Làm thế nào để kích thích được niềm đam mê đọc sách ở học sinh; làm thế nào để quá trình đọc sách thực sự có hiệu quả; làm thế nào để xây dựng và phát triển văn hóa đọc, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa nhà trường... Đó là nỗi niềm trăn trở của những người làm công tác thư viện ở Lâm Đồng nhằm mang sách đến gần hơn với các em học sinh, giúp các em hình thành thói quen đọc sách như một nhu cầu tự thân, một sở thích, niềm vui và khát vọng không thể thiếu trong đời sống tinh thần mỗi ngày.
Học sinh Trường Lê Quý Đôn (Đà Lạt) đọc sách trong không gian xanh |
Ở Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (Đà Lạt), những bức tranh tường nổi bật ở các dãy lớp học, cầu thang lên tầng 2 là hình ảnh của sách. Những cô bé, cậu bé háo hức cùng khoác vai nhau đến thư viện, chụm đầu chọn những cuốn sách hay, cùng nhau say sưa đọc, trao đổi sôi nổi đã thành một nét đẹp thường thấy. Thư viện trường học được trang trí lộng lẫy, cuốn hút, lôi cuốn các em. Cô thủ thư ân cần, dịu dàng và còn có bao nhiêu truyện hay kèm những hình vẽ sống động, hấp dẫn. Đọc sách trở thành một hoạt động trong mỗi giờ ra chơi của học sinh.
Trường THCS Gia Viễn nằm ở vùng sâu Cát Tiên, dù điều kiện không thuận lợi bằng các trường học ở trung tâm, nhưng nhận rõ tác dụng của sách và việc đọc sách, nhà trường đã đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng thư viện. Thư viện được bố trí trong căn phòng rộng, ở vị trí thuận lợi, không gian mở, sáng, mát, những kệ sách được bày trí đẹp mắt, sắp đặt với cây xanh. Học sinh được tự do đến thư viện chọn, đọc sách trước - sau buổi học, giờ ra chơi.
Với hơn 5.000 đầu sách, cô thủ thư Nguyễn Thị Hồng Loan đã khéo léo sắp xếp một cách khoa học theo từng lĩnh vực, xây dựng thư viện trường học thành không gian đọc sách thân thiện cuốn hút học sinh. Cô luôn trăn trở đưa ra những giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động để thu hút bạn đọc đến thư viện nhà trường, xây dựng môi trường đọc thân thiện giúp hình thành thói quen đọc sách cho học sinh. Cô Loan đã tạo ra nhiều sân chơi gắn liền với sách như Hội thi Xếp sách nghệ thuật, triển lãm sách, vẽ tranh theo sách, thi làm thiệp theo sách, đọc sách ngoài trời, tiết đọc sách của các lớp tại thư viện trường... để học sinh tiếp cận với sách, dành tình yêu cho sách. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đổi mới phương pháp dạy và học trong nhà trường.
Ở Trường Tiểu học Suối Thông (Đạ Ròn - Đơn Dương), thư viện trường thực sự là điểm đến văn hóa, là trung tâm văn hóa học đường, các thầy cô giáo luôn tận tụy hướng dẫn các em kỹ năng đọc sách, cách sử dụng thư viện hiệu quả, giới thiệu nguồn tài liệu. Luôn tạo điều kiện cho học sinh sử dụng sách linh hoạt, hiệu quả, tích cực tham gia các hoạt động, tạo mối quan hệ nhân ái, cởi mở, tương trợ lẫn nhau giữa các học sinh đến với không gian sách. Nhà trường chủ động sắp xếp các giờ học chính khóa, vừa có các tiết đọc sách như những tiết học ngoại khóa để thu hút học sinh đến với thư viện, tổ chức thi đọc sách, vẽ tranh, kể chuyện, thảo luận về cuốn sách hay. Tổ chức cho học sinh kể chuyện dưới cờ về những tấm gương người tốt, việc tốt, thiếu nhi anh dũng, những câu chuyện được các em đọc, hiểu, diễn sống động đã góp phần rèn luyện kỹ năng diễn thuyết, tâm lý thể hiện mình trước đám đông. Qua đó mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp các em hứng thú trong học tập, tăng kỹ năng giao tiếp, khơi dậy khả năng cảm thụ văn học cho các em, nâng cao chất lượng dạy và học. Hàng năm, nhà trường mua bổ sung thêm các đầu sách phù hợp với lứa tuổi học sinh tiểu học, trang thiết bị, kệ sách, không gian thư viện bắt mắt và sắp xếp khoa học... tạo ra môi trường đọc sách khang trang, sạch đẹp.
Thực hiện chương trình phối hợp công tác nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về thư viện và đẩy mạnh các hoạt động giáo dục học tập suốt đời trong các thư viện trường học của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch và Sở Giáo dục - Đào tạo, những năm qua, Thư viện Lâm Đồng đã tích cực phối hợp, hỗ trợ các trường học xây dựng “Thư viện xanh” đẩy mạnh Phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 671 thư viện trường học (từ mầm non đến giáo dục nghề nghiệp) với tổng số 663.100 đầu sách, 3.245.086 bản sách, 77.703 báo và tạp chí, 14.008 tài liệu số hóa, phục vụ 1.050.113 lượt bạn đọc là học sinh các cấp/năm. Hàng năm, Thư viện Lâm Đồng còn thực hiện hơn 120 chuyến xe thư viện lưu động về các trường học ở cả 12/12 huyện, thành, đưa gần 320.000 bản sách về phục vụ hơn 150.000 độc giả nhỏ tuổi.
Bà Vi Bích Thủy Châu - Phó Giám đốc Thư viện Lâm Đồng cho biết: Những năm qua, văn hóa đọc và phong trào đọc sách trong trường học cũng như hệ thống thư viện học đường không ngừng lớn mạnh, hoạt động hiệu quả. Mô hình thư viện thân thiện, thư viện xanh đã có sức hấp dẫn đặc biệt với các em từ những bức tranh cổ động đến sự bày trí, sắp đặt không gian đọc sách. Thư viện không chỉ là nơi phục vụ nhu cầu thông tin, tham khảo sách, báo của học sinh với nguồn tài liệu phong phú, mà còn là nơi giải trí lành mạnh cho các em sau những giờ học căng thẳng. Thói quen đọc sách của các em cũng đã dần hình thành. Từ sự đam mê và yêu thích đọc sách ấy, nhiều em học sinh đã có thể tự tin hơn, có kỹ năng đọc, kỹ năng ghi nhớ và tư duy tốt hơn. Đó thực sự là những lợi ích tốt đẹp mà thư viện thân thiện, thư viện xanh mang lại. Thời gian tới, Thư viện Lâm Đồng tiếp tục đồng hành với ngành Giáo dục nhân rộng các mô hình thư viện để phát triển văn hóa đọc cho học sinh, tạo cho học sinh sự hứng thú học tập, khơi dậy khả năng tư duy, sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của các trường học trên địa bàn toàn tỉnh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin