Gói thực phẩm bằng lá chuối - việc nhỏ, giá trị lớn

TRỌNG THANH 11:02, 25/03/2023

(LĐ online) - Cách đây mấy năm, nhiều người bất ngờ, ngạc nhiên, nhất là bà con nông dân, khi Thủ tướng Chính phủ gửi thư khen một số siêu thị, doanh nghiệp thử nghiệm sử dụng lá chuối để bọc rau, thực phẩm thay thế túi nilon đã tạo hiệu ứng tốt trong xã hội… Có lẽ vì không ít người không biết hết, chưa để ý đến giá trị  lớn của một việc, một vật nhỏ như lá chuối.     
Lâu nay, lá chuối dường như quá thông dụng trong cuộc sống người Việt, nhiều ê hề tại khắp các làng quê nhưng lại bị vứt bỏ, bị phơi khô, đốt thành tro... Trong khi đó, các quán ăn, nhà hàng, khi gói xôi, gói thịt, gói đồ ăn sẵn... lại chỉ chuộng dùng túi nilon vì sự tiện dụng, sẵn có... Vì thế, giá trị của lá chuối hầu như không được đánh giá cao.
Thế nhưng, nhiều người sẽ sửng sốt nếu biết rằng, lá chuối ở Việt Nam sang nước ngoài lại vô cùng đắt đỏ. Trên các sàn thương mại điện tử như Amazon, eBay... lá chuối  được bán với giá 17,95 USD (tương đương hơn 410.000 đồng). Còn trên trang Amazon Nhật Bản, một chiếc lá chuối tươi được niêm yết 2.280 yên (gần 500.0000 đồng/lá). Hiện nay, ở nhiều làng quê, một số đơn vị thu mua lá chuối đẹp tại vườn với giá 4.000 đồng/kg để xuất khẩu sang Mỹ. Giá mua rẻ như vậy nhưng giá xuất sang Mỹ thì chắc chắn phải gấp hàng chục lần.
Những chiếc lá chuối bình dị mà dân ta vẫn dùng để gói xôi, gói giò, gói bánh truyền thống đã chứa trong đó rất nhiều giá trị lớn lao mà các quốc gia khác luôn mong muốn có được. Với ưu điểm của một đất nước nhiệt đới, người dân Việt Nam trồng chuối nơi nào cũng xanh tốt. Quả chuối để cung cấp cho thị trường, thân chuối cũng được sử dụng vào nhiều việc có ích, còn lá chuối ít được dùng thì nay tăng thêm những giá trị không ngờ...
Giá trị của lá chuối không chỉ đo đếm đơn thuần bằng tiền thay túi gói nylon mà ngày càng được nâng lên nhiều lần khi đây là giải pháp tốt nhằm hạn chế việc sử dụng và thải rác nilon ra môi trường, góp phần bảo vệ môi trường sống, vì lợi ích cộng đồng. Nếu mỗi người Việt Nam biết rằng, rác thải nhựa của Việt Nam đang ở mức cao so với thế giới. Ước tính có khoảng 3,1 triệu tấn chất thải nhựa thải ra trên đất liền mỗi năm và lượng rác thải đổ ra đại dương từ 0,28 đến 0,73 triệu tấn. 
Việt Nam đang trở thành một trong những nguồn phát sinh rác thải nhựa lớn trên thế giới, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank). Theo thống kê, mỗi hộ gia đình Việt Nam thải ra hơn 1 túi nilon/ngày. Như vậy, sẽ có hàng triệu túi nilon được sử dụng và thải ra môi trường hằng ngày. Chỉ riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, trung bình một ngày đã thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon. Lâm Đồng cũng là địa phương  thải ra khối lượng túi nilon không nhỏ từ sản xuất và tiêu dùng, dịch vụ . Bởi thế, tìm các giải pháp thay thế túi nilon không thể chậm trễ hơn, đã quá cấp bách và trong các giải pháp đó, lá chuối là ưu thế lớn nhất, vừa rất sẵn, rất kinh tế, vừa thân thiện với môi trường, tiêu hủy nhanh trong khi túi nilon thì hàng trăm năm vẫn chưa phân hủy hết. Ngoài lá chuối, hiện lá sen, lá dong cũng có tác dụng tương tự nếu được sử dụng phổ biến trong đời sống hàng ngày mang đến lợi ích với môi trường rất rõ ràng.  
Thế nên, việc Thủ tướng Chính phủ gửi thư khen các doanh nghiệp sử dụng lá chuối để bao gói thực phẩm, rau xanh là vấn đề quan trọng ở tầm quốc gia chứ không là chuyện nhỏ. Bởi nếu mỗi gia đình bớt đi một túi nilon thải ra môi trường hàng ngày, thay thế vào đó là những chiếc lá chuối bình dị từ bao đời nay cha ông ta vẫn dùng, chắc chắn Việt Nam sẽ nhanh chóng thoát khỏi nhóm nước có mức độ ô nhiễm rác thải nhựa lớn nhất thế giới, vì chính cuộc sống hiện tại và vì cả con cháu mai sau. Vì vậy, Chính phủ  kêu gọi các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, các siêu thị, nhà hàng, khách sạn chung tay cùng Chính phủ và toàn xã hội nỗ lực giảm thiểu việc sử dụng túi nilon, rác thải nhựa bằng những hành động thiết thực, hiệu quả.
Là một trung tâm du lịch, dịch vụ của cả nước, người dân Lâm Đồng cần có ngay những hành động thiết thực và cụ thể. Hãy tăng cường sử dụng các loại lá chuối, lá sen, lá dong… để bao gói thực phẩm và hạn chế tới mức thấp nhất sử dụng  túi nilon, góp phần bảo vệ môi trường một cách thực chất và hiệu quả nhất. Việc tưởng nhỏ nhưng giá trị lại vô cùng to lớn.