cuốc, xẻng, dao, kéo, người làm máy chà gạo, người bán phở, người bán thịt chó, người bán sách vở, dụng cụ học sinh. Sáu gia đình người Kinh ở nơi khác đến đây mua đất buôn bán, ít cạnh tranh, người dân tộc thật thà, nói giá thế nào, họ trả vậy. Không ai mua chịu, có thì mua…
|
Minh họa: Phan Nhân |
… Một nam sinh viên trông cao lớn nhất tốp. Cơ thể cân đối, khuôn mặt đẹp. Trông quen quen. Cậu ta mở đầu:
- Mười đứa chúng cháu uống loại nước bất hiếu, cô ạ.
Tôi chưa hiểu cậu ta lại nói câu trên, tôi hỏi.
- Cô không hiểu cháu nói gì.
- Dạ, nước bất hiếu là đánh cha, nghĩa là đá chanh, nước chanh đá mà cô!
À ra thế! Sinh viên lắm chữ, cô thua rồi.
***
Họ uống nước, nói những chuyện vui. Tôi cứ chăm chú nhìn cậu thanh niên kia. Linh tính mách bảo điều gì đó, đã thúc giục tôi hỏi cậu này:
- Cháu quê ở đâu?
- Dạ, Thái Bình ạ.
- Ở huyện nào?
- Dạ huyện X…
- Xã nào, thôn nào?
- Dạ, thôn…, xã…
- Cháu bao nhiêu tuổi?
- Dạ cháu 22 ạ.
- Ở thôn ấy cháu có biết ông Thành không?
- Dạ thôn cháu có ba ông Thành. Một ông Thành phó cối, một ông Thành lò vôi, và ông Thành nữa.
- Cô hỏi ông Lê Thành. Ông khoảng 58 tuổi.
- Dạ…, đó là… bố con đấy, cô ạ.
- Hả, bố con à?
- Dạ, bố đẻ của con ạ.
- Bố con… còn khỏe không?
- Dạ… dạ… bố con mất 12 năm nay rồi ạ.
Tai tôi ù đi, tim như ngừng đập. Tôi như rơi từ trên không xuống, không còn để ý tốp thanh niên tình nguyện nói gì nữa, cho đến hai mươi phút sau, họ hỏi tính tiền, tôi mới giật mình nói:
- Không, hôm nay cô tặng các cháu.
***
Đó là cuối năm 1975, năm Hoài 15 tuổi. Gia đình cô ở giáp biên giới Tây Ninh. Bọn Pôn Pốt được sự nâng đỡ và xúi giục của bọn phản động quốc tế đã cho lính ồ ạt tràn sang biên giới nước ta giết người, cướp của. Chúng không tha trẻ em, người già, phụ nữ. Gia đình Út Hoài có bảy thì chúng xả súng giết hết sáu cùng với trăm người trong làng. May mắn, Hoài đứng sau nên những người ngã xuống đã đè lên người cô. Cô thoát chết nhờ một chiến sĩ quân giải phóng trẻ tuổi từ huyện đội T cùng đồng đội đến giải vây. Bọn giặc đã rút về bên kia biên giới. Bộ đội đã giúp dân làng chôn cất những người chết, cứu chữa những người bị thương. Út Hoài được chuyển về huyện đội. Năm 1978 cô tình nguyện nhập ngũ, xin bằng được về đơn vị gần nhà, tham gia giữ gìn biên giới. Sau đó cùng đoàn quân vào giải phóng Phnôm-Pênh vào những ngày cuối năm 1978.
Vừa giải quyết xong Pôn Pốt lệnh hành quân gấp ra phía bắc đánh giặc. Lê Thành chưa kịp trao cho Út Hoài chiếc đồng hồ đeo tay hiệu Pôn-jốt của Liên Xô và một mẩu giấy ghi địa chỉ quê quán của Thành với lời hẹn anh sẽ quay lại tìm em.
Nhưng trong một trận đánh, Thành bị vết thương khá nặng vào đầu. Chữa trị tại Hà Nội đến một năm mới ổn định.
Việc Thành bị thương, mười năm sau đó mới lấy vợ, chỉ có Thành biết, và cuốn nhật ký của Thành chứa đựng những gì của Thành. Lúc lâm chung, nó được trao cho con trai Thành. Hai chuyện này Út Hoài không biết…
Út Hoài buồn rầu vì hơn bảy năm liền gửi thư cho Thành, một tháng hai lá, mà không thấy hồi âm. Bạn bè nói Thành đã bội bạc rồi, mày cũng 25 tuổi rồi, không lấy chồng là ế đấy. Chuyện này Thành không biết. Và rồi, sau bảy năm chờ đợi trong vô vọng, Hoài lấy chồng, một người cùng làng, là thương binh nặng, cụt một chân, một tay, người lính này đã từng đánh Mỹ rồi bị thương trong dịp đánh đuổi bọn diệt chủng Pôn Pốt…
Một điều tưởng phi lý là Thành cũng viết thư cho Hoài, một tháng một lá, Hoài đều nhận được, suốt hai năm trời, Hoài hồi âm lại, nhưng thư nào gửi vào cho Hoài, Thành cũng nói sao em không gửi thư cho anh, hay em đã lấy chồng. Hoài vừa buồn, vừa giận Thành bởi nhận được thư nào của Thành cô đều có hồi âm, sao Thành vẫn trách. Có uẩn khúc gì, mà sau hai năm, anh không gửi thư nữa. Chắc là ở quê có cô nào xinh đẹp đã là vợ anh.
Vậy mà Hoài vẫn chờ hơn năm năm nữa.
Còn Thành, những lá thư Hoài gửi ra, không vào tay Thành mà vào tay một người khác. Bởi lúc Thành bị thương, thư Hoài gửi về quê, mẹ Thành và em gái Thành bóc xem, rồi xé bỏ bởi bà mẹ và em gái muốn Thành lấy cô giáo Tạ, dạy cấp hai trường làng. Cô này cũng ưng Thành. Ra viện sau hai năm điều trị, Thành về huyện đội công tác, tiếp tục gửi cho Hoài một lá cuối cùng, cũng không có hồi âm. Thành không hiểu được chuyện mẹ và em xé thư. Anh định bụng sẽ vào miền Nam một chuyến nhưng ngày ấy giao thông đi lại khó khăn, tiền nong hạn hẹp, bố mẹ Thành lại đau bệnh. Thành quên dần Hoài, không nghĩ đến cô giáo Tạ, cô phải đi lấy chồng. Và Thành, sau mười năm, ở tuổi 34, anh mới lấy vợ, ba năm sau có thằng con trai. Rồi anh cũng ngã bệnh do vết thương trên đầu tái phát, anh ra đi lúc thằng con trai mới 10 tuổi…
Những chuyện này Út Hoài không biết.
***
Tối về nhà, trong đầu tôi vẫn hiện lên hình ảnh cậu sinh viên đó. Sáng hôm sau, trên đường đi làm, ghé vào quán của tôi, tôi gọi riêng cậu lại và nói tối nay, cháu sang nhà cô, cô có chuyện nhé.
… Đến lượt mình, cậu sinh viên có tên Lê Hoài Tây Nam ngạc nhiên vì cô chủ quán này khá xinh đẹp, tưởng cô mới hơn 40, nhưng cô nói cô đã 61 rồi. Nam ngạc nhiên hơn khi tay cô đeo cái đồng hồ to đùng, hiệu Pôn-jốt cổ lỗ sĩ. Thời nay thiếu gì đồng hồ đẹp và đắt tiền mà đi đeo cái đó. Cậu nhìn chằm chằm vào nó. Cháu buồn cười vì cô phải đeo cái này à? Vật báu của đời cô đấy.
Và rồi tôi kể cho cậu sinh viên nghe. Cậu tròn mắt một lát rồi nói, giọng nghèn nghẹn:
- Bố, bố con…, đấy cô ạ.
Tôi ôm chầm lấy cậu ta và khóc. Lát sau, cậu có kể tôi nghe về những trang nhật ký của bố cậu. Trang nào cũng có chữ N.H.
- Thì ra N.H là Năm Hoài, là tên cô.
- Ừ, cô là con thứ tư trong gia đình. Trong này thứ tư gọi là năm.
Thì ra bố không lấy được cô Năm là do bà nội và cô út, em gái bố. Thảo nào, thỉnh thoảng mẹ nói, rồi cô cũng nói:
- Không có cô, có bà thì làm sao có mày. Bố mày mà lấy cô miền Nam thì có mà… ăn cái… dải rút ấy!
Thảo nào, trang đầu cuốn nhật ký tuyệt mật của bố, bố chỉ ghi: Cho con trai Lê Hoài Tây Nam. Chàng trai họ Lê nhớ người yêu tên Hoài ở Tây Nam Bộ. Đặt tên con như vậy để nhớ mãi mối tình đầu tiên.
- Còn cô, cuộc sống bây giờ thế nào ạ? Câu trả lời đầu tiên của tôi là tiếng thở dài, tiếp theo là cô chỉ có một con gái, đã học xong đại học sư phạm, lấy chồng ở ngay đây. Có hai con rồi, còn chú…, còn chú cũng ra đi hơn mười năm nay do vết thương chiến tranh tái phát. Ác quá, Tây cũng ác, rồi Pôn Pốt, rồi thì… lũ quen ăn cướp nước ta cũng ác quá!
- Nhưng sao cô lại lên tận Lâm Đồng này lập nghiệp ạ?
- À à… là vì, con gái cô lên đây dạy học, yêu anh bộ đội ở đây. Nó viết thư về đất đỏ bazan tốt và đẹp, rộng rãi, lên đây cho rộng, đất nước mình đâu chả là nhà.
Hai cô cháu im lặng. Phải đến mười giờ đêm, Hoài Nam mới ra về, trước khi nói:
- Cô hãy coi con là con trai cô nhé!
Truyện ngắn: Nguyễn Thanh Hương