Chuyển biến trong chuyển đổi số ở Di Linh

NGỌC NGÀ 03:18, 25/04/2023

Việc thực thi, cụ thể hóa chính sách, pháp luật về chuyển đổi số (CĐS) giai đoạn 2020-2023 trên địa bàn huyện Di Linh bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định.

Quét mã QR để tra cứu thông tin về thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa huyện Di Linh
Quét mã QR để tra cứu thông tin về thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa huyện Di Linh

Nhằm thực thi và cụ thể hóa các chính sách, pháp luật của Trung ương, của tỉnh về chuyển đổi số, thời gian qua, UBND huyện Di Linh đã xây dựng và ban hành các kế hoạch về ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan nhà nước trên các lĩnh vực: hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn an ninh thông tin mạng, phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn an ninh thông tin mạng; kế hoạch về phát triển Chính quyền số; thành lập Ban Chỉ đạo về CĐS huyện Di Linh; triển khai Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và CĐS trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”...

“Việc ban hành các văn bản về CĐS nhằm tạo môi trường pháp lý cho việc thực hiện CĐS trên địa bàn huyện, vừa thể chế hóa các chính sách, pháp luật về CĐS của Trung ương, của tỉnh phù hợp với tình hình thực hiện CĐS tại huyện”, Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh, ông Vũ Đức Nhuần khẳng định.

Việc ban hành và từng bước triển khai các kế hoạch phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa bàn đã góp phần mang lại những chuyển biến cụ thể trong thực hiện chính sách, pháp luật về CĐS trên địa bàn huyện Di Linh.

Cụ thể, tư duy, nhận thức của xã hội về CĐS đã dần có sự chuyển biến. Lãnh đạo huyện và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương là lực lượng đi đầu trong chỉ đạo, điều hành thực hiện CĐS tại địa phương. Người lãnh đạo các cấp đã nhận thức rõ sự cần thiết và tầm quan trọng của thực hiện CĐS và trở thành lực lượng đi đầu thay đổi cách làm việc từ môi trường trực tiếp sang môi trường số. Gắn các mục tiêu, nhiệm vụ về CĐS với nghị quyết, chiến lược, chương trình hành động, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh địa phương. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng đã từng bước đưa việc ứng dụng CĐS vào thực thi công vụ và nâng cao hiệu quả làm việc.

Ngoài ra, CĐS cũng đang được đẩy mạnh đến người dân thông qua việc thành lập 19/19 Tổ công nghệ số cấp xã tại 19 xã, thị trấn trên địa bàn với 139 thành viên. Và hiện Di Linh đã có 183 Tổ công nghệ số ở 183 thôn, tổ dân phố với 711 thành viên. Đây là cầu nối quan trọng để các vấn đề liên quan đến CĐS từng bước thấm sâu và lan toả trong đời sống xã hội.

Mặc dù còn nhiều bỡ ngỡ và khó khăn, song với sự nỗ lực của địa phương, kết quả thực hiện 3 trụ cột CĐS đã có được những tín hiệu vui nhất định.
Đơn cử như trong phát triển Chính quyền số, việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến đang mang lại hiệu quả cao trong việc giải quyết thủ tục hành chính tại Di Linh, giúp người dân nộp hồ sơ thủ tục hành chính trực tiếp qua mạng, giảm thời gian và công sức; tăng tính công khai, minh mạch của thủ tục hành chính; nâng cao trách nhiệm, trình độ chuyên môn và kiến thức về công nghệ thông tin của cán bộ, công chức được phân công xử lý hồ sơ thủ tục hành chính... Tại Di Linh, cấp huyện có 47 dịch vụ công toàn trình, 167 dịch vụ công một phần và 60 thủ tục hành chính; cấp xã có 17 dịch vụ công toàn trình, 102 dịch vụ công một phần và 28 thủ tục hành chính; tổng số lượng dịch vụ công trực tuyến cung cấp trên tổng số lượng dịch vụ công ở cấp huyện là 214/274, cấp xã là 119/147.

Bên cạnh đó, địa phương này cũng đã khai thác, sử dụng các ứng dụng, giải pháp công nghệ thông tin nhằm hiện đại hóa hành chính như: Hệ thống quản lý văn bản và điều hành VNPT- IOffice được triển khai đến 100% cơ quan, đơn vị; ứng dụng “Di Linh trực tuyến” đã phát huy hiệu quả trong thu thập ý kiến người dân, tổng hợp ý kiến phản ánh, đánh giá của người dân liên quan đến mọi vấn đề đời sống kinh tế, xã hội trên địa bàn huyện...
Huyện Di Linh cũng đã triển khai thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc CĐS quốc gia, ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp... trong giải quyết thủ tục hành chính cho Nhân dân.

Trong phát triển kinh tế số, hiện, huyện Di Linh đang thực hiện các giải pháp nhằm tiến tới 100% doanh nghiệp, hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử; tuyên truyền, hướng dẫn Nhân dân sử dụng các nền tảng thanh toán trực tuyến, giao dịch điện tử, hạn chế giao dịch tiền mặt; đảm bảo 50% trường học thực hiện thu học phí không dùng tiền mặt... Mặc dù có nhiều khó khăn trong thực tiễn, song huyện Di Linh vẫn nỗ lực thực hiện để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế địa phương.

Để cụ thể hóa các quy định, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển xã hội số theo đúng định hướng của Chính phủ, huyện Di Linh đã chú trọng đẩy mạnh hoạt động của các Tổ công nghệ số cộng đồng trong việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân tiếp cận, cài đặt và sử dụng các nền tảng, ứng dụng số phục vụ đời sống. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số cho thành viên các Tổ công nghệ số cộng đồng, thực hiện chiến dịch tuyên truyền xã hội số dưới nhiều hình thức: tờ rơi, trên hệ thống truyền thanh cơ sở, Trang thông tin điện tử, mạng xã hội,... Đảm bảo đến tháng 12/2023, tối thiểu 50% và phấn đấu 60% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến, tỷ lệ dân số trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử, sử dụng dịch vụ công trực tuyến đạt 50% trở lên; 70% người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản có khả năng tham gia các nền tảng số để phát triển xã hội số; các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của huyện được đưa lên sàn thương mại điện tử.

Chuyển đổi số là một quá trình dài với nhiều khó khăn, song, đây là xu thế tất yếu của sự phát triển và đang diễn ra rất sâu rộng, mạnh mẽ. Với những nhiệm vụ chưa có trong tiền lệ, huyện Di Linh cũng gặp những khó khăn nhất định trong triển khai thực hiện. Song, với mục tiêu không đứng ngoài sự phát triển, địa phương này vẫn đang tiếp tục nỗ lực để có được những kết quả nhất định trong chuyển đổi số góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện của địa phương.