Đà Lạt: Nỗ lực đưa các quy tắc ứng xử văn hóa đến với cộng đồng dân cư

VIẾT TRỌNG 03:21, 25/04/2023

Đẩy mạnh truyền thông, tăng cường kiểm tra, triển khai các mô hình thí điểm về người Đà Lạt Hiền hòa - Thanh lịch - Mến khách...; TP Đà Lạt đang nỗ lực đưa các quy tắc ứng xử văn hóa đến nhiều hơn với cộng đồng, người dân và du khách.

Khen thưởng các tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích trong “Giữ gìn và phát huy phong cách người Đà Lạt Hiền hòa - Thanh lịch - Mến khách” năm 2022
Khen thưởng các tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích trong “Giữ gìn và phát huy phong cách người Đà Lạt Hiền hòa - Thanh lịch - Mến khách” năm 2022

TĂNG CƯỜNG VẬN ĐỘNG 

Theo UBND TP Đà Lạt, từ đầu năm 2022 đến nay, sau khi triển khai “Giữ gìn và phát huy phong cách người Đà Lạt “Hiền hòa - Thanh lịch - Mến khách”, thành phố đã không ngừng đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động đưa các quy tắc ứng xử văn hóa đến các tầng lớp dân cư trên địa bàn.

Cụ thể, đã in và cấp phát 110 nghìn tờ gấp “Quy tắc ứng xử văn hóa người Đà Lạt” đến các cơ quan đơn vị, cộng đồng dân cư, trong đó hầu hết các phòng, ban, xã, phường của thành phố đều phải chịu trách nhiệm làm công tác truyền thông, cấp phát tờ gấp. 

Như Phòng Kinh tế thành phố chẳng hạn, đã phổ biến quy tắc ứng xử văn hóa và phát 4.500 tờ gấp trên đến các cơ sở kinh doanh nhà hàng, trung tâm thương mại, các quầy hàng đặc sản; Phòng Quản lý Đô thị phát 3 nghìn tờ gấp đến các đơn vị kinh doanh vận tải; Phòng Nội vụ phát 3 nghìn tờ đến các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh đóng chân trên địa bàn Đà Lạt; Phòng Giáo dục - Đào tạo thành phố phát 4.500 tờ gấp đến các trường học, cơ sở giáo dục; Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố phối hợp với Ban Quản lý chợ Đà Lạt phát 4.500 tờ gấp đến người bán hàng, các quầy hàng tại chợ... Riêng UBND các phường, xã đã phối hợp với các phòng, ban, đơn vị liên quan cấp phát 51 nghìn tờ gấp đến tận các hộ gia đình, các khu dân cư, các hộ kinh doanh cùng du khách đến địa bàn.

Thành phố cũng đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên trang thông tin điện tử thành phố; dựng trên 110 bảng panô cổ động trực quan tại các trường học và các vị trí trung tâm trong thành phố; lồng ghép tuyên truyền trong sinh hoạt các tổ chức, đoàn thể, các buổi sinh hoạt dân cư tại thôn, tổ dân phố; tổ chức các chương trình ngoại khóa cho học sinh các trường học...

Thành phố cũng cho ký trên 120 cam kết với các cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng, các địa điểm bán hàng ăn uống, kinh doanh đặc sản, yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, thực hiện văn hóa kinh doanh văn minh, phát huy phong cách người Đà Lạt.

Cùng đó trong năm 2022, Đà Lạt đã kiểm tra 84 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; qua kiểm tra đã xử phạt hành chính 8 trường hợp với tổng số tiền phạt trên 60 triệu đồng; công khai cơ sở vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng. Qua phản ánh của du khách, thành phố cũng chấn chỉnh các cơ sở kinh doanh có thái độ chưa tốt.

Đặc biệt, TP Đà Lạt cũng kiên quyết xử lý vấn nạn chèo kéo du khách, tiếp thị không lành mạnh (cò) tại một số khu vực trọng điểm như chợ đêm Đà Lạt; Khu du lịch Thung lũng Tình yêu; Vườn hoa Thành phố và các cơ sở kinh doanh hàng đặc sản trên địa bàn Phường 8.

XÂY DỰNG CÁC MÔ HÌNH THÍ ĐIỂM

Nhiều mô hình thí điểm thực hiện ứng xử văn hóa người Đà Lạt đã được Đà Lạt triển khai trong thời gian qua. 

