Dài cho mai sau…

05:04, 15/04/2015

Ba ngày nữa kết thúc chương trình hợp tác một năm dạy tiếng Pháp tại Trường Đại học Đà Lạt, Lavande bần thần trước thời gian vụt trôi nhanh quá. Sắp rời xứ sở dịu dàng, thân thiện, mộng mơ rồi ư? Từng hai năm học tiếng Việt ở Hà Nội, một thành phố đáng yêu song miền cao nguyên lại có điều gì níu kéo, thật khó cắt nghĩa nếu phải chia xa. 

Ba ngày nữa kết thúc chương trình hợp tác một năm dạy tiếng Pháp tại Trường Đại học Đà Lạt, Lavande bần thần trước thời gian vụt trôi nhanh quá. Sắp rời xứ sở dịu dàng, thân thiện, mộng mơ rồi ư? Từng hai năm học tiếng Việt ở Hà Nội, một thành phố đáng yêu song miền cao nguyên lại có điều gì níu kéo, thật khó cắt nghĩa nếu phải chia xa. Có nhà thơ nước này từng phát hiện “Khi ta ở đất chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn” quả không sai. Cảm giác hụt hẫng len lén xâm chiếm tâm tưởng khiến Lavande bồn chồn.Sắp xếp hành lý, thấy góc va - li chiếc hộp gỗ cỡ bao thuốc lá màu cánh kiến, chạm trổ hoa văn dát bạc, buộc nơ hồng, cô nhíu trán, rầu rĩ: Thế là, không hoàn thành nhiệm vụ bà nội giao!... Ngày cháu gái sang Đà Lạt, bà run run nắm tay Lavande khá lâu: - Cháu tìm ông Lương và trao vật này! Ông cũng ngoài bảy mươi. Sainte Maria, mère de Dieu (Lạy Chúa tôi)! Cầu mong ông còn khỏe!
 
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân

Ở Đà Lạt, Lavande đi tìm và hay ông Lương mất chừng bảy, tám năm do bạo bệnh, con cháu chuyển đi nơi khác từ lâu. Do vậy, món quà không thể trao được. Những lần thăm hỏi, mọi người đều biểu hiện thái độ thiện cảm bởi ông là kỹ sư canh nông tâm huyết, người đầu tiên thiết kế Vườn hoa Đà Lạt. Lavande đôi lần lang thang suốt buổi khắp Vườn hoa và nhận thấy phong cách rất châu Âu! Có lẽ như nhiều người nơi đây cô tiếp xúc, ông Lương hẳn lịch lãm, nhân từ. Ừ phải vậy, bà nội mỗi lần kể đều giành cho ông sự trân quý. 
 
Chắp nối chuyện bà, Lavande mường tượng: Năm 1959, tốt nghiệp tú tài loại giỏi, Lương nhận học bổng của Trường Canh nông Versailles. Mấy chục năm qua, Đà Lạ thình thành các ấp Vạn Thành, Hà Đông, Nghệ Tĩnh, Thái Phiên… nổi tiếng nghề làm vườn, nhất là các loài rau, hoa ôn đới di thực sang. Quần quật với rò sú, luống khoai tây nhưng nhà vườn lại dáng dấp rất Tây. Sáng nắng cũng như mưa, ba anh quấn khăn len, khoác măng - tô hay áo vét, đội mũ phớt, đi giày da không khác chi công chức bậc trung lên phố nhâm nhi cà phê, tán chuyện gần xa với bạn bè. Tầm chín giờ mới lững thững cầm tờ báo rời quán, về nhà vội mặc bộ đồ lao động, mang cuốc, nỉa ra vườn. Hay tin Lương du học nghề nông, ba phấn khởi: - Cố gắng học hỏi kinh nghiệm bên ấy! Nghề nông ở Pháp tiên tiến lắm!
 
Rời Sài Gòn, trên chuyến tàu thủy vượt đại dương sang Pháp, lắc lư theo nhịp sóng, Lương chợt nghĩ đến bác sĩ Alecxandre Yersin, tấm gương sáng trong nghiên cứu khoa học. Làm việc tại Viện Pasteur Paris, con đường công danh rộng mở, tương lai sáng lạn đang chờ nhưng với bản tính ưa phiêu lưu, khám phá thế giới, mặc đồng nghiệp can ngăn, Yersin đã xin làm bác sĩ cho Hãng Đường biển Bordeaux. Ông chọn châu Á, phục vụ tuyến Sài Gòn - Manila. Từ Nha Trang, bác sĩ nhiều lần dũng cảm, can trường bất chấp gian nan, vất vả, thậm chí có lần suýt bị voi giày, sơn tặc cắt cổ để cắt rừng, vượt núi thám hiểm, khám phá dãy Trường Sơn huyền bí. Ngày 21/6/1893, Yersin đặt chân lên cao nguyên Lang Bian.Đà Lạt như “công chúa” ngủ vùi giữa rừng xanh trở mình thức dậy. Theo Yersin đề xuất với toàn quyền Paul Doumer, năm 1899, miền sơn nguyên được khởi công xây dựng thành phố nghỉ dưỡng cho quan chức, quân đội viễn chinh Pháp… Cảm phục nhà khoa học dày công phát hiện, gắn bó với thành phố của mình, nhất là ông rất đam mê nghiên cứu nông học. Yersin từng di thực cây canh-ki-na về Suối Dầu (Nha Trang) nghiên cứu chữa bệnh sốt rét; nuôi thỏ, nuôi ngựa để chế vắc xin và không nề hà sang Hồng Kông, Quảng Châu (Trung Quốc) chữa bệnh dịch hạch. Ngẫm nghĩ về bác sĩ tài danh quên hạnh phúc riêng tư, hết lòng phụng sự khoa học và nhân quần, Lương dặn bản thân phải noi gương ông, cố gắng làm việc hữu ích cho đời. Yersin mất năm 1943, sau khi Lương chào đời vào năm 1942, năm hoàn công Nhà thờ Chánh tòa Đà Lạt (trên nóc có hình gà trống Gô - Loa bằng sắt chống sét nên còn gọi Nhà thờ Con Gà). Lương nhủ: Học về, đến Suối Dầu thắp nén tâm nhang dâng lên bác sĩ… 
 
Sang Pháp, không như một số đồng môn người Việt tranh thủ thăm thú các danh thắng, nhất là “mục sở thị” “Paris, Thủ đô Ánh sáng”, anh sinh viên mảnh mai có đôi mắt đen ngời sáng thông minh, nghị lực dành hầu hết thời gian cho học tập, cắm cúi trong thư viện, miệt mài ở vườn thực nghiệm. Gần hết năm cuối, một lần lên thư viện, Lương say sưa đọc, ghi chép tài liệu về các trường phái vườn châu Âu, nhất là vườn Pháp. Đang mải mê, cô thủ thư duyên dáng với mái tóc vàng óng ả buông ngang lưng, nhẹ nhàng tiến lại: - Anh à, cảm phiền đã đến giờ nghỉ trưa! Lương dụi mắt ngó quanh, thư phòng chỉ còn hai người. Ngước nhìn cặp mắt xanh lơ màu nước biển, anh bối rối: - Xin lỗi!
 
Nhận tập tài liệu, cô gái cất giọng du dương: - Anh nghiên cứu đề tài này sao?
 
Vâng! - Trả lời rồi Lương phân trần quê mình có địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng tương tự bên Pháp, gần đây xây cất nhiều biệt thự mang phong cách châu Âu cuối thế kỷ XIX, đầu XX do đó mệnh danh “Paris thu nhỏ”, “Tiểu Paris” của Việt Nam, gặp tài liệu, anh hứng thú như bắt được vàng.
 
Ôi, Đà Lạt? Ba tôi sang xây dựng trường Grand Lycée vào năm 1934, 1935! Một vùng cao nguyên ấn tượng, khó quên, ông nhắc hoài!
 
Ít ngày sau lần trò chuyện ấy, cô thủ thư Élen mời Lương thăm nhà. Ba cô tấm tắc: Xưa toàn quyền Decoux dự định xây dựng cao nguyên thành “Thủ phủ Đông Dương” là đúng. Ít nơi trên thế giới hội tụ những sự kỳ diệu, hữu tình như vậy! Đà Lạt phiên âm từ chữ Đà Làc (đồng bào dân tộc bản địa phát âm Đạ Lạch). Đạ là nước, suối, sông và Lạch là tên bộ tộc dưới chân núi Lang Bian. Có cách giải thích danh từ Đà Lạt chiết tự bởi các chữ cái đầu câu phương ngôn La-tinh: Dat Alliis Laetitium Alliis Tem perriem (Cho người này niềm vui, cho người kia sự mát lành). Hiểu nghĩa nào cũng thú vị! Ông kỹ sư xây dựng say sưa nhắc tới những lần say ngắc ngư rượu cần và đêm đêm hào hứng nối vòng người K’ho dưới chân núi Lang Bian nổi nhịp cồng chiêng, nhảy múa hoang dại bên ngọn lửa hừng hực như thuở hồng hoang. Và đôi chuyến dạo chơi Thung lũng Vallée Damour (Thung lũng Tình yêu), ngắm thác Prenn hay đi săn thú rừng ở tận Phi Liêng, Liêng Srônh… Ông tự hào bởi được góp phần xây dựng trường Grand Lycée (sau này cùng với trường Petite Lycée xây xong năm 1927 được mang tên Lycée Yersin để tôn vinh nhà khoa học). Ba Élen trầm trồ: Ngôi trường xây bằng gạch đỏ thiết kế quả độc đáo, tòa kiến trúc mềm mại lượn đường cong tựa trang sách mở, tháp chuông cách điệu cây bút vút lên nền trời xanh thẳm..! Quý mến Lương hiền lành, chăm chỉ học hành, lâu lâu ông lại nhắc Élen mời Lương đến chơi. 
 
Cuối năm, còn hơn tháng nữa Lương nhận bằng tốt nghiệp. Một chiều, Élen rạng rỡ như tia nắng mùa xuân tươi trẻ ùa tới phòng anh:
 
- Lương à, tối nay anh với em dự lễ hội hoa nhé! 
 
- Lễ hội hoa? - Lương lúng túng: - Mình ư? Lễ hội hoa gì vậy? 
 
- Hoa Jacaranda Acutifolia! Mọt sách… chẳng biết gì cả! - giọng Élen thân mật pha chút nũng nịu: - Nhớ nghe, 7 giờ tối sẽ đón!
 
Gật đầu, nở nụ cười thay lời cảm ơn, Lương sực nhớ bạn bè có lần loáng thoáng khen lễ hội tôn vinh hoa. Jacarada Acutifolia nguồn gốc Nam Mỹ du nhập sang châu Âu. Cây thân cao, hoa màu xanh tím dịu dàng, thơ mộng, sang trọng, huyền bí được trồng ở công viên, đường phố. Tại Versailles mỗi độ hoa trổ bông, dân chúng náo nức, tưng bừng những đêm hội hóa trang, nhảy múa, ca hát! Nghĩ về cuộc đi chơi tối nay, mấy tiếng nóng lòng chờ đến giờ hẹn nhịp tim Lương đập gấp gáp. “Sao Élen mời mình?”, “Dịp lễ hội này, người ta thường đi với người yêu?”. Băn khoăn rồi anh thầm vui nhận ra gần đây Élen luôn nhìn mình bằng ánh mắt đằm thắm. Ngày nào hai người không gặp thì cũng mất hàng chục phút trò chuyện qua điện thoại. Élen còn lục lọi, tra cứu sưu tầm tài liệu, sách báo khoa học quý liên quan đến kiến trúc vườn Pháp và mấy chuyên ngành nông học Lương quan tâm để anh mang về nước tiếp tục nghiên cứu. 
Đêm ấy, hòa dòng sông người náo nhiệt, tay ấm áp trong tay xuôi ngược đường phố tràn ánh sáng muôn màu, âm thanh náo nhiệt, Lương ngây ngất bởi tiếng cười vui tươi, giọng nói lảnh lót của Élen. Mắt cô chan chứa niềm vui ngước nhìn và xuýt xoa những chùm hoa tím biếc phủ kín nền trời lung linh. 
 
- Anh thấy màu hoa tựa sắc Forgetminot không? Một màu tím huyền diệu, thủy chung! - Ghé sát Lương, Élen thầm thì: - Ở châu Âu, khi yêu nhau, nam thanh nữ tú tặng nhau hoa này, còn gọi Lưu ly, Bâng khuâng, Thủy chung, Đôm đốm tím… thay lời nhắn gửi “Xin đừng quên tôi”!
 
Lương như soi vào đôi mắt Élen thăm thẳm mơ mộng, chợt buông lời: - Sắp xa Versailles. Không biết mai mốtcó ai quên Lương không?
 
- Ôi, thế mà em không nghĩ tới! - Cánh tay mềm mại xiết nhẹ ngang lưng Lương, Élen khẽ thốt: - Chẳng bao giờ, Lương ạ!
 
- Ông Lương là bạn thân thiết, quý mến vậy đấy cháu ạ!- Trước ngày Lavande đến Đà Lạt, bà nuối tiếc: - Hồi ông về nước chỉ mới ngoài hai mươi và bà thì mười chín tuổi! Tình yêu lãng mạn thời trẻ bay bổng với bao mộng ước và tương lai rạng rỡ màu hồng. Ông hứa sẽ phấn đấu trở lại Pháp học tiếp. Bà chờ đợi và giờ vẫn khao khát nhận tin ông.
 
Lavande đang bần thần, chợt điện thoại trên bàn rung. Cô cầm lên, nét mặt rạng rỡ: - Ôi, chào Thanh! Cảm ơn, đã giữ hẹn! Mình gặp nhau ở Thủy Tạ nhé! Vâng, hai mươi phút nữa!
 
Cô phấn chấn bởi Thanh có lời mời gặp gỡ trước lúc chia tay, và cũng ngày mai, anh trở lại Sài Gòn. Ở Đà Lạt, Thanh - nhà khoa học biệt phái lên nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Hạt nhân, thuộc nhóm mấy bạn Lavande thường tâm giao. Vài tháng trước nhân trường đại học tổ chức hội thảo về văn chương Pháp, họ tình cờ trò chuyện và anh chàng tiến sĩ quảng giao, bặt thiệp… ngay từ ánh nhìn ban đầu đã tạo cho Lavande cảm giác dễ mến, tin cậy. Cô quáng quàng nhặt vài thứ cần dùng và vơ luôn chiếc hộp gỗ bỏ vào túi xắc.
 
Tắc xi chở Thanh trờ tới lối vào Nhà hàng Thủy Tạ bên hồ Xuân Hương đã thấy Lavande đang tươi cười cùng nhóm du khách bên cây Phượng tím trĩu hoa. Mọi người yêu cầu cô đứng chung để chụp ảnh lưu niệm. Hai người khoác tay nhau, sánh bước vào Thủy Tạ. Trong lúc chờ cà phê, Thanh lấy từ cặp một cuốn sách dày, bìa màu vàng. Mở trang bìa đầu tiên có chữ ký tặng, anh chậm rãi: - Đây là quà cho Lavande! Lùng mãi mới ra cuốn sách của Patrick Devile. 
 
- Ô, tác giả hàng đầu văn chương Pháp hiện nay, ông đoạt giải Femina năm 2012, từng vào chung khảo Goncourt! - Lavande hiếu kỳ: - Sách viết gì vậy?
 
- “Yersin, dịch hạch và thổ tả”! Tiểu thuyết về cuộc đời, sự nghiệp nhà khoa học Alecxandre Yersin viết công phu, đan xen nhuần nhuyễn hiện tại - quá khứ, nội dung sâu sắc và cảm động. Sách dịch, xuất bản tại Việt Nam cuối năm 2013 nhân kỷ niệm Năm quan hệ Pháp - Việt Nam, 70 năm ngày Yersin mất, 120 năm Đà Lạt hình thành và phát triển. Dịp đó, tác giả sang giao lưu cùng công chúng văn chương ở Đà Lạt. Tặng sách… để cô giáo củng cố thêm vốn tiếng Việt đấy, phải không bông “Oải hương” tím ngọt ngào!...
 
Lavande chớp chớp mắt: - Anh cũng hay tên em là hoa đó ư?
 
- Oải hương tượng trưng cho may mắn, mệnh danh là hoa của sự êm ái, tinh khiết như ánh mặt trời! Nếu đem hoa vào nhà rắc tung lên, Oải hương sẽ mang lại sự bình yên, hòa thuận! Thật diễm phúc nếu đưa được Lavande về!
 
Đôi má Lavande ửng hồng, tay dứ dứ Thanh: - Cũng biết “ga-lăng” ghê! - Nói rồi, cô như lái hướng câu chuyện: - Cảm ơn nhé! Em sẽ đọc kỹ! - Nâng ly cà phê nhấm ngụm nhỏ, mơ màng dõi phía đỉnh núi Lang Bian lấp loáng ánh hoàng hôn: - Anh Thanh, hồ nước mang tên bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương thế kỷ XIX đúng không? 
 
- Đúng! Hơn trăm năm trước, sân Golf  bên kia là bãi chăn thả gia súc, vùng hồ là thung lũng trồng lúa nước của người Lạch. Sau đắp đập và cầu Ông Đạo chặn dòng, người Pháp gọi Grand Lac (Hồ Lớn). Đến năm 1953, Chủ tịch Hội đồng Thị chính đổi tên là hồ Xuân Hương. Hồ còn có ý nghĩa là hồ của hương mùa Xuân nữa đấy!
 
Nâng mái tóc vàng tơ ôm gương mặt nhỏ nhắn thanh tú, tay chống cằm tư lự Lavande ngắm mặt hồ loang lãng đãng màn sương chiều bàng bạc, khẽ ngâm nga bằng âm điệu Hà Nội chuẩn xác, diễn cảm: “Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều/ Để nghe dưới nước đáy hồ reo/ Để nghe tơ liễu run trong gió/ Và để xem trời giải nghĩa yêu”!
 
Thanh vỗ nhẹ tay: - Trời ơi, “Đà Lạt sương mờ” của thi sĩ Hàn Mặc Tử! Lavande giỏi quá!
 
 - Chưa hết! - Lavande mỉm cười: - Có nhạc sĩ ví thành phố là một bông hoa với hình tượng “hồ Xuân Hương là nhụy”. Với tình yêu… gương hồ trong xanh hóa thành “đôi mắt người tôi thương” nữa cơ.
 
Cất cuốn tiểu thuyết vào xắc, Lavande thấy chiếc hộp gỗ, cô cất lời: - Thanh! Có việc chắc anh mới giúp được!
 
- Quan trọng không?
 
- Em chưa tìm được nhân vật này. À, cũng muộn rồi, ông đã mất. Là ước nguyện của bà nên em trao lại để anh tìm và chuyển tới con cháu người ta nhé! Lavande đưa Thanh chiếc hộp và mảnh giấy gấp tư: - Đây là địa chỉ ông bạn thân bà nội!
 
Đón chiếc hộp, Thanh xoay xoay trên tay, chợt thấy góc hộp chạm bạc hàng chữ: ÉLEN - LƯƠNG. 
 
- Người cần tìm tên Lương ư? 
 
 - Vâng, sinh trưởng Đà Lạt, tốt nghiệp Trường Canh nông Versailles năm 1962!
 
Thanh thoảng thốt: - Kỹ sư Lương! Ông mất rồi! Hóa ra..?
 
- Hy vọng anh sẽ dò ra con cháu ông! Bà bảo, kỷ vật chỉ gồm tấm hình chụp bà và ông Lương dưới vòm Jacaranda Acutifolia đêm lễ hội hoa, một bông hoa bạc ở Đà Lạt gọi Phượng tím, là cây hoa đứng bên lối vào Thủy Tạ! 
 
 - Ồ! Mình hiểu! Sao kỳ lạ vậy?
 
Lavande ngơ ngác: - Kỳ lạ là sao?
 
Thận trọng cất hộp vào túi trong áo vét, Thanh thì thầm: - Anh hiểu người này!
 
Tối ấy, trong Nhà hàng Thủy Tạ, qua Thanh tâm sự, Lavande hiểu thêm về kỹ sư Lương. Từ Pháp về, kỹ sư canh nông được giao thiết kế, giám sát thi công Vườn hoa Đà Lạt. Ông cũng được nhiều chủ biệt thự ở Đà Lạt, Sài Gòn, Nha Trang, Vũng Tàu “chọn mặt gửi vàng” xây dựng vườn hoa dinh thự. Không chỉ ương, trồng nhiều loài hoa đẹp, lạ từ bốn phương nhập về, kỹ sư được Đà Lạt, cả nước và thế giới biết danh vì miệt mài gần 50 năm nghiên cứu để đến đầu thập niên chín mươi thế kỷ trước đã nhân thành công hoa Phượng tím bằng phương pháp chiết cành. Màu hoa quý hiếm nhanh chóng lan rộng tô điểm thêm vẻ đẹp thành phố ngàn hoa lộng lẫy. Năm 1993, chính quyền Đà Lạt vinh danh ông là một trong những công dân tiêu biểu nhân kỷ niệm 100 năm Đà Lạt. Người Đà Lạt vẫn nhớ hình ảnh kỹ sư Lương chiều chiều chầm chậm chống ba-toong lần bước trên dốc Hòa Bình, đứng lặng ngắm cây Phượng tím lối vào chợ. Với người thân, ông kể: Khi rời Trường Canh nông Versailles, cô bạn Pháp tặng ít hạt giống. Không phụ công tỉ mẩn, chăm chút, hạt nảy mầm đem trồng hai bên đường vào chợ nhưng chỉ sống cây này! Cây trổ hoa từng chùm màu lam tím mong manh, lá kép hai lần, dáng hoa giống Phượng đỏ xứ mình nên dân ta gọi Phượng tím. 
 
Làm cách gì nhân và ươm nhiều hoa để trồng? Phượng tím ra hoa nhưng không đậu quả. Ở Pháp hoa dễ kết quả bởi có loài chim mỏ cong khi hút nhụy đã đưa phấn vào đài hoa giúp thụ phấn. Thôi cứ thử tiến hành phương pháp nhân giống bằng cách chiết cành truyền thống. Từ thân cây độc nhất trước chợ, kỹ sư chiết, ươm thêm vài cây nữa mang trồng ở lối vào Thủy Tạ và Vườn hoa Đà Lạt song chỉ sống được cây ở Thủy Tạ. Không nản chí, ông nghiên cứu tài liệu, tiếp tục thử nghiệm và phương pháp chiết cành đã cho tỷ lệ cây ươm sống cao khi sử dụng một số hóa chất nhập ngoại kích thích mọc rễ, có chế độ chăm sóc đặc biệt nhằm tránh bệnh do ký sinh đối với những cây con cực kỳ nhạy cảm. Phấn khởi trước thành quả này, ông cộng tác với các kỹ sư trẻ ươm ra vài trăm cây. Sau này, tiếp nối ý tưởng ông Lương có nhà khoa học qua lại bên Pháp, Úc trực tiếp đưa hạt về nước gieo. Công nghệ sinh học phát triển, gần đây, phương pháp nhân giống vô tính Phượng tím cho phép ươm đại trà, giống hoa không khan hiếm như trước. Nay Phượng tím không chỉ xuất hiện trên nhiều đường phố, khoảng đồi ở Đà Lạt, Lâm Đồng mà còn khoe sắc và hoa được mến mộ, tôn vinh tại không ít thành phố trong nước.
 
- Trở lại quê hương giữa thời cuộc “bể dâu” nhưng chẳng lẽ ông Lương không nhớ những ngày ở Versailles và quên bà Élen? 
 
- Phải nói, những hạt giống Phượng tím bà Élen tặng, kỹ sư Lương nâng niu, quý hơn tài sản ông có. Khi gieo hạt, ngày đêm thăm nom. Hạt nảy mầm và xòe những chiếc lá đầu tiên, ông trào nước mắt, nhảy cẫng lên như con nít: Très bien! Très bien! (Rất tốt! Rất tốt!). Niềm hạnh phúc của ông tựa thuyền trưởng Christopher Columbus xưa vui sướng khi tìm ra châu Mỹ. Vui là vậy, buồn thì… Lúc cây trước chợ chết, kỹ sư gầy rộc, ngơ ngẩn cả tháng trời, mái tóc bạc xóa sau từng đêm. Thế đấy, ông hao tâm, tổn trí hơn nửa cuộc đời giữ gìn nguồn gen hiếm hoi và kiên trì nhân thành công Phượng tím. Hoa Élen, kỹ sư từng nuôi ý tưởng đặt tên hoa như thế!
 
- Anh ngụy biện quá hay cho ông cụ! - Lavande so vai trong chiếc áo len cao cổ màu cà phê sữa ấm áp, chun mũi, nheo mắt, nguýt Thanh.  
 
- Nghiêm túc mà! Lavande cần chia sẻ với kỹ sư Lương và phân giải cho bà nội hiểu…!Em biết không? Về nước, trí thức Lương nhanh chóng hòa nhập khí thế sục sôi của phong trào học sinh, sinh viên Đà Lạt đấu tranh, biểu tình phản đối chính quyền Mỹ - ngụy. Anh lọt vào tầm ngắm của bọn an ninh, mật vụ. Chúng liệt vào “sổ đen”, nghi ngờ  thời du học nhiễm ý thức hệ “cộng sản”, thường xuyên gọi lên tra vấn, âm thầm theo dõi nên kỹ sư không thể liên hệ thư từ với bà Élen. Mặt khác, mấy năm sau, anh mắc căn bệnh quái ác là mất tiếng nói. Mỗi lần giao tiếp, phải dùng giấy bút đàm thoại. Lavande ạ, sa hoàn cảnh éo le, mấy ai thoát khỏi tâm trạng, đôi lúc u uẩn, mặc cảm. Mừng là “giấc mơ” Phượng tím vẫn cháy bỏng, thôi thúc ông say mê làm việc! Nghĩa tình sâu nặng với bà Élen đã gieo niềm tin, hy vọng và nghị lực để kỹ sư theo đuổi, tìm cách chiết cành, ươm hoa Phượng tím! Đất nước khói lửa chiến tranh, tất yếu xảy ra bao điều ngoài dự kiến! Ông Lương từng nộp hồ sơ xin sang Pháp học thêm song dĩ nhiên chính quyền ngụy trước 1975 khước từ thẳng thừng. Thất vọng, chỉ công việc chuyên môn mới giúp vợi nỗi buồn. Ngoài ba mươi tuổi, kỹ sư đành tính chuyện xây dựng gia đình!
 
- Cảm ơn Thanh! - Lavande ngẹn ngào: - Cầu không bao giờ xảy ra những cuộc chiến tranh đáng nguyền rủa. Chưa hình dung nổi sự mất mát lớn lao của ông Lương và bà nội trải qua nhưng Thanh ơi, duyên hoa, tình người thật cảm động! - Chăm chăm nhìn Thanh lau cặp mắt kính cận dày cộp, Lavande hỏi: - Một bất ngờ vừa đến với em, sao anh tường tận kỹ sư Lương thế! 
 
Hơn phút im lặng, Thanh trang trọng chậm thốt từng từ: - Bởi muốn dành cho Lavande sự ngạc nhiên. Anh gọi kỹ sư Lương là ông nội đấy!
 
- Trời ạ! - Lavande bật ngả người về phía sau. Thoáng ngỡ ngàng, cô thốt khẽ: - Merci beaucoup, monsieur (Cảm ơn anh nhiều)! Bà Élen yêu quý, cháu không ngờ gặp nhân duyên hi hữu thế này!
 
Đêm muộn, những ngọn nến lung linh hắt ánh sáng huyền ảo gợi không gian đầm ấm. Thanh và Lavande trở về thực tại, chợt nhận thấy những vị khách bên các bàn quanh mình đang chìm đắm, bồng bềnh thả hồn theo tiếng dương cầm thánh thót, dặt dìu ngân ngọt ngào từng thanh âm nhạc khúc “Hạ trắng”: “…Thôi xin ơn đời trong cơn mê này gọi mùa thu tới/ Anh đưa em về chân em bước nhẹ trời buồn gió cao/ Đời xin có nhau, dài cho mai sau/ Nắng không gọi sầu/ Áo xưa dù nhàu, cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau”… Thanh khẽ khàng mang ly cà phê sang ngồi bên phía Lavanda. Bàn tay hai người quấn quýt khao khát truyền đón hơi ấm từ nhau. Mái đầu nghiêng tựa vai Thanh, Lavande khép mi, thổn thức: - “Đời xin có nhau, dài cho mai sau…”! Chưa lần nào em cảm nhận ý vị ca từ sâu lắng, đẹp đẽ, thánh thiện như tối nay… Nhạc sĩ tài danh họ Trịnh quả tuyệt vời! Thanh ơi, anh có nghĩ chúng mình sẽ gọi mãi tên nhau không?
 
Truyện ngắn: NGUYỄN THANH ĐẠM