Còn nhiều thủ tục liên quan đến giấy tờ hộ khẩu

VIẾT TRỌNG 00:27, 05/04/2023

Căn cứ theo Luật Cư trú (được Quốc hội ban hành ngày 13/1/2020 và có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2021) từ ngày 1/1/2023, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú chính thức bị bãi bỏ. Thế nhưng cho đến nay, trong tỉnh vẫn còn nhiều thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến các loại giấy tờ này. 

Tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ, thủ tục hành chính tại UBND Phường 1, TP Đà Lạt
Tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ, thủ tục hành chính tại UBND Phường 1, TP Đà Lạt

KHÔNG YÊU CẦU DÂN TRÌNH SỔ HỘ KHẨU

Trong buổi sáng khi chúng tôi đến Bộ phận Một cửa của Phường 3, có không ít người dân khi đến làm thủ tục vẫn hỏi thăm các công chức, viên chức bên trong rằng liệu cần phải có sổ hộ khẩu hay không? 

“Rất nhiều thủ tục vẫn còn liên quan đến giấy tờ, sổ hộ khẩu” - ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch UBND Phường 3, TP Đà Lạt cho biết.

Đó là các thủ tục liên quan đến khai sinh, khai tử, xác nhận tình trạng hôn nhân liên quan đến giấy tờ đất đai, vay vốn, thủ tục kết hôn... “Theo quy định, chúng tôi không yêu cầu người dân xuất trình sổ hộ khẩu cũng không yêu cầu người dân có giấy xác nhận cư trú mà chỉ cần người dân trình căn cước công dân sau đó Phường phối hợp với Công an phường để kiểm chứng thông tin là được” - ông Hòa nói.

Để hỗ trợ cho người dân trong thực hiện các TTHC có liên quan đến giấy tờ hộ khẩu, ông Hòa cho biết, UBND Phường 3 trong đầu năm nay đã thành lập một tổ công tác nhằm hướng dẫn, giúp đỡ khi đến làm hồ sơ, giúp thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, đăng ký tài khoản. “Nếu người dân chưa có căn cước công dân thì hướng dẫn họ đi làm khi đủ tuổi, còn nếu chưa đủ tuổi hay những trường hợp khác đang chờ làm thì chỉ cần tìm mã định danh là được”. 

Cái khó cho Phường, theo ông Hòa là dữ liệu dân cư quốc gia đến nay vẫn chưa được chia sẻ đến cấp phường, xã cho nên việc xác minh thông tin từ căn cước công dân từ đầu năm đến nay phải thực hiện bằng “thủ công” thông qua Công an Phường. “Có hơi chậm nhưng chúng tôi cũng cố gắng giải quyết các hồ sơ đúng và trước hạn theo quy định” - ông Hòa cam kết. 

Tại UBND Phường 1, ông Phạm Trung Hà, Phó Chủ tịch UBND Phường cũng cho biết, không yêu cầu người dân trình sổ hộ khẩu. “Chúng tôi yêu cầu cán bộ, công chức Phường phải phối hợp với ngành chức năng để xác minh thông tin trong giải quyết thủ tục giấy tờ cho người dân” - ông Hà nói. 

Trong thực tế, có một số thủ tục theo ông Hà, nếu người dân có giữ sổ hộ khẩu cũ thì việc xác minh thông tin sẽ nhanh hơn nhiều, nhưng nếu không có thì trách nhiệm của Phường vẫn phải giải quyết hồ sơ.

“Hiện nay, chúng tôi đang vận động người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, đăng ký tài khoản điện tử để dễ dàng hơn trong giải quyết TTHC ở cơ sở, tuy nhiên, nhiều người lớn tuổi trong Phường bảo rằng họ không có nhu cầu sử dụng điện thoại thông minh. Nếu có điện thoại thông minh, Phường sẽ giúp người dân đăng ký, tải các thông tin cá nhân cần thiết về máy và như vậy nếu có giải quyết hồ sơ giấy tờ sẽ làm rất nhanh” - ông Hà cho biết.

CẦN THỐNG NHẤT TỪ TRUNG ƯƠNG ĐẾN ĐỊA PHƯƠNG

Theo Sở Nội vụ Lâm Đồng, tổng số TTHC đang thực hiện tiếp nhận tại địa phương hiện nay là 1.860 thủ tục, bao gồm cấp tỉnh 1.402 thủ tục, cấp huyện 293 thủ tục và cấp xã 165 thủ tục. Trong đó, số TTHC yêu cầu thành phần hồ sơ là sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy xác nhận thông tin cư trú có 79 thủ tục.

Trong năm 2022 và quý I năm 2023, tổng số hồ sơ tiếp nhận của tỉnh 1.385.909 hồ sơ; số giải quyết trước hạn và đúng hạn 1.376.341 hồ sơ (đạt tỷ lệ 99,31%); có 9.568 hồ sơ bị trễ hạn. Trong đó, số hồ sơ tiếp nhận và giải quyết liên quan đến các TTHC có quy định về sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và thông tin cư trú là 125.779 hồ sơ.

Về cơ bản, theo Sở Nội vụ Lâm Đồng, hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh Lâm Đồng đã kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bộ phận Một cửa các cấp đã được trang bị thiết bị đọc mã “QR Code” trên thẻ căn cước công dân để đảm bảo quyền lợi của người dân khi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy không còn giá trị sử dụng từ ngày 1/1/2023 (theo Văn bản số 8742/UBND-NC ngày 15/11/2022 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc sử dụng thẻ căn cước công dân, số định danh cá nhân trong giải quyết TTHC thay thế sổ hộ khẩu, sổ tạm trú).

Theo đó, người dân khi nộp hồ sơ TTHC không phải nộp bản giấy sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hay giấy xác nhận thông tin cư trú. Tuy nhiên,việc giải quyết các thủ tục về hộ tịch như đăng ký kết hôn, xác nhận tình trạng hôn nhân, đăng ký lại khai sinh... gặp khó khăn trong xác định mối quan hệ nhân thân, quá trình cư trú (nơi thường trú) trước đây và mối quan hệ trong gia đình khi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú không còn giá trị sử dụng. Do đó, khi thực hiện TTHC người dân vẫn phải thực hiện xác nhận thông tin cư trú để làm cơ sở trong giải quyết hồ sơ. 

Bên cạnh đó, theo Sở Nội vụ, những TTHC nêu trên có thành phần hồ sơ là sổ hộ khẩu, sổ tạm trú được quy định trong luật, nghị định và nhiều văn bản khác; trong khi những văn bản này chưa được sửa kịp thời dẫn đến tâm lý lo ngại cho cán bộ, công chức tiếp nhận hồ sơ. Vì nguyên tắc áp dụng pháp luật phải đảm bảo áp dụng văn bản có giá trị pháp lý cao hơn, nếu các văn bản có quy định khác nhau thì áp dụng quy định chuyên ngành. Trong khi luật, nghị định và các văn bản quy định về hộ tịch vẫn còn hiệu lực thì cán bộ, công chức nhận hồ sơ không có cơ sở pháp lý để tự bỏ các thành phần hồ sơ trên mà vẫn phải áp dụng luật chuyên ngành (Luật Hộ tịch).

Ngoài ra, một số TTHC khác, chẳng hạn như xét tuyển vào trường dân tộc nội trú, có yêu cầu người được xét tuyển phải có hộ khẩu 3 năm trên địa bàn tỉnh và phải lưu hồ sơ để làm cơ sở giải quyết; do đó nếu không có hộ khẩu sẽ không đủ điều kiện giải quyết.

Chính vì vậy, Sở Nội vụ Lâm Đồng trong dịp này đã kiến nghị các bộ, ngành Trung ương cần kịp thời rà soát, sửa đổi các thông tư, quyết định, văn bản pháp luật thuộc thẩm quyền có quy định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy hoặc giấy tờ có yêu cầu xác nhận của địa phương nơi cư trú (phải chứng minh thông tin nơi cư trú trước khi xác nhận) khi thực hiện các TTHC, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm đơn giản hóa TTHC trên cơ sở khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác, thực hiện đúng các quy định tại Luật Cư trú và Nghị định số 104/2022/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ.

Sở Nội vụ cũng kiến nghị các bộ, ngành sớm hoàn thành việc công bố, công khai các TTHC thuộc phạm vi quản lý có liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy hoặc giấy tờ có yêu cầu xác nhận của địa phương nơi cư trú theo quy định tại Luật Cư trú, Nghị định số 104/2022/NĐ-CP của Chính phủ làm cơ sở cho các địa phương công bố, công khai và tổ chức thực hiện một cách thống nhất và hiệu quả.