Tại chợ Đà Lạt, thành phố đã mở cuộc vận động trong nhiều năm nay về buôn bán giữ uy tín, không nói thách, cư xử nhã nhặn với khách hàng, cạnh tranh lành mạnh bằng chất lượng sản phẩm, dịch vụ và giá cả hợp lý. Tại đây, cùng với Mô hình kinh doanh “Quầy hàng phong cách người Đà Lạt” được thí điểm tại các quầy bán đặc sản từ năm 2020, trong năm 2022, Ban Quản lý chợ đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố áp dụng mô hình thí điểm này tại các quầy hàng hoa với các yêu cầu cụ thể như đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy, an ninh trật tự; đảm bảo văn minh thương mại; hàng hóa có xuất xứ rõ ràng, có niêm yết giá; giữ gìn vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm; thực hành ứng xử văn hóa người bán hàng; thực hiện nghĩa vụ thuế và các loại phí; tham gia các phong trào thi đua... 

Theo đánh giá của ngành chức năng, trong năm 2022 đã có 77/79 quầy đặc sản; 23/25 quầy hàng hoa đạt chuẩn quầy hàng phong cách người Đà Lạt; 4 quầy còn lại chưa đạt vì còn vi phạm về phòng cháy, chữa cháy. 

Trong lĩnh vực giáo dục, thành phố cũng thí điểm xây dựng trường học phong cách người Đà Lạt tại 3 trường học ở 3 bậc học gồm: Tiểu học Lê Quý Đôn, Trung học cơ sở Lam Sơn và Trung học phổ thông Chuyên Thăng Long với nhiều hoạt động cụ thể, hữu ích cho cả giáo viên và học sinh tại 3 trường này.

Thành phố cũng yêu cầu các phường, xã trên địa bàn thí điểm Mô hình kinh doanh “Người Đà Lạt Hiền hòa - Thanh lịch - Mến khách”; mỗi phường, xã có 10 cơ sở gồm kinh doanh lưu trú du lịch, nhà hàng, ăn uống, dịch vụ thương mại. Các đơn vị này đến nay đều đã ký cam kết thực hiện các quy tắc ứng xử văn hóa người Đà Lạt.

PHÙ HỢP VỚI THỰC TẾ ĐỊA PHƯƠNG

Như đánh giá của UBND TP Đà Lạt trong một hội nghị gần đây, vẫn còn không ít những hạn chế trong việc phát huy phong cách người Đà Lạt “Hiền hòa -Thanh lịch - Mến khách” cũng như việc đưa các quy tắc ứng xử văn hóa vào đời sống thực tiễn hiện nay tại thành phố.

Trước nhất, đó là công tác phối hợp, quản lý của các phòng, ban, đơn vị chuyên môn, các phường, xã chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ, chưa có các biện pháp nghiêm minh để xử lý các hành vi vi phạm. Việc vận động còn chưa sâu rộng; chưa hình thành sự tự giác; nhiều nơi còn vi phạm về văn minh thương mại, sử dụng tiếp thị không lành mạnh; còn vấn nạn buôn bán hàng rong tại các khu vực trung tâm; vệ sinh môi trường chưa đảm bảo. 

Trong năm 2023, Đà Lạt tiếp tục ban hành Kế hoạch “Thực hiện giữ gìn và phát huy phong cách người Đà Lạt Hiền hòa - Thanh lịch - Mến khách trên địa bàn thành phố”, trọng tâm trong đó vẫn là việc tiếp tục nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp người dân, từng bước xây dựng và hình thành chuẩn mực văn hóa nhằm điều chỉnh thái độ, lời nói, hành vi của cá nhân, tổ chức trong hoạt động giao tiếp, kinh doanh, buôn bán trên địa bàn; phát triển thương hiệu du lịch Đà Lạt; xây dựng một Đà Lạt văn minh, hiện đại.

UBND TP Đà Lạt cho biết, thành phố sẽ rà soát, bổ sung, hoàn thiện nội dung quy tắc ứng xử văn hóa người Đà Lạt để phù hợp với thực tế địa phương. Cùng đó thành phố cũng sẽ tiếp tục tăng cường truyền thông đồng thời, nhân rộng các mô hình thí điểm thực hiện tốt lâu nay.

Thành phố cũng yêu cầu các phòng, ban, đơn vị trực thuộc, UBND các phường xã với các hoạt động cụ thể trong bản kế hoạch này, trong đó yêu cầu Phòng Giáo dục - Đào tạo Đà Lạt cần nghiên cứu, biên soạn tài liệu ngoại khóa về phong cách người Đà Lạt một cách ngắn gọn, dễ hiểu, hấp dẫn, dễ nhớ, dễ áp dụng dành cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn; đồng thời, cần lồng ghép các nội dung bộ quy tắc ứng xử văn hóa người Đà Lạt vào chương trình ngoại khóa ở các cấp học tại tất cả các trường học trên địa bàn.