Dấu ấn chuyển đổi số

DIỄM THƯƠNG  07:43, 21/01/2023

Chuyển đổi số của tỉnh Lâm Đồng đang được triển khai toàn diện, kiên quyết, liên tục với những bước đi vững chắc, và có trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở kế thừa những kết quả đạt được của việc xây dựng Chính quyền điện tử, thành phố thông minh với dữ liệu số đã có. Bằng cách vận dụng phù hợp thực tiễn của từng ngành, từng lĩnh vực, địa phương đi đôi với đổi mới, sáng tạo, gắn kết chặt chẽ, đồng bộ với cải cách hành chính nhằm chuyển đổi số căn bản lề lối, tạo dấu ấn toàn diện. 

Trung tâm Điều hành IOC là dấu ấn thành công của Chính quyền số, chuyển đổi số tại tỉnh Lâm Đồng
Trung tâm Điều hành IOC là dấu ấn thành công của Chính quyền số, chuyển đổi số tại tỉnh Lâm Đồng

HÌNH THÀNH HỆ SINH THÁI CÔNG DÂN SỐ

Là địa phương có hơn 70% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), huyện Lạc Dương được xem là mô hình điểm thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt chuyển đổi số trong vùng đồng bào DTTS. Đây là địa phương thứ 2 sau TP Đà Lạt xây dựng thành công Trung tâm Điều hành thông minh (IOC), đồng thời là địa phương được chọn điểm trong xây dựng Tổ Công nghệ số cộng đồng, lan tỏa chuyển đổi số trong đời sống người dân. 

Ông Sử Thanh Hoài - Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cho biết, việc chuyển đổi số thực hiện theo phương châm lấy người dân làm trung tâm, làm cho người dân thấy công nghệ là thứ dễ dàng, thiết thực. Đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân thông qua Tổ Công nghệ số cộng đồng để thúc đẩy chuyển đổi số, đưa người dân lên môi trường số, tiên phong sử dụng nền tảng số, công nghệ số, qua đó, trở thành tác nhân thúc đẩy chính quyền chuyển đổi số mạnh mẽ hơn.

Câu chuyện chuyển đổi số, xây dựng hệ sinh thái “Công dân số” đang trở thành vấn đề trọng tâm của khắp các địa phương từ thành thị cho đến các vùng sâu, vùng xa, vùng có đồng bào DTTS sinh sống của tỉnh Lâm Đồng. Với mục tiêu triển khai hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số quốc gia và của tỉnh, hỗ trợ cộng đồng dân cư triển khai ứng dụng công nghệ, tỉnh Lâm Đồng đã bắt đầu triển khai thành lập Tổ Công nghệ số cộng đồng ở tất cả các huyện, thành phố. Và việc “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân hiệu quả sử dụng công nghệ số chính là nhiệm vụ của những Tổ Công nghệ số cộng đồng.

Song hành cùng với chuyển động xã hội số, với tinh thần lấy người dân là trung tâm, Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (viết tắt là Đề án 06) với mục tiêu xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về người dân sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, xây dựng kinh tế số, Chính phủ số, Công dân số... Theo đó, Ban Chỉ đạo Đề án 06 tỉnh Lâm Đồng tập trung chỉ đạo quyết liệt triển khai, hiện đã cơ bản hoàn thành, đưa các dịch vụ thiết yếu thực hiện trên môi trường điện tử. Việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đã mang lại nhiều tiện lợi cho người dân và doanh nghiệp. 

Với nhóm tiện ích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, năm 2022, hoàn thành tích hợp, cung cấp dịch vụ xác thực thông tin về số Chứng minh nhân dân với Căn cước công dân trên Cổng Dịch vụ công quốc gia để 100% tài khoản định danh điện tử của cá nhân đã được tạo lập bởi Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh thực hiện được việc xác thực với danh tính điện tử do Bộ Công an cung cấp. Việc sử dụng Căn cước công dân gắn chip và tài khoản định danh điện tử giúp mọi công dân đều bình đẳng trong tiến trình chuyển đổi số. 

Một hệ sinh thái Công dân số đang dần hình thành rõ nét trong cuộc sống của người dân tỉnh Lâm Đồng. Minh chứng cho điều đó, là vị trí top 20 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số cả nước, do Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số xếp hạng Chỉ số đánh giá chuyển đổi số - DTI.

 

Chuyển đổi số đã và đang tạo ra tài nguyên mới là dữ liệu, trở thành nguồn lực cho kinh tế số phát triển, mở ra không gian phát triển mới. Tỉnh Lâm Đồng tranh thủ vận hội này cũng phải nhanh chóng triển khai chuyển đổi số trong các ngành kinh tế chủ lực như du lịch, nông nghiệp công nghệ cao...

Chủ tịch UBND tỉnh TRẦN VĂN HIỆP

 

Một hệ sinh thái Công dân số đang dần hình thành rõ nét trong cuộc sống của người dân tỉnh Lâm Đồng
Một hệ sinh thái Công dân số đang dần hình thành rõ nét trong cuộc sống của người dân tỉnh Lâm Đồng

KIẾN TẠO THÀNH CÔNG NỀN HÀNH CHÍNH ĐIỆN TỬ

Hướng tới mục tiêu xây dựng thành công nền hành chính điện tử ở địa phương, thời gian qua, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử để nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một tốt hơn. Các ứng dụng trực tuyến đã được các huyện, thành phố đưa vào hoạt động để phục vụ người dân với những cái tên dễ nhớ để tải về như “Đà Lạt trực tuyến”, “Đơn Dương trực tuyến”, “Lạc Dương Smart”… Các địa phương đã xây dựng thành công theo phân tuyến bậc thang cấp cao dần. Cụ thể, ứng dụng công nghệ thông tin cấp xã, thị trấn, tiến cao hơn là các ứng dụng trực tuyến cấp huyện, và cao hơn là các Trung tâm Điều hành thông minh được ví như “bộ não số”. 

Bà Phạm Thị Thảo (xã P’ró, huyện Đơn Dương) đến làm thủ tục cấp phiếu Lý lịch tư pháp vui vẻ cho biết: “Nhà tôi cách đây gần 15 km, thực hiện các thủ tục như hiện nay, tôi chỉ cần qua ứng dụng, không phải mất chi phí, đi lại nhiều lần, và được hướng dẫn cặn kẽ, từ nay tôi có thể nộp hồ sơ tại nhà. Không những vậy, tôi còn theo dõi được tiến độ giải quyết các thủ tục hồ sơ của mình. Tôi thấy việc giải quyết các thủ tục rất nhanh chóng và thuận lợi”.

Hay tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả thủ tục hành chính (TTHC) của huyện Bảo Lâm, các thủ tục được Trung tâm thiết lập hoàn toàn bằng công nghệ thông tin như: Màn hình điện tử hiển thị thông tin về quá trình giải quyết hồ sơ; quầy lấy số thứ tự, hệ thống xếp hàng tự động; thiết bị đọc mã vạch tra cứu thông tin; hệ thống phần mềm một cửa điện tử tiếp nhận và giải quyết hồ sơ TTHC. Nhờ vậy, người dân, doanh nghiệp dễ tiếp cận, thực hiện và giám sát việc giải quyết TTHC.

Tại TP Đà Lạt, ứng dụng “Đà Lạt trực tuyến - iGov Connect” - Kết nối người dân và chính quyền cung cấp trên 2 nền tảng di động và website dễ khai thác, sử dụng, nâng cấp, bổ sung tính năng, có thể tác nghiệp trên điện thoại thông minh, máy vi tính nên có thể tiếp nhận, xử lý, báo cáo kết quả nhanh chóng và công dân dễ dàng khai thác các tính năng của ứng dụng. Ông Tôn Thiện San - Chủ tịch UBND TP Đà Lạt đã đánh giá: “Điều này giúp cho các phòng, ban, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước trên các lĩnh vực nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác quản lý, kịp thời phát hiện xử lý vi phạm trên các lĩnh vực; ứng dụng này là cầu nối, kênh tương tác giữa Nhân dân, tổ chức với chính quyền thành phố”. 

Nghị quyết về Chuyển đổi số tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nêu rõ: “Xác định người dân là trung tâm chuyển đổi số. Tăng cường công khai, minh bạch, khuyến khích sự tham gia và giám sát của người dân, cộng đồng trong hoạch định và thực thi chính sách. Giảm thủ tục hành chính, cung cấp các dịch vụ công theo phương thức số, thuận tiện, dễ sử dụng. Trang bị kỹ năng số cho người dân, xây dựng và hình thành văn hóa số trong xã hội”. Và để thực hiện thành công nghị quyết, bài toán đặt ra là sự hợp sức của mọi nguồn lực và toàn xã hội, là sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị bằng những mục tiêu cụ thể có kiểm tra, giám sát, đánh giá, có động viên, khuyến khích, phát huy vai trò của người đứng đầu, kiên trì, bền bỉ trong quá trình thực hiện… Đó phải là một tiến trình toàn dân - toàn diện.