Hướng tới chuyển giao dịch vụ hành chính công cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm

VIẾT TRỌNG 05:50, 24/03/2023

UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong năm 2023 này sẽ tiếp tục nghiên cứu, thí điểm chuyển giao một số nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm.

Tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ tại Bộ phận Một cửa UBND huyện Lâm Hà
Tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ tại Bộ phận Một cửa UBND huyện Lâm Hà

TRÊN 99,3% HỒ SƠ ĐƯỢC GIẢI QUYẾT 

Theo Sở Nội vụ Lâm Đồng, tổng số lượng thủ tục hành chính (TTHC) thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được Chủ tịch UBND tỉnh công bố tính đến cuối năm 2022 là 1.912 thủ tục, trong đó cấp tỉnh có 1.424 thủ tục, cấp huyện có 323 thủ tục, cấp xã 165 thủ tục.

Một báo cáo gần đây cho biết, tổng số TTHC tỉnh đang thực hiện tiếp nhận tại địa phương gồm 1.860 thủ tục, trong đó cấp tỉnh 1.402 thủ tục, cấp huyện 293 thủ tục và cấp xã 165 thủ tục. 

Tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ hồ sơ TTHC do các sở, ngành tiếp nhận được giải quyết đúng hạn đạt 98,25%, trong đó đã giải quyết xong 471.026 hồ sơ; số giải quyết đúng hạn là 462.796 hồ sơ. Với cấp huyện, tỷ lệ hồ sơ TTHC do UBND cấp huyện tiếp nhận được giải quyết đúng hạn đạt 97,87%, trong đó, số hồ sơ TTHC đã giải quyết xong 89.202; số giải quyết đúng hạn 87.302 hồ sơ. Còn với cấp xã, số hồ sơ TTHC do UBND cấp xã tiếp nhận và giải quyết đúng hạn đạt 99,87%, trong đó tổng số hồ sơ TTHC đã giải quyết xong 445.450 hồ sơ, số giải quyết đúng hạn là 444.900 hồ sơ.

Nếu tính cả việc tiếp nhận và giải quyết TTHC năm 2022 và cả quý I năm 2023, tổng số tiếp nhận toàn tỉnh 1.385.909 hồ sơ, giải quyết trước hạn và đúng hạn 1.376.341 hồ sơ, đạt tỷ lệ 99,31% và chỉ có 9.568 hồ sơ bị trễ hạn.

TĂNG KẾT NỐI

Lâm Đồng trong năm qua đã vận hành, tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên Cổng dịch vụ công quốc gia theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ. Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC từ cấp xã, phường, cấp huyện và cấp tỉnh trong tỉnh hoạt động hiệu quả; giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại 19/19 sở, ban, ngành, 12/12 huyện, thành phố và 142/142 đơn vị cấp xã. Số lượng TTHC thực hiện theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đạt 100%. 

Tỉnh cũng thực hiện toàn bộ TTHC ngành dọc tại Bộ phận Một cửa các cấp theo quy định; thực hiện đầy đủ việc đánh giá chất lượng giải quyết TTHC định kỳ theo quy định; bố trí quầy ưu tiên tiếp nhận hồ sơ cho người già, phụ nữ mang thai, người khuyết tật, đối tượng chính sách, người có công tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; cho lắp đặt hệ thống ghi hình (camera) giám sát tại các quầy tiếp nhận hồ sơ và giải quyết TTHC các cấp. 

Trong năm 2022, Lâm Đồng cũng hoàn thành việc chuyển giao cho Bưu điện tỉnh - đơn vị cung ứng dịch vụ bưu chính công ích đảm nhận quá trình hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ đầu vào, trả kết quả giải quyết hồ sơ theo quy định pháp luật đối với tất cả các lĩnh vực TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh, cấp huyện.

Tỉnh cũng đã hợp nhất cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử của tỉnh; xây dựng kho dữ liệu cá nhân, kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, doanh nghiệp; kết nối hệ thống về cấp lý lịch tư pháp; gắn kết việc số hoá hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC với quá trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ tại Bộ phận Một cửa, tạo cơ sở hình thành dữ liệu chính xác; thực hiện số hóa kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực; triển khai việc cấp Thẻ căn cước công dân tại Trung tâm Phục vụ hành chính công và tại Bộ phận Một cửa cấp huyện.

Riêng với việc thí điểm việc tiếp nhận giải quyết TTHC theo mô hình phi địa giới hành chính, Lâm Đồng đã cho chuyển Bộ phận Một cửa của UBND Phường 4, TP Đà Lạt sang Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh từ đầu tháng 9/2022 để tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ của phường tại đây. Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh cũng triển khai việc tiếp nhận 12 TTHC thuộc lĩnh vực đất đai trên địa bàn TP Đà Lạt tại đây để giảm áp lực tại Bộ phận Một cửa UBND thành phố. 

“Hiện nay, tỉnh mới bước đầu chuyển vị trí địa điểm tiếp nhận và trả kết quả. Để thực hiện mô hình giải quyết hồ sơ TTHC phi địa giới hành chính theo yêu cầu của tỉnh sẽ phải chờ khi cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia hoàn thiện mới có thể triển khai được” - một cán bộ phụ trách công tác CCHC của UBND TP Đà Lạt cho biết.

HỒ SƠ ĐIỆN TỬ TĂNG

UBND tỉnh Lâm Đồng trong thời gian qua đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức việc tiếp nhận, giải quyết TTHC trên môi trường điện tử (trên Cổng dịch vụ công của tỉnh và Cổng dịch vụ công quốc gia), đồng thời tổ chức đánh giá chất lượng đối với phương thức thực hiện TTHC trên môi trường điện tử nhằm kịp thời đưa ra những giải pháp mới áp dụng phù hợp với địa phương; tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh thông tin đối với Hệ thống thông tin một cửa của tỉnh; kịp thời khắc phục sự cố của hệ thống khi thực hiện TTHC điện tử.

Tỉnh cũng tăng cường rà soát các TTHC, xây dựng danh mục dịch vụ công trực tuyến của tỉnh lên Cổng dịch vụ công quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp tiếp cận, giải quyết TTHC. Cụ thể, trong năm 2022, tỉnh đã cho rà soát, ban hành 1.210 dịch vụ công trực tuyến, trong đó, có 491 dịch vụ công toàn trình và 719 dịch vụ công trực tuyến một phần. Trong năm 2022, toàn tỉnh đã tiếp nhận được 224.910 hồ sơ trực tuyến trong tất cả các lĩnh vực, chiếm tỷ lệ 28,30% số hồ sơ, tăng nhiều so với thời gian trước.

XÂY DỰNG NỀN HÀNH CHÍNH PHỤC VỤ

Trong năm 2023, UBND tỉnh cho biết, sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác CCHC trên địa bàn; duy trì và tăng tỷ lệ văn bản, tài liệu chính thức trao đổi với các cơ quan, đơn vị dưới dạng điện tử; tích cực tham gia dữ liệu mở và cung cấp dữ liệu mở hướng đến xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trong tỉnh.

Tỉnh cũng chú ý công bố danh mục TTHC, cập nhật cơ sở dữ liệu Cổng dịch vụ công quốc gia và thực hiện việc công khai TTHC theo quy định; tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về quy định hành chính; vận hành hiệu quả Cổng dịch vụ công quốc gia theo yêu cầu của Chính phủ; thực hiện tốt đề án đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC.

Ngành chức năng tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng và ban hành quy trình nội bộ, quy trình điện tử trong thực hiện TTHC; đánh giá, công khai chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công tại các bộ, ngành, địa phương; cập nhật đầy đủ, chính xác, công khai, kịp thời và thực hiện tham vấn các quy định, phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh.

Lâm Đồng cũng cam kết thực hiện hiệu quả chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài trong hoạt động công vụ của các cơ quan, địa phương trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường thanh tra, kiểm tra kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức.

Đặc biệt, UBND tỉnh cho biết cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu, thí điểm chuyển giao một số nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm.