Lụa Bảo Lộc và ''Hành trình kết nối di sản'' trên đất Ý

TIỂU VÂN 06:10, 13/04/2023

Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Italy, Đại sứ quán Việt Nam tại Italy đã phối hợp với nhà thiết kế Minh Hạnh và Vietnam Silk House (Bảo Lộc) tổ chức chương trình thời trang nghệ thuật đặc biệt “Hành trình kết nối di sản” nhằm quảng bá tơ lụa và thời trang Việt Nam đến với công chúng Italy và bạn bè quốc tế.

Lễ khai mạc “Năm Việt Nam - Italy 2023” vào ngày 31/3 đã cực kỳ ấn tượng với màn biểu diễn thời trang, giới thiệu áo dài. Ảnh: Gia Bảo
Lễ khai mạc “Năm Việt Nam - Italy 2023” vào ngày 31/3 đã cực kỳ ấn tượng với màn biểu diễn thời trang, giới thiệu áo dài. Ảnh: Gia Bảo

ÁO DÀI LỤA VÀ “HÀNH TRÌNH KẾT NỐI DI SẢN”

“Hành trình kết nối di sản” là chương trình thời trang nghệ thuật gồm các buổi biểu diễn thời trang, giới thiệu áo dài và các sản phẩm tơ lụa Việt và chương trình “Silk Talk” (Trò chuyện về lụa), mở đầu cho chuỗi các sự kiện giao lưu văn hóa giữa hai nước và cũng là hành trình đưa lụa Việt Nam có tên trên bản đồ tơ lụa thế giới.

Lấy ý tưởng từ những di sản của Italy trên chất liệu lụa của Vietnam Silk House và thiết kế dành riêng cho sự kiện 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Italy, 100 bộ áo dài cắt may hiện đại, phóng khoáng và 120 bộ trang phục thời trang thêu tay kỹ xảo, được 30 người mẫu Việt Nam và Italy trình diễn trên những bức tường thành cổ kính hơn 2.000 năm tuổi. 

Đủ các biến thể đa dạng và lạ mắt của các sản phẩm tơ lụa Việt Nam trên thành cổ Italy
Đủ các biến thể đa dạng và lạ mắt của các sản phẩm tơ lụa Việt Nam trên thành cổ Italy

Xuyên suốt chương trình là sự hòa nhịp sắc màu của nón lá, cây tre; với sự lả lướt, bay bổng của các trang phục từ chất liệu lụa tơ tằm thiên nhiên của Việt Nam, qua màn trình diễn mềm mại, uyển chuyển của những người mẫu đầy kinh nghiệm. Những chính khách và người dân Italy đã được chiêm ngưỡng và ấn tượng bởi sự dịu dàng nhưng cũng vô cùng mạnh mẽ, khí chất và hiện đại của người con gái Việt trên nền vải tơ lụa Việt.

Không khí buổi trình diễn thời trang tơ lụa Việt tại Mercati di Traiano - trung tâm thương mại đầu tiên trên thế giới, quần thể di tích có từ những năm đầu Công nguyên ở thành phố Rome - vô cùng sôi động khi các bạn bè Italy và quốc tế liên tục vỗ tay để đón nhận từng tiết mục, từng bộ thời trang lụa Việt sang trọng và quyến rũ, hòa quyện và thấm đẫm tình cảm đối với đất nước và con người Italy. 

Đủ các biến thể đa dạng và lạ mắt của các sản phẩm tơ lụa Việt Nam trên thành cổ Italy
Đủ các biến thể đa dạng và lạ mắt của các sản phẩm tơ lụa Việt Nam trên thành cổ Italy

Theo Đại sứ Việt Nam tại Italy Dương Hải Hưng, sự kiện trình diễn thời trang nghệ thuật tơ lụa và áo dài với chủ đề “Hành trình kết nối di sản” được bảo trợ bởi Bộ Ngoại giao và chính quyền thủ đô Roma. Mục đích là để thể hiện sự trân trọng đối với tình cảm hữu nghị rất tốt đẹp giữa Việt Nam và Italy cũng như tăng cường sự hiểu biết giữa hai nước và mở ra những cơ hội hợp tác khác trong thời gian tới.

LỤA BẢO LỘC - ĐẠI SỨ CỦA “HÀNH TRÌNH KẾT NỐI DI SẢN”

Nhà thiết kế Minh Hạnh cho biết, mục đích thực hiện chương trình là để các di sản gặp nhau. Lụa là di sản. Áo dài là di sản. Và hôm nay, lụa và áo dài đang có mặt tại một di sản rất lâu đời và nổi tiếng ở ngay chính thủ phủ tơ lụa của thế giới. Sẽ rất tự hào khi mặc trên người chiếc áo dài tơ lụa của Việt Nam và đứng trên di sản của thành Roma.

Đủ các biến thể đa dạng và lạ mắt của các sản phẩm tơ lụa Việt Nam trên thành cổ Italy
Đủ các biến thể đa dạng và lạ mắt của các sản phẩm tơ lụa Việt Nam trên thành cổ Italy

Ông Huỳnh Tấn Phước - Chủ tịch HĐTV Vietnam Silk House (Bảo Lộc) tâm sự: Rất tự hào khi đưa được những sản phẩm tơ lụa của Việt Nam, góp phần thúc đẩy và giao lưu văn hóa, phát triển kinh tế. Hành trình kết nối di sản sẽ góp phần lưu giữ các làng nghề truyền thống.

Với thế mạnh về nghề dệt tơ tằm thủ công, mà ngành thời trang thế giới không còn, lụa tơ tằm từ thủ phủ tơ lụa Việt Nam tại Bảo Lộc đã nhận được sự yêu thích và đón nhận của các chuyên gia thời trang thế giới cùng các nhà tạo mẫu chuyên nghiệp tại Italy. Như ông Gioac Chiano Barletta - thương gia Italy, nói: Tôi quan tâm đến chất liệu. Và chương trình đã mang đến hiệu ứng thời trang và xu hướng là thời trang gắn với tự nhiên và thiên nhiên.

Đủ các biến thể đa dạng và lạ mắt của các sản phẩm tơ lụa Việt Nam trên thành cổ Italy
Đủ các biến thể đa dạng và lạ mắt của các sản phẩm tơ lụa Việt Nam trên thành cổ Italy

Các trang phục trình diễn trong chương trình đều làm từ chất liệu lụa tơ tằm thiên nhiên của Việt Nam, phần nào giới thiệu được những nét đặc sắc của thời trang và tơ lụa Việt Nam. Tơ lụa Việt Nam giờ đây là sợi dây kết nối giữa Italy và Việt Nam trên hành trình di sản. Áo dài và tơ lụa chính là những di sản sống, xuất hiện trong không gian di sản cổ kính của thành Roma - kinh đô của thời trang thế giới. Sự kết hợp của những di sản của Đông và Tây sẽ tạo ra những giá trị mới cho thời đại. Và từ di sản, sẽ có những sự hợp tác khác, thúc đẩy giao lưu văn hóa, du lịch, kinh tế, thương mại...

Trước chương trình thời trang nghệ thuật “Hành trình kết nối di sản”, tối 29/3, chương trình “Silk Talk” đã được tổ chức tại Đại sứ quán Việt Nam tại Italy, giới thiệu cho các đại diện ngành công nghiệp thời trang và làm đẹp, các chuyên gia về sản xuất nông nghiệp bền vững, cũng như báo chí Italy những sản phẩm của ngành dâu tằm tơ, lịch sử và cả kỹ thuật làm lụa tơ tằm truyền thống của Việt Nam, làm tăng thêm sự độc đáo của nghề sản xuất tơ lụa Việt Nam đến các nhà sản xuất hàng dệt, nhà thiết kế thời trang và người tiêu dùng Italy và khách quốc tế.