Giải phóng phụ nữ phải từ gia đình và từ bản thân phụ nữ

LINH NHÂN 09:29, 08/03/2023

(LĐ online) - Hiện nay, phụ nữ đóng vai trò là nền tảng trong xây dựng gia đình “no ấm, tiến bộ, hạnh phúc”. Chính vì vậy, công việc giải phóng phụ nữ là một nội dung quan trọng, có tính cấp thiết, thực sự được coi là một động lực và là mục tiêu phát triển của mỗi quốc gia.

Ảnh minh họa. Ảnh: Nguyễn Thành
Ảnh minh họa. Ảnh: Nguyễn Thành

CÔNG CUỘC GIẢI PHÓNG PHỤ NỮ CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN
Từ khi thành lập, Đảng ta đã quan tâm đến sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Khẩu hiệu “nam nữ bình quyền” đã được khẳng định từ Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1946) và các Hiến pháp sau này. 
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác bình đẳng giới, được thế giới công nhận. Phụ nữ Việt Nam đã khẳng định vị trí của mình trong gia đình, cộng đồng, xã hội; có nhiều đóng góp quan trọng, thể hiện rõ vai trò của người chủ đất nước, xứng đáng với 8 chữ vàng được Bác Hồ khen tặng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” và lời khen ngợi của Đảng, Nhà nước trong công cuộc xây dựng CNXH: “Trung hậu, đảm đang, tài năng, anh hùng”. Phụ nữ Việt Nam trở thành biểu tượng trên thế giới về khát vọng hòa bình, độc lập, tự do và giải phóng con người.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác bình đẳng giới và công cuộc giải phóng phụ nữ ngày càng có nhiều diễn biến, biểu hiện phức tạp. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho đối tượng yếu thế mà còn ảnh hưởng đến toàn xã hội. 
Hiện nay, tư tưởng gia trưởng còn tồn tại sâu sắc trong nhiều gia đình, phụ nữ vẫn bị đánh giá thấp so với đàn ông. Đặc biệt, tình trạng bạo lực trong gia đình vẫn còn diễn ra, số phụ nữ bị chồng đánh đập hoặc bị bạo hành tình dục, bạo hành về tinh thần còn chiếm tỉ lệ khá cao. 
Trách nhiệm gia đình và xã hội vẫn đang là “gánh nặng kép” đặt lên vai người phụ nữ. Trong khi đó, phụ nữ còn bị ngăn cản sự học tập, phấn đấu vươn lên, khiến chịu nhiều thiệt thòi, thậm chí không được hưởng thụ cả những thành quả do chính họ làm ra. 
Từ góc nhìn gia đình, có thể thấy những biểu hiện đi ngược với chủ trương tiến bộ, đi ngược với pháp luật vẫn đang ngày càng gia tăng trong nhiều gia đình, kể cả ở những gia đình cán bộ, công chức, doanh nghiệp thành đạt. 
Có thể nói, những hành vi thiếu tôn trọng phụ nữ dẫn đến vi phạm pháp luật, gây hậu quả nặng nề; những cản trở việc học hành, tham gia công tác xã hội của phụ nữ… vẫn còn phổ biến, là tiềm ẩn làm hạn chế quá trình giải phóng phụ nữ. 
Sở dĩ những hành vi nêu trên chậm được thay đổi có liên quan đến nhiều nguyên nhân, yếu tố; trong đó, có nguyên nhân, yếu tố bắt nguồn gốc từ những mâu thuẫn trong cuộc sống gia đình, từ quan niệm “cổ hủ”, từ sự nhận thức chưa đầy đủ của cha mẹ, của người chồng, đến sự cam chịu của người vợ, khiến họ không dám, không muốn, không thể nhờ các tổ chức bênh vực, bảo vệ quyền lợi cho mình. 
Chính từ trong gia đình và bản thân người phụ nữ, lại là nguyên nhân căn bản ăn sâu, bám rễ vào những “tế bào của xã hội”, trở thành căn bệnh khó chữa, không chỉ làm tan vỡ tổ ấm gia đình, mà còn ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội mà nhiều khi cơ quan pháp luật và các tổ chức xã hội lại chỉ coi đó là chuyện riêng của từng gia đình. Xem ra những điều Bác Hồ lúc sinh thời luôn căn dặn Đảng ta là “phải thật sự giải phóng phụ nữ và thật sự tôn trọng quyền lợi của phụ nữ”, vẫn còn là nhiệm vụ cấp thiết và rất nặng nề.
GIẢI PHÓNG PHỤ NỮ PHẢI TỪ GIA ĐÌNH VÀ TỪ CHÍNH BẢN THÂN NGƯỜI PHỤ NỮ 
Thực trạng của bình đẳng giới và công cuộc giải phóng phụ nữ cho thấy, việc có xóa bỏ được định kiến về giới để góp phần giải phóng phụ nữ phụ thuộc rất lớn vào yếu tố gia đình và bản thân người phụ nữ. Bởi vì, chừng nào phụ nữ vẫn còn mang tâm lý tự ti, an phận với cuộc sống gia đình, với “hạnh phúc chật hẹp”; phụ nữ và trẻ em gái còn bị ngược đãi, bạo hành, bị phân biệt đối xử trong các gia đình và họ cứ im lặng chịu đựng vì sự yên ổn của gia đình, sợ ảnh hưởng đến uy tín, công danh của chồng và sợ dư luận xã hội… thì chừng ấy việc thực hiện bình đẳng giới và giải phóng phụ nữ một cách thực chất vẫn còn gặp nhiều gian nan, trắc trở. 
Hiện nay, thế giới lấy chỉ số hạnh phúc của gia đình là thước đo mức độ giải phóng phụ nữ. Vì vậy, gia đình đóng vai trò rất quan trọng, có tính quyết định trong công cuộc giải phóng phụ nữ.
Thực ra, việc giải phóng phụ nữ phải từ gia đình và từ chính bản thân người phụ nữ đã được Bác Hồ nêu lên từ rất sớm. Người cho rằng muốn giải phóng phụ nữ thì trước hết là giải phóng họ khỏi sự trói buộc của tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, khỏi sự bất công ngay trong gia đình của mình. 
Người lên án mạnh mẽ quan điểm “đàn bà phải quanh quẩn trong bếp” dẫn đến vị thế bị hạ thấp trong gia đình và xã hội; lên án các hiện tượng phân biệt đối xử với phụ nữ, nạn bạo lực trong gia đình; phê phán quan niệm giản đơn, hình thức về việc thực hiện bình đẳng trong gia đình, theo kiểu “hôm nay anh rửa bát, quét nhà; hôm sau em rửa bát, quét nhà, nấu cơm”. 
Từ đó, Người luôn khơi dậy tính tự trọng, khả năng nỗ lực tự vươn lên của phụ nữ, động viên phụ nữ đấu tranh với chính mình để vượt lên, góp phần vào chữa bệnh thành kiến của người khác. 
Người nói: “Về phần mình, chị em phụ nữ không nên ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng cho mình, mà tự mình phải tự cường, phải đấu tranh...” và chỉ rõ: “Phụ nữ ta phải xóa bỏ cái tâm lý tự ti và ỷ lại; phải có ý chí tự cường, tự lập; phải nâng cao lên mãi trình độ chính trị, văn hóa, kỹ thuật”. 
Thấm nhuần tư tưởng “Bản thân phụ nữ thì phải tự mình vươn lên” của Hồ Chí Minh, trước hết, người phụ nữ cần thay đổi những nhận thức cổ hủ, lạc hậu mà xã hội cũ còn tồn dư trong suy nghĩ, đầu óc của mình; phải có nhận thức mới, đúng đắn về vai trò của mình trong gia đình và xã hội; tích cực học tập văn hóa, khoa học, kỹ thuật nhằm nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, kiến thức xã hội, phấn đấu đạt tiêu chí người phụ nữ mới “có sức khỏe, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu...” ; phải tự tin, tự giải phóng mình về tình cảm, tâm lý, trí tuệ và hành động… 
Phụ nữ cần được tham gia vào quá trình lao động sản xuất ra làm ra của cải vật chất, bởi chỉ khi làm chủ được về mặt kinh tế, không hoàn toàn phụ thuộc vào người chồng thì khi đó người vợ mới có sự tự tin để làm chủ bản thân mình. 
Tuy nhiên, quá trình phụ nữ tự mình vươn lên giải phóng cho mình rất cần sự hỗ trợ, tác động từ các yếu tố bên ngoài, trong đó đặc biệt là yếu tố gia đình và xã hội. Bởi, một trong những nguyên nhân gây ra nạn bạo lực gia đình, bất bình đẳng giới xuất phát từ những mâu thuẫn trong cuộc sống gia đình, từ tàn dư của quan niệm cổ hủ “trọng nam khinh nữ” còn tồn tại dai dẳng trong các gia đình và do sự thiếu hụt các thiết chế gia đình mới, cũng như việc thực hành pháp luật chưa nghiêm, nhất là chưa có chế tài đủ mạnh để điều chỉnh, răn đe những hành vi vi phạm về bình đẳng giới. 
Từ đó, đòi hỏi cần quan tâm nhiều hơn đến công tác xây dựng đình “no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, tế bào lành mạnh của xã hội, tổ ấm của mỗi người”; đồng thời, tăng chế tài xử phạt, xử lý hình sự đối với hành vi bạo lực gia đình, phân biệt đối xử giới.
Đặt vấn đề chú trọng xây dựng đình “no ấm, tiến bộ, hạnh phúc” là bởi ở đó vợ chồng có quyền lợi và nghĩa vụ ngang nhau trong các công việc của gia đình và ngoài xã hội, có ý thức trách nhiệm thực hiện các quyền và nghĩa vụ một cách công bằng; mọi người đối xử với nhau rất bình đẳng, không bao giờ xảy ra hành vi bạo lực, phân biệt đối xử, “trọng nam khinh nữ”… 
Do đó, xây dựng gia đình văn hóa “ấm no, tiến bô, hạnh phúc” là cơ sở, nền tảng giải phóng phụ nữ một cách thực sự. Việc giải phóng phụ nữ trong gia đình không chỉ giúp phụ nữ giảm nhẹ gánh nặng công việc, mà còn giải phóng họ về mặt tư tưởng, tạo điều kiện cho họ nuôi dưỡng, chăm sóc chu đáo con cái trong bầu không khí gia đình đầm ấm, là tấm gương cho con cái khi lớn lên sẽ trở thành những công dân tốt của xã hội. 
Còn việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật bảo đảm các nguyên tắc bình đẳng giới trên các lĩnh vực có liên quan; đảm bảo phòng, chống bạo lực gia đình tiếp cận theo hướng đa chiều, không chỉ tập trung vào nhóm đối tượng bị tổn thương, mà cả các đối tượng liên quan khác (tổ chức đảng, chính quyến, đoàn thể, ông bà, cha mẹ, chồng,…); tăng cường tính răn đe, xử phạt nặng, kể cả truy tố trước pháp luật đối với những người vi phạm nhằm ngăn chặn triệt để tình trạng bạo hành phụ nữ, phân biệt đối xử giới.
Ngoài ra, yêu cầu giải phóng phụ nữ về kinh tế cũng là điều kiện có ý nghĩa quyết định để đạt được bình đẳng nam nữ. Vì vậy, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần có chính sách phù hợp để đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của từng gia đình, từ đó giảm tải được những áp lực mà người phụ nữ phải lo toan trong cuộc sống gia đình hằng ngày. Hơn nữa, có đáp ứng được nhu cầu về kinh tế thì người phụ nữ mới có điều kiện để giải phóng mình và phát triển bản thân một cách toàn diện.
Từ xưa đến nay, phụ nữ bao giờ cũng đóng vai trò quan trọng trong mỗi gia đình và trong xã hội, ngoài thiên chức đặc biệt làm vợ, làm mẹ, người phụ nữ còn phải đảm đương công việc xã hội như nam giới. Chính vì lẽ đó, họ luôn bận bịu việc nhà, việc nước và thực sự vất vả với công việc của mình. 
Để người phụ nữ “vừa giỏi việc nước vừa đảm việc nhà”, ngoài sự nỗ lực tự vươn lên của bản thân phụ nữ, rất cần sự chung sức của tất cả các thành viên gia đình, nhất là người chồng và sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Có như thế người phụ nữ mới được giải phóng một cách thực sự. 
Kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, ngày đấu tranh vì quyền lợi hạnh phúc của phụ nữ và nhi đồng, đòi quyền bình đẳng với nam giới, cũng là ngày để được xã hội quan tâm và bù đắp những thiệt thòi, vất vả trong cuộc sống của người phụ nữ.