Đôi điều về sách và văn hóa đọc

VŨ HẠNH 05:33, 20/04/2023

Trong đời sống tinh thần của mỗi người, sách luôn được coi là chiếc chìa khóa vạn năng, mở ra kho tàng trí tuệ và tâm hồn con người. Sách vừa là bạn, vừa là người thầy siêu việt, thắp sáng trong ta nguồn tri thức vô tận. Sách góp phần quan trọng dạy chúng ta biết sống, biết suy nghĩ đúng sai, biết chia sẻ và hy sinh vì đồng loại... Vì vậy, đọc sách từ lâu đã trở thành một nhu cầu thiết yếu của xã hội loài người.

Các em thiếu nhi đọc sách tại Thư viện Lâm Đồng
Các em thiếu nhi đọc sách tại Thư viện Lâm Đồng

Để đáp ứng nhu cầu thông tin đến với xã hội và nền kinh tế tri thức trong thời đại công nghiệp 4.0, đặc biệt, khi chúng ta đang nỗ lực để xây dựng và phát triển một xã hội học tập, một xã hội phát triển bền vững, đi đôi với nó phải xây dựng và phát triển một nền văn hóa đọc Việt Nam hiện đại, để có thể nhanh chóng hòa nhập với các nước tiên tiến trên thế giới.

Văn hóa đọc là một thuật ngữ chỉ mới xuất hiện trong thời gian gần đây, nó mang nhiều ý nghĩa sâu sắc, nhưng suy cho cùng, có thể hiểu một cách khái quát là: Theo nghĩa rộng, văn hóa đọc đó là cách ứng xử đọc, giá trị đọc, chuẩn mực đọc và sự đam mê đọc của mỗi cá nhân, của cộng đồng xã hội và của các cơ quan quản lý nhà nước. Như thế, văn hóa đọc, chính là sự hợp thành của ba yếu tố đã nêu ra trên đây. Còn theo nghĩa hẹp thì văn hóa đọc là cách ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân. Nó cũng có ba thành tố hợp thành, đó là: thói quen đọc, sở thích và kỹ năng đọc sách.

Do đó, muốn phát triển văn hóa đọc, trước hết phải biết ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc sách một cách lành mạnh của các nhà quản lý cũng như của các cơ quan quản lý nhà nước, của cộng đồng xã hội và của mỗi con người cụ thể trong xã hội. Đó cũng chính là mục đích cao cả của văn hóa đọc và là nền tảng của một xã hội học tập, của việc học tập suốt đời. Ứng xử đọc, giá trị và chuẩn mực đọc của các nhà quản lý, các cơ quan quản lý nhà nước là chính sách, là đường lối và ứng xử hàng ngày để phát triển văn hóa đọc. Các hoạt động này, nhằm tạo ra hành lang pháp lý để phát triển tài liệu có giá trị lành mạnh, phù hợp với các nhu cầu đọc khác nhau của xã hội. Bên cạnh đó là sự thuận tiện của tài liệu này đến với người đọc, thông qua các cửa hàng sách, các nhà in, hệ thống thư viện, phòng đọc sách... Điều này cũng có nghĩa là người đọc không phân biệt giàu nghèo, tuổi tác, không phân biệt nơi cư trú đều có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng các loại tài liệu theo nội dung mà họ mong muốn.

Vì vậy, văn hóa đọc trước hết cần duy trì và tạo ra thói quen đọc cho suốt cuộc đời của mỗi con người. Xây dựng thói quen đọc, phải được hình thành từ tuổi ấu thơ và trong suốt cả chặng đường dài sau này, đó là cả một quá trình học tập, rèn luyện các kỹ năng đọc để từ đó, hình thành nên sở thích đọc sách theo từng thể loại khác nhau của mỗi người. Ví dụ, có người thích đọc thơ, có người thích đọc sách trinh thám hay nghiên cứu khoa học… Điều này sẽ tạo ra sự đa dạng, phong phú, nhiều sắc màu cho nền văn hóa đọc ở nước ta nói riêng và trong xã hội nói chung.

Tóm lại, văn hóa đọc của mỗi người phải hội tụ cả ba yếu tố trên. Nếu một người có thói quen đọc nhưng lại thiếu kỹ năng đọc thì hiệu quả đọc sẽ không cao. Nếu nắm vững được kỹ năng đọc, nhưng lại không tạo được thói quen đọc thì kiến thức thu nhận được cũng sẽ không được bao nhiêu. Vì vậy, kỹ năng đọc của cá nhân mỗi người luôn được coi trọng. Đó là sự thể hiện tổ hợp những thao tác tư duy được tạo lập thành thói quen ứng xử đọc. Đồng thời, mục đích cuối cùng của kỹ năng đọc là đọc có hiệu quả cao nhất, nắm thật chắc nội dung cốt lõi và biết vận dụng những điều đã đọc được vào cuộc sống của chính người đọc.

Cùng với dòng chảy trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, gần 80 năm qua, văn hóa đọc đã và đang có những bước phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, để xác định tầm quan trọng của văn hóa đọc cũng như khẳng định sách luôn là sản phẩm văn hóa tinh thần, là kho tàng tri thức có giá trị. Ở bất kỳ thời đại nào, con người cũng lấy việc học và đọc sách là một trong những mục đích để hoàn thiện nhân cách và để đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội. Từ đọc sách, sưu tầm sách, xây dựng các tủ sách, thư viện chính là những tiền đề quan trọng hình thành nên văn hóa đọc. 

Nhận thức được tầm quan trọng của việc đọc sách, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 284/QĐ-TTg, lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam, với mục đích khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với sự nghiệp xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tại Kỳ hợp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Thư viện số 46/2019/QH14, trong đó, tại khoản 1, điều 30 quy định ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Đó là những cơ sở pháp lý quan trọng để mỗi cơ quan, tổ chức và mỗi người dân đất Việt luôn ghi nhớ sâu sắc rằng: “Đọc sách cho ta kiến thức… và sự hiểu biết”.