Đà Lạt: Đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa hành chính

GIA KHÁNH  00:03, 15/02/2023

Hiện đại hóa hành chính, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, chuyển đổi số trong công tác quản lý... đang là tiêu điểm của TP Đà Lạt trong giai đoạn hiện nay.

Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ tại tòa nhà mới của UBND TP Đà Lạt
Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ tại tòa nhà mới của UBND TP Đà Lạt

TẠO THUẬN LỢI CHO NGƯỜI DÂN 

Ngay từ đầu năm 2023, UBND TP Đà Lạt đã cho chuyển Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả thành phố (Bộ phận Một cửa) sang địa điểm mới. 

Địa điểm mới này nằm gần kề với địa điểm cũ trước đó trong một tòa nhà mới xây, rộng hơn nhiều, toàn bộ các quầy làm việc của Bộ phận Một cửa đều được bố trí ở tầng 1, có chỗ ngồi chờ rộng rãi cho người dân đến làm hồ sơ, thủ tục hành chính (TTHC). Theo ông Phạm Tấn Long, chuyên viên Văn phòng phụ trách công tác cải cách hành chính (CCHC) UBND TP Đà Lạt, Bộ phận Một cửa mới sẽ được trang bị thêm nhiều thiết bị với tổng mức kinh phí đầu tư khoảng 14 tỷ đồng, được lắp đặt trong thời gian đến nhằm hỗ trợ công dân lẫn công chức thực hiện dịch vụ công trực tuyến. 

Với dịch vụ công trực tuyến, toàn bộ thông tin về TTHC được cung cấp trên mạng điện tử; việc thực hiện và giải quyết hồ sơ của người dân và tổ chức đều được thực hiện trên môi trường mạng; kết quả giải quyết được trả qua hệ thống trực tuyến hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích.

Các trang thiết bị mới tại đây cũng hỗ trợ thành phố tạo tài khoản định danh công dân; phục vụ số hóa thành phần hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC của công dân và tổ chức, góp phần làm giàu cơ sở dữ liệu quốc gia. 

Hiện Đà Lạt đang tiếp nhận và giải quyết tổng cộng 230 TTHC một phần và toàn trình trên hệ thống một cửa điện tử trong đó có 176 TTHC mức độ 3 và 54 TTHC mức độ 4. Trong năm 2022 (tính từ 1/12/2021 đến 4/12/2022), toàn thành phố có tổng cộng 9.628 hồ sơ trực tuyến một phần và toàn trình ở mức độ 3 và mức độ 4; trong đó cấp thành phố có 3767 hồ sơ (mức độ 3 có 907 hồ sơ; mức độ 4 có 2.860 hồ sơ); cấp phường, xã có 5.861 hồ sơ (mức độ 3 có 3.959 hồ sơ; mức độ 4 có 1.902 hồ sơ); tăng nhiều so với năm 2021.

“Sắp đến, chúng tôi với gói trang thiết bị mới sẽ sắp xếp, bố trí lại hợp lý các vị trí làm việc của Bộ phận Một cửa nơi đây, có thêm bàn hướng dẫn cho người dân, tổ chức sử dụng dịch vụ công trực tuyến một phần và toàn trình khi đến giải quyết hồ sơ, TTHC”, ông Long cho biết.

TỪNG BƯỚC HIỆN ĐẠI HÓA HÀNH CHÍNH 

Trong năm 2022, Đà Lạt đã đầu tư hệ thống họp trực tuyến cho 19 điểm cầu gồm 2 điểm tại Thành ủy; 1 điểm tại Văn phòng HĐND và UBND thành phố; 16 điểm cầu phường, xã; hệ thống này đã được đưa vào sử dụng từ tháng 8/2022.

Thành phố cũng đăng ký, cấp hơn 300 thư điện tử công vụ, 400 chứng thư số (USB) cho lãnh đạo, chuyên viên các đơn vị và UBND các phường, xã, chuyên viên phụ trách Bộ phận Một cửa trên địa bàn, đảm bảo việc chứng thực bản sao điện tử, tác nghiệp trên hệ thống văn phòng điện tử, sử dụng chữ ký số 2 lớp theo hướng dẫn của ngành chức năng tỉnh.

UBND thành phố chỉ đạo Công an thành phố, các cơ quan chuyên môn, UBND các phường, xã triển khai công tác định danh và xác thực điện tử; vận động người dân đăng ký xác thực điện tử tại địa bàn khu dân cư và sử dụng các dịch vụ công thiết yếu; tiếp tục hoàn thiện các ứng dụng dùng chung trên địa bàn như Du lịch Đà Lạt, Đà Lạt trực tuyến, Quy hoạch phát triển đô thị, Biển số nhà, Quản lý, bảo vệ rừng, Văn phòng điện tử...

Thành phố cũng đang thí điểm thành lập các Tổ công nghệ số tại cộng đồng. Hầu hết các phường, xã trên địa bàn đến nay đã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng. Các tổ này đã tổ chức các đợt tập huấn việc mua hàng không dùng tiền mặt tại cơ sở; vận động dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, vận động cài đặt các ứng dụng thành phố thông minh. Ban Quản lý chợ Đà Lạt cũng đang phối hợp VNPT Lâm Đồng triển khai dịch vụ Chợ 4.0 sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ cùng chợ đêm.

Hiện, Đà Lạt đang có 11 ứng dụng được triển khai trên địa bàn gồm: Quản lý đăng ký kinh doanh; Quản lý giám sát việc thực hiện văn bản chỉ đạo của UBND thành phố; Cấp phép xây dựng; Xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực văn hóa và xây dựng; Đà Lạt trực tuyến; Du lịch Đà Lạt; Quy hoạch phát triển đô thị; Cấp, quản lý biển số nhà; Quản lý đối tượng người có công và bảo trợ xã hội; Quản lý lĩnh vực y tế; Quản lý, bảo vệ rừng. 

Thành phố cũng tăng cường vận động người dân sử dụng dịch vụ bưu chính công ích. Trong năm 2022 đã có 3.455 cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ này để gửi hồ sơ và nhận kết quả giải quyết TTHC, đạt tỷ lệ trên 20% số hồ sơ, tăng 1.752 lượt cá nhân, tổ chức so với năm 2021.

Trong thời gian đến, Trung tâm Điều hành thông minh của thành phố sẽ trang bị thêm nhiều thiết bị mới hiện đại hơn.Đồng thời, khai thác hiệu quả hệ thống ghi hình (camera) xã hội hóa cùng hệ thống ghi hình chuyên dụng trong giám sát giao thông và hệ thống ghi hình tầm cao nhằm phát hiện và xử lý các vụ việc vi phạm trong các lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, trật tự an toàn xã hội, trật tự xây dựng, trật tự đô thị; tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Đề án “Xây dựng TP Đà Lạt trở thành thành phố thông minh” giai đoạn 2018 - 2025; thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn TP Đà Lạt.