Là một người luôn tin vào lợi ích lâu dài và bền vững của nông nghiệp thuận tự nhiên; dù được đào tạo và làm việc trong ngành Công nghệ thông tin, nhưng niềm tin mãnh liệt ấy đã dẫn lối đưa anh Bùi Ngọc Châu rẽ ngang đến với hành trình tìm kiếm và đưa các nguyên lý vận hành của nền nông nghiệp này vào thực tiễn.
Các sản phẩm phân bón hữu cơ vi sinh được anh Châu thực nghiệm trên vườn rau của gia đình và cho kết quả khả quan |
Nghe nói nhiều về anh - nông gia Bùi Ngọc Châu với tâm huyết nghiên cứu cải tạo đất và triết lý nông nghiệp bền vững, thuận tự nhiên... nên cuối tháng Ba vừa qua, tôi quyết định tìm đến trang trại Xứ Tiên Farm, ở thôn Vinh Quang, xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà để được tận mắt xem rõ thực hư. Đội chiếc mũ lưỡi trai đã sờn bạc, trong bộ quần áo lao động cũ, với làn da sạm nắng và đôi tay chai sần, trông anh như một nông dân chính hiệu. Ít ai biết, đằng sau sự chân chất, giản dị ấy lại là một kỹ sư công nghệ, có vốn hiểu biết sâu rộng về nông nghiệp, về thế giới vi sinh vật và luôn kiên trì, bền bỉ, đi đến cùng với triết lý nông nghiệp bền vững của riêng mình.
Anh Châu bắt đầu buổi trò chuyện bằng việc đưa tôi tham quan khu xưởng sản xuất và trang trại của mình. Bằng chất giọng xứ Quảng mộc mạc, chân chất, anh hồ hởi kể tôi nghe về câu chuyện của mình. “Mình quê ở Tiên Phước, Quảng Nam, mới vào đây xây dựng Xứ Tiên Farm này được hơn 5 năm; trang trại này được mình tâm huyết thiết kế và xây dựng theo triết lý biển - vườn - ao - chuồng - ruộng - rừng (BVACRR). Trang trại có đầy đủ các yếu tố đảm bảo tính kinh tế bền vững, đảm bảo sức khỏe con người và bảo vệ môi trường”. Quan sát kỹ hơn, khu phức hợp của anh rộng chừng 2 ha, trang trại có đầy đủ vườn rau, ao cá, vườn cà phê, trà, dược liệu xen nuôi gà đồi và vườn ươm giống... Ngoài việc tái chế sử dụng các yếu tố vườn ao chuồng tại chỗ, trang trại còn được bổ sung các lượng lớn đạm từ biển thông qua việc lên men và tinh chế phụ phẩm như: đầu, ruột, vây cá; phân bón vi sinh được tái chế từ nguồn mùn của thảm thực vật rừng, mùn đáy sông suối. Vì vậy, dù không trực tiếp có yếu tố rừng và biển trong trang trại của mình, Xứ Tiên Farm vẫn hội đủ vòng tuần hoàn của triết lý BVACRR. Ngoài ra, nơi đây còn dành một ít không gian để lập khu đào tạo, nghỉ ngơi.
Không để tôi thắc mắc về triết lý BVACRR của mình, anh nhiệt tình giải đáp cặn kẽ. Theo anh, để phát triển bền vững, hài hòa với tự nhiên thì mỗi thành tố trong triết lý BVACRR có một vai trò quan trọng, không thể thay thế. Theo đó, mỗi yếu tố này đều có sự tương quan, tuần hoàn, bổ trợ cho nhau. Biển giúp điều hòa vi khí hậu và cung cấp nguồn đạm và khoáng vô tận cho ruộng, rừng, vật nuôi; vườn tạo nên thảm thực vật giúp giữ ẩm và sản sinh nguồn nguyên liệu thức ăn trong chăn nuôi, thủy sản; ao giúp điều hòa khí hậu, cung cấp thức ăn cho gia súc, phân bón từ đạm cá cho ruộng, vườn; chuồng tạo ra phân bón cho cây trồng; ruộng giúp điều hòa không khí, tạo môi trường cho hệ thiên địch, vi sinh vật đất; rừng sẽ giữ lớp đất mặt, nguồn nước đầu nguồn và cung cấp ni tơ cho ruộng... “Và vi sinh vật đóng vai trò quan trọng để phân hủy và chuyển đổi dinh dưỡng trong các quá trình này”, anh Châu nói.
Nói dễ hiểu, nông dân có thể tận dụng chất thải, phế phẩm nông nghiệp từ thành phần này cho thành phần kia phát triển. Ví dụ, phân gia súc, rơm rạ, lá cây... có thể ủ để làm phân vi sinh để bón ruộng; vỏ hạt cà phê, mắc ca có thể chế biến thành phân, than hoạt tính; phụ phẩm, chất thừa hải sản có thể lên men để tưới cây. Nhờ đó, nông dân có thể giảm thiểu lượng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật; vừa cải tạo đất vừa giúp đảm bảo đa dạng sinh học; tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế. Nhờ việc tôn trọng các quy luật tự nhiên, đảm bảo đa dạng sinh học, tối đa hóa việc tự cân bằng dinh dưỡng của hệ sinh thái... mô hình này còn góp phần bảo vệ môi trường, giúp phát triển nông nghiệp bền vững. “Lâm Đồng là một trong những địa phương hội tụ nhiều lợi thế để triển khai và lan tỏa triết lý nông nghiệp tích hợp thuận tự nhiên này, đó cũng là lý do mình chọn dừng chân tại đây để xây dựng Xứ Tiên Farm, tiếp tục chặng đường khẳng định triết lý nông nghiệp bền vững”, anh chia sẻ.
Khi tôi thắc mắc, tại sao anh lại bỏ công việc của một kỹ sư công nghệ thông tin với mức lương cao, đúng chuyên môn ở thành phố lớn để theo đuổi hướng đi này, nông gia Bùi Ngọc Châu trầm ngâm một lúc rồi giải thích: “Vốn sinh ra, lớn lên và gắn bó với ruộng vườn từ nhỏ, mình hiểu rõ vất vả của người nông dân; chăm chỉ, chịu thương, chịu khó, nhưng luôn chịu cảnh được giá mất mùa, được mùa mất giá; sau khi khấu trừ chi phí đầu tư phân bón, vật tư nông nghiệp, thu nhập của nông dân cũng chẳng còn là bao. Mình may mắn có cơ hội tham quan các mô hình nông nghiệp tại Thái Lan và được tiếp cận với phương pháp vi sinh vật của người Nhật và Hàn Quốc. Nhận thấy tính thực tiễn, bền vững từ phương pháp này, mình quyết định đi sâu vào tìm hiểu và áp dụng”. Theo anh Châu, mục tiêu ban đầu là tìm cách giúp người dân khôi phục hệ sinh thái đất - trong đó, việc bổ sung các dưỡng chất hữu cơ và vi sinh vật giúp đa dạng hóa sinh học là hết sức quan trọng.
Năm 2007, bỏ qua những lời dèm pha, dè bỉu, anh nghỉ việc về quê và kiên trì lặn lội vào rừng sâu tìm kiếm vi sinh vật bản địa; tự phân lập, nuôi cấy rồi nhân giống các loại có lợi cho cây trồng, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương. Để thực nghiệm kết quả nghiên cứu, anh áp dụng vi sinh vật để xử lý phân và mùi hôi cho trang trại bồ câu và làm đệm lót sinh học cho heo. Mỗi bước thực nghiệm, anh Châu đều cẩn thận ghi chép, điều chỉnh để cải thiện quy trình áp dụng có hiệu quả cao để sau này phổ biến cho bà con nông dân.
Tiếp nối thành công từ thực nghiệm, anh đầu tư sản xuất và thương mại hóa các sản phẩm sử dụng vi sinh vật như men, phân bón, chế phẩm thảo mộc trị nấm, dịch thủy phân cá, bột cá lên men... nhằm tăng độ phì nhiêu cho đất, cân bằng và đa dạng hóa hệ sinh thái, giảm thiểu sâu bệnh mà không làm hư hại cấu trúc của đất. Năm 2013, các sản phẩm này đã được nông dân ở Tiên Phước, các huyện lân cận (Quảng Nam) và huyện Đức Linh (Bình Thuận) sử dụng, có hiệu quả kinh tế cao.
Với những lợi ích thiết thực đó, anh dành toàn bộ thời gian của mình để chuẩn hóa quy trình và triển khai mô hình nông nghiệp theo triết lý nông nghiệp tích hợp thuận tự nhiên này. Từ năm 2014 đến 2017, người “ kỹ sư về với vườn” này đã tư vấn kỹ thuật cho các trang trại cà phê sạch, rau mầm, trà Ô long hữu cơ, tiêu hữu cơ, ổi, chanh dây, mãng cầu... ở Đức Trọng, Đà Lạt và các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh... Các trang trại này đều mang lại hiệu quả kinh tế tốt, nhiều trang trại đạt tiêu chuẩn hữu cơ PSG và USDA.
Anh Châu chia sẻ, hiện anh đang hợp tác với Công ty CFM (Cà Mau) để sản xuất tinh chất đạm cá và Công ty Phước Thắng (Tây Ninh) sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh. Tinh chất đạm cá được sản xuất bằng quá trình ủ lên men lạnh các phần thừa trong chế biến thực phẩm như đầu, vây, ruột cá; do đó, đảm bảo giữ lại đầy đủ dinh dưỡng, đạm mà không bị nhiễm các loại vi khuẩn gây hại. “Hiện tại, doanh thu từ thương mại hóa phân bón vi sinh khoảng 400 - 500 triệu đồng mỗi tháng; nhà máy đạm cá khi đi vào hoạt động với công suất tối đã sẽ sản xuất ra 300 tấn mỗi năm”, anh cho biết. Ngoài ra, anh cũng đầu tư phát triển phần mềm quản lý điều hành bao gồm đầy đủ các chức năng từ mua hàng, kho vận, sản xuất, kế toán, đóng gói... đến bán hàng, quản trị khách hàng và giao hàng. Nhờ đó, mọi công đoạn sản xuất, kinh doanh đều có thể thống kê chính xác, theo dõi và dự báo kịp thời.
Song, để nhân rộng mô hình, áp dụng triết lý nông nghiệp sinh thái bền vững, anh nhận ra vẫn còn nhiều mặt cần phải cải thiện. Trong đó, khó khăn nhất là chứng minh tính hiệu quả của phương pháp nông nghiệp này - của vi sinh vật, việc bổ sung tinh chất đạm... với bà con nông dân. “Thời gian tới, mình sẽ tập trung vào hoàn thiện phương pháp, tiêu chí và quy trình triển khai vận hành, đẩy mạnh việc tiếp thị và thương mại hóa các sản phẩm đang có cũng như đào sâu nghiên cứu thêm các sản phẩm, các công cụ hỗ trợ nông dân sản xuất”, anh nói.
Kết thúc buổi trò chuyện, tôi hỏi anh, nhìn lại chặng đường hơn 15 năm qua đã bao giờ anh thấy mình chọn sai đường và muốn bỏ cuộc chưa? Dù anh Châu trầm ngâm không nói, nhưng tôi tin rằng, không thiếu những tình huống cay đắng, khó khăn, tuyệt vọng... mà anh phải đối diện. Vậy sức mạnh nội tại nào đã giúp anh vượt qua những giây phút ngặt nghèo đó? Nếu không phải là niềm tin mãnh liệt vào lựa chọn của chính mình, vào việc tôn trọng các quy luật vận hành khách quan của tự nhiên, có lẽ chăng là niềm mong mỏi dựng xây một cuộc sống tốt đẹp hơn cho những người nông dân lam lũ nhưng cần cù, chất phác... ở thôn quê trên khắp các vùng, miền?
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin