Di Linh: Nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm gắn với giảm nghèo bền vững

NGỌC NGÀ 15:04, 03/03/2023

(LĐ online) - Sáng 3/3, huyện Di Linh tổ chức hội nghị đánh giá tình hình và bàn giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm gắn với giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện.

Huyện Di Linh nỗ lực giải quyết việc làm cho người dân, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Huyện Di Linh nỗ lực giải quyết việc làm cho người dân, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Đồng chí Đinh Văn Tuấn – Bí thư Huyện ủy, đồng chí Trần Đức Công – Chủ tịch UBND huyện cùng các cán bộ chủ chốt của huyện Di Linh đã tham dự hội nghị.
Báo cáo của UBND huyện Di Linh cho thấy, năm 2022, địa phương đã đào tạo nghề cho hơn 4.200 lao động. Trong đó, đào tạo thường xuyên được hơn 800 người; đào tạo tại các trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề hơn 600 người; ngoài ra còn tiến hành đào tạo theo hình thức kèm cặp, truyền nghề tại các cơ sở, doanh nghiệp và đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn trong và ngoài huyện… Nhờ vậy đã nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn huyện đạt 46%. 
Thực tế triển khai cho thấy công tác đào tạo nghề nói chung, nhất là đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Di Linh hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn.
Về công tác giảm nghèo, năm 2022 cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn đã huy động các nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Theo đó, đến cuối năm 2022,  huyện Di Linh còn 1.597 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,9%. Trong đó, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số còn 1.074 hộ, chiếm 6,7%. Số hộ cận nghèo còn 2.268 hộ, chiếm tỷ lệ 5,4%; hộ cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số còn 1.328 hộ, chiếm tỷ lệ 8,3%. 
Theo đánh giá của huyện Di Linh, nguồn lực huy động cho công tác giảm nghèo chưa đáp ứng yêu cầu; chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để giải quyết việc làm, tiêu thụ và chế biến sản phẩm, tạo thu nhập cho người dân, hình thành các làng nghề có thể thu hút lao động, nhất là trong lúc nông nhàn. Việc lồng ghép giữa các chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo với các chương trình, dự án khác thiếu gắn kết, chưa đồng bộ, thiếu thống nhất, một số nguồn vốn phân bổ còn chậm, nhất là các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất… dẫn đến việc giảm nghèo vẫn còn nhiều khó khăn.
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi bàn bạc những khó khăn của hai vấn đề nêu trên, đồng thời đưa ra các giải pháp để bàn bạc thực hiện. Trên cơ sở đó, lãnh đạo huyện Di Linh cũng đã xác định những mục tiêu đặt ra và các giải pháp cụ thể để tập trung thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm gắn với giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện năm 2023.