''Thổi'' công nghệ vào Festival Hoa

HẢI YẾN 21:50, 28/01/2023

Đạo diễn Hoàng Công Cường được ví như một “phù thủy” sân khấu với khả năng biến hóa giàu màu sắc. Người tổng đạo diễn này đã thổi những giấc mơ hoa ngọt ngào mà sâu lắng đến với sân khấu Festival Hoa Đà Lạt, để khán giả được đắm say với đất trời, cảnh vật, con người và bản sắc Nam Tây Nguyên...

Đạo diễn Hoàng Công Cường(Ảnh do nhân vật cung cấp)
Đạo diễn Hoàng Công Cường (Ảnh do nhân vật cung cấp)

 ĐẶC SẮC BẢN GIỐC ĐẾN HOÀNH TRÁNG SEA GAMES

Hoàng Công Cường vốn không được đào tạo chuyên nghiệp để làm nghệ thuật. Tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân, anh rẽ qua nghệ thuật như một mối duyên. Từ các chương trình hợp tác với VTV trong thời sinh viên, thực hiện một số chương trình truyền hình; trái tim, sự rung cảm, bản năng nghệ sỹ của anh được đánh thức và Hoàng Công Cường thử sức cùng các show thời trang, ca nhạc rồi vươn tầm đến nhiều cuộc thi hoa hậu, các chương trình nghệ thuật quy mô...

Với hơn 40 tuổi đời cùng 12 năm làm đạo diễn, biến hóa qua nhiều sân khấu trong nước và quốc tế, Hoàng Công Cường không thể quên cảm giác vỡ òa khi hoàn thành được show thực cảnh đầu tiên mà anh ấp ủ “Chuyện tình Bản Giốc” vào năm 2019. Bằng cả tâm huyết, khả năng, tình yêu mảnh đất Cao Bằng và Bản Giốc với những câu chuyện huyền thoại, anh đã điêu luyện xử lý các chất liệu tinh tế, cộng với những thủ pháp kể chuyện bằng công nghệ âm thanh, ánh sáng, laser hiện đại nhất ở thời điểm đó. Đặc biệt, toàn bộ show diễn này dựa trên bối cảnh tự nhiên mà tạo hóa ban tặng, đó là thác nước, dòng sông và địa hình tại khu vực Bản Giốc, vọng lên những thanh âm núi rừng... Show diễn tạo ra tiếng vang lớn. Đến nay, anh đã có hàng loạt show thực cảnh ở hàng chục tỉnh, thành khắp cả nước.

Cảnh diễn trong Lễ khai mạc SEA Games 31 (Ảnh: Minh Quyết) và show diễn Chuyện tình Bản Giốc
Cảnh diễn trong Lễ khai mạc SEA Games 31 (Ảnh: Minh Quyết) và show diễn Chuyện tình Bản Giốc

Nếu ví “Chuyện tình Bản Giốc” là “giấc mơ” trong hành trình nghệ thuật của Hoàng Công Cường thì lễ khai mạc và bế mạc SEA Games 31 là niềm tự hào, là dấu mốc vẻ vang trong sự nghiệp của anh. Với trách nhiệm, kinh nghiệm, kỹ năng và độ chín trong nghề, anh đã cùng ekip dày công thực hiện để tạo nên những màn diễn đặc sắc, thăng hoa, giới thiệu dân tộc Việt Nam ngàn năm văn hiến, một Việt Nam thân thiện, một Đông Nam Á đoàn kết, một tinh thần thể thao mạnh mẽ mà trong sáng... Sự xuất hiện của các hình ảnh vừa thực tế vừa bay bổng nhờ ứng dụng kỹ thuật, từ trống đồng, hoa sen, rồng bay, tranh Đông Hồ, hình tượng tre Việt Nam, chiếc nón lá... đã tạo nên những ấn tượng đẹp. Sự kiện này sử dụng công nghệ 3D mapping (kỹ thuật dùng ánh sáng để tạo hiệu ứng 3D cho bề mặt mà nó tiếp xúc nhằm tạo các khối hình ảnh tương tác trong không gian 3 chiều) nhiều nhất trong lịch sử một chương trình của Việt Nam với gần 50 chiếc, hay công nghệ thực tế ảo AR Realtime với độ phủ đại cảnh hoành tráng lần đầu tiên tại Đông Nam Á, cũng là lần đầu tiên tại các kỳ SEA Games...

Khai mạc Festival Hoa Đà Lạt 2022. Ảnh: Chính Thành
Khai mạc Festival Hoa Đà Lạt 2022. Ảnh: Chính Thành

 HUYỀN ẢO FESTIVAL HOA ĐÀ LẠT

Sau lễ khai mạc và bế mạc SEA Games 31 được đánh giá là ấn tượng, ý nghĩa; ekip của chương trình đến với Đà Lạt qua các màn trình diễn trong chương trình nghệ thuật đặc biệt công bố Festival Hoa Đà Lạt, với ý nghĩa quan trọng của một nội dung khai mạc.

Xuất hiện tại kỳ họp báo trước thềm Festival Hoa, đạo diễn Hoàng Công Cường không nói quá nhiều, nhưng cách anh nhấn nhá vào các chi tiết quan trọng, đủ để nhiều người quan tâm về khối lượng công việc mà ekip dành cho một kỳ Festival rất được quan tâm và như đã thành một thương hiệu, tạo sức hút mạnh mẽ. Điều mà Hoàng Công Cường tâm đắc nhất chính là công nghệ thực tế ảo - một công nghệ được sử dụng tại các giải thể thao lớn trên thế giới như Olympic Tokyo 2020, Olympic mùa đông Bắc Kinh 2022... nhưng tại Việt Nam mới được sử dụng chủ yếu trong trường quay và trong điều kiện ngoài trời chỉ mới được ứng dụng trong SEA Games 31, sẽ đến với Festival Hoa Đà Lạt.

Hoàng Công Cường nhận định rằng các công nghệ thực tế ảo tùy tính năng mà được gọi bằng tên chuyên ngành, nhưng tựu trung lại là thể hiện được hình ảnh thực tế trên sân khấu của sự kiện và có thêm tính năng “ảo” bằng các hình thức vẽ thêm, tạo ấn tượng thêm bằng hình ảnh do hiệu ứng của công nghệ. Từ đó đảm nhận chức năng mở rộng sân khấu, giúp các phần trình diễn thêm nhiều màu sắc hơn. 

Tại sân khấu Festival Hoa lần thứ IX, thực tế ảo đã thay thế cho những đạo cụ khổng lồ, tạo ra nhiều vật thể trình diễn từ công nghệ để thể hiện trọn vẹn ý tưởng, cho cảm xúc người xem thêm thăng hoa... Cùng với những màn trình diễn thực trên sân khấu là những lớp hình ảnh đánh mạnh vào thị giác người xem truyền hình và cả khán giả tại chỗ qua màn hình sân khấu. Đó là cảnh vũ trụ, trời đất hoang sơ tái hiện thuở khai thiên lập địa, là đại cảnh thiên nhiên với hình ảnh ngọn thác chảy từ trên núi cao xuống sân khấu, là các lễ hội đặc trưng bằng vũ kịch kết hợp với công nghệ trình chiếu hiện đại. Cảnh trí chuyển sang hình ảnh nương rẫy đang đơm hoa kết trái trong hoạt cảnh ngày mùa bội thu; là ngọn lửa thiêng khổng lồ bằng hiệu ứng với những tàn hoa lửa bay khắp trời - “một đốm lửa thắp sáng rừng hy vọng”; là cả rừng hoa rực rỡ sắc màu... 

Để có những cuộc phiêu du cùng hình ảnh, công nghệ và các loại hình sân khấu; Hoàng Công Cường đã có hàng chục năm nghiên cứu các kỳ Olympic và các đại nhạc hội trên thế giới. Đam mê, hiểu biết để đầu tư và làm chủ công nghệ, cộng với nền tảng là tư duy của người dàn dựng, cảm xúc của một nghệ sỹ, có thể nói Hoàng Công Cường đã khoác lên mỗi chương trình một phục trang vừa vặn và lộng lẫy nhất. 

Khép lại lễ hội hoa, chào Đà Lạt, Hoàng Công Cường lại tiếp tục lên đường thực hiện những kế hoạch dài hơi cho “Bước chân di sản” và những sân khấu đa sắc màu mà anh ấp ủ. Hoàng Công Cường tâm niệm: “Nghệ thuật là sự sáng tạo không giới hạn”, bởi vậy, anh tiếp tục ươm những hạt mầm tươi trẻ, giàu năng lượng để gieo trên những cánh đồng đẫm chiều sâu sáng tạo...