Kết luận số 23-KL/TW, ngày 22/11/2017của Ban Bí thư về “Tăng cường chỉ đạo, quản lý, phát huy vai trò của báo chí, xuất bản trong việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” đã được thực hiện qua 5 năm. Tại Lâm Đồng, các cơ quan báo chí địa phương được đánh giá đã tích cực thông tin, tuyên truyền, kết hợp phương châm “xây” và “chống”, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, góp phần tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội...
Hội báo xuân Quý Mão 2023. Ảnh: Văn Báu |
Để thực hiện hiệu quả Kết luận số 23-KL/TW, những nội dung công tác đã được các cơ quan liên quan thực hiện bài bản, chặt chẽ, có sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng và quyết tâm cao để tạo nên kết quả đáng ghi nhận.
Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý báo chí; Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy chế về sự phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh và các sở, ban, ngành, đoàn thể trong công tác lãnh đạo, quản lý báo chí trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh ban hành quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định. Các hội nghị giao ban và cung cấp thông tin cho báo chí được tổ chức định kỳ hàng tháng; tổ chức họp báo đột xuất cung cấp thông tin về những vấn đề nóng, nổi cộm được dư luận xã hội quan tâm để kịp thời định hướng thông tin, tuyên truyền, góp phần ổn định dư luận xã hội...
Những năm qua, Hội Nhà báo phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông đổi mới, nâng cao chất lượng tác phẩm và hình thức trao Giải Báo chí tỉnh theo định kỳ hàng năm, giải được tổ chức với nội dung và hình thức hợp lý, qua đó tôn vinh tác giả đoạt giải. Đồng thời, thường xuyên cải tiến, nâng cao chất lượng Hội báo xuân hằng năm - ngày hội quy tụ các giai phẩm đặc sắc của các cơ quan báo chí, ngày gặp mặt đầu xuân của những người làm báo.
Cùng với công tác tổ chức, việc đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng thông tin, tuyên truyền đã được các cơ quan báo chí chú trọng thực hiện. Trong đó, phải kể đến các mặt hoạt động như: tích cực tham gia Giải Báo chí về Xây dựng Đảng (mang tên Búa liềm vàng), tác phẩm dự Giải ngày càng được đầu tư về đề tài và cách thể hiện. Theo thống kê, qua 7 năm phát động đã có 345 tác phẩm báo chí tham gia Giải, sau khi tiến hành sơ khảo, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã gửi 197 tác phẩm tham dự Giải. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã được Ban Tổ chức Trung ương trao tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc, cách làm sáng tạo trong tổ chức thực hiện Giải Báo chí toàn quốc về Xây dựng Đảng lần thứ I năm 2016 và trao giải Khuyến khích cho tác phẩm “Kiểm điểm dưới cờ - chuyện có một chưa có hai”. Gần đây, tại Lễ công bố và trao Giải Báo chí toàn quốc về Xây dựng Đảng lần thứ V, năm 2020, Ban Chỉ đạo Giải đã trao giải Khuyến khích cho tác phẩm “Làm để dân tin” của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; trao Giấy chứng nhận cho tác phẩm “Công tác cán bộ là then chốt của then chốt” của Báo Lâm Đồng lọt vào vòng chung khảo.
Nhìn nhận về quá trình thực hiện Kết luận 23-KL/TW, Tỉnh ủy đánh giá “Chất lượng tác phẩm của báo chí địa phương ngày càng được nâng cao, đề tài được lựa chọn khai thác khá toàn diện, phản ánh sinh động vai trò lãnh đạo của Đảng trên tất cả các lĩnh vực. Phương pháp thể hiện các tác phẩm cũng ngày càng hấp dẫn, phát huy tốt việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong làm báo. Một số tác phẩm đã đề cập được những nét mới trong đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng, phát hiện những tổ chức, cá nhân điển hình, gương người tốt, việc tốt và đề xuất được một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; phản ánh thực tiễn của đời sống”.
Trong thời gian qua, các cơ quan báo chí với vai trò, trách nhiệm cao đã tích cực tuyên truyền, thực hiện tốt Chỉ thị số 11-CT/TW, ngày 28/12/1996 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 32-CT/TU, ngày 27/5/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao hiệu quả việc đặt mua và đọc báo, tạp chí của Đảng. Thông qua báo Đảng đã góp phần đưa tiếng nói của Đảng, Nhà nước đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân; đồng thời, phản ánh kịp thời ý chí, nguyện vọng, những thành tích, sáng kiến, kinh nghiệm của các tầng lớp Nhân dân cả nước và địa phương trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Một nội dung quan trọng được tập trung thể hiện, đó là tích cực thông tin, tuyên truyền, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tuyên truyền nhằm đấu tranh, phản bác thông tin sai sự thật, xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch trên internet, mạng xã hội; nhóm chuyên gia và cộng tác viên đã chọn lọc đưa hơn 13.980 lượt thông tin bài viết chính thống của Đảng và Nhà nước để phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái lên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội.
Đặc biệt, các cơ quan báo chí luôn giữ vững kỷ luật thông tin; đăng tải hàng ngàn tin, bài tuyên truyền công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chú trọng trên cả hai mặt “xây” và “chống”. Báo chí góp phần ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và tệ nạn xã hội...
Ông Lê Văn Tòa - Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh nhận xét, các cơ quan báo chí địa phương đã có nhiều nỗ lực để thông tin đúng định hướng, chuẩn xác, có nhiều bài viết về chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các mô hình hay, cách làm tốt; bên cạnh đó, những người làm báo đã thông tin về chống tiêu cực, thể hiện sự vào cuộc của cơ quan báo chí đối với các vấn đề được dư luận quan tâm. Từ đó, nguồn thông tin trên báo chí được lan tỏa, tạo sự đồng thuận trong xã hội, thông tin trên báo chí là một trong những kênh quan trọng để lãnh đạo địa phương chỉ đạo, điều hành cũng như các cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Tỉnh ủy đánh giá, sự phối hợp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý hoạt động báo chí còn những hạn chế nhất định, nhất là một số cơ quan chưa chú trọng thực hiện việc cung cấp thông tin, phản hồi thông tin theo quy định... Vẫn còn một bộ phận hội viên Hội Nhà báo thụ động, chưa tích cực tham gia các hoạt động, các phong trào do Hội phát động. Công tác đấu tranh phản bác, ngăn chặn các thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch của các cơ quan báo chí có lúc, có nơi còn thiếu chủ động, thiếu sắc bén, tính chiến đấu chưa cao. Thông tin về tỉnh Lâm Đồng trên một số báo còn có trường hợp thiếu chính xác, chưa phản ánh toàn diện vấn đề...
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, thời gian tới, các nhiệm vụ, giải pháp được đưa ra như: Đổi mới, tăng cường công tác lãnh đạo, quản lý báo chí và thực hiện có hiệu quả Quy chế số 06-QC/TU, ngày 11/8/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về sự phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo và các sở, ban, ngành, đoàn thể trong công tác lãnh đạo, quản lý báo chí trên địa bàn tỉnh. Thực hiện tốt Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, tạo môi trường hoạt động báo chí thuận lợi để báo chí phản ánh trung thực, đúng định hướng các mặt của đời sống xã hội, nhất là các vấn đề phức tạp, quan trọng, nhạy cảm. Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng, kịp thời, hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chú trọng phát hiện, biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến theo phương châm “Nhân cái đẹp, dẹp cái xấu; lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”; tích cực đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và tệ nạn xã hội; đấu tranh có hiệu quả với âm mưu “diễn biến hòa bình”, phản bác kịp thời những quan điểm sai trái, thù địch...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin