5 năm xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước

QUỲNH UYỂN 06:01, 20/03/2023

Lâm Đồng có 12 đơn vị hành chính cấp huyện, 142 đơn vị hành chính cấp xã (111 xã, 18 phường và 13 thị trấn), 1.376 thôn, buôn, tổ dân phố với 47 dân tộc anh em cùng sinh sống đan xen, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 24,1%. Các dân tộc chung sống hòa thuận, đoàn kết, tạo nên nét văn hoá riêng đặc trưng của từng dân tộc. Từ đó, hệ thống hương ước, quy ước trên địa bàn tỉnh cũng mang nhiều màu sắc và nét đặc trưng riêng. 

Việc thực hiện tốt hương ước, quy ước đã xây dựng nông thôn Đạ Tẻh thành vùng quê đáng sống
Việc thực hiện tốt hương ước, quy ước đã xây dựng nông thôn Đạ Tẻh thành vùng quê đáng sống

Thực hiện Quyết định số 22 ngày 8/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước, 5 năm qua, việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động tự quản của cộng đồng dân cư, gìn giữ và phát huy những phong tục tập quán, văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, nâng cao chất lượng đời sống của Nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Tại các huyện, thành phố, cấp ủy đảng, chính quyền đã hướng dẫn các xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố xây dựng hương ước, quy ước gắn với nội dung trọng tâm của Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và quy chế dân chủ ở cơ sở, đã bổ sung nội dung xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước gắn với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng “Nông thôn mới, đô thị văn minh”. Từ đó phát huy vai trò của hương ước, quy ước trong công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội, đảm bảo phát huy quyền làm chủ của nhân dân; không ngừng nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, vị trí của hương ước, quy ước trong xây dựng đời sống văn hoá. 

Hiện nay, toàn tỉnh có 1.213/1.376 thôn, buôn, tổ dân phố đã xây dựng và được phê duyệt hương ước, quy ước (đạt tỷ lệ 88%). Nội dung và hình thức của các bản quy ước, hương ước được thực hiện đúng quy định. Không đặt ra các khoản phí, lệ phí, phạt tiền, phạt vật chất. Qua đó, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh ở cơ sở. 

Việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước phù hợp với tình hình thực tế của từng thôn, buôn, tổ dân phố. Là thành phố du lịch, trong hương ước, quy ước của các tổ dân phố trên địa bàn Đà Lạt luôn quy định “bỏ rác đúng nơi quy định, đúng giờ, không xả rác bừa bãi; cư xử hòa nhã với du khách, phát huy phong cách ứng xử người Đà Lạt hiền hòa, thanh lịch, mến khách”, góp phần làm cho Đà Lạt ngày càng đẹp hơn trong mắt du khách. Là huyện vùng xa có khí hậu nắng nóng khắc nghiệt, trong các bản hương ước ở các thôn, làng của huyện Đạ Tẻh luôn quy định “tôn tạo cảnh quan thiên nhiên, xây dựng môi trường sống sáng - xanh - sạch - đẹp đã làm nên những con đường làng, ngõ xóm đầy hoa, tạo nên những miền quê đáng sống. 

Việc triển khai thực hiện hương ước, quy ước đã được các địa phương quan tâm, các hương ước, quy ước sau khi được phê duyệt đều được phổ biến rộng rãi đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên hệ thống truyền thanh không dây của địa phương, qua hội nghị của các ban, ngành, đoàn thể, niêm yết tại nhà văn hoá, nhà sinh hoạt cộng đồng, UBND xã... Việc theo dõi thực hiện hương ước, quy ước của các địa phương được các thôn, tổ dân phố thực hiện tốt qua việc lấy việc chấp hành thực hiện hương ước, quy ước là một trong những tiêu chí đánh giá, xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa, Khu dân cư văn hóa hàng năm, qua đó, đã góp phần đưa hương ước, quy ước vào thực tiễn cuộc sống, nâng cao vai trò của hương ước, quy ước trong cộng đồng dân cư. Việc xem xét đánh giá hương ước, quy ước được thực hiện qua các cuộc họp thôn, tổ dân phố, ngày hội đại đoàn kết dân tộc; người dân tự nguyện, tự giác thực hiện một cách nghiêm túc.

Tuy nhiên, việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước vẫn còn những hạn chế. Mặc dù hương ước, quy ước được xây dựng và triển khai ở hầu hết các thôn, tổ dân phố nhưng chất lượng nội dung của các bản hương ước, quy ước vẫn còn nhiều hạn chế. Việc xây dựng hương ước, quy ước còn mang tính hình thức, nội dung sơ sài, rập khuôn, sao chép. Một số các địa phương hương ước, quy ước chưa mang tính đặc thù, chưa sát với điều kiện, đặc điểm của từng thôn, bản, tổ dân phố nên chưa mang lại hiệu quả cao. Việc sửa đổi, bổ sung, thay thế nội dung hương ước, quy ước tiến hành còn chậm, một số các nội dung của hương ước, quy ước không còn phù hợp với các văn bản pháp luật mới ban hành. 

Để nâng cao công tác quản lý, xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Anh Hùng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng cho biết, trong thời gian tới, ngành Văn hóa tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành về việc xây dựng, duy trì và thực hiện hương ước, quy ước; tăng cường vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên, đẩy mạnh việc tổ chức thực hiện hương ước, quy ước góp phần thiết thực nâng cao chất lượng xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa, Khu dân cư văn hóa. Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của hương ước, quy ước trong giai đoạn hiện nay, nắm rõ các nguyên tắc trong xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước; nội dung, hình thức của hương ước, quy ước; trình tự, thủ tục xây dựng, thông qua, công nhận hương ước, quy ước cũng như các biện pháp xử lý hương ước, quy ước vi phạm. Tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ đối với những bản hương ước, quy ước đã được công nhận từ cách đây 25 năm không còn phù hợp với thực tiễn. Qua đó, nâng cao hiệu quả của thực thi hương ước, quy ước đáp ứng yêu cầu tự quản của cộng đồng dân cư.