Dấu ấn từ Phong trào thi đua ''Dân vận khéo''

DUY DANH 06:12, 03/03/2023

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp ủy đảng quan tâm chỉ đạo hệ thống dân vận triển khai thực hiện đồng bộ, với nhiều đổi mới, hiệu quả thiết thực và tạo sức lan tỏa mạnh mẽ. Từ đó, góp phần tập hợp, vận động được đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu quan trọng về phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị... trên địa bàn.

Các Mô hình “Dân vận khéo” đã góp phần vận động Nhân dân chung tay xây dựng nông thôn mới trên địa bàn
Các Mô hình “Dân vận khéo” đã góp phần vận động Nhân dân chung tay xây dựng nông thôn mới trên địa bàn

Thời gian qua, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện Phong trào thi đua “Dân vận khéo” lồng ghép với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh, của từng địa phương, cơ quan, đơn vị gắn với tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị. Việc triển khai Phong trào thi đua “Dân vận khéo” kết hợp với các cuộc vận động, các phong trào của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã được các ngành, địa phương tập trung hướng về cơ sở với nhiều mô hình, giải pháp thiết thực, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó, các mô hình đã chú trọng thực hiện các giải pháp giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, không ngừng chăm lo, cải thiện đời sống Nhân dân.

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” cũng đã được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh đặc biệt quan tâm, phát huy hiệu quả trong những năm qua. Trong đó, điển hình như Mô hình “Hỗ trợ sinh kế người nghèo” thông qua việc trao phương tiện sinh kế cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo. Chỉ tính riêng trong năm 2022 vừa qua, Mô hình “Hỗ trợ sinh kế người nghèo” đã hỗ trợ trên 18 tỷ đồng cho hơn 1.257 hộ nghèo, hộ cận nghèo tại 23 xã, 3 thị trấn thuộc 7 huyện trong tỉnh để thực hiện các mô hình sản xuất, kinh tế như: trồng chuối Laba, trồng chanh dây, trồng dâu nuôi tằm, nuôi heo đen, cải tạo, trồng xen cây ăn trái, hệ thống béc tưới, giống rau... Sự hỗ trợ kịp thời, thiết thực từ Mô hình “Sinh kế người nghèo” đã tạo động lực, đòn bẩy giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhất là bà con dân tộc thiểu số từng bước phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Qua đó lan tỏa mạnh mẽ đến các tổ chức, cơ sở tôn giáo trên địa bàn tỉnh. Các tổ chức, cơ sở tôn giáo trên địa bàn đã tích cực tham gia Phong trào thi đua “Dân vận khéo” bằng nhiều hoạt động, mô hình cụ thể như: Giáo xứ sáng, xanh, sạch, đẹp; Giáo xứ kiểu mẫu; Giáo họ an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19... Đặc biệt, trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các chức sắc, tín đồ các tôn giáo đã có nhiều đóng góp quan trọng góp phần hỗ trợ công tác phòng, chống dịch, thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, đồng hành cùng dân tộc, sống “tốt đời, đẹp đạo”. Các cơ sở tôn giáo không chỉ tuyên truyền sâu rộng đến các tín đồ thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch mà còn có các hoạt động hỗ trợ các địa phương trong và ngoài tỉnh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 như: vận động, quyên góp trên 3 tỷ đồng; tổ chức quyên góp, vận chuyển gần 11 ngàn tấn rau, củ, quả, nhu yếu phẩm, thiết bị y tế, phương tiện phòng dịch trị giá trên 10 tỷ đồng thông qua các chương trình. Ngoài ra, các cơ sở tôn giáo trên địa bàn cũng đã tổ chức các chuyến xe 0 đồng, chuyến xe yêu thương, siêu thị 0 đồng, chợ nhân đạo, tình nguyện ủng hộ cơ sở vật chất làm cơ sở cách ly tập trung hay huy động y sĩ, dược sĩ tham gia chiến dịch tiêm chủng lưu động...

Một điểm nhấn nữa trong Phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn thời gian qua là trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới. Các mô hình “Dân vận khéo” điển hình tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới đã góp phần vận động mọi tầng lớp Nhân dân chung tay góp sức, hiến đất, hiến cây, ủng hộ kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn trên địa bàn. Qua đó, góp phần vào kết quả xây dựng nông thôn mới ở các địa phương trong tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 107/111 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 96,4%; 5 huyện (Đơn Dương, Đức Trọng, Đạ Tẻh, Cát Tiên và Lâm Hà) được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới; thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới... 

Đồng chí Phạm Thị Phúc - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết, những kết quả tích cực mà công tác dân vận tỉnh đạt được trong thời gian qua đã tạo sự đồng thuận trong Nhân dân. Từ đó, góp phần tích cực xây dựng và củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền các cấp với Nhân dân; động viên, khích lệ Nhân dân tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; không ngừng nỗ lực thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, hướng tới mục tiêu chiến lược trước năm 2025 Lâm Đồng trở thành tỉnh khá trong cả nước.