Bảo hiểm xã hội Lâm Đồng đánh giá tiến độ thực hiện Đề án 06

AN NHIÊN 16:31, 13/04/2023

(LĐ online) - Ngày 13/4, đoàn công tác Công an tỉnh Lâm Đồng do Đại tá Bùi Đức Thịnh –Phó Giám đốc Công an tỉnh, làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Bảo hiểm xã hội (BHXH) Lâm Đồng nhằm kiểm tra đánh giá tiến độ thực hiện Đề án 06 của Chính phủ.

Ông Trần Văn Sơn –Phó Giám đốc BHXH tỉnh báo cáo kết quả thực hiện Đề án 06 trong 3 tháng đầu năm 2023
Ông Trần Văn Sơn –Phó Giám đốc BHXH tỉnh báo cáo kết quả thực hiện Đề án 06 trong 3 tháng đầu năm 2023

Tại buổi làm việc, ông Trần Văn Sơn – Phó Giám đốc BHXH tỉnh đã báo cáo kết quả thực hiện đề án 06 trong 3 tháng đầu năm 2023. Theo đó, BHXH tỉnh được giao phối hợp với Cơ quan Công an, các cơ quan đơn vị thực hiện các nhiệm vụ tại Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06).
Theo Kế hoạch số 516/KH-BCĐ06 ngày 18/01/2023 của Ban Chỉ đạo triển khai Đề án 06 tỉnh về triển khai thực hiện Đề án 06 năm 2023 trên địa bàn tỉnh, BHXH tỉnh Lâm Đồng được giao phối hợp với cơ quan Công an, các cơ quan đơn vị trên địa bàn để thực hiện việc xác thực giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về bảo hiểm và CSDLQG về dân cư đến 30/6/2023 đạt 100%.
BHXH tỉnh Lâm Đồng đã ban hành kế hoạch triển khai cập nhật bổ sung số định danh cá nhân, căn cước công dân (ĐDCN/CCCD) của người tham gia trong CSDL BHXH tỉnh quản lý. Đồng thời, BHXH tỉnh cũng đã ban hành các văn bản gửi cơ quan công an, các cơ quan, đơn vị để phối hợp cung cấp số ĐDCN/CCCD nhằm triển khai thực hiện việc xác thực đồng bộ CSDLQG về bảo hiểm và CSDLQG về dân cư.
BHXH tỉnh cũng đã ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của BHXH tỉnh, tổ giúp việc, quy chế hoạt động của ban chỉ đạo, tổ giúp việc để thực hiện chỉ đạo triển khai nhiệm vụ chuyển đối của cơ quan, trong đó một trong những nhiệm vụ quan trọng là thực hiện Đề án 06.
BHXH tỉnh được trang bị hệ thống mạng nội bộ, hệ thống mạng WAN ngành, hệ thống mạng internet tốc độ cao, hệ thống máy vi tính đáp ứng yêu cầu để triển khai thực hiện các dịch vụ công do cơ quan BHXH cung cấp. Tại BHXH tỉnh, chữ ký số được cấp cho tất cả cán bộ, viên chức để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn trong các quy trình nghiệp vụ của ngành; các văn bản được chuyển qua hệ thống quản lý văn bản và điều hành của ngành và được ký số lãnh đạo và ký số tổ chức trước khi phát hành; đối với các đơn vị sử dụng lao động thực hiện giao dịch điện tử với cơ quan BHXH đều thực hiện ký số hồ sơ trước khi gửi.
Cơ quan BHXH đã cung cấp 25/25 dịch vụ công mức độ 4 trên cổng dịch vụ công của ngành, trong đó đã tích hợp 13 dịch vụ công lên cổng dịch vụ công quốc gia. Với dịch vụ công liên thông đăng ký khai sinh – cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi tiếp tục được thực hiện và đã đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa liên thông việc đăng ký thường trú với đăng ký khai sinh – cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi do mới đang thực hiện thí điểm tại Hà Nội và Hà Nam. BHXH tỉnh sẵn sàng để thực hiện việc liên thông khi có hướng dẫn của BHXH Việt Nam và các bộ ngành liên quan.
Việc sử dụng CCCD khi đi khám, chữa bệnh BHYT, hiện tại 100% các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trên toàn tỉnh đã thực hiện tra cứu bằng CCCD khi người dân đi khám chữa bệnh BHYT, trong 3 tháng đầu năm có 230.928 lượt tra cứu thành công. Toàn bộ các thủ tục hành chính của cơ quan BHXH không yêu cầu người dân cung cấp sổ hộ khẩu.
Việc chi trả không dùng tiền mặt như: Chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng đạt 56,32%; chi trợ cấp 1 lần đạt 87,61%; chi trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp đạt 99,56%.

Các Phòng nghiệp vụ thuộc BHXH tỉnh ý kiến về việc đồng bộ CCCD chưa được với dữ liệu BHXH
Các Phòng nghiệp vụ thuộc BHXH tỉnh ý kiến về việc đồng bộ CCCD chưa được với dữ liệu BHXH

Hiện tại trên địa bàn tỉnh có 224.987 người cài đặt ứng dụng BHXH số (VssID). Việc cài đặt ứng dụng VNeID được cơ quan BHXH phổ biến đến cán bộ, viên chức của cơ quan để cài đặt, sử dụng.
Ngành BHXH đã thực hiện thành công việc kết nối chia sẻ dữ liệu giữa CSDLQG về bảo hiểm và CSDLQG về dân cư. Trong 3 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã làm sạch xác thực giữa CSDLQG về bảo hiểm và CSDLQG về dân cư  được 216.062 trường hợp, tỷ lệ xác thực hiện tại là 88%.
BHXH tỉnh thực hiện triển khai các giải pháp để bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trong việc sử dụng khai thác dữ liệu theo quy định, thực hiện các giải pháp an toàn, an ninh thông tin do Ngành triển khai cũng như các giải pháp cập nhật bản vá lỗ hổng do các cơ quan chức năng khuyến cáo.
BHXH tỉnh đã kịp thời phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền về đề án 06 trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài, mạng xã hội thông qua fanpage của BHXH tỉnh, trên zalo để người dân, cơ quan, đơn vị sử dụng lao động biết, hưởng ứng, phối hợp trong quá trình triển khai thực hiện.
Đánh giá bước đầu việc triển khai thực hiện Đề án 06 được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của UBND tỉnh, sự phối hợp tốt giữa các cơ quan, ban ngành, đặc biệt là cơ quan Công an giúp cho việc đồng bộ, xác thực giữa CSDLQG về bảo hiểm và CSDLQG về dân cư thời gian qua đạt kết quả tốt. BHXH tỉnh xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng, góp phần đẩy mạnh việc cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, nói chung và tại BHXH tỉnh, nói riêng. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sử dụng lao động, người lao động tham gia BHXH, BHYT, người thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN giao dịch với cơ quan BHXH, nâng cao hiệu quả xử lý công việc của công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị.
Việc xác thực giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm bảo đảm sử dụng CCCD, ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNeID) thay thế thẻ BHYT giấy khi đi khám chữa bệnh BHYT, đồng thời từng bước hướng đến thực hiện việc ứng dụng sinh trắc xác thực vân tay tạo điều kiện cho người dân thuận tiện và nhanh chóng khi làm thủ tục khám, chữa bệnh BHYT.
Tuy nhiên, việc xác thực Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có nhiều trường hợp không xác thực được, bao gồm cả trẻ em đã được cấp số định danh cá nhân và người tham gia đã được cấp CCCD với các thông báo lỗi như: Số định danh không tồn tại trong CSDL quốc gia về dân cư hoặc thông tin không chính xác về họ và tên, ngày/tháng/năm sinh, giới tính; việc liên hệ xác thực lại thông tin của người tham gia gặp khó khăn.
Cũng tại buổi làm việc, BHXH tỉnh đề nghị Công an tỉnh có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp, hướng dẫn xử lý vướng mắc của công dân đối với các trường hợp không xác thực được thông tin công dân với CSDL quốc gia về dân cư nhằm chuẩn hóa thông tin người tham gia. Kiến nghị các cơ quan, đơn vị tạo điều kiện thuận lợi trong việc xác minh các thông tin cơ bản của cá nhân do đơn vị mình quản lý để tạo điều kiện thuận lợi trong việc làm sạch, đồng bộ, xác thực thông tin giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Kiến nghị UBND cấp xã, phường, thị trấn phối hợp cung cấp số CCCD/ĐDCN của người dân trên địa bàn để cập nhật vào CSDL quốc gia về bảo hiểm nhằm xác thực với CSDL quốc gia về dân cư; phối hợp, tạo điều kiện để xác minh thông tin cá nhân, số CCCD/ĐDCN của người dân, hướng dẫn người dân điều chỉnh thông tin khi có sai lệch để chuẩn hóa xác thực thông tin giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được thuận lợi, từ đó tạo điều kiện cho người dân thực hiện các dịch vụ công qua mạng hiệu quả.