Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dân tộc

HỒNG THẮM 05:48, 19/04/2023

Ban Dân tộc tỉnh vừa xây dựng Diễn đàn công tác dân tộc và phần mềm tích hợp lên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và Trang thông tin điện tử của ngành phục vụ cho việc hiển thị thông tin, các văn bản của Nhà nước bằng ngôn ngữ K’Ho và Churu. Đây được xem là một trong những việc làm cần thiết để nâng cao chất lượng công tác dân tộc trên địa bàn.

Đoàn Kinh tế quốc phòng mở lớp dạy xóa mù chữ cho bà con DTTS ở Đam Rông, đồng thời lồng ghép các hoạt động tuyên truyền chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước
Đoàn Kinh tế quốc phòng mở lớp dạy xóa mù chữ cho bà con DTTS ở Đam Rông, đồng thời lồng ghép các hoạt động tuyên truyền chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước

Việc xây dựng, thực hiện diễn đàn công tác dân tộc và phần mềm tích hợp lên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và Trang thông tin điện tử của ngành là một trong những nội dung thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS Việt Nam giai đoạn 2019 - 2025” trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Diễn đàn sẽ là nơi trao đổi trực tiếp giữa Ban Dân tộc tỉnh và người dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh tình hình vùng DTTS, đặc biệt là giải đáp các vướng mắc liên quan đến công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc.

Ông Nguyễn Văn Thăng - Phó Trưởng Phòng Nghiệp vụ tổng hợp, Ban Dân tộc cho biết, hiện nay, toàn tỉnh có trên 25% dân số người đồng bào DTTS với 47 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó có một số dân tộc chiếm tỷ lệ cao, như: K’Ho, Mạ, Churu, Nùng, Tày, Hoa, M’Nông. Phần lớn các dân tộc ở Lâm Đồng sống đan xen, có tinh thần đoàn kết, bình đẳng, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển. 

Để tạo sự thuận lợi trong giao tiếp với đồng bào DTTS, trong nhiều năm, tỉnh đã thường xuyên mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về dân tộc, văn hóa, phong tục tập quán của các cộng đồng DTTS trên địa bàn tỉnh cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc liên quan đến yếu tố dân tộc.

Ban Dân tộc tỉnh đã xây dựng và triển khai hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu công tác dân tộc nhằm mục tiêu tổng hợp và phân tích thông tin hoạt động về công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc. Tỉnh cũng yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức công tác trong vùng DTTS cần tham gia các lớp tiếng DTTS để sử dụng trong công việc, trong giao tiếp, vận động đồng bào, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc. 

Tuy nhiên, dường như vẫn thiếu một kênh thông tin chính thức để thực hiện việc trao đổi hai chiều giữa người dân, doanh nghiệp và các tổ chức liên quan đến cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh. 

“Qua thực tế đi làm việc tại các vùng đồng bào DTTS nhiều năm qua, các cán bộ của Ban Dân tộc tỉnh nhận thấy rằng vẫn còn một bộ phận người dân không hiểu hết được nghĩa của các từ tiếng Việt hay từ Hán Việt... Hay như đợt dịch COVID-19 vừa qua, việc chuyển ngữ các tài liệu tuyên truyền sang tiếng K’Ho, tiếng Churu đã gặp rất nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian để biên dịch, thẩm định... Vì thế việc có chuyển ngữ bằng phần mềm là việc quan trọng và hết sức cần thiết”, ông Thăng cho biết thêm. 

Hiện nay, các cán bộ của Ban Dân tộc phối hợp với đơn vị chủ đầu tư đang trong quá trình số hóa và hoàn thiện kho dữ liệu với hơn 4.000 trang tài liệu về thông tin cơ bản liên quan đến văn hóa các DTTS tiêu biểu trong tỉnh như: Dữ liệu về công trình kiến trúc đặc thù, dữ liệu về các nghề thủ công, trang phục, trang sức, dữ liệu về dân nhạc dân vũ, âm nhạc, nghệ thuật dân gian, dữ liệu về bài thuốc dân gian, về lễ hội truyền thống, về hồ sơ di tích...

Phần mềm cũng tích hợp các bài học tiếng K’Ho và Churu chuẩn của tỉnh biên soạn, từ điển Việt - K’Ho, Việt - Churu, có thể sử dụng phần mềm để biên soạn thông tin tuyên truyền vùng DTTS. Đồng thời, sẽ giúp duy trì ngôn ngữ các dân tộc trên địa bàn tỉnh cũng như giúp người DTTS có thể hiểu được các văn bản hành chính và thông tin liên quan đến tỉnh Lâm Đồng được truyền tải bằng chính ngôn ngữ của mình...

Theo ông Thăng, sau khi hoàn thiện và đưa vào sử dụng, Ban Dân tộc sẽ có được hệ thống công cụ hữu hiệu để nâng cao chất lượng tham mưu, quản lý, điều hành góp phần tích cực vào chương trình cải cách hành chính, chính sách cũng như các văn bản hành chính của tỉnh cho người DTTS K’Ho và Churu, thay đổi lề lối làm việc của các cán bộ theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp. Đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương.

Để nâng cao hiệu quả trong quá trình vận hành diễn đàn, Ban Dân tộc cũng đề nghị cán bộ làm công tác dân tộc các huyện thường xuyên cập nhật thông tin, phản ánh trao đổi, đóng góp ý kiến xây dựng diễn đàn và phần mềm tích hợp, đồng thời, tuyên truyền rộng rãi cho bà con đồng bào DTTS tại nơi cư trú biết và sử dụng ứng dụng diễn đàn. Bởi đây chính là một trong những kênh thông tin tuyên truyền việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội và gắn kết các dân tộc trên địa bàn tỉnh.