(LĐ online) - Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có thông cáo chi phí sinh hoạt theo không gian năm 2022. Theo báo cáo, Lâm Đồng biến động tăng mức độ đắt đỏ của năm 2022 so với năm 2021 tương đối cao (từ 10-13 bậc).
Thống kê cho thấy mức độ chi phí sinh hoạt của người dân Lâm Đồng tăng mạnh năm 2022 |
Theo Tổng cục thống kê, chỉ số giá sinh hoạt theo không gian là chỉ tiêu tương đối, phản ánh sự chênh lệch giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng phục vụ đời sống hằng ngày của người dân giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giữa các vùng kinh tế - xã hội trong một thời gian nhất định. Mỗi năm Tổng cục Thống kê sẽ công bố chỉ số này một lần.
Năm 2022 nằm trong nhóm 30 địa phương tăng mức độ đắt đỏ. Theo báo cáo, Lâm Đồng biến động tăng mức độ đắt đỏ của năm 2022 so với năm 2021 tương đối cao (từ 10-13 bậc).
Trước đó, trong năm 2021, Lâm Đồng nằm trong số địa phương giảm mức độ đắt đỏ hơn năm 2020 từ 9 đến 23 bậc cùng với các tỉnh, như Đắk Lắk, Tây Ninh, Nam Định, Hà Giang, Lai Châu, Bến Tre, Cà Mau. Thống kê cho thấy các tỉnh nêu trên chủ yếu có giá thấp hơn ở nhóm hàng thực phẩm, giáo dục, may mặc, mũ nón, giày dép, hàng hóa và dịch vụ khác.
Mức độ đắt đỏ trong sinh hoạt của người dân các tỉnh, thành phố những năm qua được Tổng cục Thống kê xác lập dựa trên ghi nhận giá cả của 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính. Đó là các nhóm: hàng ăn và dịch vụ ăn uống, đồ uống và thuốc lá; thuốc và dịch vụ y tế; may mặc, mũ nón, giày dép; nhà ở, điện nước, chất đốt; vật liệu xây dựng; thiết bị đồ dùng gia đình; giáo dục; giao thông; văn hóa giải trí và du lịch; hàng hóa dịch vụ khác.
Xét rộng hơn ở không gian cấp vùng, trong năm 2022, chi phí sinh hoạt của người dân Đồng bằng sông Hồng đắt đỏ nhất, tiếp đó là vùng trung du miền núi phía Bắc, Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin