(LĐ online) - Đây là hoạt động quảng bá và truyền thông lưu động chính thức diễn ra sáng 4/3 tại Quảng trường Lâm Viên, Đà Lạt.
Các nhà tổ chức và du khách cùng tuyên truyền |
Tham dự có đại diện lãnh đạo và cán bộ của Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, đại diện lãnh đạo Phòng Văn hóa Thông tin TP Đà Lạt, các thành viên trong Ban Quản lý dự án tại VFBC Hà Nội cùng đông đảo khách du lịch và người dân địa phương…
Hoạt động hướng đến thay đổi hành vi và quan niệm xã hội nhằm giảm cầu tiêu thụ thịt động vật hoang dã; đồng thời, kêu gọi sự tham gia của cộng đồng cùng chung tay bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Hợp phần bảo tồn đa dạng sinh học thuộc Dự án Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa kỳ (USAID) tài trợ, đơn vị thực hiện dự án là WWF phối hợp với Ban Quản lý Dự án VFBC Bidoup - Núi Bà và Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, tỉnh Lâm Đồng thông qua chương trình hoạt động mô hình Cà phê Sơn Dã.
Hoạt động trải nghiệm với mục đích lan tỏa thông điệp “Thịt rừng kề miệng, nguy cơ chực chờ” - nguy cơ sức khỏe, nguy cơ vướng vòng lao lý, nguy cơ mất cân bằng sinh thái.
Theo đó, các nhà tổ chức đã trưng bày, giới thiệu và tổ chức các hoạt động tương tác, trải nghiệm như triển lãm một số động vật hoang dã đã ghi nhận tại Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, tìm hiểu và giải đáp các bộ câu hỏi về 6 loài động vật hoang dã quý hiếm cần được bảo vệ thông qua trả lời hệ thống câu hỏi bằng hình thức online...
Sôi nổi tìm hiểu và trả lời các câu hỏi về động vật hoang dã |
Theo đó, cộng đồng tham dự có thể nhận diện được về các loài động vật hoang dã đang được bảo vệ theo các quy định pháp luật; những hành vi có nguy cơ vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã.
Ông Nguyễn Lương Minh - Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà cho biết: “Thông qua hoạt động tuyên truyền này sẽ tạo phong trào sôi nổi, tạo dư luận xã hội ủng hộ, lên án, tẩy chay; đồng thời, vận động, kêu gọi cộng đồng thay đổi các hành vi, thói quen trong cuộc sống hàng ngày, góp phần giảm thiểu tiến tới việc chấm dứt săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo, xâm hại động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm. Công tác tuyên truyền cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, sinh động, thiết thực, hiệu quả và có tính giáo dục sâu sắc, tránh hình thức, phô trương, lãng phí, đặc biệt chú trọng vào các hoạt động thực tiễn có sức lan tỏa và tác động mạnh mẽ đến nhận thức của cộng đồng…”.
Được biết, Tổ chức WWF đang hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền các tỉnh và các đối tác khác triển khai Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học thuộc Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học hướng đến mục tiêu duy trì và tăng cường chất lượng rừng, bảo vệ và duy trì ổn định các loài động vật hoang dã ở những khu rừng có giá trị bảo tồn cao tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Lâm Đồng và Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình), Vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh) và Vườn quốc gia Cát Tiên (Lâm Đồng, Đồng Nai).
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin