(LĐ online) - Trong cuộc trò chuyện ngày hôm qua, chị gái tôi dừng lại một lúc ở câu chuyện về sự xuất hiện trở lại của các ca COVID-19. “Chị không lo lắng mấy. Dù sao thì cũng đã tiêm phòng đến mũi 4. Cơ bản là biết cách tự bảo vệ mình trước dịch bệnh. Không nói trước được điều gì nhưng gì thì gì, chủ động phòng tránh vẫn hơn!”. Tôi nhìn chị, và biết chị gái mình - người đã trên 70 tuổi, lại thêm bệnh tim mạch - đã trở nên “can trường” sau hai năm cùng mọi người đối diện với dịch bệnh.
Những ngày gần đây, các trường hợp được xác định là COVID-19 có chiều hướng tăng hơn so với thời gian trước đó. Dù không chủ quan, nhưng theo quan sát của tôi thì thông tin này không gây xáo trộn. Nhắc nhau tiêm các mũi còn thiếu, quay trở lại với khẩu trang hàng ngày, nhất là khi đến nơi đông người là điều được nhiều người thực hiện. Đó cũng là cách người dân chủ động, hạn chế thấp nhất và tốt nhất có thể các khả năng có thể xảy ra.
“Chúng ta vẫn kiểm soát được tình hình dịch” là khẳng định đến từ Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) - GS-TS Phan Trọng Lân. Theo ông, những điều này được xác lập từ tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng COVID-19 nằm trong các quốc gia cao nhất thế giới. Về cấp độ dịch, hiện tất cả các yếu tố bao gồm số ca mắc, tử vong, độ bao phủ vắc xin, khả năng đáp ứng thu dung với quy mô toàn quốc đều ở màu xanh và không vượt quá cấp độ 1. Toàn quốc không ghi nhận trường hợp tử vong trong quãng thời gian hơn 100 ngày qua. Bên cạnh việc phối hợp với các chuyên gia, các tổ chức trong nước, quốc tế thường xuyên cập nhật, đánh giá tình hình, nhằm chủ động có các điều chỉnh phù hợp Bộ Y tế đã và đang theo dõi chặt chẽ tình hình, không để bị động trước những diễn biến mới của dịch bệnh…
Quản lý bền vững là quan điểm và phương thức trong phòng chống COVID-19 và điều này vẫn tiếp tục được thực hiện trong thời gian tới. Đó cũng là cách mà Việt Nam đang chủ động để kiểm soát tình hình. Không lơ là, chủ quan; thông tin phải được công bố chính xác, minh bạch để hướng dẫn người dân thực hiện biện pháp phòng chống dịch là điều mà Bộ Y tế yêu cầu chính quyền địa phương trong cả nước thực hiện một cách nghiêm túc.
Đồng thời, các địa phương cũng phải chủ động đánh giá cấp độ dịch, giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chuẩn bị sẵn sàng kịch bản ứng phó với các tình huống có thể xảy ra, nhất là trong công tác thu dung, điều trị… để đảm bảo mục tiêu đã được nhất quán là không để dịch bệnh ảnh hưởng đến cuộc sống, các hoạt động kinh tế, xã hội…
Để chủ động tạo một rào chắn an toàn, chắc chắn và trên hết phải là ý thức của mỗi người trước dịch bệnh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin