(LĐ online) - Sáng ngày 14/3, dưới sự chủ trì, điều hành của ông Võ Ngọc Hiệp - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Lâm Đồng, Hội nghị đánh giá công tác bảo vệ rừng và phát triển rừng bền vững 3 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ thời gian tới được tổ chức.
Quang cảnh hội nghị |
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh, năm 2022 công tác quản lý bảo vệ rừng được triển khai bảo đảm. Trong số các vụ vi phạm, chủ yếu vẫn là phá rừng để lấy đất sản xuất. Các ngành chức năng đã kiên quyết thu hồi, trồng lại rừng. Riêng 3 tháng đầu năm nay, các ngành, địa phương tiếp tục triển khai, chấp hành nghiêm và cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết, văn bản của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về quản lý, bảo vệ rừng.
Tuy nhiên, toàn tỉnh vẫn xảy ra 47 vụ vi phạm, dù giảm 8% số vụ so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng diện tích phá rừng lại tăng 135%. Trong đó nổi lên có 6 vụ vi phạm phức tạp, nổi cộm, số vụ tăng hơn 83%. Cũng trong thời gian này, trên địa bàn tỉnh xảy ra 4 vụ cháy rừng, diện tích thiệt hại hơn 11ha. Hơn 80% số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp được cơ quan chức năng xử lý. Các dự án thuê rừng để phát triển lâm nghiệp được tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các dự án không chấp hành đúng giấy phép đầu tư. Ngành lâm nghiệp cũng tiếp tục rà soát, điều chỉnh cơ cấu 3 loại rừng và công tác lập hồ sơ trồng rừng theo kế hoạch.
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Hiệp nhấn mạnh, ý kiến của các ngành tại hội đã chỉ rõ nhiều nội dung, trong đó vấn đề hạn chế trong công tác quản lý cần làm rõ, đặc biệt là công tác phát hiện thiếu kịp thời; công tác lập hồ sơ xử lý các vụ vi phạm của chủ rừng, chính quyền còn lỏng lẻo, thiếu tính răn đe, nhất là vấn đề xử lý thiếu kiên quyết các trường hợp lấn chiếm đất rừng; công tác phối hợp chưa thực sự đồng bộ; khó khăn và giải pháp điều tra, xử lý các vụ phá rừng nổi cộm…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp; nhất là người đứng đầu cần nêu cao trách nhiệm, xem nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng là nhiệm vụ trọng tâm. Trong nhiều nguyên nhân, để xảy ra vi phạm Luật Lâm nghiệp có liên quan đến lực chuyên trách, do đó ngành Kiểm lâm phải có biện pháp hiệu quả hơn trong quy chế phối hợp với chủ rừng và cần tổ chức thanh tra khi để xảy ra mất rừng. Thời gian tới, ngành Lâm nghiệp tiếp tục nắm bắt rõ các dự án thuê rừng, tổ chức kiểm tra, có phương án giải quyết sau khi kiểm tra; cùng với đó, đẩy mạnh quy chế phối hợp cùng giữa ngành Lâm nghiệp, chủ rừng, địa phương nhất là lực lượng chuyên trách, lực lượng không chuyên trong công tác quản lý và phát triển rừng bền vững trong tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin