Xây dựng đời sống văn hóa ngày càng thực chất, phòng chống bạo lực gia đình có hiệu quả

QUỲNH UYỂN 20:13, 23/02/2023

(LĐ online) - Ngày 23/2, đồng chí Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và công tác gia đình. 

 

Năm 2022, Ban Chỉ đạo đã không ngừng đẩy mạnh công tác gia đình trong thời kỳ mới, thực hiện tốt phòng, chống bạo lực gia đình qua các hoạt động như: Phổ biến pháp luật về gia đình, tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình và Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái (25/11). 
Tổ chức thăm hỏi động viên các gia đình vượt qua hoàn cảnh khó khăn, vươn lên vun đắp, xây dựng gia đình hòa thuận, bền vững tại Bảo Lộc, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Lâm Hà, Lạc Dương; tổ chức Liên hoan Gia đình Văn hóa tiêu biểu các dân tộc tỉnh chủ đề “Gia đình bình an - Xã hội hạnh phúc”; tham gia trưng bày, triển lãm hình ảnh, tài liệu tại Ngày hội Gia đình Việt Nam năm 2022.
Nhờ vậy, nhận thức của người dân về công tác gia đình và xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc từng bước được nâng lên. Việc phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được quan tâm đã góp phần tích cực đến việc phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, vai trò của gia đình trong việc duy trì ổn định chính trị, giữ vững an ninh trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống các tệ nạn xã hội.
Năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 136 vụ bạo lực gia đình; trong đó, bạo lực tinh thần 66 vụ, bạo lực thân thể 63 vụ, bạo lực kinh tế 7 vụ. Nạn nhân bị bạo lực gia đình chủ yếu là phụ nữ với 82 vụ. Các biện pháp hỗ trợ nạn nhân chủ yếu là tư vấn. Biện pháp xử lý với người gây bạo lực gia đình chủ yếu là góp ý trong cộng đồng dân cư là 103 vụ, người áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc 1 người, áp dụng các biện pháp giáo dục 2 người, xử phạt hành chính 18 người và 1 người xử lý hình sự. 
Một số địa phương chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác gia đình thường xuyên, sâu sát với tình hình thực tế; chưa quan tâm, bố trí kinh phí để triển khai công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình. Đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình ở cấp huyện và cấp xã thường xuyên có sự biến động, cán bộ còn kiêm nhiệm nhiều đầu việc đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng thực hiện nhiệm vụ.

 

Năm qua, chất lượng Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cũng được nâng lên, đi vào chiều sâu và thực chất. Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức với nội dung phong phú, đa dạng đã cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của Nhân dân. 
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Một số nơi phong trào chưa thật sự được quan tâm đúng mức, chưa khơi dậy được tinh thần hưởng ứng của người dân; hệ thống thiết chế văn hóa cấp xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố đã được quan tâm đầu tư xây dựng nhưng một số có dấu hiệu xuống cấp, thiếu hệ thống nhà vệ sinh và chưa phát huy hết vai trò, công năng sử dụng, chưa tạo được sức hút để người dân đến tham gia, sinh hoạt. 
Một số nội dung văn hóa trong Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa  kết quả mang lại chưa thật sự bền vững; việc thực hiện các quy định pháp luật và của địa phương về phòng, chống bạo lực gia đình, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội có lúc, có nơi chưa nghiêm túc; các thành viên Ban Chỉ đạo phong trào chưa thật sự quan tâm đến các hoạt động phong trào, đặc biệt chưa dành nhiều thời trong công tác phối hợp tham gia kiểm tra đánh giá việc thực hiện các nội dung của phong trào để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc kịp thời tham mưu, giải quyết. 
Ý kiến của các thành viên cho rằng, ly hôn thường xuất phát từ nguyên nhân bạo lực gia đình, nhưng số vụ ly hôn hàng năm rất nhiều, trong khi số vụ bạo lực gia đình rất ít. Cần đi sâu sát hơn nữa, kịp thời phát hiện, nắm bắt tình hình bạo lực gia đình, phối hợp theo dõi, giáo dục răn đe, truy tố hình sự các đối tượng vi phạm để ngăn chặn bạo lực gia đình. Việc xây dựng hương ước, quy ước còn mang tính đối phó, mang tính hình thức, chưa hiệu quả, chưa phù hợp với tình hình thực tế của từng khu dân cư…
Năm 2023, tiếp tục lồng ghép nội dung của công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của các sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương. Đa dạng hóa hình thức, đối tượng tuyên truyền về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc, các tiêu chí ứng xử trong gia đình; bình đẳng giới trong gia đình; công tác bảo vệ trẻ em, thực hiện các giải pháp phòng, chống xâm hại trẻ em trong gia đình; các hoạt động truyền thông về phòng, chống tại nạn thương tích ở trẻ em; phòng, chống đuối nước trẻ em; công tác chăm sóc, phát huy vai trò của người cao tuổi trong gia đình. 
Duy trì, nhân rộng, nâng cao chất lượng của các mô hình kiểu mẫu về tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống gắn với phòng chống bạo lực gia đình; CLB Gia đình phát triển bền vững; nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; địa chỉ tin cậy ở cộng đồng... Lồng ghép triển khai thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 gắn với Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Ban Chỉ đạo Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cũng đặt mục tiêu thực hiện năm 2023 như sau: 91,5% số hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hoá; 95% số thôn, buôn, tổ dân phố được công nhận danh hiệu văn hoá; 99% số xã đạt chuẩn văn hoá nông thôn mới; 88,5% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; 98% số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá”.