Thôn Duệ (xã Đinh Lạc, huyện Di Linh) hiện nay vẫn còn lưu giữ nghề đan lát truyền thống của đồng bào K’Ho; những sản phẩm của bà con làm ra không chỉ phục vụ nhu cầu của gia đình mà đã đến tay người tiêu dùng với các sản phẩm nong, nia, rổ, rá mi ni, đèn trang trí,… độc đáo.
Qua bàn tay tài hoa , bà con nơi đây làm ra những sản phẩm rất gần gũi và cần thiết đối với cuộc sống |
Ở thôn Duệ, nghệ nhân Ka Ệp là một trong những người có tay nghề đan lát khéo nhất vùng, bà cũng là người truyền dạy và truyền cảm hứng nghề đan lát cho con em đồng bào nơi đây. Đưa đôi tay nhanh thoăn thoắt thực hiện các công đoạn đan gùi, nghệ nhân Ka Ệp chia sẻ: “Ngày xưa, thấy bố đan, mẹ cũng làm, rồi lúc mình khoảng 10 tuổi, bố mẹ bảo phụ giúp việc, từ đó mình bắt đầu học và tập tành đan, sau này đan thành thục. Đến nay, mình đã gắn bó với nghề được hơn 50 năm, đan lát trở thành nghề chính nuôi gia đình, con cái mình ăn học”.
Theo nghệ nhân Ka Ệp, làng nghề truyền thống đan lát thôn Duệ sử dụng nguyên liệu chính là tre, ngoài ra còn có mây và một số vật dụng khác, đường nét hoa văn trên các sản phẩm của bà con nơi đây cũng rất đa dạng, phong phú, gắn với tâm linh và đời sống của bà con bản địa. Sản phẩm chủ yếu của bà con là gùi, rổ và một số sản phẩm khác như nong, nia, dụng cụ bắt cá. Tùy vào trí tưởng tượng, sự sáng tạo của mỗi người sẽ cho ra những sản phẩm độc đáo khác nhau.
Bà Ệp cho biết, vào những ngày nông nhàn, bà con trong thôn lại tranh thủ làm ra những sản phẩm đan lát truyền thống. Trước đây, người dân đan lát chủ yếu phục vụ nhu cầu của gia đình, bắt đầu từ những năm 2015 đến nay, phong trào đan lát phát triển mạnh và trở thành hàng hóa. Bên cạnh nghề nông, bà con làm thêm nghề đan lát để vừa có thêm thu nhập, vừa giữ gìn nghề truyền thống của ông bà.
Sau nhiều năm theo nghệ nhân học nghề, đến nay, chị Ka Ing đã thành thạo nghề đan lát truyền thống. Chị Ing chia sẻ: “Nghề đan lát yêu cầu người làm phải tỉ mỉ, cần mẫn và khéo léo. Phải thật sự yêu và đam mê mới có thể học nghề và gắn bó với nghề, mới cho ra được sản phẩm đẹp. Phần đa sản phẩm bán chạy nhất, được đặt làm nhiều chủ yếu là gùi, nong, nia, rổ, rá. Lúc nông nhàn, nếu siêng năng, mỗi ngày đan cũng được 1 sản phẩm, thu nhập hàng tháng cũng được từ 5 - 6 triệu đồng”.
Mỗi sản phẩm đan tùy vào kích cỡ mà mất nhiều thời gian làm khác nhau. Nếu nghệ nhân thành thạo, quen việc thì chỉ mất khoảng 1 ngày là làm xong. Giá thành tùy vào kích cỡ, thường dao động từ 150 - 800 ngàn đồng. Từ những chiếc gùi, blơ, rổ, rá đơn giản ban đầu…, sau một thời gian, bà con đã biết làm thêm các sản phẩm bán cho nhà hàng, quán cà phê để trang trí, sản phẩm mi ni để làm quà lưu niệm cho khách du lịch. Từ đó, sản phẩm không chỉ làm đến đâu, hết đến đó mà còn có giá trị cao hơn nhiều.
Cũng như bao người con tâm huyết với văn hóa truyền thống của thôn, nghệ nhân ưu tú K’Tiếu mong muốn nghề đan lát phát triển và được nhân rộng hơn. Già Tiếu cho biết, bà con dân tộc thiểu số bản địa nơi đây vốn trồng lúa nương, rẫy, dùng gùi để gùi lúa, bắp, khoai, rau,… về nhà. Mặc dù hiện nay bà con không còn canh tác như xưa, tuy nhiên, các dụng cụ đó đã theo họ từ rất lâu đời, từ thế hệ này truyền lại cho thế hệ sau. Nghề đan lát không chỉ mang lại giá trị về kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người dân mà còn chứa đựng cả những nét tinh hoa mà đồng bào đã gìn giữ từ bao đời.
Già K’Tiếu rất tự hào khi làng được công nhận làng nghề truyền thống, mong thế hệ trẻ yêu thích và tiếp tục học tập, gìn giữ, phát huy nghề đan lát truyền thống nhằm giữ gìn nghề của người K’ho. Qua đó, tận dụng các lợi thế từ nghề truyền thống để tăng thêm thu nhập, đóng góp vào việc xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.
Hiện nay, duy trì nghề đan lát có khoảng trên 60 hộ, nhưng các sản phẩm họ làm ra đã có thị trường, các hộ dân đang dần thay đổi phương thức sản xuất, càng ngày các sản phẩm của làng nghề càng độc đáo, tinh xảo với các nét văn hóa vừa truyền thống, vừa hiện đại bắt kịp với xu thế và cơ chế thị trường.
Ông Trương Quốc Phương - Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Lạc cho biết, việc làng nghề đan lát ở thôn Duệ được công nhận là làng nghề truyền thống góp phần đảm bảo đời sống, nâng cao thu nhập của người dân, vừa giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên. Với nỗ lực khôi phục làng nghề truyền thống đã có từ lâu đời, các cấp chính quyền địa phương đã tổ chức cho người dân các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật đan lát sản phẩm mới, thích hợp với nhu cầu thị hiếu xã hội. Trong thời gian tới, xã Đinh Lạc sẽ xây dựng những sản phẩm đan lát này thành sản phẩm OCOP của địa phương.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin