Cô gái nhỏ tên Út nhưng đã thực hiện thành công giấc mơ lớn: đưa thương hiệu mắc ca của quê hương vươn xa.
Phạm Thị Út đang từng ngày nỗ lực đưa mắc ca Di Linh vươn xa |
Không chỉ là người trẻ điển hình trong phát triển kinh tế ở xã Hoà Nam, Phạm Thị Út (28 tuổi) - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Thương mại dịch vụ chế biến nông sản DiLin còn là người trẻ điển hình trong Phong trào Thi đua yêu nước của huyện Di Linh.
Cũng như nhiều người trẻ khác, tốt nghiệp Trung học phổ thông, Út mang theo những giấc mơ lấp lánh đến với Sài Gòn hoa lệ. Nhưng có lẽ khi hiểu biết ngày càng nhiều và tình yêu vốn có với nghề nông, với những cây trồng đã gắn bó với cả cuộc đời ba mẹ và nuôi anh em cô khôn lớn, đã thay đổi những giấc mơ của Út. Cô đã quyết định trở về lập nghiệp ở quê nhà từ năm 2018.
Quê hương Hòa Ninh của Út nhiều năm trước chỉ gắn bó với cây cà phê. Bắt đầu từ năm 2009, nông dân nơi này trồng xen mắc ca và một số cây ăn trái khác với cà phê. Nhưng khi cà phê dần đi qua thời hoàng kim, xu hướng thị trường có nhiều biến động, huyện Di Linh dần chuyển dịch cơ cấu cây trồng để nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích, người Hòa Ninh cũng bắt đầu chuyển đổi một phần cà phê già cỗi, kém chất lượng sang sản xuất các loại cây công nghiệp có giá trị cao. Và giờ đây, Hòa Ninh đã có những vườn mắc ca, sầu riêng, bơ, chanh dây... năng suất và chất lượng.
Út đã chọn mắc ca để khởi nghiệp bởi những hiểu biết về giá trị của loại cây này. Và quan trọng hơn là bởi tiềm năng về nguồn nguyên liệu lớn của cây mắc ca trên địa bàn xã Hòa Ninh nói riêng và huyện Di Linh nói chung.
Ông Vũ Hồng Long - Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Di Linh cho biết, đến cuối năm 2021 diện tích mắc ca toàn huyện là 1.714,23 ha, trong đó, diện tích cho thu hoạch 307 ha, năng suất 18 tạ/ha, sản lượng ước đạt 544 tấn. So với năm 2020, năng suất mắc ca đã tăng 1 tạ/ha, sản lượng tăng 110 tấn.
Út bắt đầu tìm tòi hướng đi cho mình với hạt mắc ca. Dấu chân của cô gái trẻ đã có mặt ở nhiều cơ sở chế biến mắc ca trong và ngoài tỉnh. Cộng với những kiến thức học hỏi trên nhiều nền tảng thông tin khác nhau, Út đã chọn cho mình hướng đi với mắc ca sấy khô bởi mùi vị thơm, béo và đặc biệt là thời gian bảo quản của loại hạt này khi sấy khô là điều kiện thuận lợi để tiến hành các hoạt động vận chuyển, kinh doanh...
Những mẻ sấy đầu tiên không thành công nhưng không làm giảm ý chí của Út. Ngược lại, cô vẫn kiên nhẫn làm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để dần hoàn thiện công thức sấy mắc ca phù hợp nhất.
Khi nắm chắc trong tay kỹ thuật và chủ động vùng nguyên liệu, Phạm Thị Út đã mạnh dạn liên kết với các nông dân sản xuất mắc ca ở Hòa Nam để thành lập Hợp tác xã Thương mại dịch vụ chế biến nông sản DiLin và xây dựng thương hiệu Macca DiLin. Sự chuẩn bị đầy đủ về mặt pháp lý đã góp phần mở rộng cơ hội để giấc mơ, tình yêu và tâm huyết của Út với hạt mắc ca của quê hương có cơ hội đi xa hơn.
Và thực tiễn đã chứng minh những quyết định táo bạo của cô gái trẻ là đúng đắn, khi hiện nay, macca DiLin đã không chỉ có mặt ở thị trường trong tỉnh mà còn mở rộng phân phối ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... Năm 2020, thương hiệu Macca DiLin đã được cấp chứng nhận OCOP.
Năng lực sản xuất của Hợp tác xã Thương mại dịch vụ chế biến nông sản DiLin hiện nay khoảng gần 100 tấn hạt mắc ca/năm. Hiện cơ sở này đang có gần 20 lao động làm việc thường xuyên với mức lương từ 6 - 9 triệu đồng/tháng. Ngoài ra có khoảng 7 lao động thời vụ với mức lương từ 4 - 6 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh việc đầu tư nâng cấp hệ thống máy móc của hợp tác xã, duy trì ổn định các vườn nguyên liệu tại địa phương, Phạm Thị Út còn liên kết với 5 trang trại và hơn 20 nông hộ ở các huyện Đam Rông, Bảo Lâm, Di Linh để trồng hơn 50 ha mắc ca theo hướng bán hữu cơ. Các vườn mắc ca sản xuất đạt chuẩn được hợp tác xã thu mua đảm bảo đầu ra ổn định với giá bán giao động từ 80 đến 100 ngàn đồng/kg.
Hợp tác xã Thương mại dịch vụ chế biến nông sản DiLin luôn chú trọng nâng cao hệ thống máy móc, chất lượng sấy và mở rộng vùng nguyên liệu để hướng đến xuất khẩu. Năm 2022, hợp tác xã này đã sản xuất 100 tấn với các sản phẩm gia công cho các đơn vị bán lẻ và một số siêu thị trong nước. Đặc biệt, đơn vị này đã có hợp đồng gia công xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc và một số nước châu Âu.
Đã hơn 5 năm với đầy đủ những thăng trầm, những buồn vui trong hành trình khởi nghiệp, và giờ đây Út vẫn đang tiếp tục ấp ủ những giấc mơ lớn hơn. “Năm 2023, hợp tác xã dự kiến sản xuất khoảng 200 tấn. Ngoài các đơn hàng gia công cho các đơn vị bán lẻ, Macca DiLin còn có mặt trên các kênh shopee, lazada và mở rộng hướng xuất khẩu. Cùng với các sản phẩm sấy tự nhiên, cơ sở cũng đã nghiên cứu và cho ra thị trường các sản phẩm chế biến sẵn như bánh gói hạt mắc ca, bánh quy từ mắc ca, thanh dinh dưỡng hạt mắc ca...”.
Macca DiLin giờ đây không chỉ là câu chuyện của riêng Út, mà đó còn là động lực để thúc đẩy những người nông dân vốn chỉ trồng xen cây mắc ca lấy bóng cho cây cà phê chuyển đổi dần sang sản xuất mắc ca bán hữu cơ theo hướng hàng hóa, là cơ hội mở ra để tạo việc làm cho lao động tại địa phương, đồng thời, là minh chứng để đưa thương hiệu mắc ca của Di Linh vươn xa.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin