Nỗi nhớ tháng Tư

09:04, 02/04/2015

Năm 1975 tôi mười lăm tuổi, cái tuổi ăn tuổi chơi như lời má tôi thường nói. Nhưng với tôi mười lăm tuổi cũng lớn bộn rồi, dù gì tôi cũng là người đàn ông trong gia đình, tôi thường "phản pháo" má tôi như vậy. Má tôi không cãi lại được với lý luận của tôi, cãi sao được bởi nhà chỉ có hai má con thôi?

Năm 1975 tôi mười lăm tuổi, cái tuổi ăn tuổi chơi như lời má tôi thường nói. Nhưng với tôi mười lăm tuổi cũng lớn bộn rồi, dù gì tôi cũng là người đàn ông trong gia đình, tôi thường “phản pháo” má tôi như vậy. Má tôi không cãi lại được với lý luận của tôi, cãi sao được bởi nhà chỉ có hai má con thôi? Chiều ngày hai tháng tư, tôi đi học về khoảng 5 giờ, nói là đi học chớ lên trường tụ nhau lại một chút là chúng tôi đi chơi. Chuyện này diễn ra từ ngày mười tháng ba, cái ngày mà Ban Mê Thuột thất thủ. Lên lớp thầy Cư không dạy, thầy cho chúng tôi “tự do”, nghĩa là chúng tôi muốn làm gì thì làm, nhất quỷ nhì ma thứ ba là học trò, mà lại nam sinh nữa nên lớp biến thành cái chợ là điều dễ hiểu. Thầy Cư nói trong tiếng ồn ào “các em, có lẽ thầy trò mình sẽ khó gặp nhau nữa, Cao nguyên mà thất thủ thì miền Trung làm sao giữ được, mấy “ông nội”…”. Mấy tiếng sau, tôi nghe không rõ bởi tiếng ồn phát ra từ cái miệng như cái loa của thằng Nhân “lo gì thầy ơi, em đâu có sợ Vi Xi”. Thầy Cư nhìn thằng Nhân với một ánh mắt rất lạ, thầy nói cứ như là nói với tôi và thằng Nhân (tôi ngồi sát bên thằng Nhân) “chắc đây là lần cuối cùng thầy trò mình gặp nhau, thời buổi loạn lạc này ai biết ra sao ngày mai?”. Nói xong thầy thở dài đánh thượt một tiếng, gương mặt thầy thiểu não vô cùng. Quả nhiên ngày hôm sau, tôi không thấy thầy Cư đâu cả, mấy ngày sau thằng Nhân kéo tôi ra một góc sân trường. “Mày biết tin gì chưa?”, nó hỏi. Tôi lắc đầu. “Thầy Cư di tản rồi”, thằng Nhân thì thầm. Đó là lần đầu tiên tôi nghe hai từ “di tản”, với tôi hai tiếng di tản từ miệng thằng Nhân vừa mang tính chất bí hiểm vừa là một nỗi sợ vô hình. Ai sợ, sợ cái gì, tôi không rõ nhưng mà đúng vậy. Sau đó đi đâu tôi cũng nghe hai tiếng di tản, có người còn thêm vào hai tiếng “chiến thuật” như một cách nói thời thượng. Sư đoàn hăm ba di tản chiến thuật từ chỗ… đến chỗ… Quân đoàn hai di tản chiến thuật…nghe riết rồi cũng quen tai. Chiều đó lên trường chơi đá kiện đã đời, tôi về nhà với gương mặt đỏ gay, mồ hôi mồ kê chảy muốn ướt cái áo may dô đang mặc. Thấy tôi về má tôi la lên “Nam, sao giờ con mới về, má chờ con muốn chết”. Tôi hỏi “chi vậy má, tới giờ là con về mà?”. Má tôi chưa kịp trả lời tôi thì bác Năm xe Lam hớt hơ hớt hải chạy qua nhà tôi. “Mẹ con cô có đi không, chần chừ là không kịp đâu?. Tôi hỏi “Đi đâu vậy bác Năm?”, bác gắt “thì di tản chớ đi đâu nữa, sao mẹ con cô có đi không?”. Má tôi lắp bắp nói “Anh Năm chờ mẹ con em một xí, em khóa cánh cửa là đi liền”, nói xong má tôi bóp ổ khóa nghe một cái “rốp” rồi kéo tay tôi chạy qua nhà bác Năm. Chiếc xe Lambro già nua của bác Năm chất kín người và đồ đạc, gia đình bác có mặt đủ trên xe. Trên mui xe chất mấy cái bao bố, vài cái va ly cùng với vài cái nồi, thúng tô chén, chai xì dầu, nước mắm… có cả dóng gánh và một tấm nệm bông gòn! Tôi leo lên xe ngồi cạnh thằng Xi, con út bác Năm. Tôi học hơn nó hai lớp, với nó tôi là đàn anh đứt đuôi con nòng nọc. Tôi nói “Xê vô Xi cho má tao ngồi với”, nó vừa dịch một chút vô phía trong vừa càm ràm “Chật cứng rồi mà còn nhồi nhét sao chịu được, ba?”. Bác Năm la “Cái thằng, di tản chớ đi chơi đâu mà đòi này nọ!”. Chiếc xe phành phạch nổ máy phun một đám khói đen rồi nhắm con đường chính lao ra. Lúc này, tôi mới thấy cơ man nào là xe và người. Hình như cả xóm Sình - nơi má con tôi mướn nhà cùng kéo ra đường nhắm hướng Trại Mát mà chạy. Có đủ loại xe, tôi chỉ thấy được đi đầu là hai chiếc xe nhà binh chất đầy người và đồ đạc, vậy mà lại có mấy anh thanh niên không biết từ đâu chạy theo đu bám cái thành xe với gương mặt đầy hốt hoảng. Một chiếc xe 67 gầm rú muốn qua mặt chiếc GMC nhưng không được, ông lính ngồi sau vừa chửi thề vừa cởi chiếc áo lính rằn ri thay bằng một chiếc áo xi vin (dân sự). Tôi nhìn ra sau thấy dòng xe cộ lao về hướng Trại Mát liên miên không sao nhìn ra điểm cuối.
 
Minh họa: HT
Minh họa: HT

Tôi ngắm cảnh di tản với một cặp mắt tò mò hơn là lo sợ như gương mặt má tôi hay của bác Năm. Tôi nghĩ thầm trong bụng không biết người ta sợ cái gì mà rầm rầm di tản, chuyện bên này bên kia là chuyện của mấy ông quan quyền (mấy lâu nay tôi nghe anh Trổ là sinh viên ở trọ cạnh nhà tôi nói vậy) chớ như má con tôi và nhà bác Năm thì can cớ gì? Sau này, tôi mới biết đó là hội chứng đám đông, phần lớn đám đông không ý thức được hành động của mình, cứ hành động theo kẻ cầm đầu. Mà mấy ông quan to như ông tỉnh trưởng chạy mất đất từ hồi nào rồi, nay còn lại đám dưới quyền dẫn lính tráng chạy trốn khỏi thị xã có nguy cơ bị cô lập hay nói cho có vẻ văn hoa một chút là một cuộc di tản chiến thuật. Nhưng mà vui, tôi nghĩ tiếp. Không vui sao được khi mà tôi được ngồi xe lam đi đến những nơi mà tôi chưa biết bao giờ? Tuổi trẻ mộng bay xa, tôi cũng vậy, tôi từng mơ lớn lên mình sẽ đi biển chiếm lấy một cái đảo hoang rồi tìm kho báu y như tiểu thuyết “Đảo châu báu” mà tôi mê tít! Xe đến Cầu Đất đã tám giờ đêm, bác Năm hốt hoảng thông báo “hết xăng!”. Hết xăng làm sao chạy tiếp, ai cũng lo lắng lục tục xuống xe. Phố đêm Cầu Đất tối đen, những dãy nhà nằm im lìm, bên trong leo lét ánh đèn dầu. Bác Năm hô mấy đứa con đẩy xe vô một con đường đất tránh cho chiếc xe jeep vượt qua, nãy giờ dòng xe bị chiếc xe của bác Năm chận lại. Tôi giúp một tay rồi thở phào khi chiếc xe Lam tấp sát mé đường. Quả là dòng xe bất tận, tiếng ầm ào của đủ loại xe cộ cộng hưởng với ánh đèn vàng vọt và những gương mặt lo lắng tạo thành một cảnh tượng khó quên. Đúng như vậy mấy chục năm sau tôi vẫn còn nhớ như in cảnh đêm di tản tại cung đường Cầu Đất. Đêm hôm đó, nhà tôi và nhà bác Năm xúm xít quanh chiếc xe Lam chờ trời sáng bởi ban đêm lạ nước lạ cái sao tìm được chỗ bán xăng? Đến khoảng mười hai giờ đêm, dòng người và xe di tản thưa thớt dần, tôi ngủ thiếp không biết sau đó có còn người di tản hay không. Sáng bảnh mắt tôi mới thức giấc khi má tôi gọi dậy, lúc đó tôi mới biết mình nằm ngủ trên tấm nệm bông gòn cạnh thằng Xi. Hèn nào mà êm quá, tôi nghĩ, cũng may má tôi có mang theo cái mền vải dù rằn ri, bà đưa cho tôi từ tối hôm qua. Bác Năm để mỗi anh Hai ngồi lại coi xe rồi dẫn chúng tôi đi về phía chợ, hình như ở đó có người quen của bác. Đến nhà, tôi đứng ngoài sân chơi với thằng Xi, má tôi và bác Năm gái kéo nhau vô nhà dưới với bác Năm trai. Một lát sau, bác Năm trai hối đám con đi ra chỗ xe Lam đậu mang đồ đạc vô nhà. Má nói “Nam, con ra phụ mang đồ đạc về đây, mình ở nhờ nhà này”. 
 
Bốn mươi năm sau tôi vẫn còn nhớ như in mấy ngày ăn nhờ ở đậu nhà cô Tám mỗi khi tháng tư về. Chỉ sau ba ngày, nhà ông Năm và má con tôi lại leo lên chiếc Lambro chạy về Đà Lạt. Ba ngày đó thay đổi cuộc đời của các thành viên nhà bác Năm và cả má con tôi. Sự thay đổi đó mới đầu tôi không nhận ra ngay nhưng tất cả đều bắt nguồn từ ngày ba tháng tư năm ấy. Trong mấy ngày ở nhờ nhà cô Tám, cái tôi nhớ miết chính là một đứa con gái, con cô Tám. Sáng đầu tiên sau khi sắp xếp chỗ ăn chỗ ở xong, tôi quanh quẩn ra sân chơi đá kiện với thằng Xi. Một con bé chừng bảy tám tuổi với gương mặt hồng hào, nụ cười khoe chiếc răng khểnh trông rất có duyên chạy ra sân. Nó cười nói “Anh ơi cho em chơi với?”. Tôi nhìn nó, quả thật từ hồi nào tới giờ tôi chưa thấy đứa con gái nào chơi đá kiện cả, tôi hỏi “Mày có biết chơi không?”. Nó gật đầu quả quyết. “Vậy thì chơi”. Phải nói con bé đá kiện quá cừ, tôi và thằng Xi thua nó xa. Chơi chán con bé dẫn tôi và thằng Xi đi chơi quanh Cầu Đất. Cầu Đất của nó hay quá, tôi chú ý đến một cây to trên đó chim chóc đang véo von hót. Chắc trên đó cơ man là tổ chim, tôi hỏi con bé, nó nói đúng là có nhiều tổ chim nhưng ba nó cấm anh em nó leo lên vì trên đó có… ông thần cây, lôi thôi là ông thần vặn cổ! Cây cổ thụ này mọc ven đường, con đường bò lên một con dốc, hai bên nhà cửa lô xô, rõ ràng là một khu phố bởi có chợ có hàng quán, trường học… Con bé dẫn tôi và thằng Xi chui vào mấy vườn trà, nó bày tôi hái những trái trà ăn thứ cơm đùng đục bên trong. Tôi không thể nào ăn được cái thứ đắng chát đó, ngược lại con bé ăn ngon lành. Nhưng với cây ngũ sắc thì khác, tôi thích thú hái hoa hút mật và ăn ngon lành thứ trái nhỏ bằng đầu đũa đen thui mà ngọt sắc. Con bé còn dẫn tôi và thằng Xi đi câu cá ở cái hồ của ông Tư Đệ. Tôi câu được một con cá diếc to, đang thích thú với thành quả thì bất ngờ ông Tư xuất hiện, báo hại ba chúng tôi chạy vắt giò lên cổ. Nghỉ mệt dưới tán một cây thông, tôi trách con bé. “Sao mày lại dẫn tụi tao câu cá trộm của người ta?”. Con bé cười phô cái răng khểnh “Câu cá trộm mới... vui!”. Tôi trợn mắt nhìn nó “Mày giống như là một thằng con trai”. Tôi định nói một thằng con trai hư hay phá phách. Nó đáp tỉnh bơ “Thì em là con trai mà?”. 
 
Nhà cô Tám có người lạ. Ban đầu tôi nghĩ chắc cũng là mấy người di tản như má con tôi và nhà bác Năm nhưng tôi thấy cả nhà cô Tám quấn quýt hỏi chuyện người mới đến. Tôi từ ngoài sân nhìn lén vô nhà không nghe họ nói gì nhưng coi bộ ai cũng vui. Cô Tám ra vườn rượt bắt mấy con gà đem vô nhà bếp làm thịt. Tối đó tôi được cô Tám cho một tô ca ry gà ngon tuyệt. Thấy con bé ra ngoài sân tôi hỏi nó “Trong nhà mày có khách à?”. Nó lắc đầu “Anh Hai em đó”. Rồi nó nói tiếp “Anh Hai mới ở cứ về, giờ ảnh về công khai không lén lút như trước nữa, giải phóng rồi mà!”. Sáng hôm sau, tôi không thấy người anh Hai con cô Tám nữa, tôi cũng quên luôn chuyện này vì con bé lại rủ tôi và thằng Xi đi vô Xuân Sơn làm chuyện gì đó cho cô Tám. Ở Xuân Sơn cờ đỏ rợp trời, tới nơi tôi mới nhớ ở ngoài Cầu Đất cũng vậy. Lá cờ phần phật bay trong gió vừa lạ lẫm vừa gần gũi, mấy cái ô pát lơ  treo trên một cây to phát đi phát lại chính sách của Chính phủ Cộng hòa miền Nam Việt Nam đối với vùng mới giải phóng. Một cái cổng gác xuất hiện trước khi vào làng. Mấy người du kích thấy tụi tôi gọi lại hỏi “Mấy đứa nhỏ kia, đi đâu?”. Con bé nói vô nhà nội, người du kích giờ mới nhìn rõ mặt chúng tôi nói “Là con chị Tám, đi đi cháu”. Xuân Sơn nhà cửa cất thưa thớt hai bên đường, đi sâu vào thôn mới thấy một vùng nhà cửa cất sát vào nhau. Con bé chỉ tay “Nhà nội em ở đó, đây là vùng tập trung chớ ông nội nói trước kia nhà ông ở sâu trong chân núi”. Tôi hỏi nhà tập trung là sao, con bé giải thích rành rẽ như một người lớn “Ấp trưởng bắt phải dọn ra đây ở, họ sợ dân ở trong đó tiếp tế cho mấy ông Cộng sản”. Tôi chưa kịp hỏi tiếp thì có ba thằng con trai tầm cỡ tuổi tôi chạy ra chặn chúng tôi lại. Một thằng nói “Ê tụi mày đi đâu?”. Con bé nghinh mặt “Mấy anh hỏi làm gì?”. Một thằng ra vẻ đứng đầu hất hàm về phía tôi “Mày thì tao biết, còn hai thằng kia lạ hoắc không được vào thôn!”. Con bé hỏi “Ai biểu?”, thằng đứng đầu lại hất hàm nói với tôi và thằng Xi “Hai thằng mày theo tao vô gặp thôn đội, còn mày đi vô nhà nội mày đi”. Con bé không chịu đi, nó giang hai tay chặn trước mặt tôi và thằng Xi “Hai anh này là bạn của em mà!”. Dùng dằng một lúc không giải quyết được chuyện gì nếu chú du kích hồi nãy không xuất hiện. Chú khen thằng nhỏ hay “hất hàm” là có tinh thần cảnh giác rồi khoát tay biểu chúng tôi đi. Hôm đó tôi được một bữa vui vẻ tuyệt vời. Con bé dẫn tôi và thằng Xi vô vườn ông nội nó trong chân núi như lời nó nói. Vườn ông nội trồng đào má hồng, mùa này đào đang chín, những trái đào hồng thắm lúc lỉu trên cây. Tôi leo lên cây đào nhanh như một con sóc, bẻ từng trái thả xuống cho con bé hứng. Rồi chúng tôi đào khoai lang mang vô trại luộc, những miếng khoai lang cuối mùa ngọt đến tận chân răng. Khi về con bé mệt quá không đi được, nó bắt tôi cõng. Tôi, thằng con trai mười lăm tuổi cõng một con bé chừng hai mấy ký lô thì nhằm nhò gì, vừa cõng tôi vừa giả bộ làm ngựa phi khiến con bé thích quá cười nắc nẻ. Trên lưng tôi con bé hát một bài đồng dao bằng một giọng véo von nghe cũng hay hay. Bỗng con bé thôi hát, nó nói với tôi “Anh Nam ơi, mai mốt em sẽ lấy anh làm chồng để đi đâu cũng bắt anh cõng, sướng!”. Tôi đỏ mặt liếc mắt về phía thằng Xi, may quá nó không nghe bởi nó mải chạy theo một con chuồn chuồn kim màu đỏ. Tôi quát “Em nói gì lạ vậy, Dế?”. Dế cười vô tư “Thì ai mà không lấy chồng, má em nói vậy mà?”. 
 
Mười lăm năm sau, tôi lấy vợ, ba năm sau tôi được hai thằng con trai, vợ tôi làm một công chức nhì nhằng lương tiền chẳng có bao nhiêu nhưng được cái có thời gian. Có thời gian nếu biết sử dụng sẽ sinh ra tiền. Và cô ấy không để đồng tiền ở không bao giờ. Chuyện này thì tôi phục cô ấy sát đất. Còn tôi ngã rẽ cuộc đời bắt đầu khi tôi học hết cấp ba. Ba tôi là một cán bộ quân đội muốn tôi theo binh nghiệp của mình. Lúc nhận ba, tôi ngỡ ngàng nhìn người cán bộ Vi Xi mà má biểu gọi là ba. Ba xoa đầu tôi rồi nói “Ba để má con nuôi con một mình thiệt là có lỗi nhưng ba còn phải làm hết trách nhiệm với đất nước, con có hiểu không?”. Tôi hiểu ba và cũng hiểu rằng má tôi hy sinh nhiều thứ để một mình nuôi dạy tôi. “Vò võ một mình” là từ mà ba tôi dùng khi nói về má với một giọng nghẹn ngào. Hơn ba mươi năm trong quân đội, tôi về hưu. Trong khoảng thời gian đó, vợ tôi không đến nỗi “vò võ một mình” như cái thời ba tôi để má tôi một mình lên Đà Lạt buôn bán nuôi con, nhưng tôi để mẹ con cô ấy ở nhà với nhau cũng hơi nhiều. Biết làm sao được, tôi là một cán bộ quân khu thì cái chuyện ở đâu, làm gì, tôi sao “quyết” được? Nay về hưu tôi sẽ dành thời gian còn lại cho gia đình của mình. Thằng con đầu của tôi học giỏi, tôi không lo cho nó bởi ra trường nó được một công ty chuyên “săn đầu người” mời phỏng vấn và làm việc với một mức lương hợp lý. Còn thằng thứ hai hơi tệ một chút, tính nó cẩn thận, tôi muốn hướng nó làm một công chức để có thể ở cạnh vợ chồng chúng tôi. Tôi đến nhà Nhân, thằng bạn nối khố ngày xưa giờ làm Giám đốc Sở Nội vụ. Hắn tiếp tôi rất thân mật, khi biết tôi định nhờ có chỗ nào còn biên chế đưa thằng con tôi vô làm việc. Nhân hơi lưỡng lự một chút rồi vui vẻ hứa “Chuyện nhỏ, ông cứ để tôi lo, con ông cũng là cháu tôi mà!”. Nhưng chuyện không phải vậy, chờ lâu quá không thấy chút tin tức gì của thằng bạn thân, vợ tôi nhắc hay là anh cầm chút quà qua nhà ông ấy hỏi khéo xem sao. Tôi gạt phắt, cái chất lính trong tôi vẫn còn chạy rần rần trong máu, không bao giờ có chuyện quà cáp lo lót, đâu phải thằng nhỏ vô được cơ quan nhà nước là yên ổn suốt đời, nếu không qua nổi kỳ thi vô ngạch công chức thì cũng đành chịu thôi. Vậy mà công việc của thằng con út tôi đến thật bất ngờ, nó về Sài Gòn chơi tình cờ biết công ty cậu nó đang tuyển người, cu cậu nộp đơn sau hai vòng phỏng vấn người ta nhận vào làm việc tại phòng kinh doanh. Thôi thì cái số vợ chồng tôi cu ky với nhau, biết làm sao được bây giờ hoàn cảnh như vậy cũng nhiều. Tôi an phận với đời một ông đại tá về hưu tham gia công tác Mặt trận tại tổ dân phố và lấy vui buồn của bà con làm lẽ sống của mình.
 
Thằng Việt về thăm nhà, nó không đi một mình, nó dẫn theo cô bạn gái giới thiệu với vợ chồng tôi đó là người yêu của nó, tụi nó xin phép vợ chồng tôi cho chúng cưới nhau vào cuối năm nay. Bây giờ là đầu tháng tư nhà tôi còn gần tám tháng nữa để chuẩn bị lo chuyện chung thân đại sự cho thằng Việt. Buổi tối nhà tôi làm một con gà, vợ tôi nấu cà ry ăn với bún. Lúc ngồi với nhau quanh mâm cơm tôi mới để ý con dâu tương lai. Nhìn con bé tôi thấy nó hao hao giống ai mà tôi từng gặp. Tôi hỏi gia cảnh của nó, con bé lễ phép thưa nhà nó ở Sài Gòn, ba mẹ còn đang công tác, nhà chỉ có hai chị em. Nó là chị đang làm nhân viên giao dịch của Ngân hàng V. chi nhánh quận ba, thằng em đang học năm hai Bách khoa. Con dâu tương lai tôi nói tiếp:
 
- Nhà con tiếng là ở Sài Gòn nhưng quê ngoại con lại ở Cầu Đất, còn quê nội tận Kiên Giang. Ngày mai, anh Việt chở con xuống Cầu Đất thăm ông bà ngoại.
 
Đến đây thì tôi biết con bé là cháu ngoại cô Tám con của…Dế. Chết cha ngày đó tôi không hỏi Dế tên gì, chỉ biết Dế ngồi nhong nhong trên lưng tôi và đòi lấy tôi làm… chồng. Bây giờ không lẽ tôi và Dế làm sui gia với nhau sao? Vẫn biết là chuyện trẻ con nhưng trong lòng tôi thấy không yên, nửa như ái ngại nửa như mất mát một cái gì quý giá! Tôi giấu kín chuyện này trong lòng không hé răng nửa lời với ai. Cái ngày đi dạm ngõ cho thằng Việt rồi cũng tới. Tôi hồi hộp xách giỏ quà đến thăm nhà sui gia tương lai. Tiếp vợ chồng tôi là cha mẹ cháu Diễm, tôi định bụng sẽ không nói điều gì động đến kỷ niệm tháng tư và coi như lần đầu tôi gặp mặt cha mẹ cháu. Mẹ cháu Diễm vẫn còn những nét của cô bé… Dế ngày xưa nhưng tôi không bắt gặp một chút sững sờ nào trong thái độ của…Dế. Không lẽ thời gian làm nhòa mọi thứ, trong đó ký ức tháng tư cũng không để lại một chút dấu vết nào sao? Đang ăn tiệc thì có tiếng chuông gọi cửa, Diễm ra mở cổng rồi nói vọng vào “Ba mẹ ơi có dì Út đến chơi”. Một người đàn bà theo chân Diễm đi vào nhà, thấy vợ chồng tôi bà ấy như sựng lại. Một tích tắc sau đó người đàn bà la lên:
 
- Anh Nam, phải anh Nam không? Trời ơi bốn mươi năm em mới gặp lại anh, hôm nay đến dự tiệc dạm ngõ con Diễm em bị kẹt xe nên tới trễ, ngờ đâu cha mẹ chồng con Diễm lại là người quen, giờ mình là thông gia hả anh Nam, em là Phúc em út chị Hạnh!
 
Tháng tư vừa qua có hai chục ngày. Hương tháng tư còn vương vất đâu đây, mùi hương đó có lẽ tỏa ra từ những trái đào má hồng Phúc vừa mang đến, không biết có phải đào má hồng đến từ ấp Xuân Sơn?
 
Truyện ngắn: Võ Anh Cương