Hơn 50 năm - quãng thời gian không quá dài nhưng có thể xóa nhòa, lãng quên đi nhiều thứ. Vậy mà vẫn có nhiều hiện vật dù mỏng manh nhưng không bị bào mòn bởi thời gian: đó là những bức thư thời chiến. Về Thành cổ Quảng Trị hôm nay, ta thấy lòng đau đáu, day dứt từ câu chuyện chưa kể, lời thương yêu còn dang dở trong chiến tranh. Lá thư được viết trong những ngày hè đỏ lửa năm 1972 của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh có lẽ đã khiến không ít du khách phải ầng ậng nước mắt...
Bức thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh tại Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị |
Chiến tranh đã lùi xa nhưng về Thành cổ Quảng Trị hôm nay, ký ức về những ngày quá khứ vẫn khơi dậy trong miền nhớ của mỗi chúng ta. Quảng Trị từng được ví là “cối xay thịt” khổng lồ trong 81 ngày đêm năm 1972. Với diện tích khiêm tốn nhưng 81 ngày đêm khói lửa, mảnh đất kiên cường này từng gánh chịu 328.000 tấn bom đạn. Tổng số bom đạn mà quân địch ném xuống thị xã Quảng Trị và Thành cổ trong chiến dịch 81 ngày đêm năm 1972 bằng sức công phá của 7 quả bom nguyên tử. Cuộc chiến ở đây diễn ra như một huyền thoại từ ngày 28/6/1972 đến ngày 16/9/1972. Mất mát, đau thương, chết chóc, tang thương là điều không thể tránh được trong cuộc chiến tại Thành cổ Quảng Trị. Đã có hàng ngàn chiến sĩ đã ngã xuống trong 81 ngày đêm ở nơi này. Máu và xương các anh đã hòa vào lòng đất mẹ anh hùng.
Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị là địa chỉ không thể bỏ qua cho bất kỳ ai có dịp đến với Thành cổ. Ký ức về cuộc chiến tranh được tái hiện bằng những loại vũ khí, những vật dụng của người lính, trong đó, những bức thư viết vội của những chiến sĩ khiến người đọc, người nghe phải rưng rưng. Có nhiều điều phải nhớ, có những câu chuyện phải tri ân và trân quý nhưng có lẽ lắng đọng nhất ở Thành cổ Quảng Trị vẫn là bức thư của chiến sĩ Lê Văn Huỳnh, người con của xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, Thái Bình, sinh viên năm thứ tư Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trước khi đưa hàng hóa vượt sông Thạch Hãn.
Mỗi chữ, mỗi từ trong bức thư mà chiến sĩ Lê Văn Huỳnh gửi đến người mẹ của mình đã làm cho người đọc xúc động: “Toàn gia đình kính thương! Hôm nay con ngồi đây biên vài dòng chữ cuối cùng phòng khi đã "đi nghiên cứu bí mật trong lòng đất” thì gia đình khỏi thấy đó là điều đột ngột.
Mẹ kính mến! Lớn lên trong tay mẹ từ khi còn trứng nước, chưa đền đáp được công ơn to lớn đó của mẹ thì đứa con trai của mẹ đã phải đi thăm bố con rồi. Thư này tới tay mẹ chắc mẹ buồn lắm, công mang nặng, đẻ đau, giọt máu đào hơn ao nước lã. Lá vàng còn ở trên cây, lá xanh rụng xuống, trời ơi hỡi trời. Con của mẹ đã đi để lại cho mẹ nỗi buồn nhất trên đời… Con đi, mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu, coi như con lúc nào cũng nằm bên mẹ, mẹ đừng buồn cho linh hồn con được thoải mái bay đi... Thôi mẹ nhé đừng buồn, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau...”.
Người lính trẻ Lê Văn Huỳnh viết bức thư cuối cùng vào ngày thứ 77 của chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, khi sự khốc liệt của đạn bom lên đến tột cùng. Bức thư không kịp gửi bởi anh cùng những đồng đội cuối cùng đã ngã xuống trên mảnh đất Quảng Trị. Dường như anh đã biết trước cái chết của mình nhưng anh đón nhận một cách rất bình tĩnh. Anh Huỳnh đã viết cho vợ mình là chị Đặng Thị Xơ, người phụ nữ mới chỉ vỏn vẹn có 6 ngày làm vợ và mấy chục năm đằng đẵng thờ chồng: “Em sẽ đọc bức thư này cho mọi người trong gia đình nghe trong buổi lễ truy điệu anh. Cho anh gửi lời chúc sức khỏe đến tất cả những người quen thân thuộc trên quê hương trong buổi lễ truy điệu lịch sử này. Thôi nhé em đừng buồn, khi được sống hòa bình hãy nhớ tới công anh. Nếu thương anh thực sự thì khi hòa bình có điều kiện vào Nam lấy hài cốt anh về... Đường đi như sau: Đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh đã hi sinh khi đưa hàng qua sông. Từ thị xã qua cầu ngược trở lại hỏi thăm về Nhan Biều 1. Nếu tính xuôi theo dòng nước thì ở cuối làng. Về đấy tìm sẽ thấy ghi dòng chữ tên anh đục trên mảnh tôn...”.
Trong bức thư dài 10 trang, chiến sĩ Lê Văn Huỳnh đã gửi lời yêu thương đến mẹ, vợ, cháu, anh chị của mình bằng tình cảm chân thành, sâu đậm. Trong nội dung tâm tình cùng anh chị mình, anh Lê Văn Huỳnh đã căn dặn những điều đầy ý nghĩa, vẹn toàn với cả tình lẫn hiếu. “Em rất hiểu, anh, chị buồn lắm, song anh chị hãy coi như em đã sống trọn một đời vì chiến tranh tất cả. Anh chị hãy vui lên chăm sóc các cháu, nuôi mẹ già sống lâu, đó là điều em mong muốn nhất... Đối với Xơ, anh chị động viên em nó và tìm đường tương lai vì đời em nó còn trẻ lắm...”.
Sau khi hy sinh, bức thư của anh cất giữ bên mình đã được đồng đội đưa về Thái Bình gửi lại cho chị Xơ. Qua lời chỉ dẫn trong bức thư, đến năm 2002, chị và các đồng đội đã tìm thấy phần mộ của anh. Vô cùng ngạc nhiên là những điều trong bức thư là dự cảm đúng đến kỳ lạ, chỉ khác duy nhất là mộ anh được tìm thấy ở thôn Thượng Phước, thuộc xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong chứ không phải thôn Nhan Biều 1. Ở Quảng Trị thì 2 thôn này nằm cạnh nhau.
Chia tay Thành cổ Quảng Trị khi hoàng hôn dần buông xuống. Đường phố đã lên đèn, đâu đó dòng người vẫn còn đổ về vùng đất thiêng để thắp nén nhang cho những đồng đội của mình đã nằm lại nơi này. Rời đất thiêng Thành cổ mà lòng còn nhiều điều phải nhớ. Nơi đây có những người bình thường nhưng đã làm nên điều phi thường. Hôm nay, được sống trong hòa bình, chúng tôi luôn nhớ đến các anh. Vì lẽ đó, trong một lần đến thăm Thành cổ Quảng Trị, cựu chiến binh Phạm Đình Lân xúc động:
Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ
Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió
Ru mãi bài ca Bất tử đến vô cùng”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin