(LĐ online) - Sáng 30/3, huyện Đam Rông tổ chức đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng, tài nguyên, môi trường và khoáng sản 3 tháng đầu năm 2023.
Huyện Đam Rông tổ chức đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác quản lý bảo vệ rừng, tài nguyên, môi trường và khoáng sản 3 tháng đầu năm 2023 |
Các đồng chí: Nguyễn Văn Lộc – Bí thư Huyện ủy, Đa Cát Ka Hương – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Trương Hữu Đồng - Chủ tịch UBND huyện chủ trì hội nghị. Trong quý I, công tác quản lý, bảo vệ rừng, tài nguyên, môi trường và khoáng sản được tỉnh, Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy, Thường trực Huyện ủy, Ban Chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ rừng, tài nguyên, môi trường và khoáng sản huyện (Ban Chỉ đạo) và UBND huyện Đam Rông quan tâm chỉ đạo quyết liệt, sâu sát.
Cụ thể, công tác bảo vệ, phát triển rừng, tiếp tục phát huy hiệu quả, diện tích giao khoán bảo vệ rừng và được thụ hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn toàn huyện là 39.223,6 ha. Công tác phát triển rừng, trồng cây xanh được các Ban quản lý rừng phòng hộ và các địa phương tích cực tiến hành nhằm hoàn thành mục tiêu năm 2023 trồng 1.148.000 cây xanh.
Các phương án phòng cháy mùa khô 2022 – 2023 được triển khai đồng bộ, quyết liệt. Đến nay, trên địa bàn huyện không xảy ra cháy rừng.
Tuy nhiên, tình hình lấn chiếm đất lâm nghiệp vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Đến ngày 25/3, các đơn vị, địa phương đã giải tỏa được 13,64 ha/17 vị trí diện tích rừng bị lấn chiếm và tiến hành việc trồng lại rừng.
Trên địa bàn huyện phát hiện 7 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp (trong đó có 2 vụ vi phạm mang tính chất nổi cộm), diện tích thiệt hại 4,76 ha; khối lượng lâm sản thiệt hại 26,58 m3.
Trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường và khoáng sản, Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tổ chức 24 đợt kiểm tra định kỳ và đột xuất và phát hiện 35 vụ vi phạm về san lấp mặt bằng và khai thác khoáng sản không phép. Các cơ quan liên quan đã xử lý vi phạm hành chính với tổng số tiền 125,5 triệu đồng.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã chỉ rõ những vấn đề còn tồn tại trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, tài nguyên, môi trường và khoáng sản trên địa bàn như: tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp còn diễn biến phức tạp, khối lượng lâm sản, diện tích rừng bị thiệt hại tăng, gây thiệt hại lớn tài nguyên rừng. Công tác tuần tra, kiểm tra, truy quét của một số địa phương, trạm quản lý, bảo vệ rừng chưa sâu sát, kịp thời, hiệu quả ở một số địa điểm chưa cao. Các điểm nóng về vi phạm Luật Lâm nghiệp vẫn tiếp diễn ở một số địa bàn. Tình hình vi phạm các quy đinh trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường, khoáng sản tăng cao so với cùng kỳ…
Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo yêu cầu UBND huyện, các đơn vị liên quan tập trung làm tốt công tác tuyên truyền về nội dung này trong nhân dân. Các đơn vị liên quan thường xuyên tuần tra những khu vực thường xảy ra phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật, nhất là ở các địa bàn giáp ranh. Đồng thời, nghiên cứu, tham mưu UBND huyện đề xuất cấp có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với các doanh nghiệp thuê đất thuê rừng triển khai chậm tiến độ, không chấp hành nghĩa vụ bồi thường tài nguyên rừng theo quy định.
Các Ban quản lý rừng tiếp tục rà soát diện tích đất lâm nghiệp thuộc lâm phần được giao quản lý đủ điều kiện để lập phương án, tổ chức trồng lại rừng trong năm 2023 hoặc khoanh nuôi tái sinh nhằm khôi phục rừng. UBND các xã nâng cao vai trò trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ rừng, tài nguyên, môi trường và khoáng sản trên địa bàn. Chú trọng công tác điều tra, xác minh, xử lý nghiêm đối tượng vi phạm các quy định của của Luật Lâm nghiệp, Luật Đất đai, Luật Khoáng sản...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin