Những năm qua, huyện Đam Rông đã chú trọng đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, qua đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo ngày một nâng cao. Lao động nông thôn đã có nhiều cơ hội để tìm kiếm việc làm và có thu nhập ổn định, góp phần xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.
Người lao động tham gia học nghề tại Công ty TNHH MTV Dâu tằm tơ Duy Phương, huyện Đam Rông |
Đam Rông là một huyện thuần nông, do đó đối với địa phương, vấn đề tạo việc làm cho lao động nông thôn thông qua việc mở các lớp đào tạo nghề, khôi phục, phát triển các nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống, du nhập nghề mới luôn được địa phương quan tâm thực hiện, qua đó góp phần từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm ổn định cho lao động.
Ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đam Rông cho biết, để công tác đào tạo nghề đạt hiệu quả cao, huyện Đam Rông đã ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể, huy động sự vào cuộc tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể ở địa phương đối với công tác dạy nghề và không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn bằng các biện pháp như đổi mới chương trình dạy nghề, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ việc dạy nghề cho lao động nông thôn. Mặt khác, địa phương cũng tiến hành rà soát, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn tại các xã, thị trấn, trên cơ sở đó có kế hoạch dạy nghề phù hợp.
Trong đó, các đơn vị đã chú trọng công tác tuyên truyền thông qua hệ thống truyền thanh từ huyện đến cơ sở; tuyên truyền thông qua hội nghị thôn, khu phố, pano, băng rôn; tổ chức hội nghị để tiến hành tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh khối THPT, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng thường xuyên cập nhật thông tin về thị trường lao động để chuyển tải, cung cấp thông tin về việc làm, tình hình tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài huyện cho đến 8 xã, thị trấn và người lao động được rõ.
Kết quả, trong năm 2022, huyện Đam Rông đã hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho 1.500 lao động, đạt chỉ tiêu nghị quyết Huyện ủy đề ra là giải quyết việc làm cho 1.230 lao động. Cụ thể, giải quyết việc làm cho 544 lao động làm việc ngoài huyện; trong đó, lĩnh vực công nghiệp - xây dựng 210 lao động, lĩnh vực nông nghiệp nông thôn 286 lao động, lĩnh vực thương mại dịch vụ 48 lao động. Đồng thời, giải quyết cho 956 lao động ngoài tỉnh; trong đó, lĩnh vực công nghiệp - xây dựng 870 lao động, lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn 39 lao động, lĩnh vực thương mại dịch vụ 47 lao động.
Cùng với đó, đơn vị cũng phối hợp với các trung tâm hướng nghiệp, đào tạo dạy nghề để mở 8 lớp đào tạo nghề, thu hút 189 học viên tham gia với kinh phí thực hiện gần 450 triệu đồng. Bao gồm 1 lớp sửa chữa máy nông nghiệp ở xã Đạ M’rông; 5 lớp trồng dâu nuôi tằm ở xã Đạ Long, Đạ Tông và Đạ M’rông; 1 lớp ốp và lát gạch đá ở xã Đạ Long; 1 lớp sửa chữa máy nông nghiệp ở Đạ R’sal.
Mặt khác, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cũng đã tổ chức tư vấn, tuyên truyền xuất khẩu lao động cho người lao động trên địa bàn huyện. Riêng trong năm 2022, trên địa bàn huyện có 5 người tham gia đi xuất khẩu lao động tại các thị trường; trong đó Nhật Bản có 4 người và Hàn Quốc có 1 người. Đồng thời, đơn vị cũng phối hợp với UBND các xã rà soát thông tin 3 đối tượng tham gia xuất khẩu lao động đang cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc; trong đó có 1 trường hợp tại xã Đạ R’sal, 1 trường hợp xã Rô Men và 1 trường hợp ở xã Đạ Long; thực hiện rà soát lại toàn bộ các trường hợp tham gia xuất khẩu lao động từ năm 2009 đến nay. Đặc biệt, đơn vị cũng đã tham mưu UBND huyện Đam Rông đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền giải cứu 2 công dân có dấu hiện bị lừa đảo, giam giữ trái pháp luật tại Campuchia.
Song song với công tác đào tạo nghề, huyện Đam Rông cũng đã quan tâm, tạo điều kiện, có chủ trương ban hành cơ chế chính sách thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào địa bàn hoạt động sản xuất, kinh doanh; tham gia trực tiếp đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Bên cạnh đó, UBND huyện Đam Rông còn xây dựng Đề án Hỗ trợ sinh kế cho 268 hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các xã Đạ Long, Đạ M’rông, Đạ Tông và Liêng S’rônh với tổng kinh phí thực hiện 4 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ dụng cụ trồng dâu nuôi tằm, hỗ trợ giống heo đen, hỗ trợ giống cây sầu riêng và làm chuồng trại cho người dân.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin