(LĐ online) - Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2022 vừa được công bố sáng 12/4 tại Hà Nội.
Bảng tổng hợp kết quả PAPI 63 tỉnh, thành năm 2022 |
Theo kết quả công bố Chỉ số PAPI năm 2022, tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu với chỉ số đạt 47,87 điểm, tiếp theo là Bình Dương với 47,44 điểm, xếp thứ 3 là tỉnh Thanh Hóa với 46,01 điểm.
Tỉnh Lâm Đồng năm 2022 đạt 40,70 điểm nằm trong nhóm trung bình thấp. Đây là sự tụt lùi đáng kể về điểm số PAPI của địa phương so với năm 2021.
Cụ thể, năm 2019 chỉ số PAPI của Lâm Đồng đạt 41,97 điểm, đứng thứ 52/63 tỉnh, thành phố. Tới năm 2020, Lâm Đồng chỉ đạt 38,62 điểm, đứng thứ 63/63 tỉnh, thành phố và nằm trong nhóm 16 tỉnh, thành phố có điểm số thấp nhất cả nước. Tới năm 2021, chỉ số PAPI của địa phương đạt 43,53 điểm và nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố có điểm số trung bình cao của cả nước.
Theo thông tin từ buổi công bố chỉ số PAPI năm 2021: Trong số các tỉnh, thành phố trong nhóm tứ phân vị cao, 6 tỉnh, thành phố thuộc vùng đồng bằng sông Hồng và 6 tỉnh, thành phố thuộc vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung. Các tỉnh/thành phố trong số 14 địa phương trong nhóm tứ phân vị thấp thuộc các vùng trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, và đồng bằng sông Cửu Long.
Lâm Đồng có chỉ số PAPI sụt giảm so với năm 2021 |
Đáng chú ý là khoảng cách trong hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2022 giữa nhóm điểm cao nhất và điểm thấp nhất có xu hướng thu hẹp, có nghĩa là theo đánh giá của người dân, hiệu quả quản trị và hành chính ở nhiều tỉnh, thành phố không tăng so với năm 2021.
So với kết quả PAPI năm 2021, 33 tỉnh, thành phố có mức độ cải thiện đáng kể ở Chỉ số nội dung 1 "Tham gia của người dân ở cấp cơ sở"; 18 tỉnh, thành phố có mức độ cải thiện đáng kể ở Chỉ số nội dung 2 "Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương" và 30 tỉnh, thành phố có mức độ cải thiện đáng kể ở Chỉ số nội dung 8 "Quản trị điện tử".
Tuy nhiên, 29 tỉnh, thành phố giảm sút đáng kể ở Chỉ số nội dung 7 "Quản trị môi trường", 18 tỉnh, thành phố giảm sút đáng kể ở Chỉ số nội dung 4 "Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công" và 18 tỉnh, thành phố giảm sút đáng kể ở Chỉ số nội dung 6 "Cung ứng dịch vụ công".
Chỉ số PAPI là chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam, là công cụ để người dân tham gia giám sát hiệu quả của chính quyền trong việc thực thi chính sách đến cấp cơ sở.
PAPI đo lường 8 chỉ số nội dung: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; quản trị điện tử.
Năm 2022, 16.117 người dân và cũng là cử tri đã tham gia khảo sát PAPI. Trong suốt 14 năm qua, có tới 178.243 lượt người dân được chọn ngẫu nhiên trên phạm vi toàn quốc đã tham gia đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công từ trải nghiệm tương tác trực tiếp với chính quyền các cấp thông qua nghiên cứu PAPI.
Dữ liệu và thông tin từ Chương trình nghiên cứu PAPI được coi như “bức tranh” thực tế về hiệu quả của chính quyền trong việc đáp ứng yêu cầu của người dân, giúp các cấp soi chiếu lại hoạt động trong một năm; đồng thời, tạo sự cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy học hỏi kinh nghiệm giữa chính quyền các địa phương.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin