''Phiên bản'' của gia tộc Honda ở xứ trà B’Lao

Ghi chép: TRẦN ĐẠI 06:13, 02/03/2023

Ông Honda Soichiro người Nhật, sinh năm 1906 là người thiết kế và sáng lập ra Tập đoàn xe máy Honda của Nhật Bản. Tập đoàn của ông được xếp là 1 trong 4 đơn vị hùng mạnh nhất của xứ sở mặt trời mọc với doanh thu hàng tỉ đô la. Sau năm 1945, gia tộc ông hưởng ứng lời kêu gọi của chính phủ xây dựng đất nước từ thất bại sau chiến tranh nên đã dùng vốn liếng của mình cho con cháu xuất ngoại học chuyên nghề mô tô với mục đích mang kiến thức về nước nâng cấp loại xe truyền thống của mình. Năm 1973, ông lui về làm cố vấn cao cấp cho tập đoàn của ông.

Phơi trà tại Công ty Trà Tam Dương
Phơi trà tại Công ty Trà Tam Dương

Tôi biết ông Lại Thế Cần - một trong những doanh nhân thành đạt về vùng nguyên liệu, chế biến và sản xuất trà ở B’Lao lần đầu tiên vào năm 2010. Lúc ấy, ông đã là chủ nông trang trà Ô long và cũng là Giám đốc Công ty Trà Tam Dương ở xã Lộc Quảng, huyện Bảo Lâm. Mười ba năm trước, ông trên 50 tuổi, ngoài thân hình vạm vỡ cao lớn, ông còn có bề dày kiến thức về xã hội và trà một cách uyên bác kèm theo âm sắc hào sảng như một võ tướng. Ông Cần là con ruột của ông Lại Thế Liêm, một vị cai đồn điền chè thời Pháp thuộc và cũng là một trong những tiền nhân viết giấy khai sinh nghề trà B’Lao vào đầu thập niên 40 tại sơn nguyên này. Ông Cần sinh tại Bảo Lộc rồi lớn lên cùng xuôi ngược theo nghề của bố, ông thuộc lòng từng loại trà, chất đất cũng như hương vị từng vùng B’Lao xưa.

Mùa đông năm rồi, ông bạn già B’Lao bất ngờ ghé thăm tôi vào sáng sớm đầy sương mù. Lâu rồi không gặp, hai anh em ôm nhau như 2 người lính trận thời trai trẻ lâu ngày gặp lại. Tại nhà riêng, tôi tự tay pha trà Ô long Tam Dương rồi cả hai lặng lẽ ngắm nhìn dòng đời của nhau trong tâm thức. Trước mắt tôi là hình ảnh người bạn ẩn mình trong sương mù phố núi phảng phất chập chờn. Lúc ấy tôi mường tượng một sơn nguyên B’Lao mờ ảo bắt đầu từ năm 1924 đến tận bây giờ, một trăm năm còn gì! Ngày ấy, Quốc lộ 20 trải sỏi đá rộng 4m, ven đường là rừng già nguyên sinh, chiều về đàn cọp Bà Sa ở chân đèo kéo nhau ngồi 2 bên vệ đường như khỉ núi. Và mỗi lần có dịp đi qua cầu Trắng phố thị, hình ảnh bà nội ông đội đơn quỳ giữa đường trưa nắng đón vị công sứ Pháp tỉnh Đồng Nai Thượng vào năm 1948 để xin tha chết cho bố ông, xa xa chập chờn người B’Lao trồng trà tư nhân đầu tiên từ năm 1945 cứ lặng lẽ hiện về trong tâm thức mà không cần kịch bản, phối cảnh, ánh sáng, trường quay.

Trong cõi người ta gần như mỗi người đều có một thời vang bóng riêng, sau đó âm hưởng hình ảnh thời oanh liệt ấy đến cuối đời, thế nhưng chỉ mới 13 năm sau lần gặp nhau ở nông trang trà Lộc Ngãi, bây giờ trông ông Cần già và gầy đi theo bóng thời gian. Lần này tuy tuổi cao, sức khỏe giảm sút nhưng đôi mắt và nghị lực của ông vẫn tinh tường như thời trai trẻ. Nhấp ly trà do chính mình sản xuất, ông từ tốn “Nghề trà của gia tộc Lại Thế... đã trải qua 3 đời. Đời bố tôi chuyên trồng trà truyền thống với diện tích 100 ha gồm 90 ha ở Lộc Nga dọc theo Quốc lộ 20 còn có 40 ha trà và 10 ha cà phê ở Lộc Sơn và để người dân có vốn liếng cơ hội tiếp cận nghề trà, năm 1973, bố tôi mở Ngân hàng Nông thôn Bảo Lộc cho bà con vay vốn làm ăn. Thế nhưng đến thế hệ của chúng tôi, sau năm 1975 đất đai của gia tộc chuyển sang sở hữu toàn dân nên không còn cơ hội trực tiếp theo nghề, mãi đến năm 2000 chúng tôi mới trở lại nghề trà, lúc ấy trắng tay nên đã gom hết tài sản mới có thể mua 50 ha đất hoang và xây dựng nhà máy chế biến trà tại vùng nguyên liệu thuộc xã Lộc Quảng (Bảo Lâm). Với di sản là kiến thức về nghiệp trà sẵn có nên gia đình thành lập công ty trà mang tên Tam Dương và thay vì theo nghề trà truyền thống, gia đình quyết định đầu tư vào sản xuất chế biến trà Ô long gồm các giống trà Kim Huyên, Thúy Ngọc và Tứ Quý với công suất 150 tấn thành phẩm/ năm, chủ yếu xuất khẩu sang Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga...”.

Ông Cần ngã người dựa lưng vào chiếc ghế già ọp ẹp thở hắt “Anh biết đấy! Tôi may mắn là người quyết tâm theo nghề trà của bố, tuy nhiên, thương trường mãi mãi là chiến trường nhưng thua trên sân nhà mới đau”. Ông dừng lại ngắm nhìn những chiếc xe đời mới xuôi ngược trên Quốc lộ 20 rồi tiếp tục: “Nghề trà B’Lao thời mở cửa đồng nghĩa chuyển sang xã hội hóa, bên cạnh lực lượng sản xuất trà xứ mình còn thêm nước ngoài như Đài Loan, Trung Quốc, Nhật, họ có bề dày và số lượng khách hàng bền vững về mặt hàng Ô long. Vì vậy cuộc chiến thầm lặng về mặt hàng này diễn ra khốc liệt. Trà Ô long Tam Dương buộc phải vươn ra biển lớn, nói thì dễ nhưng bắt tay vào việc thật sự không dễ dàng. Những năm ấy ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm cho phù hợp với thông lệ quốc tế và khách hàng đa cấp, chúng tôi đã dồn sức đầu tư cho các con đi học chuyên ngành trong và ngoài nước mục đích tìm kiếm kiến thức hội nhập để duy trì nghề trà truyền thống như gia tộc ông Honda Soichiro của Nhật sau năm 1945. Anh là người miền Nam chắc anh nhớ các loại xe máy của Nhật Bản từ Honda 67, 68, 72 xe Dame sau này thêm các loại Cub tiếp đến Air Blade, Lead... người Nhật luôn cải tiến để theo kịp sự phát triển thị hiếu người tiêu dùng về xe máy trong và ngoài nước. Những thành công đó đều do các con của ông Honda mang kỹ thuật nước ngoài kết hợp xe máy truyền thống để nâng cấp, cải tiến hiện đại hơn. Đến nay, Tập đoàn Honda phát triển tốc độ thế nào chắc anh đã biết. Hiện nay, vợ chồng tôi sau bao năm lăn lộn đã thấm mệt, sắp tới sẽ lui về hậu trường làm cố vấn như ông Honda, mình đã già không còn sức nữa ông ạ!”. Ông Cần im lặng gõ nhẹ trên bàn vài ba nhịp rồi bất thần cất lên câu hát chế theo bài nhạc Một cõi đi về của Trịnh Công Sơn với chất giọng khàn khàn “Bao năm xông pha...a a a, nay đời mõi mệt...”, rồi ông đứng dậy bắt tay tôi tạm biệt vội vã ra về chuẩn bị những lô hàng cuối năm sang thị trường Nga.

Tuần rồi, thật may mắn, tôi gặp được thế hệ thứ ba của dòng họ Lại (các con của anh Cần) là Lại Thế Cảnh, Lại Thị Quỳnh Dao, Lại Thế Quang, Lại Thế Phú. Điều rất mừng là các cháu đều gắn bó với nghề trà của gia tộc, trong đó Quỳnh Dao du học ở Mỹ và Đài Loan trở về, hiện nay là một nữ doanh nghiệp trẻ năng nổ trong nghề chè ở B’Lao. Quỳnh Dao sau khi về nước tiếp tục tham gia nghề truyền thống của gia tộc, mới đây, cháu còn mở thêm Công ty Trà Kim Điền (tên cũ nông trại trà ông nội). Ngoài trà thương hiệu Ô long của bố, thế hệ thứ ba này không những xây thêm nhà xưởng mới với diện tích 5.000 m2 bên cạnh nhà máy sẵn có của thế hệ thứ hai mà còn sản xuất thêm các sản phẩm trà cung cấp cho thị trường nội địa như trà túi lọc, trà Gaba, trà Đông Phương, Mỹ Nhân và nguyên liệu trà sữa... với công suất trung bình 20 tấn thành phẩm/ tháng. Quỳnh Dao nói thông thạo 2 ngoại ngữ Anh và Hoa có thể giao tiếp khách hàng ngoài nước.

***

Để làm quen với một nữ doanh nhân trẻ thời 4.0, tôi chuyển cuộc chuyện trò từ tiếng Việt sang Anh ngữ để sống động hơn đồng thời kiểm tra vốn từ ngoại ngữ của cháu về nghề trà, Quỳnh Dao vui vẻ trả lời tiếng Anh một cách lưu loát bằng âm sắc Bắc Mỹ pha lẫn giọng Hoa: “Chúng cháu sinh ra và lớn lên ở B’Lao nên tự hào về xứ sở này, đặc biệt biết ơn những người làm trà từ 100 năm nay đã mang danh trà B’Lao đến khắp mọi miền. Chúng cháu cũng tự hào về nghề trà của dòng họ Lại. Thế hệ thứ nhất là ông nội Lại Thế Liêm, người khai phá vùng đất mới trong gian khổ. Thế hệ thứ hai là bố Lại Thế Cần, người quay trở lại nghề trà từ tay trắng đi lên trong muôn vàn khốn khó từ đêm trước đổi mới và thế hệ thứ ba là các anh em cháu thời công nghệ thông tin mở cửa, mỗi thế hệ có cái hay và vất vả khác nhau. Riêng tụi cháu phải bơi ra "biển lớn" để hội nhập thương trường thế giới nên phải năng động và tư duy nhiều hơn, nhưng tất cả cũng chỉ là thành công bước đầu cũng như tên gọi Tam Dương (3 ánh dương) như bố cháu mơ ước thôi”.