Ngày 10/4 vừa qua, huyện Đức Trọng đã hoàn thành việc đầu tư hệ thống truyền thanh cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông giai đoạn I tại tất cả 15 xã, thị trấn với kinh phí trên 11 tỷ đồng. Việc trang bị hệ thống truyền thanh thông minh đã thay đổi cơ bản cách thức vận hành, đem lại hiệu quả tích cực trong công tác tuyên truyền tại cơ sở.
Lắp đặt hệ thống truyền thanh cơ sở ứng dụng CNTT-VT |
Trên địa bàn huyện hiện có 15 đài truyền thanh cơ sở. Thời gian qua, hoạt động của hệ thống đài truyền thanh cơ sở đã cơ bản bám sát định hướng của các cấp ủy, chính quyền địa phương; tiếp phát sóng các Đài VOV, Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng và bản tin của Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện để kịp thời tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các nhiệm vụ về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo quốc phòng - an ninh; các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động; phản ánh gương người tốt, việc tốt trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội... Qua đó góp phần tích cực vào việc vận động cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân đồng thuận, chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hăng hái thi đua lao động, sản xuất, hoàn thành tốt các nhiệm vụ của địa phương.
Nhiều đài truyền thanh cơ sở đã phát huy rõ nét vai trò thông tin, tuyên truyền, bám sát nhiệm vụ địa phương, như: Phòng, chống dịch bệnh COVID-19, sốt xuất huyết; phát động Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; Chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư...
Tuy nhiên, theo ông Phạm Viết Thạch - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Đức Trọng, qua đánh giá thực tế, hoạt động của đài truyền thanh cơ sở vẫn còn có một số hạn chế nhất định như: Số lượng loa truyền thanh còn ít so với địa bàn khu dân cư; đài truyền thanh cơ sở được đầu tư bằng nhiều nguồn kinh phí nên thiết bị chưa đồng bộ; một số thiết bị thường xuyên bị hư hỏng do không thực hiện tốt việc vận hành, bảo dưỡng, nâng cấp sau đầu tư, cùng với đó là tác động của điều kiện thời tiết, môi trường...
Bên cạnh đó, chất lượng công tác quản lý, vận hành còn nhiều hạn chế, việc tiếp phát sóng không đều, cùng với việc cán bộ phụ trách thiếu ổn định, chưa đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn nên đã phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác thông tin, tuyên truyền.
Ngay từ năm 2018, huyện Đức Trọng đã đầu tư khoảng 1,6 tỷ đồng để trang bị mới hệ thống truyền thanh cho 4 xã, gồm: N’Thol Hạ, Phú Hội, Ninh Loan và Tà Năng. Đến cuối năm 2022, trên địa bàn huyện có 466 cụm với 932 loa, trong đó, còn hoạt động 225 cụm với 450 loa. Tháng 2/2023, huyện đầu tư mới 271 cụm với 542 loa công nghệ thông tin - viễn thông (CNTT-VT). Đến ngày 10/4/2023, huyện Đức Trọng đã hoàn thành việc đầu tư hệ thống truyền thanh cơ sở ứng dụng CNTT-VT giai đoạn I, gồm 271 cụm, với 542 loa tại tất cả 15 xã, thị trấn, với kinh phí trên 11 tỷ đồng.
Ninh Loan là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Đức Trọng, cũng là một trong số địa phương đầu tiên được lắp đặt mới hệ thống thiết bị đài truyền thanh cơ sở ứng dụng CNTT-VT với số lượng 10 bộ thu/9 thôn, nghiệm thu đưa vào hoạt động vào tháng 2 vừa qua với độ phủ sóng đạt 50% trên mật độ dân số toàn địa bàn. “Đối với cán bộ vận hành như chúng tôi thì truyền thanh thông minh có nhiều ưu điểm, có thể điều khiển chương trình và biên tập chương trình thực hiện ngay trên máy tính, điện thoại. Là địa phương ở vùng sâu, vùng xa, nhiều đồi núi, với công nghệ mới này, mặc dù sóng mạng đôi khi cũng không được tốt, nhưng từ khi đưa vào vận hành hệ thống truyền thanh thông minh này, chất lượng âm thanh cũng chuẩn hơn, độ phủ sóng cũng rộng hơn”, anh Nguyễn Minh Phước - cán bộ phụ trách Đài Truyền thanh xã Ninh Loan cho biết.
“Việc xây dựng đài truyền thanh CNTT-VT có tích hợp bộ thu FM truyền thống là mô hình truyền thanh thông minh, hiện đại; phương thức truyền dẫn tín hiệu âm thanh trên hạ tầng viễn thông, internet trong truyền dẫn, phát sóng, có khả năng quản lý, kiểm soát chất lượng tới từng cụm loa. Đây là giải pháp công nghệ hiện đại có nhiều ưu điểm hơn so với truyền thanh không dây và có dây FM, như: Không giới hạn khoảng cách truyền tín hiệu âm thanh; khắc phục được các lỗi thường xảy ra với các hệ thống tiếp âm sóng FM như bị nhiễu, sóng không ổn định do thời tiết; ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, lưu trữ và quản lý chương trình; chuyển tải chương trình trên hệ thống từ Trung ương đến địa phương hoặc sang các ứng dụng khác như cổng thông tin điện tử của địa phương, các cơ quan báo chí; quản lý lịch phát sóng tự động...; sử dụng trí tuệ nhân tạo trong một số khâu như chuyển đổi bản tin giấy sang giọng nói, dịch tự động tiếng Việt sang tiếng các dân tộc thiểu số... Việc triển khai hệ thống truyền thanh thông minh góp phần thực hiện tốt Quyết định số 135 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở cũng như thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số của huyện Đức Trọng nói riêng, tỉnh Lâm Đồng nói chung. Qua khảo sát, trên địa bàn huyện cần đầu tư thêm 262 cụm với 524 loa để đảm bảo độ bao phủ và đáp ứng nhu cầu của Nhân dân. Đồng thời, chúng tôi cũng đề nghị quan tâm hỗ trợ kinh phí và có những quy định, hướng dẫn cụ thể về việc chi trả nhuận bút viết tin, bài và việc tổ chức sản xuất bản tin của đài truyền thanh cơ sở, nhằm nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền tại cơ sở”, ông Phạm Viết Thạch nói thêm.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin