(LĐ online) - Ban Chỉ đạo Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa huyện Di Linh vừa cho biên soạn và phát hành Bộ khung tiêu chuẩn về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.
Bộ khung tiêu chuẩn được phát hành đến các hộ gia đình, khu dân cư, người dân dễ nhớ, dễ vận dụng, thực hiện |
Theo đó, Bộ khung tiêu chuẩn được ban hành dựa trên cơ sở Quyết định số 26/2012/QĐ-UBND ngày 27/6 /2012 của UBND tỉnh Lâm Đồng quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh và kèm theo kế hoạch số 115/KH-BCĐ của huyện ngày 30/12/2021. Bộ khung tiêu chuẩn được trình bày rõ ràng, mạch lạc, dễ nắm bắt, in ấn đẹp gồm những quy định về việc cưới, việc tang, lễ hội.
Cụ thể, về việc cưới, trước khi tổ chức việc cưới phải đăng ký kết hôn theo pháp luật, đăng ký quản lý hộ tịch và các quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình. Tổ chức việc cưới đảm bảo trang trọng, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, phù hợp với phong tục tập quán, truyền thống tốt đẹp của địa phương, tôn giáo, dân tộc và hoàn cảnh hai bên gia đình. Nên tổ chức lễ cưới tại một địa điểm, trong một ngày. Tổ chức tiệc mặn nên mời cơm trong gia đình, thân tộc, bạn bè và đồng nghiệp thân thiết; hạn chế tổ chức tiệc cưới linh đình; không sử dụng thuốc lá và hạn chế sử dụng rượu bia. Trang phục cô dâu, chú rể lịch sự, khuyến khích mặc trang phục truyền thống dân tộc; âm nhạc trong đám cưới phải lành mạnh, vui tươi; âm thanh đảm bảo không vượt quá độ ồn cho phép; mở nhạc trong khung thời gian quy định từ 6 – 22 giờ. Không tham dự lễ cưới của các cặp đôi hôn nhân cận huyết, tảo hôn, kết hôn do bị cưỡng ép. Khuyến khích tổ chức lễ cưới tập thể cho nhiều đôi; dùng tiệc trà, tiệc ngọt thay cho tiệc mặn; dùng hình thức báo hỷ thay cho mời dự tiệc cưới. Tổ chức tiệc cưới vào các buổi chiều ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ cuối tuần, ngày lễ.
Về việc tang, bộ khung tiêu chuẩn quy định tang lễ được tổ chức trên tinh thần trang nghiêm, gọn nhẹ, tiết kiệm, đoàn kết cộng đồng, phù hợp với phong tục tập quán của từng dân tộc và yêu cầu phòng chống dịch bệnh. Người qua đời nên được chôn cất trong vòng 48 giờ, nếu người qua đời bị bệnh truyền nhiễm, dịch bệnh không để quá 24 giờ. Không rải tiền Việt Nam, các loại tiền của nước ngoài, vàng mã, tiền âm phủ trên đường đi đưa tang, không gây cản trở giao thông. Các tuần tiết trong việc tang (cúng 3 ngày, 7 ngày, 49 ngày, giỗ) nên tổ chức trong ngày và trong nội bộ gia đình. Không viếng vòng hoa, bức trướng tràn lan mang tính phô trương, lãng phí. Giảm các thủ tục gây phiền hà lãng phí như giết trâu, bò, ăn uống nhiều lần, nhiều ngày… Người qua đời phải chôn cất tập trung tại các nghĩa trang đã được quy hoạch. Khuyến khích hỏa táng, điện táng; hạn chế viếng vòng hoa tránh lãng phí; không dùng hoa giả, hoa nhựa gây ô nhiễm môi trường. Không tổ chức làm cỗ ăn uống trong việc tang; sử dụng băng, đĩa nhạc thay cho đội nhạc tang.
Về lễ hội, việc tổ chức lễ hội phải an toàn, tiết kiệm, không phô trương hình thức; phần lễ được tổ chức trang nghiêm, ngắn gọn, đảm bảo tính giáo dục truyền thống; phần hội tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các trò chơi dân gian tạo không khí vui tươi, lành mạnh. Cờ Tổ quốc phải được treo cao hơn cờ hội, cờ tôn giáo. Trang phục của người tham gia lễ hội phải lịch sự, phù hợp với thuần phong mỹ tục; ứng xử có văn hóa, cấm nói tục, cấm xúc phạm tâm linh; không chen lấn, xô đẩy, tranh cướp, xả rác bừa bãi; tiền công đức, tiền lễ đặt đúng nơi quy định; không ném, thả tiền xuống giếng, xuống ao, hồ, cài tiền lên gốc cây, tay tượng; không thực hiện các hành vi phản cảm. Khuyến khích giới thiệu ý nghĩa, lịch sử về lễ hội, giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc; tưởng nhớ công đức của các bậc tiền nhân trong lịch sử dựng nước và giữ nước; tổ chức các trò chơi dân gian, các hoạt động văn hóa văn nghệ bổ ích, lành mạnh phù hợp với quy mô, tính chất, đặc điểm của lễ hội. Không lợi dụng lễ hội để xâm hại di tích danh lam thắng cảnh; không bán vé vào dự lễ hội; các trò chơi, biểu diễn nghệ thuật, tham quan du lịch trong khu vực diễn ra lễ hội được bán vé theo luật định; không tổ chức các hoạt động kinh doanh trong khu vực bảo vệ của di tích, lịch sử văn hóa.
Việc in ấn phát hành bộ khung tiêu chuẩn đã thể hiện sự sáng tạo trong việc triển khai thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội đến từng hộ gia đình, khu dân cư, làm cho người dân dễ nắm bắt, dễ nhớ, dễ vận dụng thực hiện. Từ đó, đưa những quy định đi vào thực tiễn, đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin